Nếu chúng ta nhìn vào những thiên tài sáng tạo vĩ đại nhất trong lịch sử, sẽ có hết giai thoại này đến giai thoại khác về việc họ toàn làm những chuyện điên rồ. 

Igor Stravinsky tin rằng ông chỉ có cảm hứng viết nhạc trong tư thế trồng cây chuối. Trong những ngày đầu với Apple, Steve Jobs được tin là đã ngâm chân trong nhà vệ sinh để giải tỏa tâm trí trước các cuộc họp. Vincent Van Gogh đã tranh cãi với người bạn cùng phòng, sau đó tự cắt tai của mình và vì không muốn “lãng phí”, đã bọc chiếc tai lại trong hộp quà rồi tặng nó cho cô gái điếm yêu thích của mình như một vật kỷ niệm. 

Vâng, “nhàm chán” là từ cuối cùng mà bạn có thể dùng để mô tả những thiên tài sáng tạo của thế giới. Họ hẳn phải là những kẻ lập dị, nhiều khi hơi điên điên, có những sở thích kỳ quặc và chắc chắn rồi, “nhàm chán” không có trong từ điển của họ. 

Nhưng sự thật khá phũ phàng: quá trình sáng tạo, và cả những con người sáng tạo nhất thực sự khá nhàm chán. Và, bởi vì nó nhàm chán, nên bản thân sự sáng tạo có thể được lặp lại. Đó là điều mà tôi, bạn và bất kỳ ai khác cũng có thể bắt chước các vĩ nhân và luyện tập để trở nên sáng tạo hơn. 

Và nghĩ xem, còn tin nào tốt hơn thế cơ chứ? 

“Sáng tạo” nghĩa là gì? 

Sáng tạo là điệu nhảy tinh tế giữa sự mới mẻgiá trị. Để một thứ được xem là sáng tạo, nó phải vừa mới lạ nhưng cũng vừa hữu ích theo một cách riêng. 

Mặc dù chúng ta nghĩ sáng tạo là tạo ra thứ gì đó thực sự mới mẻ, nhưng cũng không hẳn vậy. Trên thực tế, hầu hết những gì chúng ta coi là “mới” đơn giản chỉ là bản phối của những phát hiện cũ. 

Phần lớn các bộ phim hay sách đều sử dụng các cốt truyện cũ của những tác phẩm trước đó và thêm một số điểm mới hoặc yếu tố bất ngờ. Một trong những lý do khiến series Breaking Bad thành công tới vậy là vì nó lấy một câu chuyện chung chung về buôn ma túy và thay thế nhân vật chính bằng một ông già trung niên da trắng mà đa phần người Mỹ có thể đồng cảm. Chỉ một yếu tố đó thôi đã đủ tạo nên một câu chuyện dường như hoàn toàn mới lạ và thu hút theo cách rất riêng.  

Các nhà nghiên cứu gọi đây là “tư duy khác biệt” và đó là một trong những kỹ năng tốt nhất cần học nếu bạn muốn sáng tạo hơn. Thay vì tự hỏi “Làm thế nào để tạo ra thứ gì đó mới mẻ?”, hãy hỏi “Làm thế nào tôi có thể khiến một thứ cũ kỹ trở nên mới mẻ hơn?”

Làm thế nào để khiến một thứ cũ kỹ trở nên mới mẻ hơn? 

Điều này đưa chúng ta đến phần thứ hai của công việc sáng tạo: gia tăng giá trị. Sáng tạo không phải sáng tạo chỉ vì nó “mới”, mà vì nó bổ sung giá trị cho thế giới. 

Đối với những thứ như vậy, chúng ta có thể coi đó là sự “ăn cắp ý tưởng”. Hãy nghĩ về những bộ phim về Batman mà Hollywood làm lại hàng chục lần – nhưng bạn vẫn trả tiền đi xem chúng, mặc dù bạn biết có lẽ chẳng có gì sáng tạo hay độc đáo ở đây cả. 

Mặt khác, những thứ mới lạ nhưng không tạo ra giá trị gia tăng, chúng ta coi là vô vị và non nớt. 

Rất khó để đạt được sự kết hợp giữa tính mới lạ và tăng thêm giá trị. Nó đòi hỏi nhiều thất bại. Nó yêu cầu nhiều phản hồi. Nó đòi hỏi sự mài dũa và hoàn thiện kỹ năng của bạn qua luyện tập. 

Và đây chính là lúc sự khó khăn trong sáng tạo phát huy tác dụng. Đối với mỗi bản giao hưởng thiên tài, sẽ có hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm ý tưởng thất bại trước đó. Với mỗi bài hát nổi tiếng, ban nhạc có thể từng thu âm nửa tá album mà không ai nghe. Đối với mỗi bước đột phá khoa học, có hàng trăm lý thuyết đã được chứng minh là sai. 

Trên thực tế, sáng tạo là một công việc khó khăn. Và vì khó khăn, nó đòi hỏi một mức độ thường xuyên và sự lặp lại. Đó là lý do tại sao sáng tạo khá nhàm chán. 

Hóa ra sáng tạo là một kỹ năng. Vì vậy, đây là một số điều không mấy thú vị nhưng cũng rất quan trọng mà bạn có thể làm để trở nên sáng tạo hơn trong cuộc sống của chính mình. 

#1. Tập trung làm việc và quên cảm hứng nhất thời đi. 

Thuyết chọn lọc tự nhiên của Charles Darwin được công bố cách đây hơn 160 năm và vẫn được coi là một trong những – nếu không muốn nói là ý tưởng sáng tạo nhất lịch sử khoa học. 

Nhưng Darwin chưa bao giờ thực sự có khoảnh khắc “ơ-rê-ca” về chọn lọc tự nhiên. Cũng chẳng có quả táo nào tự dưng rơi trúng đầu ông cả. Không có gì là tình cờ ở đây, tất cả chỉ xoay quanh “có công mài sắt, có ngày nên kim”. 

Sự thật khá nhàm chán: Darwin đã dành hơn hai mươi năm trời để nghiên cứu chọn lọc tự nhiên. Ông làm thí nghiệm trên hàng ngàn loài động thực vật khác nhau trên nhiều lục địa trong nhiều năm liền. Ông ghi chú, vẽ tranh, đi du lịch khắp nơi, nói chuyện với dân địa phương và các nhà khoa học khác, sau đó viết nhật ký về những gì mình phát hiện ra. 

Darwin đã đưa ra lý thuyết chọn lọc tự nhiên từng chút một trong nhiều năm miệt mài nghiên cứu. Và ngay cả khi lý thuyết này sắp hoàn chỉnh, ông vẫn bình tĩnh ngồi đó để suy nghĩ thấu đáo. Ông trao đổi thư tư với các nhà khoa học khác để nhận phản hồi từ họ. Sau đó, ông bắt đầu công bố lý thuyết này, dành nhiều năm trời cặm cụi viết nên tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, Nguồn gốc muôn loài

Như lẽ thường tình, sau đó, nhiều người đã xem chọn lọc tự nhiên như một ý tưởng xuất thần của Darwin. Điều này làm ông khó chịu. 

Trong khi mọi người tin rằng lý thuyết kia đã tự bật ra trong đầu Darwin, ông liên tục nhấn mạnh khối lượng công việc khổng lồ mình đã thực hiện. 

Hầu hết những người được xem là sáng tạo nhất như Darwin, đều có thái độ “im lặng và làm việc”. Bí quyết thành công trong viết lách của Stephen King, theo cách nói của ông, chỉ đơn giản là viết 2.000 từ mỗi ngày, bất kể điều gì, và sau đó xóa đi những từ không hay (phần lớn trong số đó). 

Trước khi thành công vang đội, The Beatles đã chơi năm tới sáu giờ mỗi đêm, trong gần hai năm liên tục với tư cách một ban nhạc vô danh trong các hộp đêm ở Đức. Lennon và McCartney sau đó cho rằng sự sung mãn đáng kinh ngạc và sự nổi tiếng nhanh chóng của họ là nhờ vào cuộc chạy marathon luyện tập và biểu diễn này. The Beatles tiếp tục phát hành 13 album phòng thu trong vòng 8 năm sau đó, với mỗi album đều đạt đĩa bạch kim. 

"Sau khi trở về từ Hamburg, họ là một ban nhạc rất cừ." 

Ý tưởng cho rằng cảm hứng sáng tạo xảy ra như sét đánh là giai thoại quá đỗi quen thuộc. Thực tế thì cảm hứng xảy ra trong quá trình làm việc, không phải trước đó. Như họa sĩ chân dung nổi tiếng Chuck Close từng nói: 

 

“Cảm hứng là dành cho những kẻ nghiệp dư. Chúng tôi chỉ đơn giản thức dậy và làm việc. Mọi ý tưởng tuyệt vời tôi từng có đều bắt nguồn từ công việc.” 

 

Những người sáng tạo không “tìm thấy thời gian” để sáng tạo – họ dành thời gian để sáng tạo. 

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi bạn nhìn vào các thiên tài sáng tạo trong suốt lịch sử để tìm ra những điểm chung, điều rõ ràng nhất là họ làm việc nhiều và lâu hơn phần còn lại.  

 

  • Người ta ước tính Picasso đã tạo ra hơn 50.000 tác phẩm trong suốt cuộc đời mình. Hầu hết các nghệ sĩ chuyên nghiệp khác dừng lại ở mức vài nghìn. 
  • Mozart và Beethoven mỗi người sáng tác hơn 600 bản nhạc, trong khi các nhạc sĩ cùng thời sáng tác ít hơn 100 bản trong suốt sự nghiệp. 
  • Mark Twain đã viết 22 tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, hàng chục cuốn sách phi hư cấu, hồi ký và châm biếm, một tập thơ và một cuốn tự truyện. Tổng cộng, Twain đã xuất bản gần 80 cuốn sách trong vòng chưa đầy 50 năm, một “gia tài” đáng kinh ngạc với bất kỳ tác giả nào. 
  • Các nghiên cứu cho thấy những người đoạt giải Nobel tạo ra gần gấp đôi các công trình so với đồng nghiệp cùng lĩnh vực.  

Hóa ra bí mật của những bộ óc sáng tạo vĩ đại trong suốt lịch sử không phải vì họ là những thiên tài sáng tạo, mà hơn thế, họ là những thiên tài có đạo đức làm việc. 

Bản chất của lịch sử và ký ức con người là chúng ta chỉ nhớ những gì tuyệt vời nhất và quên đi phần còn lại. Thật dễ dàng để nhớ rằng một người như Twain hay Picasso đã tạo ra một vài tác phẩm xuất sắc, trong khi thực tế họ đã tận tụy với nghề trong nhiều thập kỷ và kết thúc với một số tác phẩm kinh điển mà chúng ta tôn kính ngày nay. 

#2. Làm những việc “bình thường”. 

Những thiên tài sáng tạo thường bị coi là lập dị. Đôi khi họ như vậy, nhưng thông thường, họ không. 

Ernest Hemingway có lẽ là một trong những tác giả Mỹ nổi tiếng nhất trong thế kỷ qua. Phong cách viết ngắn gọn đặc trưng của ông được tất cả mọi người, từ giáo viên, tiểu thuyết gia đầy tham vọng đến người viết quảng cáo, bắt chước.

Mọi người thích hình dung cảnh Hemingway mổ máy đánh chữ trong một ngôi nhà gỗ tối tăm ở Cuba vào nửa đêm bên cạnh một chai rượu rum. Và trong khi đó có lẽ là những gì ông đã làm trong những năm cuối đời, thì thực tế trong phần lớn cuộc đời, Hemingway giống một kẻ bộ hành nhiều hơn. 

Hemingway đã có một công việc hàng ngày trong phần lớn sự nghiệp văn chương của mình. 

Ông đã bỏ việc phóng viên báo chí ở Thành phố Kansas vào năm 20 tuổi rồi xung phong làm tài xế xe cứu thương trong Thế chiến I. Sau chiến tranh, ông làm việc dưới tư cách phóng viên nước ngoài cho một số tạp chí khác nhau, và viết lách vào thời gian rảnh. 

Nói cách khác: Hemingway đã có một công việc hàng ngày trong phần lớn sự nghiệp văn chương của mình. 

Điều này thật ra không mấy lạ lẫm như mọi người nghĩ. Salman Rushdie là người viết quảng cáo cho một agency lớn ở New York, viết các chiến dịch quảng cáo kinh điển vào ban ngày và dành trọn buổi đêm cho lý tưởng viết tiểu thuyết. 

Andy Warhol làm việc trong một tạp chí và là nhà thiết kế cho một công ty sản xuất giày. Chính trong những công việc này, ông đã thử nghiệm nhiều kỹ thuật mà sau này kiến tạo nên phong cách thiết kế đặc trưng của ông. 

Hầu hết mọi thứ trên mạng sẽ khiến bạn tin rằng những công việc nhàm chán, ổn định bằng cách nào đó sẽ giết chết sự sáng tạo. Nhưng trong phần lớn trường hợp, cuộc sống công sở nhàm chán lại cho phép những người này đặt tài liệu lên bàn và trau dồi kỹ năng thủ công của họ cùng một lúc. 

#3. Biến sự nhàm chán thành đồng minh. 

Có lẽ cách nhàm chán nhất trong số những cách nhàm chán để trở nên bớt nhàm chán và sáng tạo hơn chính là… sự nhàm chán. 

Nhìn chằm chằm vào trang trống trong khi bạn có thể dán mắt vào điện thoại. Ngồi trước khung thiết kế khi bạn thích ngồi xem TV hơn. Viết code khi bạn muốn chơi game cùng bạn bè. 

Plato đã viết rằng sự nhàm chán là mẹ đẻ của mọi phát minh. Khi bạn cảm thấy buồn chán không có gì khác để làm, chính sự buồn chán và lo lắng đó sẽ thúc đẩy sự sáng tạo. Thay vì quay lưng với nỗi sợ hãi của sự buồn chán để tới với những thứ khiến bạn mất tập trung, hãy sử dụng nó để tạo ra thứ gì đó. 

Khi được chuyển hóa thành hành động, sự bất an có thể là một nguồn sáng tạo tuyệt vời nếu bạn nhìn thẳng vào nó. Không hề có sự khác biệt giữa cảm hứng và việc không bị phân tâm. Chúng là một. 

#4. Tìm những người sáng tạo nhất trong lĩnh vực của bạn và”đánh cắp” từ họ. 

Nhiều người mơ ước tạo ra một thứ gì đó nguyên bản và độc đáo đến mức mọi người sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc há hốc mồm. Họ bị thúc đẩy bởi ý tưởng phải nghĩ ra một bài hát/thiết kế/sản phẩm/bất cứ thứ gì đỉnh đến nỗi cứ chờ đợi cho đến khi tìm ra thứ khiến họ trở nên thực sự khác biệt… 

Nhưng họ cứ chờ đợi mãi và không làm gì cả. 

Picasso có câu nói nổi tiếng: “Nghệ sĩ hạng ba lê la sao chép, bậc kỳ tài thì cứ chôm thẳng tay”. Ý tưởng ở đây là không có gì thực sự mới mẻ ngoài kia, và các nghệ sĩ vĩ đại như Picasso hiểu rõ điều đó. Họ hiểu sáng tạo không phải là một phát minh, đó là một sự tái phát minh

Nghiên cứu cho thấy quá trình sáng tạo trước tiên bắt đầu bằng việc đắm mình trong lĩnh vực bạn quan tâm. Đúng vậy, trước hết bạn phải “nhấc mông” lên và làm việc đi. Trước khi muốn thêm một thứ gì đó mới lạ (và có giá trị!) vào bất kỳ tác phẩm nào, bạn phải biết tác phẩm đó đến từ đâu và có đáng để bắt chước nó, nếu không muốn nói là vượt qua nó. 

Các nhạc sĩ làm điều này khi họ nghe các bài hát của người khác. Các nhà văn đọc sách của các nhà văn khác và bắt chước phong cách viết của nhau. Các họa sĩ cố gắng mô phỏng lại các bức tranh của họa sĩ mình yêu thích. Các doanh nhân sao chép mô hình kinh doanh đã thành công và điều chỉnh nó. 

"Không có bước đi nào là mới mẻ cả" - Kobe Bryant 

Điều này đặt nền tảng cho phần còn lại của tiến trình sáng tạo. Sáng tạo là việc đắm mình trong lĩnh vực bạn đã chọn cũng như đóng góp công sức vào thúc đẩy lĩnh vực đó. 

Steve Jobs vẫn được xem là một trong những thiên tài sáng tạo bậc nhất thế kỷ 20, nhưng ông không phát minh ra gì cả. Ông không phát minh ra máy tính cá nhân, con chuột hay giao diện đồ họa. Ông không phát minh ra máy tính bảng, laptop hay đồng hồ đeo tay. 

Jobs không thực sự phát minh ra gì cả. Ông chỉ cải tiến những cái cũ và khiến chúng hoàn thiện hơn. 

Hãy tìm những người bạn muốn học hỏi và bắt đầu bắt chước, mô phỏng họ. Nhận một công việc hoặc học nghề với một người giàu kinh nghiệm hơn bạn, làm mọi thứ họ chỉ bạn – sau đó tự mình phát triển kỹ năng riêng. 

Bạn không phát triển phong cách hoặc giọng nói riêng từ hư vô. Bạn phát triển nó bằng cách bắt chước phong cách và tiếng nói của người khác trước tiên, sau đó tách biệt bản thân, rẽ nhánh với nó để tạo ra phong cách và giọng nói của riêng bạn. 

#5. Tâm thế trong “thị trường ý tưởng”: Mua thấp, bán cao. 

Nếu đang tìm kiếm cái nôi sáng tạo, giới đầu tư chắc chắn là nơi cuối cùng bạn ngó tới. Cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất, thuế, báo cáo quý, báo cáo năm, điều chỉnh lạm phát… chừng đó có thể khiến bạn chán nản tới mức muốn tự đâm mình bằng một chiếc thìa gỉ, nhưng quy tắc vàng mua thấp – bán cao trong đầu tư lại hé lộ một bí mật thú vị về sáng tạo. 

Rõ ràng, khi bạn thực hiện một khoản đầu tư tài chính dưới bất kỳ hình thức nào, nguyên tắc luôn là mua nó ở mức giá thấp nhất và bán nó ở mức giá cao nhất, từ đó bỏ túi phần chênh lệch. 

Các nhà đầu tư thông thái hiểu rõ điều này hơn ai hết. Họ thường đầu tư khi tiềm năng của doanh nghiệp và nhận thức của chúng về doanh nghiệp không tương xứng nhau. Nghĩa là, họ cố gắng đầu tư những công ty có tiềm năng lớn nhưng hầu hết mọi người đánh giá thấp, và sau đó công ty phất lên thì họ thu lời. 

Ông trùm Warren Buffett nổi tiếng với cách thức đầu tư dài hạn này. 

Nghệ thuật có rất nhiều điểm tương đồng với các cổ phiếu bị định giá thấp. Lúc đầu, khi mọi người nghe về một ý tưởng mới lạ, phần lớn sẽ cười nhạo, xem nó là lố bịch, kỳ quặc, không cần thiết hoặc đơn giản là ngu ngốc. Chính ở đây, người nghệ sĩ “mua” ý tưởng với giá trị thấp, rồi tìm cách tân trang nó thành một thứ có giá trị hơn,  “bán” nó khi thế giới hiểu và đánh giá cao. 

 

“Khi ai đó có một ý tưởng hay, thì lúc đầu, ý đó bị bác bỏ dữ lắm. Nếu họ kiên trì với ý tưởng đó thì người ta coi họ là bị điên và cực kỳ nguy hiểm. Sau đó, khi nhận ra, ồ ý đó hay quá trời, thì chẳng ai chịu thừa nhận là đã từng phản bác ý tưởng đó cả.”

– Tony Benn 

 

Indie punk là một thể loại nhạc kén người nghe, được gắn mác với những thanh thiếu niên nổi loạn cho đến khi Kurt Cobain xuất hiện và “hô biến” nó thành grunge rock chính thống. Máy tính cá nhân được xem là quá đắt và không thực tế đến khi Bill Gates tạo ra phần mềm BASIC để mọi người thấy chúng có giá trị. 

Và đây là lý do tại sao tôi lại cười khi nhận được lời chỉ trích “Bạn đã không nghĩ ra bất kỳ thứ gì trong số này!” 

Nhưng bạn có nghĩ đến việc đọc 700 trang triết học Đức và tóm tắt những điểm chính trong một bài viết không? Bạn đã lĩnh hội toàn bộ các lập luận hiện sinh về trách nhiệm trong thời đại thông tin? Bạn có tìm thấy những câu chuyện tuyệt vời về những anh hùng điên rồ trong Thế chiến II mà chưa ai từng nghe đến rồi kể cho họ nghe với sự cân bằng hoàn hảo giữa F-bomb (từ lóng chỉ từ ngữ chửi thề) và sự kính nể không? 

Tôi không nghĩ vậy. Bởi vì tôi đang thực hiện công việc nghệ thuật là mua thấp và bán cao. 

Sự tương tự có thể buồn tẻ và ăn mòn tâm hồn, nhưng đó là sự thật. Hiểu thị trường của bạn. Học cách phát hiện những ý tưởng bị định giá thấp. Phát triển kỹ năng tái chế chúng thành thứ mà mọi người thích thú và đánh giá cao. 

Đó là sự sáng tạo. 

*Bài viết được biên dịch từ bài blog gốc của tác giả Mark Manson tại đây. 

Trở nên sáng tạo hơn nữa?

#1. Bí Quyết Của Sáng Tạo: Cảm Hứng Đến Từ Đâu Và Làm Thế Nào Để Khơi Nguồn Cảm Hứng? 

#2. Người Sáng Tạo Và Câu Chuyện Muôn Thuở Mang Tên "Bí Ý Tưởng"