Năm 1971, Chiến tranh Việt Nam vẫn đang căng thẳng, nước Mỹ phát hiện một sự thật đầy lo ngại: hơn 15% quân nhân Mỹ ở Việt Nam nghiện heroin. Bạn hẳn thấy con số trên khá bình thường, cho tới khi biết 15% binh lính Mỹ tại Việt Nam năm đó là gần 24.000. Trước tình hình trên, Chính phủ Mỹ lập tức xây dựng chương trình cai nghiện cho những người này. 

Trong 10 tháng đầu sau khi trở về Hoa Kỳ, kết quả mà đội ngũ nghiên cứu đưa về là tỷ lệ tái nghiện vỏn vẹn ở mức 5%. Bằng cách nào đó, nhiều quân nhân thậm chí còn cai nghiện thành công mà không cần tới sự giúp đỡ chính thức nào. Báo cáo nghiên cứu này đã khiến nhiều người đặt nghi vấn về tính xác thực của nó, tuy vậy sau hơn 50 năm, cùng với sự giúp đỡ từ các nhà tâm lý học, sự thật về kỳ tích ngoạn mục này mới được đưa ra ánh sáng.

Điều thú vị hơn là, cách mà các binh lính đã cai nghiện thành công, cũng là cách bạn có thể học tập và áp dụng để loại bỏ những thói quen xấu của mình. 

Một bức ảnh đăng trên tạp chí LIFE vào năm 1971, trong ảnh là Chad Harris, cựu quân nhân tại Việt Nam đang trải qua quá trình cai nghiện heroin. ẢNH: ARTHUR SCHATZ/ GETTY IMAGES

Trường hợp kỳ lạ của nước Mỹ 

Vào tháng 5 năm 1971, Chiến tranh Việt Nam bước sang năm thứ 16, hai nghị sĩ Robert Steele từ Connecticut và Morgan Murphy từ Illinois đến thăm binh lính và trở về với một phát hiện đáng lo ngại: hơn 15% quân nhân Mỹ ở Việt Nam nghiện heroin. 

Sự thật này khiến dư luận Mỹ kinh hoàng. Tại thời điểm đó, heroin là loại ma tuý nổi tiếng nhất, mạnh nhất – đến nỗi một khi cơn nghiện đã xâm chiếm bạn, bạn gần như không thể thoát ra được. Ngay tháng sau đó, Tổng thống Nixon tuyên bố sẽ thành lập Văn phòng Hành động Đặc biệt về Phòng chống Lạm dụng Ma tuý; trong đó đề ra chương trình phòng ngừa và phục hồi cho những người nghiện. Tuy nhiên, Nixon còn có mục đích khác: ông muốn tìm hiểu xem chuyện gì sẽ xảy ra với những quân nhân nghiện ngập khi được trở về nhà.

Lẽ vậy, Jerome Jaffe, người được Nixon bổ nhiệm làm giám đốc văn phòng mới, đã lập tức liên hệ với nhà nghiên cứu tâm thần Lee Robins và nhờ cô giúp đỡ. Cô đồng ý. 

ẢNH: ARTHUR SCHATZ/ GETTY IMAGES 

Nghiên cứu của Robins cho thấy tỷ lệ quân nhân sử dụng heroin ở mức 35%, hơn 20% thừa nhận mình bị lệ thuộc vào ma tuý để duy trì sự tỉnh táo. Một số cuộc khảo sát thực địa còn báo cáo rằng nhiều đơn vị có hơn 50% binh lính sử dụng heroin. Tuy nhiên điều đáng nói, như Robins ghi chú, “là chỉ có 5% nam giới nghiện ở Việt Nam tái nghiện trong vòng 10 tháng sau khi trở về, và chỉ 12% tái nghiện dù chỉ trong thời gian ngắn trong vòng ba năm.”

Báo cáo của Robins trái ngược hoàn toàn với nhận thức của mọi người về heroin và chất gây nghiện nói chung. Khi những người nghiện ở Mỹ đến điều trị và trở về nhà, tỷ lệ tái nghiện dao động quanh mức 90%. Làm thế nào mà các quân nhân Mỹ ở Việt Nam khi trở về lại đạt tỷ lệ tái nghiện vỏn vẹn 5-12%, với loại ma tuý được cho là gây nghiện nhất? 

Câu trả lời ra sao, đọc đoạn dưới đây sẽ rõ. 

Ảnh hưởng của môi trường lên tới hành vi 

Theo lời Thiếu tá Richard Ratner, bác sĩ tâm thần từ Bronx làm việc tại Long Bình, tỉnh Biên Hoà: “Việt Nam về cơ bản là một khu ổ chuột dành cho người nhập ngũ”. Điều kiện sống tồi tệ, súng đạn thường xuyên như cơm bữa, quan hệ tình dục bừa bãi và nỗi nhớ nhà; tất cả những điều trên góp phần thúc đẩy họ dùng heroin như một liều thuốc “giảm đau”. “Tuy nhiên, hầu hết đàn ông nói rằng họ sử dụng heroin vì sự nhàm chán và bế tắc của cuộc sống tại Việt Nam,” Ratner nói thêm. 

Tuy nhiên, khi về lại Hoa Kỳ, tỷ lệ tái nghiện sụt giảm mạnh vì những người lính thấy mình đang ở trong một môi trường hoàn toàn khác, không có bóng dáng của các cám dỗ nữa. Khi bối cảnh thay đổi, thói quen cũng thay đổi. 

Wendy Wood, nhà tâm lý học tại Đại học Nam California nói rằng trong suốt những năm 60-80 của thế kỷ trước, các nhà khoa học tin rằng nếu muốn thay đổi hành vi của một người, chìa khoá nằm ở việc thay đổi mục tiêu và chủ đích của họ. 

Theo đó, hành vi phụ thuộc vào nhận thức của con người khi hành động. Nếu nhận thức và thái độ thay đổi, hành vi sẽ thay đổi theo. 

Vậy nên các nhà nghiên cứu đã tìm cách tổ chức các chiến dịch truyền thông cộng đồng, hoặc là sử dụng áp lực xã hội để thúc ép sự thay đổi hành vi. Hầu hết các phương hướng trên đều phát huy tác dụng. 

Nhưng David Neal, nhà tâm lý học khác, nói, “Thực chất là chúng có hiệu quả với một vài hành vi nhất định, những hành vi mà người ta không thực hiện thường xuyên.” Ví dụ, nếu muốn tăng số lượng người hiến máu nhân đạo, một chiến dịch marketing xã hội có thể lôi kéo được kha khá. Nhưng nếu muốn kêu gọi mọi người bỏ thuốc, những chiến dịch trên hiếm khi phát huy hiệu quả. 

Lời giải thích mà Neal đưa ra như sau: “Khi một hành vi được lặp lại rất nhiều lần, đặc biệt là khi nó được thực hiện trong cùng một bối cảnh giống nhau, hành vi của họ sẽ không còn tuân theo ý định của họ nữa.” 

Theo thời gian, môi trường sẽ định hình hành vi của họ.

Khi một người đàn ông hút thuốc rất nhiều, hút cùng một thời gian trong ngày và cùng một địa điểm, tâm trí sẽ nhường lại quyền kiểm soát hành vi cho không gian ấy. Nếu mỗi tối anh ta đều đặn ra ban công rít vài điếu và duy trì thói quen này trong một thời gian đủ dài; mỗi lần sau đó ra ban công, anh ta sẽ lại tự động châm lửa và hút thuốc.

Nếu không có thuốc, miệng sẽ tự động tiết nước bọt và cảm giác bứt rứt bắt đầu hành hạ anh ta, thôi thúc anh ta phải tìm mọi cách chấm dứt tình trạng đó. Phóng ra hàng tạp hoá mua bao Thăng Long thì dễ hơn là ngồi ngắm trăng với cơn thèm thuốc điên dại, vậy nên có nhiều người không bao giờ bỏ được thuốc cả. 

Kỷ luật? 

Trong cuốn Atomic Habits, James Clear có nhắc tới một trường hợp về nhà trị liệu Patty Olwell, người thường xuyên hút thuốc khi cưỡi ngựa với một người bạn. Cuối cùng, cô bỏ thuốc và khước từ nó trong nhiều năm liền. Cô cũng ngừng cưỡi ngựa. Nhiều thập kỷ sau, cô có dịp nhảy lên ngựa lần nữa và cảm thấy thèm thuốc lần đầu tiên trong đời. Tại sao? 

Hannes Schmid - Machismo pure , Black and White Photography, Marlboro Man,  Horses For Sale at 1stDibs | marlboro man on horse, black marlboro man, marlboro  man black and white
Mặc dù bỏ thuốc và đã không cưỡi ngựa trong nhiều năm, Olwell đã duy trì thói quen đủ lâu để nó ăn sâu vào tiềm thức. 

Clear giải thích, “Khi một thói quen được mã hoá, sự thôi thúc hành động sẽ bùng phát bất cứ khi nào các tín hiệu môi trường xuất hiện trở lại.” Mặc dù đã bỏ thuốc trong nhiều năm, Olwell đã duy trì thói quen hút thuốc khi cưỡi ngựa đủ lâu để nó ăn sâu vào tiềm thức; và như vậy, thời gian đôi khi chỉ làm mai một chứ không xoá sạch vết tích của thói quen xấu. Nói cách khác, bạn có thể bỏ một thói quen, nhưng bạn rất khó mới có thể quên nó. Điều này ngụ ý việc chống lại sự cám dỗ là một chiến lược không hiệu quả. 

Thay vào đó, né tránh cám dỗ sẽ sáng suốt hơn. Nếu đã biết bản thân khó lòng kiềm chế trước cám dỗ, bạn nên dẹp bỏ chúng ngay từ đầu. Nếu muốn bỏ thói quen lướt TikTok hàng tiếng trời trước khi đi ngủ, cách dễ và hiệu quả nhất là tắt nguồn điện thoại, vứt nó ra xa khỏi tầm với. Nếu luôn cảm thấy mình thấp kém so với người khác, tốt nhất là bỏ theo dõi các tài khoản “tuổi trẻ tài cao”. Nếu nhận thấy đang vung tay quá trán, lời khuyên là “cạch mặt” quảng cáo và lượn lờ các sàn thương mại điện tử ít lại. 

Tự chủ 

Cũng trong bài viết của mình, James Clear lấy dẫn chứng về nghiên cứu của Wilhelm Hofmann; khi ông cùng các cộng sự tiến hành phân tích những người được cho là có khả năng tự chủ cao, kết quả thu về cho thấy họ không khác biệt mấy so với những người kém tự chủ hơn.

Thay vào đó, những người “có kỷ luật” đặc biệt giỏi trong việc sắp xếp cuộc sống của mình theo cách không cần sử dụng nhiều tới “ý chí” hay “nguyên tắc”. Nếu từng xem qua phòng làm việc của các vĩ nhân, bạn sẽ thấy họ thiết kế phòng ốc không khác nào thư viện thu nhỏ. Việc này kể ra không phải để cho thấy các vĩ nhân đều đọc rất nhiều sách, dù phần nhiều điều đó cũng đúng, mà chủ yếu là để bạn thấy họ xây dựng môi trường làm việc theo lối "nhìn là chỉ muốn làm việc". 

Như vậy, những người có khả năng tự chủ tốt nhất hoá ra lại là những người ít sử dụng nó nhất. Chiến lược kiềm chế có thể tiêu tốn của bạn một chút ý chí và phát huy tác dụng trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, bạn phải biết cách tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá đó.

Sự chăm chỉ, kiên định và ý chí mạnh mẽ là điều cần thiết để thành công, nhưng cách để cải thiện những phẩm chất này không phải là ước mình trở thành một người kỷ luật hơn mà là tạo ra một môi trường kỷ luật hơn.