Không có gì là hổ thẹn khi nói Toni Morrison là nhà văn vĩ đại nhất còn sống vào năm 2019. Xuyên suốt sự nghiệp văn học của mình, bà đã sáng tác 11 tiểu thuyết ngắn dài đủ cả, cũng như sách thiếu nhi và tuyển tập tiểu luận. Năm 1993, Morrison lên bục nhận giải Nobel Văn học và từ đó trở đi, được biết đến như là, một trong những cây bút sáng tạo nhất trong công cuộc đấu tranh chống lại định kiến màu da, phân biệt chủng tộc.
Dù đặc trưng của giới nhà văn là không có chuyện nghỉ hưu, song suốt cả đời cầm bút, Morrison chỉ xem viết văn là nghề tay trái của mình. Nửa sau đời người, bà giảng dạy viết sáng tạo tại Princeton danh tiếng, đồng thời tham dự nhiều buổi đọc sách, giao lưu với người hâm mộ. Dưới đây là những chia sẻ, lời khuyên đắt giá của bà được sinh viên cũng như khán giả ghi chép lại. Chúng có thể hơi sáo mòn, là những lời lẽ bạn đã nghe đi nghe lại quá nhiều, nhưng tôi tin nó sẽ khơi mở một vài suối nguồn sáng tạo và thắp sáng vài ý tưởng le lói trong tâm trí bạn.
“Chà, tốt thôi, tôi sẽ viết rồi tôi tự đọc vậy.”
Morrison viết cuốn sách đầu tiên, The Bluest Eye (Mắt nào xanh nhất) vì bà muốn đọc nó. Được xuất bản năm 1970, tác phẩm là câu chuyện về cô gái trẻ người Mỹ gốc Phi tên Pecola, người mặc cảm vì làn da ngăm đen, đồng thời ham muốn mãnh liệt sẽ sở hữu đôi mắt xanh mà cô đánh đồng với “độ trắng”.
Trong một lần say xỉn, cha Pecola đã hãm hiếp và khiến cô mang bầu. Giờ đây là một kẻ bị ruồng bỏ trong cả cộng đồng lẫn gia đình đang rạn nứt, Pecola hoá điên loạn, tin rằng cuối cùng mình cũng sở hữu đôi mắt xanh.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay định hình phần lớn tác phẩm sau này của Morrison: đau đớn, bi thảm, nỗi trăn trở về số phận của người phụ nữ da đen. Như bà nói trong một phỏng vấn vào năm 2018: “Tôi nghĩ thể loại sách này, với chủ đề như thế – về những cô gái da đen mỏng manh nhất, ít được khao khát nhất, ít được xem trọng nhất – chưa bao giờ có chỗ đứng trong văn học.” Tất nhiên, Morrison chẳng quan tâm quần chúng muốn đọc gì, cũng chẳng thiết tha việc phải chiều lòng độc giả bằng việc viết về những chủ đề thời thượng để gặt hái thành công. Bà muốn đọc một cuốn sách nói về cô gái trẻ da đen nhưng chưa ai từng viết nó cả? “Chà, tốt thôi, tôi sẽ viết rồi tôi tự đọc vậy.”
Ian Fleming, người tạo ra điệp viên James Bond huyền thoại, từng thừa nhận trong bài tiểu luận “How to Write a Thriller?” rằng trong khi hầu hết các cuốn sách của ông đều được cho là thú vị, dễ chịu, nhấn mạnh vào “niềm vui” của người đọc thì trên thực tế, ông viết về những gì làm hài lòng và hấp dẫn chính ông.
Mua nguyên một căn biệt thự nhìn thẳng ra biển Ca-ri-bê ở Jamaica, Fleming hoàn thành câu chuyện đầu tiên về James Bond, Casino Royale (Sòng bạc hoàng gia), dài gần 60.000 từ chỉ trong một tháng. Đặt ra mục tiêu viết 2.000 từ trong ba giờ - mỗi ngày - chắc hẳn năng suất ổn định này một phần tới từ việc ông luôn tập trung viết về những điều ông thích và biết rõ. Nhờ luôn tuân theo cam kết ngầm này mà Fleming giữ được năng suất ổn định và phong độ sáng tác tuyệt vời trong suốt sự nghiệp cầm bút.
Bài học ở đây rất đơn giản: hãy tạo ra những gì mình thích trước. Kể cả việc đó không đem lại tiền bạc, nó vẫn cho bạn niềm vui và động lực để tiếp tục sáng tạo. Như Michael Jordan từng nói, “Để trở nên vĩ đại, anh phải ích kỷ; khi đã vĩ đại rồi, hãy chia sẻ cùng mọi người”; những nhà văn, nhạc sĩ, vận động viên cự phách không phải sống và cống hiến chỉ để làm hài lòng mọi người mà là làm hài lòng chính họ trước.
Con người bẩm sinh sẽ tiếp tục làm những điều mình thích và thôi làm những việc mình không thích. Bởi vậy, cách dễ nhất để duy trì cảm hứng và động lực sáng tạo là nói về những chủ đề mình thích, tạo ra những thứ mình muốn đọc, nhìn, và cảm nhận.
Đừng kể lể về bản thân
Tại lớp học viết sáng tạo của mình, Morrison phàn nàn nhiều sinh viên của bà “kể quá nhiều về bản thân”. Tình yêu đích thực của tôi, nụ hôn đầu của tôi, cái này cái kia của tôi - thật dễ để nói về những trải nghiệm của bản thân nhưng theo Morrison có hai lý do mà ta nên tránh điều này.
Trước hết, đó là dù bạn có kể về điều bạn biết, thì thực chất bạn không biết gì cả. Và thứ hai, thực tế và trần trụi hơn, không ai muốn nghe bạn kể về tình yêu đích thực đời bạn, cha mẹ bạn hay đám nối khố của bạn.
Thay vào đó, bà khuyên họ hãy nghĩ khác đi, nghĩ về người nào đó mà họ không biết. Tưởng tượng và tạo ra họ. “Một anh bồi bàn với vốn tiếng Anh hạn chế ở Rio Grande chẳng hạn? Hoặc một quý bà ở Paris?”
Morrison nói thêm, “Đừng chỉ ghi âm rồi biên tập vài sự kiện mà bạn đã trải qua trong đời… Hãy nghĩ về những người bạn không biết. Kể cả khi thành phẩm của bạn vẫn chỉ như một cuốn tự truyện, ít nhất bạn cũng đã coi mình như một kẻ xa lạ.” Trừ phi bạn đang viết tiểu sử, còn không, hãy nhường ánh đèn sân khấu cho những người khác.
Điều này đặc biết đúng trong lĩnh vực viết quảng cáo hay nội dung truyền thông - người đọc ở đây là khách hàng của bạn, là những người có thể sẽ mua sản phẩm của công ty bạn, và, không bao giờ thích những người viết chỉ chăm chăm nói về bản thân mình.
Hãy sáng tạo đều đặn, và bung sức khi cảm hứng ập tới
Trên thực tế, viết văn là nghề tay trái của Morrison. Cuốn sách đầu tiên, Mắt nào xanh nhất, là các truyện ngắn trước đó được viết và tổng hợp lại trong các “quãng nghỉ” khi bà đan xen giữa công việc biên tập sách và công việc của một bà mẹ đơn thân.
Như tất cả nhà văn khác, bà cũng mơ về một góc làm việc lý tưởng, về chiếc bàn gỗ sồi và một cánh cửa mà đóng lại sẽ mở ra “thế giới riêng” - nơi bà có thể tập trung viết lách cả ngày, không phải rời nhà, nghe điện thoại hay trả lời thư từ. Và cũng như tất cả các nhà văn từng mơ như thế, bà vỡ mộng.
“Tôi không thể viết đều đặn. Tôi chưa bao giờ làm được - chủ yếu vì tôi làm một công việc hành chính. Tôi buộc phải tranh thủ viết vội vàng hoặc vào giờ giải lao, hoặc ngồi lì ở nhà cuối tuần và thức giấc trước cả bình minh.”
- Toni Morrison
Như E. B. White từng nói: “Một nhà văn chờ đợi điều kiện làm việc lý tưởng sẽ chết mà không viết được chữ nào lên giấy.” Chủ nghĩa hoàn hảo sẽ dập tắt ngọn lửa sáng tạo trước khi nó kịp nhen nhóm. Trong cuộc sống, ta đâu thể chỉ làm những việc mình thích, còn vô vàn chuyện khác phải lo: tình yêu, gia đình, hoá đơn, con cái,... Morrison đã cố gắng khắc phục những điều trên bằng cách tự ép bản thân vào khuôn khổ, cam kết với viết lách bằng tinh thần kỷ luật sắt thép.
Và nếu bà chợt thấy một tín hiệu khẩn cấp, dù là rất nhỏ, về một ý tưởng lớn lao đang lập lờ phía chân trời, bà sẵn sàng dẹp bỏ tất cả sang một bên và viết liên tục trong thời gian dài. Stephen King từng nói về điều này trong cuốn On Writing rằng: “Vấn đề không phải là nảy ra thật nhiều ý tưởng, mà là biết cách nhận biết và nắm bắt ý tưởng khi nó xuất hiện.”
Dành cho những ai muốn đọc thêm các bài viết tương tự
#1. Neil Gaiman, Ông Lấy Ý Tưởng Của Mình Từ Đâu?
#2. Làm Thế Nào Để Trở Nên Vĩ Đại?
#3. 5 Cách Nhàm Chán Để Trở Nên Bớt Nhàm Chán Và Sáng Tạo Hơn