“Tôi thích viết. Nhưng viết chưa bao giờ dễ dàng hơn với tôi, và bạn không thể mong đợi điều đó xảy ra nếu bạn muốn đạt được điều gì đó tốt hơn khả năng của mình,” Ernest Hemingway nói. 

Ernest Miller Hemingway (1899 - 1961), tác giả truyện ngắn kinh điển 'Ông Già và Biển Cả' đoạt giải Nobel, một trong những nhà văn sáng giá nhất thế kỷ XX.

#1. Thưa ông Hemingway, ông có nghĩ tất cả tác phẩm của mình đều hoàn hảo? 

Hemingway cười khẩy: 

 

“Tôi viết một trang tuyệt tác cho chín mươi mốt trang dở tệ. Tôi cố gắng bỏ cứt vào sọt rác." 

— Từ bức thư gửi F. Scott Fitzgerald, 1934 

 

Thật dễ dàng để nghĩ rằng những nhà văn vĩ đại có một tài năng bẩm sinh. 

Họ không viết một cách dễ dàng sao? 

Ồ, chắc chắn là không rồi. Agatha Christie, nhà văn viết truyện trinh thám bán chạy nhất lịch sử, được cho là người có sức viết dai dẳng và bền bỉ nhất khi bà đều đặn cho ra đời 1 TÁC PHẨM mỗi năm. 

Người đọc đâu thể biết được để soạn ra được áng văn họ đang đọc, tác giả của chúng đã thức bao nhiêu đêm, vò nát bao nhiêu tờ giấy, viết đi viết lại bao nhiêu lần đoạn kết và nốc bao nhiêu rượu rum (trong trường hợp của Hemingway). 

Đôi khi tôi cũng thắc mắc, nếu viết lách dễ tới vậy, các nhà văn sẽ làm gì trong suốt thời gian rảnh còn lại nhỉ? 

 

“Tôi thích viết. Nhưng viết chưa bao giờ dễ dàng hơn với tôi, và bạn không thể mong đợi điều đó xảy ra nếu bạn muốn đạt được điều gì đó tốt hơn khả năng của mình.”

— Ernest Hemingway 

 

Câu nói của Hemingway là một nhắc nhở rằng viết lách là một công việc khó khăn, và nếu bạn thấy nó như một cuộc vật lộn, thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang đi đúng hướng. 

#2. Thưa ông Hemingway, mỗi ngày ông viết được bao nhiêu từ? 

Hemingway trả lời: 

 

“Nếu tôi chỉ viết được 320 từ, nhiêu đó thôi cũng làm tôi thấy vui rồi.” 

— Từ một lá thư gửi Maxwell Perkins, 1944 

 

Trong một lá thư gửi người biên tập Maxwell Perkins, Hemingway phàn nàn nhà xuất bản Charlie Scribner đang chế giễu số từ hàng ngày của ông. Ông cho rằng Scribner không hiểu gì về ông và viết lách. 

Thông thường, Hemingway viết từ 400 – 600 từ mỗi ngày, nhưng nếu ít hơn một chút cũng chẳng sao. 

Đôi khi viết được xem như một cuộc thi: Ai có thể viết nhiều từ nhất trong một ngày? 

Nhưng viết càng nhiều càng tốt không hẳn sẽ làm tăng năng suất của bạn. 

Chẳng hạn, khi tác giả Mark Manson tham gia một nhóm viết lách, tất cả thành viên đều cố gắng vượt mặt nhau bằng cách viết nhiều hơn người khác. Manson sớm nhận thấy, hầu hết các tác phẩm viết nhanh của ông đều dở tệ. Khi anh ấy viết chậm lại và giới hạn thời gian viết trong 2 giờ mỗi ngày, Manson đã hoàn thành cuốn sách của mình nhanh hơn vì anh ấy không cần dành quá nhiều thời gian để xem xét lại các bản nháp. 

Đặt ra số từ mỗi ngày có thể giúp đẩy lùi thói trì hoãn để bạn viết nhanh hơn. Nhưng hãy cẩn thận. Số từ quá cao có thể phản tác dụng và nhiều người thấy dễ dàng hơn khi đặt mục tiêu thời gian — giả dụ như viết trong 20 phút hoặc 2 tiếng mỗi ngày. 

Hãy chọn ra thứ phù hợp với bạn và đừng quá quan tâm tới tốc độ viết. 

#3. Thưa ông Hemingway, tôi thấy thật khó để bắt đầu viết vào buổi sáng. Làm thế nào để nó dễ dàng hơn? 

Hemingway gợi ý: 

 

“Cách tốt nhất là biết dừng lại khi bạn đang viết tốt và khi bạn biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. 

— Trích ‘By-Line: Ernest Hemingway’ 

 

Đây là một thủ thuật tuyệt vời để ngăn chặn sự trì hoãn. Khi bạn dừng viết trước khi trở nên hoàn toàn trống rỗng, việc viết vào ngày hôm sau sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều vì bạn biết mình sẽ viết gì tiếp theo. 

Và hơn cả thế… 

Trong khi bạn dừng viết, tiềm thức vẫn tiếp tục làm việc với các ý tưởng của bạn, vì vậy những ý tưởng mới sẽ chợt bật ra, giúp việc viết lách trở nên dễ dàng hơn vào ngày hôm sau. 

Tôi thường gọi đây là quy luật “tiết kiệm cảm hứng”. Đừng dùng hết cảm hứng trong một ngày, hãy để dành một chút cho ngày sau để không rơi vào tình trạng “vò đầu bứt tai” nhé. 

#4. Thưa ông Hemingway, ông có bao giờ gặp khó khăn trong việc viết lách không? 

Vâng, ngay cả Hemingway đôi khi cũng bị mắc kẹt. 

 

“Tôi sẽ đứng trông ra những mái nhà của Paris và nghĩ, ‘Đừng lo. Bạn đã luôn viết trước giờ và bây giờ cũng thế. Tất cả những gì cần làm là viết một câu đúng. Hãy viết câu đúng nhất mà bạn biết.” 

— Trích ‘A Moveable Feast (Hội hè miên man)’ 

 

Giống như một vận động viên khởi động trước trận đấu, một cây viết cũng cần phải hâm nóng ngòi bút của mình thì hẵng mong tới việc con chữ tự tuôn trào ra trang giấy. 

Họ cần phải viết một vài câu, vài đoạn hoặc cả một bản thảo đầu tiên trước khi họ thực sự được hâm nóng lên. 

#5. Thưa ông Hemingway, thế nào là viết tốt? 

Hemingway trả lời: 

 

“Viết hay là viết chân chính.” 

— Trích ‘By-Line: Ernest Hemingway’ 

 

Tôi hơi ngạc nhiên trước câu nói này. 

Không phải The Old Man and the Sea (Ông Già và Biển Cả) của Hemingway là một câu chuyện giả tưởng sao? 

Đúng, nhưng nó dựa trên trải nghiệm thực tế của Hemingway, kết hợp với những câu chuyện câu cá từ người bạn Cuba Carlos của ông. Các chi tiết có cảm giác như thật, và chúng giúp độc giả tưởng tượng và trải nghiệm câu chuyện như thể chúng ta đang đi câu cá với ông lão. 

Như Hemingway viết trong một bức thư khác, “bất cứ thành công nào tôi có được đều nhờ viết những gì tôi biết.” 

#6. Và sai lầm lớn nhất mà những người viết tệ mắc phải là gì? 

Hemingway trả lời: 

 

“Tất cả những nhà văn tồi đều yêu sử thi.” 

— Trích ‘Death in the Afternoon’ 

 

Tất cả những gì bạn cần làm là đọc một vài trang Ông Già và Biển Cả để hiểu Hemingway tôn sùng thứ ngôn ngữ đơn giản như thế nào. Ông thừa nhận đã dành cả đời để có thể viết được súc tích và chính xác như vậy. 

Và đó là một bài học nữa mà bất kỳ người viết nào cũng cần nhớ lấy. 

Chúng ta không viết để gây ấn tượng, hay khoa trương. 

Chúng ta viết để giải trí, để giáo dục, để chia sẻ câu chuyện của ta, để kết nối, và làm hài lòng độc giả.

*Được biên dịch từ bài viết của tác giả Henneke tại đây.