Tại sao có người chỉ nộp CV vài nơi là đã được gọi đi phỏng vấn, trong khi người khác rải CV hàng chục công ty mà mãi không được cuộc gọi nào? 

Bạn có bao giờ rơi vào tình trạng như trên? 

Bạn có muốn bản CV của mình chuyên nghiệp hơn, gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, khiến bạn nổi bật hơn so với vô vàn ứng viên khác? 

Có chứ. Chắc chắn là có rồi. 

Nhưng hầu hết chúng ta, nhất là bạn trẻ thường mắc phải những lỗi rất cơ bản khi viết CV, nhưng lại là hạt sạn to đùng mà nhà tuyển dụng lắc đầu ngao ngán. 

Hãy xem bạn có đang mắc phải lỗi nào không nhé và nếu có thì, đến lúc sửa rồi đó! 

Chắc hẳn bạn không muốn HR phải thế này khi đọc CV của bạn đâu đúng không?

Những lỗi cơ bản khi viết CV 

#1. CV màu mè, cá tính, chơi trội. 

Trừ khi bạn đang nộp CV vào những lĩnh vực thiết kế, truyền thông… – những nơi mà “đẹp” là một lợi thế thì thực sự bạn không cần phải tô vẽ CV màu mè hoa lá làm gì. 

CV này có thể rất phù hợp với những người làm sáng tạo, nhưng những ngành nghề cần sự nghiêm túc chỉn chu hơn thì chưa hẳn đã vừa mắt HR. 

Điều quan trọng nhất là nội dung và sự chỉn chu trong CV. Có nhiều CV rất đẹp nhưng rối mắt, thông tin trình bày lộn xộn, màu sắc không phù hợp khiến nhà tuyển dụng khó chịu. Tôi từng nghe ở đâu đó là HR không ưa những người dùng font chữ nhỏ cho lắm vì nó thể hiện người viết là kẻ chi li tính toán… Tôi thì không phải HR, nhưng nhìn CV chữ lí nha lí nhí cũng khó chịu lắm chứ. 

#2. Mục tiêu chung chung như bao người. 

“Là một người cầu toàn trong công việc, có trách nhiệm, chăm chỉ và nghiêm túc hoàn thành nhiệm vụ được giao đúng thời hạn, mong muốn làm việc ở một môi trường chuyên nghiệp.” 

Nghe chả khác nào sao chép và dán từ đâu đó về. Đây là “mục tiêu quốc dân” của cực nhiều bạn trẻ ghi trong CV, tưởng rất chuyên nghiệp nhưng lại là điểm trừ trong mắt HR. 

Hãy cụ thể hóa mục tiêu của bạn. Còn nếu bạn còn không biết phải cụ thể như nào, có lẽ đã đến lúc bạn dừng lại và ngẫm nghĩ về nghề nghiệp bạn đang theo đuổi rồi đấy. 

#3. Lạc đề. 

Kỹ năng là phần quan trọng buộc phải có trong CV, nhưng nhiều CV không hề có phần này hoặc có thì các bạn cũng viết một cách rất chung chung như nhiều người khác, hoặc đôi khi là liệt kê những kỹ năng không liên quan lắm tới công việc. 

Các kỹ năng chung chung là những kỹ năng mà 9/10 bản CV đều có như “Thành thạo tin học văn phòng”, “Kỹ năng giao tiếp”, “Kỹ năng làm việc nhóm”, “Khả năng lãnh đạo”, “Kỹ năng xử lý vấn đề”... 

Những kỹ năng trên không sai, nhưng nó không làm cho bạn khác biệt so với người khác. Và vì nó là kỹ năng mềm chung mà hầu như nghề nào cũng cần thiết, vậy nên bạn cần thêm vào CV những kỹ năng đặc thù của công việc hơn. 

Ví dụ nếu bạn nộp đơn làm nhân viên bán hàng, kỹ năng ưu tiên sẽ là “Kỹ năng thuyết phục”, “Telesales”, “Chăm sóc khách hàng”, “Kỹ năng đàm phán”... Nếu bạn nộp đơn xin làm nhân viên thiết kế thì kỹ năng có thể là “Thiết kế website/landing page”, “UX/UI Design”, “Thành thạo Photoshop và Illustrator”... 

Một mẹo nhỏ khác là bạn nên để kỹ năng theo dạng thang đo, thay vì chỉ liệt kê kỹ năng như thường. Ví dụ “Kỹ năng giao tiếp” bạn để ⅘ điểm, còn “Kỹ năng đàm phán” để ⅗, như vậy sẽ cụ thể hơn rất nhiều. 

Một dạng lạc đề khác mà nhiều bạn hay mắc phải là sa đà vào những thông tin phụ như sở thích, giới thiệu bản thân…. Bạn chỉ nên chọn lọc những thông tin cơ bản và một vài sở thích cá nhân (phù hợp với yêu cầu công việc) để đưa vào CV. Ví dụ như bạn ứng tuyển làm nhà báo, sở thích viết lách sẽ phát huy tác dụng, còn chạy bộ hay thiền thì tôi không chắc.. 

#4. Rải CV không kiểm soát. 

Theo chia sẻ của nhiều HR, nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn mới tốt nghiệp thường làm một CV giống nhau rồi đem rải ở nhiều vị trí công việc. Với quan điểm lấy số lượng bù chất lượng, nhiều bạn không đọc kỹ lại yêu cầu công việc và nộp CV một cách nhanh chóng. 

Tâm lý may rủi, cho rằng gửi nhiều là cơ hội tăng là hết sức sai lầm. Nhà tuyển dụng tìm kiếm người phù hợp nhất chứ không phải người giỏi nhất. Và để trở thành người phù hợp nhất, trước hết bạn phải hiểu nhà tuyển dụng đang cần gì và muốn gì. 

Lời khuyên là hãy tìm và sàng lọc những công việc phù hợp nhất với khả năng và trình độ của bản thân. Sau đó, dồn tâm sức chăm chút CV cho đúng với bản JD (Job Description - Mô tả công việc) mà nhà tuyển dụng đưa ra. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn tăng cơ hội tìm được việc của bạn. 

#5. Nói chung chung. 

Những lời lẽ hoa mỹ chung chung hay phóng đại quá đáng là điều cần tránh khi viết CV. 

Ví dụ, câu “Tạo ra nhiều chiến dịch quảng cáo giúp thu hút hàng triệu khách hàng” là chung chung. Hàng triệu khách hàng là bao nhiêu khách hàng, và đem lại doanh số là bao nhiêu. Nếu có thể nêu rõ thêm số liệu cụ thể kèm theo, câu này sẽ có sức nặng hơn. 

Một ví dụ khác, “Nền tảng kiến thức marketing vững chắc, từng tham gia nhiều câu lạc bộ và các cuộc thi dành cho sinh viên, đóng góp công sức đáng kể vào thành công của cả đội” là chung chung. Đáng kể thế nào, bạn nên trình bày rõ vị trí và các nhiệm vụ mình đảm nhận, thành tựu đạt được và các kết quả thể hiện theo dạng số liệu sẽ giúp HR dễ hình dung hơn.