Bạn không phải là một độc giả văn học thì mới biết Ernest Hemingway là ai. 

Phong cách viết ngắn gọn đặc trưng của ông được hàng loạt các tác giả, nhà báo, biên tập viên, người viết quảng cáo và cả giáo viên học tập theo. 

Hemingway từng nói ông đã mất cả đời để trau chuốt lối viết tối giản đó. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông — truyện ngắn Ông Già và Biển Cả từ lâu đã được đem ra làm văn mẫu cho các thế hệ tác giả sau đó noi gương. 

Hôm nay, nhân dịp tròn 124 năm ngày sinh của Ernest Hemingway, chúng ta hãy cùng khám phá 11 bài học viết lách từ ngòi bút đại tài này nhé! 

#1. Viết những điều mình biết rõ. 

Nguyên tắc sáng tác của Ernest Hemingway là viết về những điều mình biết rõ. 

Vì lý do này, tất cả các cuốn sách của ông rất hiện thực. Ba cuốn sách xuất sắc nhất của ông là Mặt trời vẫn mọc, Giã từ vũ khí!Hội hè miên man đều dựa trên những sự kiện thực tế, chúng được cải biên thành tác phẩm văn học. 

Hemingway "nhai lại" các sự kiện của cuộc đời mình, chế biến chúng thành một món ăn dễ tiêu và bổ sung một chút tưởng tượng.

Ernest Hemingway ở Ý năm 1920 

Tảng băng trôi là ẩn dụ Hemingway hay dùng để định nghĩa phương pháp thẩm mỹ của mình. Ông nhiều lần nói về hình tượng này. 

 

"Nếu nhà văn biết rõ những gì mình viết, anh ta có thể bỏ đi nhiều điều anh ta biết, và nếu anh ta viết một cách chân thực thì độc giả cảm nhận được tất cả những gì bị bỏ đi như thể chính nhà văn nói về điều đó. Sự kỳ vĩ của tảng băng trôi là ở chỗ chỉ 1/8 của nó nổi lên trên mặt nước"

— Hemingway viết năm 1932

 

Nếu có thể tóm gọn cả đoạn trên trong một câu, câu mà tôi chọn sẽ là: Lời ít ý nhiều. 

#2. Viết bằng thứ ngôn ngữ giản dị. 

The Kansas City Star, một tờ báo lớn của Mỹ vào năm 1920, là nơi đầu tiên Hemingway đến làm việc. Các đồng nghiệp nhớ lại: "Hemingway chuẩn bị viết báo như là viết tiểu thuyết. Ông cân nhắc kỹ từng dòng cho đến khi hài lòng về kết quả mới thôi.” 

Ernest Hemingway làm ở The Kansas City Star chưa tới 1 năm thì xung phong chiến trận 

Trong suốt cuộc đời, Hemingway đã lấy tôn chỉ của tờ báo để tạo nên phong cách viết ngắn gọn đặc trưng của mình: “Dùng những câu ngắn. Dùng những đoạn mở đầu ngắn. Dùng thứ tiếng Anh hùng hồn. Phải khẳng định, không phủ nhận.” 

Năm 1940, khi nhớ lại thời kỳ này, ông nói: "Lúc bấy giờ tôi học được cách viết về những điều bình thường bằng ngôn từ giản dị". Đây chính là nguyên tắc viết văn và nền tảng sáng tác của ông.

#3. Dùng những từ đơn giản để nói những điều phức tạp. 

Có lẽ hơn bất kỳ nhà văn nào khác trong lịch sử, Hemingway được biết đến với khả năng viết văn xuôi đơn giản, dễ hiểu. 

Dưới đây là cấp độ đọc trung bình các tác phẩm nổi tiếng nhất của Hemingway: 

  • The Sun Also Rises (Mặt Trời Vẫn Mọc) — trình độ đọc lớp 4 
  • The Old Man and the Sea (Ông Già Và Biển Cả) — trình độ đọc lớp 5
  • For Whom the Bell Tolls (Chuông Nguyện Hồn Ai) — trình độ đọc lớp 5
  • A Farewell to Arms (Giã Từ Vũ Khí) — trình độ đọc lớp 6 

Nói cách khác, một đứa trẻ cũng có thể đọc và hiểu chúng. Tuy nhiên, tiểu thuyết của Hemingway lại xoay quanh những chủ đề to lớn: ý nghĩa của cuộc đời, tình cảm đối với cha mẹ, sự vô nghĩa của chiến tranh và vẻ đẹp của tình yêu trên tấm nền hoang tàn đó. 

 

“Anh viết đơn giản là tốt rồi, càng đơn giản càng tốt. Nhưng đừng bắt đầu nghĩ đơn giản như vậy. Hiểu mức độ phức tạp của nó và sau đó nói một cách đơn giản.”

— Hemingway 

 

Hemingway biết cách diễn tả những chủ đề phức tạp này bằng thứ ngôn ngữ giản dị, đời thường vì ông đã kinh qua tất cả những tình huống trên. Như một câu nói khác của Hemingway: “Mục tiêu của tôi là viết lên giấy những gì tôi thấy và cảm nhận được theo cách đơn giản nhất có thể.” 

#4. Viết những điều chưa ai viết trước đó. 

Hồi trẻ, Hemingway đọc nhiều sách của Tolstoy, Turgenev, Flaubert, Crane (nhà văn Mỹ) không chỉ để học hỏi. Ông muốn tìm kiếm những gì chưa ai viết trước ông.

Và ông có thể làm điều đó trong truyện vừa Ông già và biển cả. Hemingway kể về chủ ý sáng tác truyện vừa này như sau: "Tất cả điều đó đã được các nhà văn khác thực hiện một cách xuất sắc trước đây. Trong văn học, bạn bị hạn chế bởi những gì người ta đã làm từ trước. Vì vậy, tôi phải cố gắng tìm hiểu thêm điều gì đó. Tôi thử bỏ tất cả những gì không cần thiết để chuyển những trải nghiệm của tôi cho độc giả sao cho sau khi đọc xong, điều đó trở thành một phần trải nghiệm của họ và họ thực sự hình dung được những gì đã diễn ra.”

 

“Tại sao phải ăn cắp từ ai nếu không phải từ những người giỏi nhất?” 

— David Ogilvy

 

Nghiên cứu các tác phẩm kinh điển, học hỏi từ những bậc thầy, nhưng hãy tạo ra phong cách riêng của bạn. Hemingway nói: “Trong nghệ thuật, bạn được phép ăn cắp bất cứ thứ gì nếu bạn có thể làm cho nó tốt hơn.” Còn nếu bạn chỉ đơn thuần bắt chước theo những gì đã có sẵn, tác phẩm của bạn sẽ chẳng khác nào một bản sao rẻ tiền. 

#5. Đề ra kỷ luật cho bản thân và không thực hiện nó 

Hồi trẻ, Hemingway đã đề ra các nguyên tắc riêng mà suốt đời ông theo đuổi:

1) Dậy sớm và bắt tay vào viết.

2) Viết chừng nào chưa thấy mệt.

3) Dừng viết khi còn cảm hứng để ngày hôm sau không bị hẫng.

4) Viết và cố gắng hết mình.

5) Phần thời gian còn lại trong ngày không nghĩ về tác phẩm và đọc sách.

6) Viết ngắn gọn, cô đọng.

7) Chọn những câu đơn giản, chân thật.

#6. Biên tập, biên tập, biên tập. 

Ernest Hemingway từng nói: “Nhiều nhà văn đã quên mất bước quan trọng nhất khiến tác phẩm của họ trở nên sáng giá – chỉnh sửa bản thảo, cố gắng biến nó thành một tác phẩm hoàn thiện, thành một áng văn sáng lóa chẳng khác gì thanh gươm mới mài xong.” 

Cắt và xén 

Ernest Hemingway là một biên tập viên khắt khe. Ông viết ngắn, nhưng đảm bảo mỗi từ xuất hiện đều có lý do của nó. Đầu tiên, ông để bản thảo của mình nguội đi trong một thời gian ngắn trước khi quay lại và chỉnh sửa nó. 

 

“Tôi tin rằng về cơ bản bạn viết cho hai người; bản thân bạn để cố gắng làm cho nó hoàn hảo tuyệt đối; hoặc nếu không thì tuyệt vời. Sau đó, bạn viết cho người bạn yêu, cho dù cô ấy có thể đọc được hay không và liệu cô ấy còn sống hay đã chết.”

— Ernest Hemingway 

 

Điều kỳ diệu về một áng văn nằm ở những đoạn đã bị cắt đi. Đúng vậy, cắt, cắt và cắt. Giống như một thợ thủ công lành nghề, bạn khoan, đục, đẽo gọt tác phẩm của mình không thương tiếc tới độ hoàn hảo tuyệt đối, hoặc nếu không thì tuyệt vời. 

Ernest Hemingway nói ông đã viết đi viết lại Giã từ vũ khí ít nhất 50 lần. Có lẽ nó chỉ nên đem ra làm ví dụ để bạn thấy tầm quan trọng của biên tập chứ không phải để bắt chước theo. Trừ khi bạn viết tiểu thuyết hoặc thừa mứa thời gian, 5 lần là đủ rồi.  

#7. Không quên viết cho mình. 

Hemingway từng nói: “Tôi nghĩ chúng ta đừng bao giờ quá bi quan về những gì chúng ta mình đã làm tốt bởi phần thưởng duy nhất là thứ nằm trong chính chúng ta… Sự nổi tiếng, sự ngưỡng mộ, sự nịnh hót hay đơn giản là trở nên thời thượng đều vô giá trị…” 

“Phần thưởng” mà Hemingway nhắc tới ở đây, tôi sẽ gọi là “động lực nội tại”. Bạn có thể viết vì tiền, vì muốn trở nên nổi tiếng hay bắt trends, nhưng những thứ phù phiếm đó sẽ không tồn tại lâu. 

Sinh thời, Jack London là một trong những người có sức viết mạnh mẽ nhất và kiếm bộn tiền từ viết lách. Ông chia các tác phẩm của mình thành 2 loại: loại viết vì lý tưởng và loại viết vì tiền. 

Jack London hiểu rõ một túi tiền rủng rỉnh có thể nuôi sống dạ dày của ông, nhưng sẽ không thể nào cứu vớt một tinh thần nghèo nàn. 

Mỗi cây viết đều nên như vậy, chúng ta viết để sống, nhưng cũng sống để viết. Chúng ta phải viết vì lý tưởng của bản thân. 

#8. Đừng mong chờ việc viết sẽ trở nên dễ dàng hơn. 

Hemingway được xem là một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ XX. nhưng ông chưa bao giờ cảm thấy mình “làm nên chuyện” với tư cách một nhà văn. Ông ấy đã cố gắng cả đời và thừa nhận “viết lách là điều mà bạn không bao giờ có thể làm tốt nhất có thể.” 

 

“Tôi thích viết. Nhưng viết chưa bao giờ dễ dàng với tôi, và bạn không thể mong đợi điều đó xảy ra nếu bạn đang cố gắng đạt được điều gì đó nằm ngoài khả năng của mình.”

— Ernest Hemingway 

 

Giống như giáo sư huyền thoại Bill Glavin từng nói: “Hãy nhớ rằng những nhà văn tồi nghĩ viết lách thì dễ; những nhà văn giỏi nghĩ rằng viết lách rất khó, và tôi nghĩ có một bài học ở đâu đây.” 

#9. Đừng mong đợi lời khen nào cả. 

Như Hemingway từng nói: 

 

“Bạn phải sẵn sàng làm việc mà không có tiếng vỗ tay. Không ai có thể nhìn thấy bản nháp đầu tiên cho đến khi bạn xem đi xem lại nó nhiều lần để truyền đạt được cảm xúc, hình ảnh và âm thanh cho người đọc. Và khi bạn hoàn thành việc này, đôi khi các từ sẽ không có nghĩa với bạn khi bạn đọc chúng, vì bạn đã đọc chúng rất nhiều lần.”  

 

Viết lách là một công việc thầm lặng, và nó chỉ nên là như thế. Một tác giả cũng là một nghệ sĩ, nhưng anh ta sẽ phải chấp nhận bỏ hàng trăm giờ đồng hồ miệt mài nghiên cứu, viết, biên tập rồi lại viết. 

Độc giả có thể vỗ tay hoan nghênh anh ta không ngớt khi tác phẩm được xuất bản, nhưng chắc chắn họ không biết anh ta đã vò nát bao nhiêu tờ giấy, ném bao nhiêu bản thảo vào sọt rác và từng dành nhiều tuần, nhiều tháng chỉ để viết nên đoạn kết của câu chuyện. 

Một cây viết chuyên nghiệp, sẽ làm việc và tiếp tục làm việc mà không cần lời khen nào cả.  

#10. Không viết đến chán. 

Cảm hứng thường đến vào những lúc không ngờ nhất, cũng vì vậy mà khi khơi nguồn được cảm hứng, các cây viết cố gắng viết nhiều nhất có thể, như một dạng “tranh thủ ăn khi cơm còn nóng”. Nghe thì có vẻ hợp lý nhưng sự thật lại không như vậy. 

 

“Điều quan trọng nhất mà tôi học được về viết lách là không bao giờ viết quá nhiều vào một lúc… Đừng bao giờ tự vắt kiệt sức mình. Để lại một ít cho hôm sau. Biết khi nào nên dừng lại… Sáng hôm sau, khi bạn đã có một giấc ngủ ngon và cảm thấy sảng khoái, hãy tiếp tục từ điểm dừng đó.”

— Ernest Hemingway 

 

Cảm hứng là một nguồn tài nguyên có thể lưu trữ. Nói đơn giản, đừng sử dụng hết cảm hứng trong một lần mà hãy chừa lại một chút cho ngày hôm sau. Khi đó, bạn sẽ không nhớ nổi lần cuối mình ngồi cắn bút là khi nào. Ý tôi là, mỗi lần ngồi viết là con chữ nó cứ tự tuôn trào ấy. 

#11. Khi không làm việc, hãy thực sự không làm việc. 

Mặc dù độc giả thích tưởng tượng cảnh Hemingway thu mình trong phòng cả ngày và mổ cò trên con máy đánh chữ hiệu Underwood của mình, nhưng thật sự thì Hemingway thích “viết đứng” nhiều hơn. 

 

“Tôi học được cách không nghĩ về bất cứ điều gì mà tôi đang viết kể từ khi tôi ngừng viết cho đến khi tôi tiếp tục nó vào ngày hôm sau….”

— Hemingway 

 

Phần lớn thời gian trong ngày, ông đi bộ, săn bắn, câu cá và đi đây đó nhiều nhất có thể. Hemingway hạnh phúc khi viết được 1.000 – 2.000 từ một ngày, nhưng ông biết điều đó không phải lúc nào cũng khả thi. 

 

“Nếu tôi chỉ viết được 320 từ, nhiều đó cũng đủ làm tôi vui rồi.”

 — Trích một lá thư Hemingway gửi tới người biên tập Maxwell Perkins 

 

Khi dừng viết, Hemingway cảm thấy trống rỗng. Thời gian nghỉ ngơi đó ông dùng vào việc đọc sách, tránh suy nghĩ vẩn vơ và tạm thời quên đi công việc. 

Là thế đó. Khi không làm việc, Hemingway thực sự không làm việc.