E. B. White: “Một nhà văn chờ đợi những điều kiện làm việc lý tưởng sẽ chết mà không viết được chữ nào lên giấy.”
Trong một cuộc phỏng vấn với The Paris Review vào năm 1969, E. B. White, tác giả của cuốn truyện thiếu nhi kinh điển Charlotte’s Web, đã chia sẻ chút ít về thói quen làm việc của ông như sau:
"Tôi không bao giờ nghe nhạc khi làm việc cả. Tôi không thể và đơn giản là không thích. Mặt khác, tôi có thể xử ngon lành những mối xao nhãng thông thường. Phòng khách nhà tôi — là trung tâm của mọi hoạt động, từ xuồng hầm, vào bếp, đến tủ điện thoại, bạn đều phải đi qua nó. Nhưng đó là một căn phòng sáng sủa, nhộn nhịp và tôi ngồi đó mà viết lách, bất chấp yến tiệc đang diễn ra xung quanh. Một cô gái đẩy máy quét thảm dưới bàn máy đánh chữ chưa bao giờ khiến tôi phải khó chịu, cũng như không khiến tôi mất tập trung — trừ khi cô ta xinh đẹp lạ thường hoặc vụng về lạ thường. Cảm ơn Chúa, vợ tôi chưa bao giờ có ý bao bọc tôi, như người ta kể, vợ một số nhà văn khác cũng vậy. Hậu quả là, các thành viên trong gia đình tôi chẳng bao giờ để ý tới việc có một nhà văn đang ngồi làm việc trong phòng khách của họ cả — họ gây ra đủ tiếng ồn ào họ muốn. Một nhà văn chờ đợi những điều kiện lý tưởng để làm việc sẽ chết mà không viết được chữ nào lên giấy."
Susan Sontag: “Tôi viết trong vội vã.”
Không mất quá nhiều thời gian để khám phá ra bí mật viết lách của Susan Sontag, khi bà đã chia sẻ quá đỗi chi tiết về việc này trong một cuộc phỏng vấn với The Paris Review vào mùa đông năm 1995.
"Tôi viết bằng bút dạ, hoặc đôi khi bằng bút chì, trên những tờ giấy màu vàng hoặc trắng — điều mà giới nhà văn Mỹ tôn sùng. Tôi thích sự chậm rãi của việc bằng tay. Sau đó tôi gõ nó và nguệch ngoạc khắp nơi. Và tiếp tục gõ lại, sửa bằng tay rồi gõ lại, cứ thế cho tới khi tôi không thể làm tốt hơn được nữa. Đó giờ đã là chuyện của quá khứ. Kể từ khi có chiếc máy tính, tôi thường chỉ sửa 2, 3 lần bản nháp viết tay rồi gõ lên máy, sau đó tôi tiếp tục sửa trên máy luôn.
[...]
Tôi viết trong vội vã. Tôi viết vì áp lực ngày càng tăng, vì tôi tin ý tưởng đã thành hình trong đầu tôi và tôi có thể viết nó ra. Nhưng khi mạch cảm hứng tuôn trào, tôi như đắm chìm vào nó. Tôi không thiết tha tới bất cứ gì khác: tôi không ra ngoài, nhiều khi quên ăn, ngủ rất ít. Đó là cách làm việc rất vô kỷ luật khiến năng suất của tôi bị suy giảm. Nhưng tôi chẳng mấy đoái hoài vì tôi còn quá nhiều mối quan tâm khác để suy nghĩ."
Ernest Hemingway: “Tôi viết mỗi buổi sáng.”
Trong một cuộc phỏng vấn với George Plimpton, nhà văn đại tài đã tiết lộ thói quen viết hàng ngày của mình...
"Khi tôi đang viết một cuốn sách hoặc câu chuyện gì đó, tôi viết mỗi buổi sáng — ngay sau khi ánh nắng đầu tiên ló dạng. Thật tuyệt khi không có ai làm phiền bạn, và còn tuyệt hơn khi bạn bắt đầu với đôi tay còn lạnh cóng và ngòi bút kia sẽ sưởi ấm nó. Bạn đọc những gì bạn đã viết và, vì bạn luôn dừng lại khi biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nên bạn sẽ tiếp tục ở đó. Bạn viết cho tới khi mà bạn vẫn còn chút cảm hứng và biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo — rồi bạn dừng lại, cố gắng sống sót cho đến ngày hôm sau để viết tiếp nó."
Stephen King: “Khi tôi làm việc, mọi nơi đều là sân chơi, ba giờ tệ hại nhất ở nơi đó vẫn là ba giờ tuyệt hảo.”
Stephen King, ông hoàng truyện kinh dị có chia sẻ vài dòng về thói quen viết lách của mình trong cuốn tự truyện On Writing như sau:
"Tôi từng nói với một phóng viên rằng tôi viết mỗi ngày trừ Giáng sinh, ngày Quốc Khánh và sinh nhật mình. Đó là lời nói dối. Tôi nói như vậy với họ vì nếu đồng ý nhận phỏng vấn, bạn phải nói cái gì đó, tốt hơn là cái gì đó nghe có tý khôn ngoan. Hơn nữa, tôi không muốn người ta coi mình là ông dẩm cuồng công việc (cuồng công việc thôi là được rồi). Thực ra, khi đang viết dở dang, tôi viết mỗi ngày, ông dẩm cuồng công việc hay không cũng được. Tức là bao gồm Giáng sinh, Quốc Khánh và sinh nhật tôi (ở tuổi tôi, dẫu sao bạn cũng sẽ cố gắng lờ sinh nhật đi thôi). Còn khi không làm việc, tôi hoàn toàn không làm việc, mặc dù trong những khoảng thời gian ngừng hẳn đó, tôi thường thấy mình đang ở phía cuối chơi vơi của chính bản thân và mất ngủ. Đối với tôi, không làm việc là công việc thực sự. Khi tôi làm việc, mọi nơi đều là sân chơi, ba giờ tệ hại nhất ở nơi đó vẫn là ba giờ tuyệt hảo."
Nathan Englander: “Tắt điện thoại.”
Nathan Englander, khi được hỏi ông sẽ đưa lời khuyên gì cho một tác giả đầy tham vọng, câu trả lời của ông như sau:
"Tắt điện thoại. Thành thật mà nói, nếu bạn muốn hoàn thành công việc, bạn phải học cách tự cô lập bản thân. Không chát chít, không email, không Facebook, không Instagram. Dù bạn đang làm gì thì nó cũng cần phải dừng lại khi bạn viết. Rất nhiều khi (dù hơi ngớ ngẩn đôi chút), tôi sẽ viết với nút bịt tai tai — ngay cả khi ở nhà hoàn toàn im lặng."
Khaled Hosseini: “Phải viết cho dù bạn có thích hay không.”
Trong cuộc phỏng vấn với Noah Charney, Hosseini đầy tự tin khi nói về thói quen viết hàng ngày của mình và không quên chèn thêm vài lời nhắn nhủ tới những người đang ôm giấc mộng làm bạn với con chữ.
"Tôi chẳng phác thảo chút nào. Tôi không thấy nó hữu ích và căm ghét cách nó bó buộc tôi. Ngược lại, tôi thích sự bất ngờ, thích để câu chuyện tự tìm ra lối đi riêng. Vì lý do này, việc viết bản thảo đầu tiên với tôi luôn là cực hình, và thường là gây thất vọng. Nó hiếm khi giống những gì tôi nghĩ, và cũng không giống ý tưởng mà tôi đã ấp ủ trong đầu khi bắt đầu viết nó. Tuy nhiên, tôi đặc biệt thích khâu chỉnh sửa, là viết lại đó. Bản nháp đầu tiên chỉ dừng lại ở một bản phác thảo, không hơn. Viết đối với tôi phần lớn là biên tập. Chính trong lúc này tôi sẽ khám phá ra những ý nghĩa, mối liên hệ và khả năng tiềm ẩn mà tôi đã bỏ lỡ. Khi viết lại, tôi hy vọng câu chuyện tiến gần hơn đến những gì tôi ấp ủ ban đầu.
Tôi đã gặp rất nhiều người nói rằng họ có một cuốn sách trong đầu nhưng chưa từng viết một câu nào. Thật sự sáo rỗng, công việc của một nhà văn là viết kia mà. Bạn phải thực sự viết, phải viết mỗi ngày, và phải viết cho dù bạn có thích hay không. Có lẽ quan trọng nhất là viết cho chính bản thân bạn. Viết thứ bạn cần giãi bày và muốn đọc. Nếu đã không thể biết người khác muốn đọc gì thì hà cớ gì phải nhọc công ngồi đoán."
Barbara Kingsolver: “Tôi phải viết hàng trăm trang mới đến được trang đầu tiên.”
Barbara Kingsolver đã viết hơn chục cuốn sách và phần lớn trong đó đều lọt vào danh sách bán chạy nhất của New York Times. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012, nữ nhà văn nhận đề cử giải Pulitzer đã chia sẻ đôi lời về công việc hàng ngày của mình dưới tư cách một nhà văn và một người mẹ...
"Tôi thường dậy rất sớm. Rất sớm là đằng khác. Bốn giờ sáng thì phải. Buổi sáng của tôi bắt đầu bằng việc cố gắng không thức giấc trước lúc mặt trời mọc — một thử thách mà tôi thường thua cuộc. Nhưng khi tôi làm việc, đó là vì tâm trí tôi chứa quá nhiều từ ngữ và tôi chỉ cần ngồi vào bàn làm việc, bắt đầu xả chúng lên một tập tài liệu. Tôi luôn thức dậy với những ý nghĩ chất chứa trong đầu như thế. Vậy nên với tôi mà nói, việc viết luôn trong tình trạng khẩn cấp. Thật buồn cười khi mọi người thường hỏi tôi làm thế nào để giữ kỷ luật khi viết lách. Tới giờ tôi vẫn không biết phải trả lời ra sao. Đối với tôi, kỷ luật là tắt máy tính và rời khỏi bàn làm việc để làm việc khác.
Tôi viết rất nhiều, mà đa phần là để bỏ đi. Đó chỉ là khâu khởi động, là một phần của quá trình. Tôi phải viết hàng trăm trang mới đến được trang đầu tiên. Trong suốt sự nghiệp tiểu thuyết gia của mình, tôi cũng đã từng là một người mẹ. Tôi nhận được hợp đồng viết cuốn sách đầu tiên, 'The Bean Trees', vào ngày tôi từ bệnh viện trở về với đứa bé mới lọt lòng. Thế là tôi trở thành một tiểu thuyết gia và một người mẹ trong cùng một ngày. Như thể tôi đã sống hai cuộc đời cùng lúc, nhưng đối với tôi chúng luôn là một. Chặng khởi đầu thật khó khăn, tôi không viết được nhiều vì phải nhờ người khác chăm con hộ. Thời gian đó, tôi trân trọng từng giờ từng phút ở bàn làm việc như một loại phần thưởng. Thời gian trôi qua và các con tôi đã tới trường, việc này dần dần trở nên dễ dàng hơn. Đối với tôi, thời gian viết lách luôn quý giá, là thứ mà tôi chờ đợi trong niềm háo hức và tôi luôn cố tận dụng nó triệt để. Đó có lẽ là lý do tại sao tôi dậy sớm để được viết trong bầu không khí yên tĩnh, đón chờ ánh bình minh và biết chắc sẽ không ai làm phiền mình."
Maya Angelou: “Dễ đọc là viết khó khủng khiếp.”
Trong một cuộc phỏng vấn với The Daily Beast năm 2013, nữ nhà văn kiêm nhà thơ đã chia sẻ vài lời mà tôi thấy rất tâm đắc về nghiệp viết lách như sau..
"Tôi bao một phòng khách sạn ở quê và nộp tiền hàng tháng. Tôi đến đó khoảng 6 rưỡi sáng. Một phòng ngủ, có giường chứ, bàn và bồn tắm. Tôi có Từ điển đồng nghĩa Roget, một cuốn từ điển khác và Kinh Thánh, vài bộ bài và một số trò chơi lặt vặt cỏn con.
[...]
Tôi tháo tất cả các bức tranh và mang mọi vật dụng trang trí ra khỏi phòng. Quản lý, lễ tân hay nhân viên dọn phòng đều không được phép vào phòng, đề phòng việc tôi ném một bản nháp xuống sàn — và tôi không muốn nó bị vứt đi. Khoảng hai tháng một lần, tôi lại nhận được một tờ giấy nhét dưới cửa với nét chữ thân thuộc: “Cô Angelou thân mến, vui lòng cho chúng tôi thay ga trải giường. Chúng tôi nghĩ nó có thể bị mốc!” Nhưng tôi chưa bao giờ ngủ ở đó, tôi thường rời đi lúc 2 giờ. Tôi sẽ về nhà và đọc lại những gì mình viết được trong sáng hôm đó — và khâu chỉnh sửa bắt đầu. Dọn dẹp, cắt xén… đại loại vậy. Dễ đọc là viết khó khủng khiếp. Nhưng nếu làm đúng thì dễ thôi. Ngược lại cũng vậy, nếu viết cẩu thả ắt khó đọc. Nó không mang lại cho người đọc những gì mà người viết nắn nót có thể mang lại."
Ray Bradbury: “Tôi có thể làm việc tại bất cứ đâu.”
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013 với The Paris Review, tiểu thuyết gia giả tưởng nổi tiếng khẳng định đanh thép rằng ông có thể làm việc tại bất cứ đâu mà không mấy bận tâm về những tiếng ồn. Tôi ước mình cũng có được khả năng như vậy...
"Niềm đam mê thôi thúc tôi tới bên chiếc máy gõ chữ mỗi ngày, từ những ngày tôi còn là cậu nhóc 12 tuổi. Vậy nên tôi chưa bao giờ phải bận tâm về lịch trình làm việc cả. Những ý tưởng mới luôn đầy ắp trong tôi, và chúng đặt ra lịch trình cho tôi, chứ tôi không đặt ra lịch trình cho chúng. Giọng nói trong tôi luôn là: Lết tới cạnh cái máy gõ chữ ngay lập tức!
[...]
Tôi có thể làm việc tại bất cứ đâu. Tôi viết trong phòng ngủ hồi tôi còn ở với cha mẹ ở Los Angeles. Tôi gõ lạch cạch trong phòng khách, với tiếng đài radio rè rè bên tai và cả nhà tôi nói chuyện cùng lúc đó. Sau này, vào cái giai đoạn tôi chú tâm viết '451 Độ F', tôi tới UCLA và vô tình tìm thấy một căn phòng rặt những máy gõ chữ, tất cả những gì tôi cần làm là bỏ 10 xu vào đó để đổi lấy 30 phút ngồi lỳ bên chiếc máy đánh chữ thân thương."
Ian Fleming: “Tôi viết khoảng 3 giờ mỗi sáng.”
Ian Fleming, cha đẻ của cuốn tiểu thuyết về James Bond, đã duy trì một lịch trình làm việc nghiêm ngặt trong suốt sự nghiệp tiểu thuyết gia của mình. Ông kiên trì với mục tiêu 2.000 từ mỗi ngày. Trong một bài luận có tựa đề "How to Write a Thriller" đăng trên tạp chí Books and Bookmen số tháng 5 năm 1963, Fleming đã tiết lộ đôi điều về thói quen viết lách hàng ngày của ông.
"Bàn về viết lách, phương pháp tôi đưa ra là thế này. Tôi làm tất cả trên máy đánh chữ, sử dụng sáu ngón tay. Việc gõ máy tốn ít công sức hơn viết tay, và bạn ít nhiều sẽ nhận được một bản thảo sạch sẽ. Điều tiếp theo cần làm là tuân thủ nghiêm ngặt một thói quen. Tôi viết khoảng 3 giờ mỗi sáng — từ 9 giờ 30 đến 12 giờ 30 — và tôi viết thêm một tiếng nữa trong khoảng 6 đến 7 giờ tối. Khi xong xuôi, tôi tự thưởng cho mình bằng việc đánh số các trang và cất chúng vào một cặp hồ sơ."
Làm Thế Nào Để Bắt Đầu?
#1. Chọn một lịch trình bạn thích và trung thành với nó tới tận cùng.
#2. Viết bản nháp bằng tay, sau đó gõ lại lên máy tính. Tôi đã nói về lợi ích của việc này trong một bài viết trước đây.
#3. Không cần quá áp lực về việc bạn viết ít hay nhiều, điều quan trọng là bạn viết mỗi ngày.
#4. Hãy cố gắng làm việc trong môi trường yên tĩnh. Phòng khách sạn là ý tưởng tồi đấy, đừng nghe theo lời Barbara Kingsolver.
#5. Tắt điện thoại. Ngắt kết nối mạng. Tốt nhất là để nó ra xa.
#6. Bạn có thể là cây viết tồi, nhưng hãy là một biên tập viên tài năng. Hãy đảm bảo bản cuối tác phẩm của bạn luôn chất lượng, cho dù nó từng xấu xí như thế nào đi chăng nữa.