Mọi người, đặc biệt là người trẻ thường thích đổi mới và với họ, cuộc đời là những cuộc khám phá vô tận. Bên cạnh đó, chúng ta cũng gắn định nghĩa về đổi mới – sự sáng tạo với các tài năng thiên bẩm khác như trí thông minh, khiếu hài hước. Ta cho nó là thiên phú và bất cứ nỗ lực nào nhằm gia tăng nó cũng chẳng đáng kể. Trái lại, sáng tạo cũng được coi là một kỹ năng và hoàn toàn có thể được trau dồi, bồi dưỡng theo thời gian. Việc rèn luyện kỹ năng sáng tạo là vô cùng cần thiết trong kỷ nguyên số hiện nay, khi mà hàng loạt các ngành nghề sáng tạo như thiết kế, truyền thông nổi lên như vũ bão. Rèn cho mình những thói quen tốt ngay từ hôm nay sẽ là bước đầu trong hành trình sáng tạo đang chờ đón bạn phía trước! 

"Những tên nghiệp dư chờ đợi cảm hứng, chúng tôi chỉ đơn giản thức dậy và làm việc" - Chuck Close 

Nhiều người cho rằng cố gắng nảy ra ý tưởng là một chuyện vô bổ, vì hầu hết các ý tưởng lớn sẽ đến vào lúc ta không ngờ nhất. Đó có thể là khi thơ thẩn ngoài đường, đang nhâm nhi một cốc trà nóng hay hài hước hơn, khi bạn đang ngâm trong bồn tắm như Ác-si-mét và trần truồng chạy ra đường hô "Ơ-rê-ka!!!!". 

Đúng là trong vài trường hợp hy hữu, cảm hứng sẽ chủ động tìm tới bạn. Nhưng đa phần thì “nàng” không bao giờ ngỏ lời trước đâu! Pablo Picasso, một trong những họa sĩ nổi bật nhất thế kỷ 20 cũng từng quả quyết: “Nguồn cảm hứng có tồn tại nhưng nó chỉ đến khi bạn làm việc”. Danh họa này đã dùng cả đời để chứng minh câu nói đó. Nếu hậu thế biết được ông đã làm việc chăm chỉ thế nào để đạt tới độ thành thạo ấy, họ hẳn sẽ chẳng nhìn ông như một con người sáng tạo nữa. Thay vào đó, Picasso là một con người có nỗ lực tuyệt vời.

 

Nguồn: The Daily Beast 

Bài học ở đây là gì? Hãy khoan nhắc tới sự sáng tạo, hãy tập trung vào tập luyện trước. Chẳng ai vừa học võ mà lại sáng tạo ra thế võ mới được cả. Nếu bạn là một tay mơ trong lĩnh vực đang theo đuổi, hãy chấp nhận lấy số lượng bù chất lượng. Nếu bạn là một tay viết, đừng vội nghĩ tới chuyện thảo ra những áng văn ngây ngất lòng người cùng một cốt truyện đột phá. Nếu bạn là một họa sĩ, đừng vội nghĩ tới chuyện phác ra vài nét bâng quơ rồi thành kiệt tác như trong bảo tàng. Đừng nhắc chuyện sáng tạo quá sớm, cứ trau dồi đi. Khi đã đủ kiến thức và trải nghiệm rồi, cảm hứng sẽ tự đến.  

Áp lực sẽ “giết chết” sáng tạo 

Người làm sáng tạo luôn ám ảnh với hai chữ “ý tưởng”. Lời trăng trối của David Ogilvy – “người khổng lồ” trong ngành quảng cáo đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc: “Tôi muốn hậu thế nhớ đến tôi như một người đàn ông với những ý tưởng lớn. Vâng, những ý tưởng lớn”. Có thể bạn nghĩ những ý tưởng để đời đó sẽ trải qua quá trình nghiên cứu, thai nghén dài kỳ rồi đem lên trình chiếu trước mặt toàn thể hội đồng phòng họp lúc 9 giờ tối? Sự việc đơn giản hơn thế nhiều. 

Ý tưởng thường bật ra những lúc ta không ngờ nhất. Không ít người thừa nhận hầu hết các ý tưởng hay ho của họ đều đến trong lúc… tắm hay “giải quyết nỗi buồn”. Điều này có đơn giản chỉ mang tính gây cười? 

Nguồn: Freepik 

Tôi sẽ mang đến cho các bạn một góc nhìn khác. Được rồi, giờ hãy tưởng tượng nào. Mỗi lúc mỏi mệt hay nghĩ không ra, bạn thường làm gì? Có phải bạn được khuyên nên nghỉ một lát, đi dạo vài vòng, đánh một giấc hay ra tâm sự với vòi hoa sen không? Mục đích là để giữ tinh thần bạn thoải mái. 

Chỉ khi thoải mái, tâm trí bạn mới được phép bay bổng. Vì vậy đừng quá áp lực về việc phải nghĩ ra gì đó mới mẻ. Thực chất thì J.K.Rowling – người khai sinh ra Harry Potter – đã nảy ra ý tưởng cho cuốn sách khi đang ngồi chờ tàu, và phần còn lại là lịch sử. 

Viết mọi thứ ra giấy 

Mọi người thường không gặp vấn đề với việc nghĩ ra các ý tưởng, họ gặp vấn đề với việc ghi nhớ chúng. Năng lực sáng tạo không tương quan với năng lực ghi nhớ của chúng ta. Vì vậy, việc ghi chép là tất yếu. 

Hãy nhớ lại những câu chuyện cổ tích hay tác phẩm kinh điển như Những tấm lòng cao cả, Không gia đình,.. Sẽ thế nào nếu ngôn ngữ không ra đời và con người chỉ còn cách nhớ nó rồi kể lại? Tôi tin rằng vậy thì những tác phẩm kia cũng chẳng được lưu lại đâu.

Nguồn: shutterstock 

Hãy luôn sẵn sàng với những ý tưởng. Thủ sẵn trong người một tập giấy và chiếc bút. Mỗi khi một ý tưởng hay ho gõ cửa, đừng ngại ngần mà tống khứ tất cả những gì bạn nghĩ được vào trong giấy. Bạn không phải nắn nót như chép chính tả, bởi mục đích chính của việc này là ngăn bạn quên sạch.   

Dành thời gian cho bản thân 

Bao lâu rồi bạn chưa đi du lịch? Bao lâu rồi bạn chưa có một kỳ nghỉ thực sự? Bao lâu rồi bạn chưa dành thời gian cho bản thân? Có thể đã khá lâu rồi. Giờ là lúc chúng ta sẽ làm mới mọi thứ. 

Tôi gọi những khoảng thời gian bạn dành cho bản thân là những “khoảng lặng”. Không phải lúc làm việc, không phải lúc tụ tập cùng bạn bè hay sum vầy bên gia đình, đó là khi bạn thực sự là mình, thực sự quên hết mọi thứ xung quanh và tận hưởng cuộc sống. 

Nguồn: Getty Images 

Hãy thử đến một vùng đất mới. Ví dụ về đại văn hào Andersen sẽ giúp bạn, khi hầu hết các tác phẩm để đời của ông như Cô bé bán diêm, Người ứng tác, O.T. đều ra đời trong các chuyến đi. Chỉ khi đi, Andersen mới dồi dào cảm hứng sáng tác. 

Hãy thử một ngày tắt hết thiết bị di động, ra một quán cà phê yên tĩnh và lặng lẽ đọc sách hay trò chuyện. Hay mua một chiếc áo mới, một đôi giày mới, lượn qua phố phường vài vòng. Dù có khó khăn tới mấy cũng hãy dành chút thời gian cho bản thân, sau đó quay trở lại với công việc. Đôi khi, khoảng cách giữa những suy nghĩ vô định và ý tưởng để đời chỉ cách nhau một giấc ngủ ngon! 

Thử gì đó mới mẻ

Cuộc sống 9 to 5 có thể khiến bạn mệt nhoài và tiêu diệt mầm sống sáng tạo trong bạn. Đừng tự bó buộc mình trong chốn công sở. Thay vào đó, tôi khuyên bạn nên thử gì đó mới. 

Một thói quen mới chẳng hạn, hay bắt đầu tập lại một bộ môn đã lâu không chơi. Đó cũng là cách để tái tạo năng lượng tích cực trong bạn. Hiện nay trên mạng không thiếu các khóa học ngắn hạn về hội họa, âm nhạc, viết lách hay thiết kế mà bạn có thể thử sức. Tại sao không phải là khóa học của WeStudy luôn nhỉ? Tại sao không?