Freelancing là gì?
Làm việc tự do (freelancing) là khái niệm chỉ những người tự làm chủ và cộng tác với nhiều dự án cho nhiều tổ chức/doanh nghiệp/cá nhân khác nhau cùng lúc, thay vì trở thành một nhân sự cố định thuộc một tổ chức/doanh nghiệp nào đó. Ví dụ, một cây viết tự do có thể viết bài cho 3 doanh nghiệp khác nhau đồng thời.
Người làm việc tự do như vậy được gọi là những freelancer. Họ cung cấp dịch vụ và hưởng thù lao trên các đầu việc, tính phí theo giờ, ngày hoặc theo từng dự án cụ thể chứ không hưởng lương cứng. Các công việc tự do thường có tính ngắn hạn, nhưng cũng có những dự án rất dài hơi. Ví dụ, một người viết tự do có thể nhận viết một bài PR và hưởng nhuận luôn, nhưng đồng thời cũng cộng tác với tổ chức khác và mỗi tháng sản xuất 3 – 4 bài viết cho họ.
Các công việc freelance phổ biến
Một số công việc tự do phổ biến ngày nay thường là trong ngành công nghiệp sáng tạo như thiết kế đồ họa, viết lách, xây dựng và phát triển website, fanpage, nhiếp ảnh, phiên dịch viên, huấn luyện, đào tạo,...
Dưới đây là các nghề nghiệp tiềm năng và phù hợp nhất với hình thức này.
Viết lách & Dịch thuật
Làm việc với tư cách một cây viết tự do cho phép bạn thỏa sức bung phím viết về nhiều chủ đề khác nhau. Bạn có thể viết quảng cáo cho nhãn hàng này, viết bài PR cho sản phẩm mới ra mắt của thương hiệu khác, viết bình luận phim cho một tạp chí điện ảnh chẳng hạn.
Nhiếp ảnh
Tương tự như viết lách, nhiếp ảnh là một mảng rất rộng mà bạn có thể thử sức và cơ hội kiếm tiền từ ngành này cũng dễ dàng hơn vì nhu cầu lớn. Nhiếp ảnh gia cũng có nhiều dạng, từ chụp chân dung, sự kiện, chụp hình quảng cáo, chụp ảnh thời trang, du lịch,...
Thiết kế đồ họa
Người thiết kế đồ họa (Graphic Designer) là người chuyên tạo ra các thiết kế sáng tạo kỹ thuật số để truyền tải thông điệp hoặc ý tưởng.
Người thiết kế đồ họa thường sử dụng các công cụ và phần mềm như Adobe Photoshop, Illustrator để tạo ra những ấn phẩm chuyên nghiệp và hấp dẫn. Họ cần có khả năng tư duy bằng hình ảnh, có óc sáng tạo, nắm vững các nguyên tắc thiết kế, thông thạo công nghệ và đặc biệt là có khả năng làm việc dưới áp lực lớn.
Gia sư/Mentor/Huấn luyện viên
Gia sư bản chất là một nghề nghiệp tự do, trong đó thường thì người dạy và người học kết nối với nhau thông qua người môi giới (trung tâm giới thiệu). Đây là một nguồn thu nhập ổn định với sinh viên, và tầm ảnh hưởng của nó đã nở rộ trong vài năm trở lại đây dưới các hình thức chuyên nghiệp hơn như mentor, huấn luyện viên,...
Phiên dịch viên
Để trở thành một phiên dịch viên tự do, người đó cần có kiến thức sâu về ít nhất hai ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa và ngữ cảnh của các quốc gia hoặc khu vực tương ứng. Kỹ năng lắng nghe tốt, khả năng diễn đạt rõ ràng và sự linh hoạt trong việc chuyển đổi giữa các ngôn ngữ là những yêu cầu quan trọng để trở thành một phiên dịch viên tự do thành công.
Travel blogger
Travel blogger thực chất là một nhánh của viết lách mà tôi vừa thảo luận bên trên. Nói đơn giản, travel blogger là người viết blog du lịch, chuyên chia sẻ trải nghiệm, kinh nghiệm và thông tin về các điểm đến du lịch. Bên cạnh việc viết tốt vốn là điều kiện bắt buộc, các travel blogger thường trang bị thêm cho mình kỹ năng nhiếp ảnh (cũng phải thôi, đi nhiều mà không chụp lại được thì phí lắm). Cuối cùng, họ cũng cần phát triển mạng lưới xã hội và hiểu về các công nghệ và công cụ sử dụng trong việc tạo nội dung trực tuyến, chẳng hạn như viết blog, quay video và chỉnh sửa ảnh.
Công thức đơn giản để có được thu nhập
Xác định thị trường ngách của bạn
Cái này thuật ngữ gọi là niche, dân marketing họ thường gọi là thị trường ngách. Nhưng tại sao lại phải xác định thị trường ngách?
Đơn giản lắm. Bạn đâu thể cung cấp dịch vụ cho tất cả mọi người. Bạn đâu thể làm mọi thứ, đúng chứ? Và đâu phải cái gì bạn cũng có thể làm tốt được, và chưa chắc đó đã là cái khách hàng cần.
Thị trường ngách là đoạn thị trường còn chỗ trống, có tiềm năng sinh lời mà bạn có thể tham gia.
Ví dụ nhé, giờ tôi muốn lập một blog và dự định sẽ kiếm tiền từ nó. Giờ thì tôi có các ngách sau, tức là blog về những chủ đề sau: ăn uống, sách, phim ảnh, chữa lành,...
Xác định đối tượng khách hàng của bạn
Bạn cung cấp dịch vụ cho ai? Họ cần gì ở dịch vụ của bạn? Tại sao họ lại cần đến dịch vụ của bạn? Đó là ba câu hỏi đơn giản giúp bạn xác định đối tượng khách hàng của mình. Trả lời câu hỏi càng chi tiết càng tốt.
Giả sử bạn là một huấn luyện viên bóng rổ, đối tượng khách hàng của bạn sẽ là? Học sinh, sinh viên, các vận động viên – đó là những người bạn phải nhắm tới trước tiên. Càng đi sâu vào nghiên cứu khách hàng, bạn càng ít gặp trục trặc trong những khâu về sau. Càng hiểu khách hàng, cơ hội thất bại càng thấp.
Định giá sản phẩm/dịch vụ của bạn
Các freelancer thường làm việc theo dự án và không có lương cố định, vì vậy nhiều người thiết kế sẵn một bảng giá dịch vụ để chào hàng. Đôi khi giá cũng được ấn định bởi bên thuê dịch vụ. Về cơ bản thì đây là quá trình thương lượng giữa đôi bên. Tôi khuyên bạn nên tham khảo giá thị trường trước sau đó tự xây bảng giá của chính mình, tránh các trường hợp “ngáo giá” hoặc đặt giá quá thấp rồi thấy thiệt thòi. Quan trọng nhất, hãy thẳng thắn từ chối những đối tác trả quá bèo. Thật đấy, dù gì cũng là sức lao động của mình. Thành thực đi, dù bạn yêu công việc này tới mấy thì bạn cũng cần tiền mà – nhất là khi công việc freelance đang nuôi sống bạn.
Chuẩn bị các sản phẩm mẫu
Với những người làm việc sáng tạo, việc có các sản phẩm mẫu hoặc các dự án từng làm gần như bắt buộc. Nếu khách hàng chẳng biết bạn là ai, tài cán ra sao, năng lực thế nào thì show ra các sản phẩm mẫu bỗng trở nên thật quan trọng. Tôi thường gọi chúng là “hồ sơ kinh nghiệm” để đem đi chào hàng.
Trong ngành sáng tạo (xin lỗi vì đề cập quá nhiều tới ‘sáng tạo’) thì hồ sơ kinh nghiệm có thể gọi là ‘portfolio’. Portfolio bao gồm các sản phẩm bạn từng làm với các đối tác trước đó, các sản phẩm bạn tự làm coi như luyện tập tay nghề,... nhưng điều quan trọng nhất là nó phải do bạn làm ra. Độc nhất. Không sao chép.
Nếu bạn đang loay hoay không biết xây dựng bản portfolio ra sao, hãy cứ bình tĩnh đọc tiếp đã. Vấn đề này tôi sẽ giải đáp ngay bên dưới.
Tiếp thị sản phẩm/dịch vụ của bạn
Ngày xưa mỗi lần có rạp xiếc lưu diễn ghé qua, bạn sẽ thấy họ phân phát cả đống tờ rơi la liệt khắp mặt đường, trường học. Rồi họ cầm cái loa to đùng thông báo về buổi diễn xiếc suốt ngày. Về bản chất, đó là họ đang tiếp thị sản phẩm của bản thân.
Giờ thì bạn cũng phải như họ vậy. Nhưng dễ thôi, chúng ta có mạng xã hội mà. Việc bạn cần làm chỉ đơn giản là đăng tải sản phẩm mẫu của mình lên mạng. Đăng tải lên các diễn đàn, group Facebook. Xây dựng hẳn một fanpage, lập riêng một nick Instagram cũng được, nhất là khi sản phẩm bạn cung cấp là hữu hình. Mấy ông designer tôi quen hầu như ai cũng có riêng một “tài khoản công việc”, là nơi họ đăng các thiết kế của mình lên đó.
Duy trì và mở rộng mạng lưới của bạn
Bạn đã nghe qua thuật ngữ “marketing truyền miệng” chưa? Một khách hàng hài lòng sẽ kéo đến nhiều khách hàng khác và ngược lại, một khách hàng không hài lòng sẽ kéo theo nhiều, nhiều khách hàng khác đi theo. Lynh Miêu, một tác giả trẻ nổi tiếng tại Việt Nam còn xây dựng hẳn một cộng đồng chia sẻ kiến thức viết lách cho người theo dõi cô trên Facebook. Cây viết Linh Phan cũng làm điều tương tự, và cộng đồng này hiện nay đã lên tới hơn 30K người tham gia. Người hâm mộ có thể không mua sản phẩm của bạn ngay tức thì, nhưng đôi khi họ sẽ tìm thấy gì đó bổ ích trong nội dung bạn chia sẻ, và họ thưởng cho bạn bằng cách mua sản phẩm của bạn.
Lợi và hại của hình thức làm việc tự do
Trong cuốn sách Con Đường Trở Thành Freelancer Writer: Tôi Đã Kiếm 800.000.000 Một Năm Từ Viết Lách Như Thế Nào? của tác giả Linh Đan – một cây viết tự do có tiếng có một câu rất hay như sau: “Tự lo nhưng ắt sẽ tự do. Rủi ro nhưng ắt sẽ đầy kho.” Nhìn chung thì lợi và hại của hình thức freelance đều khá dễ thấy (như câu nói trên vậy) nhưng cũng có vài “con rận” mà chỉ người “trong chăn” mới thấu. Cùng điểm qua mặt lợi trước nhé.
Thời gian làm việc linh hoạt
Dẹp mấy chuyện 9-to-5 hay ăn bữa trưa tự chuẩn bị trên bàn làm việc đi. Hình thức freelance cho phép bạn tự chọn giờ làm việc hoặc tự đặt ra lịch trình làm việc phù hợp của riêng mình. Stephen King, ông hoàng truyện kinh dị chia sẻ thường dành cả buổi sáng viết lách và đọc sách tới 4 tiếng/ngày. David Ogilvy, cha đẻ của quảng cáo hiện đại lại nói ông không bao giờ viết ở cơ quan cả, ông viết tất cả vào mỗi tối sau khi đã khóa chặt cửa phòng và thường nốc một nửa chai rượu rum mỗi khi “bí ý tưởng”. Chà, còn bạn thì sao, chú chim dậy sớm hay con cú đêm đây?
Nhiều lựa chọn
Với tư cách một freelancer, không ai có thể ép bạn làm việc này việc kia ngoại trừ chính bạn. Bạn có thể chọn dự án mình muốn làm, đối tác bạn muốn cộng tác, lĩnh vực bạn muốn dấn thân,...
Đa dạng hóa nguồn thu nhập
Vì làm nhiều bên một lúc, bạn có thể kham tới 3 – 4 dự án liền. Dự án A tiền chưa về thì lấy tạm tiền bên dự án B tiêu vậy. Nghe như thể tự do tài chính ấy nhỉ? Chưa hẳn đâu, hãy xem qua một vài điểm bất lợi sau.
Ít ổn định hơn
Là một freelancer, bạn sống được nhờ khách hàng. Giai đoạn đầu khi tên tuổi chưa có thì kiếm được một khách hàng cũng rất gian nan. Đó là chưa kể tới họ có làm việc với bạn lâu dài không hay chỉ một dự án rồi “đường ai nấy đi”. Mẹo là bạn có thể nhờ họ giới thiệu bạn với những đối tác khác khi có nhu cầu (tất nhiên là bạn phải làm tốt đã thì họ mới tin tưởng).
Ít được hưởng các chính sách phúc lợi
Bảo hiểm, lương hưu, quà sinh nhật, du lịch,... hầu như là không có. Rất nhiều freelancer tôi quen có trò tự tạo ra niềm vui cho mình bằng cách lập sổ tiết kiệm và tự tặng mình một món quà lấy động lực. Bạn có thể bắt chước. Còn tôi thì… nah.
Làm thế nào để bắt đầu công việc freelance khi chưa có sản phẩm mẫu?
Đây là một trong những câu hỏi phổ biến nhất trong mọi ngành nghề sáng tạo. Làm thế nào để bạn có thể khẳng định được độ uy tín, hoặc ít nhất là cũng show ra cho đối tác thấy rằng bạn có đủ khả năng đảm nhận công việc này?
Nếu tôi là một người đi tuyển, chắc chắn tôi sẽ không chọn người không có kinh nghiệm. Bạn cũng vậy thôi. Bởi vậy, bạn phải tự cho kinh nghiệm cho mình bằng cách tự làm ra các sản phẩm mẫu.
Là một cây viết, bạn hoàn toàn có thể tự ra đề bài và tự viết mà.
Là một nhiếp ảnh gia, bạn bấm máy lúc nào mà chẳng được.
Là một người thiết kế đồ họa, tại sao bạn không đăng các ấn phẩm của mình lên mạng xã hội nhỉ?
Sau đó, nhớ là tổng hợp lại các tác phẩm và sắp xếp chúng gọn gàng, ngăn nắp trong một file riêng. Hãy chọn ra một vài cái bạn tâm đắc nhất và sử dụng chúng cho màn chào hàng thêm thuyết phục.
*Mẹo: Sẽ tốt hơn nếu bạn hỏi thêm cả người thân, bạn bè về các tác phẩm của bản thân. Thường thì cái bạn tâm đắc nhất chưa chắc đã phải cái người ta thích nhất, vì vậy hãy xem xét cả những góc nhìn khách quan. Tin tôi đi, tôi hiểu điều này mà!
Lời kết
Có lẽ tôi nên đặt tên phần này là ‘Lời khuyên’ thì đúng hơn. Nhưng không sao, tôi đã đan cài đủ lời khuyên xuyên suốt hơn 2.000 chữ bạn vừa đọc (hoặc lướt qua). Tuy nhiên tôi vẫn sẽ có vài lời cuối muốn dành tặng tới những ai đã, đang và sắp dấn thân vào thế giới freelance như sau.
Mọi lời khuyên đều mang tính tự nhủ. Khi tôi khuyên bạn, thực chất tôi đang nói chuyện với chính bản thân tôi trong quá khứ. Hãy chỉ coi nó là lời khuyên, là ngọn đèn soi đường giúp bạn vượt qua đêm tối mờ mịt chứ đừng quá gò bó. Bạn phải tự vẽ lên câu chuyện của chính mình. Tôi mong những lời khuyên có thể giúp bạn tránh được những sai lầm không đáng có mà tôi từng gặp phải.
Đừng nóng vội. Hãy cứ chậm rãi thôi. Khi còn ở trong đội việt dã thời đi học, thầy giáo luôn nói với chúng tôi rằng “Chạy nhanh hay chậm đều được, miễn là phải chạy. Không được đi bộ, rồi cuối cùng cũng về đích hết.” Vấn đề không nằm ở chỗ bạn chạy nhanh hay chậm mà bạn có chạy hay không. Giờ thì bạn nhấc mông dậy và làm gì đó đi.
Đọc sách chẳng hạn.