ChatGPT, chatbot miễn phí do Open AI phát triển xuất hiện vào tháng 11/2022 và tạo tiếng vang dữ dội tới mức các ông lớn công nghệ khác cũng đua nhau ra mắt phiên bản chatbot của riêng mình. Năm 2023 có thể coi là “cuộc đua AI”. 

Viết sách, viết content, viết kịch bản, hỏi xin lời khuyên, giải bài tập, nghĩ ý tưởng,... con chatbot này đã và đang chứng tỏ được sự vô đối của mình (dù đôi khi mấy câu trả lời vẫn hơi đuối và độ tin cậy đạt tầm 70 – 80%). 

Nhưng nếu biết sử dụng, ChatGPT thực sự là một mảnh đất phì nhiêu để bạn canh tác. Dù bạn là ai, bạn đang làm gì và bạn cần giúp đỡ gì, dưới đây là một vài cách phổ biến nhất để bạn “lợi dụng” ChatGPT. 

Nguồn: Ultimate.ai

#1. Hỏi xin lời khuyên 

Dù bạn là một nhiếp ảnh gia, diễn viên, nhà marketing, người viết content hay chuyên viên thiết kế, ChatGPT là một công cụ hữu ích để hỏi xin lời khuyên nghề nghiệp. Dưới đây là câu hỏi của tôi, cũng khá chuẩn đấy chứ! 

À thì tôi đã thử hỏi xin lời khuyên về các vấn đề khác như tình cảm, cuộc sống,.. nhưng nhìn chung câu trả lời nhận được khá là “sách giáo khoa”. Trong trường hợp bạn muốn viết sách self-help, lời khuyên của ChatGPT sẽ rất hữu ích. 

#2. Nghiên cứu thị trường 

Nếu bạn đang làm bài tập cá nhân, đồ án, luận án hay dự án cá nhân, nghiên cứu thị trường là bước không thể thiếu, nếu không muốn nói là khâu quan trọng và ngốn nhiều thời gian nhất. Chất lượng thành phẩm của bạn phụ thuộc phần lớn vào khâu này, phải chứ? 

Thay vì lượn lờ khắp các website, gõ từ khóa rồi căng mắt ra đọc, tại sao bạn không yêu cầu ChatGPT liệt kê sẵn cho bạn các nguồn tham khảo, số liệu cùng bảng biểu nhỉ? Sau đó, bạn có thể truy cập các trang web này nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn. 

Đúng là ChatGPT không hoàn hảo, nhưng chẳng phải rất tuyệt nếu nó có thể chỉ ra nơi bạn cần đến sao? Dưới đây là cách tôi khảo sát thị trường sách nói (audio book): 

#3. Tìm kiếm ý tưởng

Tìm kiếm ý tưởng có lẽ là chức năng phổ biến nhất mà tất cả người dùng ChatGPT đều biết và sử dụng. Từ các vụ đơn giản như ý tưởng quà tặng cho con gái nhân ngày sinh nhật hay ý tưởng content cho fanpage tới ý tưởng sáng tạo cho chiến dịch truyền thông, chú bé GPT này đều xử ngon. 

Càng đưa ra bản brief cụ thể, ChatGPT đưa ra câu trả lời càng chi tiết. Hãy thử áp dụng và tự chọn ra ý tưởng phù hợp nhất với bạn nhé.  

#4. Xây dựng kế hoạch, bảng biểu 

Tôi thường nhờ ChatGPT lập giúp tôi kế hoạch làm việc theo tuần. Mỗi cuối tuần, tôi sẽ nêu ra một vài yêu cầu nhỏ như số lượng bài đăng mỗi ngày, chủ đề nghiên cứu, ý tưởng cho từng chủ đề và nhờ nó xây sẵn cho tôi một bản kế hoạch. Sau đó, tôi sẽ nhìn vào bản kế hoạch này và tự xây bản kế hoạch của mình, thêm thắt vài chỗ tôi thích và “chôm” mấy ý tưởng hay ho mà nó đưa ra. 

Một prompt trên GPT-4 có tới gần 400.000 lượt xem là thiết kế timeline content của một tháng chỉ với 1 click. Cũng thú vị đấy chứ, bạn chỉ cần cung cấp cho con bot này thông tin về tệp khách hàng mục tiêu của bạn, mục tiêu đề ra, một vài lưu ý khác và nó sẽ cho ra đúng một bảng timeline content trong 1 tháng luôn. 

#5. Hỏi xin nhận xét 

Nếu bạn đang làm việc liên quan tới viết lách, đây là một cách rất hay để tận dụng ChatGPT trong giai đoạn feedback. Bạn biết mà, con chữ viết ra phải trải qua 7749 lần duyệt: bạn duyệt, sếp bạn duyệt, đối tác bạn duyệt rồi lại độc giả duyệt. 

Để tiết kiệm thời gian biên tập và hạn chế “sạn” trong những lần duyệt tiếp theo, bạn có thể dán đoạn văn bản vào boxchat rồi nhờ ChatGPT góp ý. Yên tâm đi, nó là AI nên nhận xét nó đưa ra cũng khá lý tính, đa phần sẽ bắt lỗi logic của bạn và đưa ra gợi ý về cách trình bày sao cho ý tứ mạch lạc hơn. 

Còn về ý kiến cảm tính thì sao? Nhờ bạn bè, đồng nghiệp chứ còn gì nữa. Vụ này thì ChatGPT không kham được rồi! 

#6. Dịch thuật 

Sao chép một đoạn văn bản và dán nó vào hộp thoại, sau đó đặt lệnh yêu cầu ChatGPT dịch nó ra ngôn ngữ bạn muốn. Quá đơn giản phải không nào? 

Thực ra thì kết quả cũng khá giống của bác Google. Tuy nhiên ưu điểm của ChatGPT là dịch được những đoạn văn bản dài, và sau đó bạn có thể yêu cầu nó soát lỗi chính tả đồng thời biên tập luôn trên hệ thống. ChatGPT đã tích hợp quy trình n bước mà bạn vẫn thường làm chỉ còn lại 2 bước duy nhất: dán và đặt lệnh. 

#7. Xây dựng dàn bài 

Nếu bạn là một là người làm công việc sáng tạo như viết lách, thiết kế, người tạo nội dung thì bí ý tưởng là chuyện xưa như ở huyện. Giống như khi viết văn, nét bút đầu tiên bao giờ cũng nặng nề nhất. Bạn không biết phải bắt đầu từ đâu, không biết nên làm trình tự ra sao. Giờ mà có ai đó đưa sẵn dàn ý tham khảo cho mình thì tốt biết mấy nhỉ, bạn nghĩ? 

#8. Nghiên cứu thông tin 

Giả sử bạn đang có dự án viết bài về sách chẳng hạn, muốn phân tích kỹ bạn sẽ phải đọc, đọc và đọc rất nhiều tài liệu tham khảo, đồng thời đưa ra ý kiến, cảm nhận riêng về cuốn sách đó. Tuy nhiên nếu chỉ cần một lời giới thiệu hoặc nhận xét tổng quan, hãy để ChatGPT làm việc đó thay bạn. Hãy ra yêu cầu thật chi tiết như nêu rõ tên sách, năm xuất bản, nhà xuất bản và tên tác giả để nhận được câu trả lời chính xác nhất. Sau dó, bạn hãy kiểm tra độ xác thực bằng cách đối chiếu với các nguồn khác trên Internet và trải nghiệm của chính bạn khi đọc sách, biên tập. 

Một vài gợi ý trong khi trò chuyện với chatbot là bạn hãy yêu cầu liệt kê một vài bài viết ấn tượng về chủ đề X, một vài bài viết phổ biến về chủ đề Y, các bài viết được truy cập nhiều nhất về lĩnh vực Z. Yêu cầu càng cụ thể, câu trả lời càng chi tiết, bạn càng tiết kiệm được thời gian. 

#9. Đưa ra gợi ý 

Ngày trước mỗi khi muốn xem phim, tôi thường hỏi bác Google “Top các bộ phim kinh dị đáng sợ nhất”... đại loại vậy. Tôi cũng thường lướt Netflix tới 30 phút mà vẫn chưa chọn ra phim để xem. 

Đôi khi mấy bài viết chất lượng lại lặn sâu hun hút và tìm kiếm chúng thật mất thời gian, vậy nên tôi thử nhờ ChatGPT đưa ra gợi ý xem sao. Danh sách mà nó đưa ra sẽ như tập hợp một loạt các bài giới thiệu phim vậy. 

Chọn sách cũng vậy, bạn có thể nhờ ChatGPT gợi ý vài cuốn sách must-read về chủ đề, hoặc nhờ nó cung cấp vài cuốn sách nổi bật về vấn đề nào đó. 

Như cô bạn của tôi thì còn hỏi nó cả những món ăn ngon mà dễ nấu nữa cơ. Tôi thấy cũng khá ổn đấy chứ! 

#10. Viết lách 

ChatGPT đã tạo ra “sự bùng nổ sách điện tử do Ai viết trên Amazon”, theo hãng thông tấn Reuters. Nhiều nhà văn còn lo sợ con chatbot này sẽ thay thế mình trong tương lai, khi nó có thể soạn thảo ra một cuốn ebook 30 trang về chủ đề tài chính chỉ trong vòng 30 phút. 

Tuy nhiên thì các cáo buộc đã được đưa ra và thực sự tôi chỉ khuyên bạn nên sử dụng nó như một nguồn tham khảo. Đôi khi bạn sẽ bí ý tưởng và không biết phải viết ra sao, hãy nhờ ChatGPT xử phần mở đầu giúp bạn, đưa ra cho bạn vài bài viết mẫu để bạn bắt chước. 

Một giai đoạn khác quan trọng không kém trong quá trình sử dụng ChatGPT viết lách là kiểm tra. Bạn sẽ cần dành cho chút thời gian để kiểm tra tính xác thực của thông tin mà chatbot đưa ra, từ đó đoạn văn bản sẽ đạt độ tin cậy cao nhất. 

Lời cuối

Một vài tính năng khác của ChatGPT cũng được nhiều người quan tâm ví dụ như viết kịch bản video, lên kế hoạch từ khóa, phân tích website, viết code, viết quảng cáo, nghĩ tiêu đề,... mà bạn có thể mày mò thêm nếu thích thú. 

Cuối cùng hãy nhớ rằng: Chúng ta không bị thay thế bởi AI mà bởi những người biết sử dụng AI.