Biến ý tưởng của người thành của ta
Nghệ sĩ Adam J. Kurtz, tác giả của những cuốn sách truyền cảm hứng sáng tạo như 1 Page at a Time hay Things Are What You Make of Them đã giải thích sự khác biệt giữa “sao chép” và “ăn cắp” như sau:
“Những nghệ sĩ vĩ đại ‘ăn cắp’ qua việc tìm kiếm nguồn cảm hứng sáng tạo trong tác phẩm của người khác, sau đó sử dụng nó làm điểm khởi đầu cho tác phẩm của mình. Người nghệ sĩ có thể phối lại, thay thế hoặc kết hợp mọi thứ anh ta có để tạo ra thứ gì đó mới, thứ gì đó độc nhất.”
Thay vì sao chép một thứ gì đó – điều khiến người ta nhớ đến bản gốc cao cấp hơn – bạn hãy thay đổi nó bằng những ý tưởng hấp dẫn của riêng mình. Khi bạn đã thực sự biến đổi và cải tiến ý tưởng của ai đó, những người có hiểu biết sẽ nhận ra trong tác phẩm của bạn có một ý tưởng nào đó tốt hơn. Bây giờ thì bạn là người “sở hữu” ý tưởng đó. Vì vậy, bạn đã “ăn cắp” nó!
Kobe Bryant vẫn thường được gắn mác như “Michael Jordan thứ hai” trong bóng rổ. Cả hai cùng cao 1m98, cùng chơi ở vị trí hậu vệ ghi điểm và cùng có tuyệt kỹ trứ danh là Fadeaway (ném bóng ngả người). Khi được hỏi về vấn đề này, Jordan thẳng thừng tuyên bố hậu bối sao chép bộ kỹ năng của mình.
Câu chuyện đi xa hơn khi các nhà chuyên môn tiến hành phân tích lối chơi của Jordan, họ phát hiện ông cũng chẳng phải người đã sáng tạo ra tuyệt kỹ này. Thực chất, chính Jordan cũng “chôm” từ các tiền bối. Ông chôm của Julius Erving một chút, của Larry Bird một chút,... Nói cách khác, Jordan không hề phát minh ra Fadeaway, ông có công phát triển nó.
Nhưng lúc đó thì người ta cũng chẳng buồn quan tâm xem ai phát minh ra Fadeaway nữa. Họ chỉ đơn giản thừa nhận Jordan là người thực hiện nó hoàn hảo nhất. Và mỗi khi nhắc tới Jordan, họ lại nhớ đến những pha Fade Away tuyệt mỹ.
Nguyên tắc sinh ra là để phá vỡ
Các nghệ sĩ thường cảm thấy áp lực phải phát minh ra thứ gì đó hoàn toàn mới lạ. Để làm được điều đó, thử nghiệm là rất cần thiết. Nhưng hầu hết mọi người đều không muốn xem mọi thứ với cái mác “thử nghiệm”. Cũng ổn thôi, bởi thử nghiệm sinh ra không phải để thưởng thức, mà là để tìm ra các nguyên tắc cốt lõi và để biết bạn muốn phá vỡ nguyên tắc nào trong số đó.
Nhưng để “think outside the box” một cách thật hiệu quả, bạn cần hiểu lý do tại sao bạn phá vỡ chúng. Trước khi Picasso có thể sử dụng trường phái lập thể để thể hiện nhiều góc nhìn cùng một lúc, đầu tiên ông phải học cách phối cảnh truyền thống. Để thuần thục tuyệt kỹ Fadeaway trứ danh, Michael Jordan phải tập luyện hàng trăm ngàn cú ném cơ bản. Học và sử dụng các phương pháp truyền thống không phải là rập khuôn, nó cần thiết nếu bạn muốn xây dựng ý tưởng của riêng mình.
Làm mới những điều quen thuộc
Vậy đó, bạn lụm nhặt, tích cóp hay chôm thẳng cẳng như cách Jordan hay Bryant đã làm cũng được. Điều quan trọng là bạn phải biến nó thành của riêng. Bạn giữ lại phần tốt, bỏ đi phần xấu. Và bạn phát triển ý tưởng đó lên một tầm cao mới.
Đó là “ăn cắp” có đạo đức hẳn hoi. Đó là cách sáng tạo ra đời.
Bởi sáng tạo là nhìn nhận những thứ đã biết dưới một lăng kính mới mẻ hơn.
Bởi sáng tạo là nghệ thuật làm mới những điều quen thuộc.
Bởi nghệ sĩ tồi thì lê la sao chép, còn nghệ sĩ vĩ đại cứ chôm thẳng tay.