Ngày nay, thật khó để tưởng tượng được việc học tập, làm việc mà không có máy tính xách tay. 

Bây giờ, nếu bạn thách tôi 100 đồng cho mỗi lần tìm được một sinh viên sử dụng laptop để ghi chú, tôi sẽ kiếm được một phần buffett khá ngon — có khi là hai phần. 

Thực sự thì tôi mới chỉ chuyển qua viết tay độ 3 tháng gần đây thôi, còn trước đó thì tôi ghi chú tất cả bằng laptop. Từ bài giảng trên lớp, biên bản cuộc họp, to-do-list, kho ý tưởng hay thậm chí là cả nhật ký. — tất cả đều được soạn ra bằng những tiếng gõ lạch cạch vui tai. 

Tôi khó lòng phủ nhận độ tiện lợi của các trình soạn thảo trực tuyến vì chúng có quá nhiều điểm ưu việt, từ khả năng sao lưu, không gian ghi chú không giới hạn hay có thể truy cập bất cứ lúc nào chỉ với chiếc điện thoại — vả lại chữ viết tay của tôi cũng không đẹp cho lắm, nên tôi khoái ghi chú trên thiết bị điện tử hơn. 

Nhưng nếu nó vượt trội tới vậy, tại sao tôi vẫn quay về bên chiếc bút và tập giấy thần yêu như những ngày đầu học viết chính tả? 

Ảnh: Literacy Hub

Ngày còn bé, tôi rất thích kem Bình Dương, vì nó có một quả hoa anh đào nằm ngay giữa. Tôi thích lắm, nên tôi cứ ăn hết sạch kem rồi mới dám thưởng thức nó — như kiểu “save the best for the last” ấy. Cho tới một ngày bạn tôi xin một miếng và thứ nó tợp đầu tiên là quả hoa anh đào. 

Kể từ đó, tôi luôn ăn quả anh đào trước tiên. Cái gì quan trọng nhất, tốt nhất thì mình xử lý trước. Những cái phụ sẽ theo sau. 

Khi viết lách hay ghi chú, tôi cũng sẽ luôn ăn “quả anh đào” đầu tiên. Tôi ghi tất cả những gì trong đầu lên mặt giấy, rồi sắp xếp chúng theo thứ tự lớn bé và mức độ quan trọng. 

Khi viết, bạn đơn giản đang cố gắng chuyển tải suy nghĩ trong đầu mình lên mặt giấy. Đầu óc bừa bộn thì sẽ không nghĩ được gì cả, và cũng sẽ không viết được gì ra hồn. Đầu óc phải tập trung, phải nghĩ thông suốt thì con chữ mới có sức nặng. Nếu bạn viết lộn xộn, tức là suy nghĩ của bạn lộn xộn. 

Vì vậy, nếu bạn muốn viết thật gọn gàng, suy nghĩ của bạn phải gọn gàng trước.  Bạn buộc phải chọn ra những thông tin đắt giá nhất, trọng tâm nhất để ghi chú. Quá trình này thúc đẩy khả năng phân tích, đánh giá và chọn lọc thông tin — tất cả đều diễn ra trong não bạn. 

Nói cách khác, trước khi con chữ thành hình trên mặt giấy, nó đã kinh qua vài “màng lọc” trước đó rồi. 

Trong thử nghiệm nổi tiếng có tên “the pen is mightier than the keypad” (2014) của Pam A. Muller và Daniel M. Oppenheimer, 67 sinh viên Princeton đã tham gia và được yêu cầu ghi chép theo 2 cách: gõ máy hoặc viết tay. Tiếp đó, họ được cho làm một bài kiểm tra về nội dung bài giảng. 

Kết quả cho thấy không có nhiều khác biệt trong việc ghi nhớ các ý tưởng trong bài giảng. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể về điểm kiểm tra dựa trên hiểu biết về khái niệm giữa hai nhóm. Cụ thể, những người viết tay có điểm cao hơn ở những câu hỏi này. 

Kết quả từ nghiên cứu này gợi ý rằng quá trình xử lý của não bộ xảy ra trong hành động ghi chú có thể ảnh hưởng đến việc học và ghi nhớ”. Khi bạn ghi chú bằng cách lướt phím, bạn có thể gõ khá nhanh - tới mức bạn có thể sao chép nguyên văn từng từ đang được nói. Viết tay, ngược lại, yêu cầu bạn phải lắng nghe cẩn thận, sau đó bóc tách các ý chính ý phụ. Rõ ràng, viết tay ép não bạn phải hoạt động năng suất hơn. 

Khi bạn đã ghi hết tất cả những gì mình nghĩ ra giấy rồi, đó mới chỉ là bản nháp đầu tiên. Còn có bản nháp thứ 2, thứ 3 nữa. Còn rất nhiều tờ giấy bị vo viên rồi vứt vào sọt rác. Quy trình cứ tiếp tục như một vòng lặp cho tới khi bạn nhìn vào bản thảo và ngẫm nghĩ “Trông có vẻ ổn rồi đấy!”. 

Nhưng bạn biết nó chỉ ổn một phần. Hiếm khi tác phẩm của chúng ta hoàn hảo ngay từ đầu mà phải qua 5 lần 7 lượt nhào nặn thì mới thành hình. Đúng vậy, tôi đang nói đến việc chỉnh sửa, biên tập. 

Khi viết lên giấy, bạn có thêm 1 lần nữa để ngắm nghía lại tác phẩm của mình. Như vậy, một lần sửa bản viết tay, một lần sửa khi gõ lại lên máy tính, một lần nữa sau đó — riêng đó thôi đã đủ 3 lần — một con số tạm ổn để bạn cho đăng tải bài viết. 

Người sáng tạo thường đánh giá thấp vai trò của khâu biên tập, chỉnh sửa. Họ làm trong vội vã, làm cho kịp deadline, không có thời giờ chăm chút tỉ mỉ cho tác phẩm của mình. 

Viết tay đã giúp tôi hạn chế tối đa sai lầm này. 

Tuân thủ Lời Răn Vĩ Đại của Stephen King trong cuốn tự truyện On Writing, tôi mang theo mình một cuốn sách và một cuốn sổ ghi chép bất cứ đâu. 

Sách để tiêu khiển lúc không có gì làm, còn sổ giúp ý tưởng không vụt bay. Trong tiến trình sáng tạo, sách là đầu vào, sổ là đầu ra. Nói đơn giản, bạn muốn có ý tưởng — bạn phải đọc thật nhiều, xem thật nhiều, trải thật nhiều và giữ ý tưởng ấy khỏi vụt bay — bạn phải viết nó ra. 

Trí nhớ tốt không bằng nét chì mờ. Tôi vẫn luôn thầm biết ơn bản thân vì đã chịu khó ghi chú lại những ý tưởng bất chợt lên giấy. Vì thực sự chúng ta không bí ý tưởng mà ngược lại, chúng ta phung phí ý tưởng.