Henry Miller (1891-1980) là một nhà văn người Mỹ, nổi tiếng bởi sự phá cách trong phong cách văn học, phát triển một thể loại văn học mới—tiểu thuyết bán tự truyện kết hợp nghiên cứu nhân vật, phê bình xã hội, phản ánh triết học, tình dục, chủ nghĩa siêu thực và duy mỹ. Một vài tác phẩm nổi bật của ông có thể kể đến như Tropic of Cancer, Black Spring, Tropic of Capricorn, được lấy cảm hứng từ những trải nghiệm của ông tại New York và Paris. Ngoài ra, ông cũng viết ký sự và phê bình văn học, và vẽ tranh. 

Miller sinh ra tại New York. Sau khi trải qua vô số công việc thì ông trở thành một quản lý nhân sự tại bộ phận đưa tin của Western Union, trước khi dồn toàn tâm toàn sức cho nghiệp viết văn. Vào năm 1922, ông viết cuốn sách đầu tiên, Clipped Wings. Nhiều năm sau đó, ông du hành tới London rồi Pháp, gặp gỡ nhiều văn sĩ tài ba khác như T.S. Eliot và Dylan Thomas. Ông trở lại Mỹ vào năm 1940, dành phần đời còn lại để viết lách và vẽ tranh sơn dầu. 

Những ngày còn trẻ, Miller thường viết từ nửa đêm cho tới sáng. Khi sống ở Paris hồi những năm 1930, ông đổi lịch trình, chuyển qua viết ban ngày, từ sáng cho tới trưa. Rồi ông sẽ ngủ một giấc ngắn và viết trở lại cho tới xế chiều hoặc đôi khi là muộn hơn. Khi tuổi tác tăng lên, ông thấy mọi thứ sau buổi trưa đều không cần thiết và thậm chí còn phản tác dụng. 

Như ông nói trong một bài phỏng vấn với The Paris Review, “Tôi không tin vào việc rút cạn hồ chứa, bạn thấy chứ? Tôi tin vào việc đứng dậy khỏi chiếc máy đánh chữ, tránh xa nó, trong khi tôi vẫn còn nhiều thứ để nói.” Giống với quan điểm của Ernest Hemingway, Miller cho rằng việc “rút cạn hồ chứa”, nghĩa là tiêu tốn hết sức lực sáng tạo của bản thân, là điều dại dột. Thay vào đó, ông luôn giữ lại một chút nước, hay cảm hứng sáng tạo, cho ngày hôm sau. 

 

“Tôi học được một điều rằng chớ vét sạch cái giếng nguồn của sự viết mà phải biết chừa lại một ít ở đáy khi dừng lại, để mạch nguồn làm đầy giếng lại qua đêm.” 

—Ernest Hemingway 

 

Những năm về sau này, Miller chỉ viết từ hai tới ba tiếng ngay sau khi ăn sáng. Nếu không viết được thì ông bỏ. Thường ông viết rất nhanh, nhưng đôi khi phải mất một giờ cho một trang. “Nhưng điều đó khá hiếm, bởi vì khi tôi nhận ra mình đang bế tắc, tôi sẽ bỏ qua phần đó và tiếp tục, và quay lại viết nó vào một ngày khác.” 

Henry Miller tại California những năm 50. Anthony Barboza / Getty Images 

Miller đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ giờ giấc ổn dịnh để khai thác một nhịp độ sáng tạo hàng ngày. Chia sẻ quan điểm của Ian Fleming, ông không bao giờ chỉnh sửa gì trong quá trình viết. Ông sẽ để bản thảo nguội đi một thời gian, có thể là sau một hoặc hai tháng, khi đó, ông sẽ nhìn nó bằng một con mắt mới. Sau khi biên tập, ông gõ lại trên máy đánh chữ và trong quá trình gõ lại tiếp tục biên tập. 

Trong khoảng 1932-33, thời kỳ ông viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, Tropic of Cancer, Miller thiết kế và tuân thủ theo một lịch trình làm việc nghiêm ngặt để thúc đẩy tiến độ viết lách. Dưới đây là bản danh sách gồm 11 lời răn.

  1. Làm một thứ tại một thời điểm cho tới khi hoàn thành.
  2. Không bắt tay vào viết thêm những cuốn sách mới, không thêm thắt vào ‘Black Spring.’
  3. Đừng lo lắng. Làm việc một cách bình tĩnh, phấn hứng, táo bạo
  4. Làm việc theo Chương Trình chứ không phải theo cảm hứng. Dừng lại đúng giờ đã chỉ định!
  5. Khi không thể sáng tạo bạn có thể làm việc.
  6. Đổ xi măng mỗi ngày một chút, hơn là thêm vào các loại phân bón mới.
  7. Gặp gỡ mọi người, đi đây đi đó, nhậu nếu bạn thấy thích.
  8. Đừng là một con ngựa kéo! Chỉ làm việc với niềm vui.
  9. Huỷ bỏ Chương Trình khi bạn thấy thích—nhưng hãy quay lại vào hôm sau. tập trung. Thu hẹp. Loại trừ.
  10. Quên những cuốn sách bạn muốn viết đi. Chỉ nghĩ tới cuốn bạn đang viết.
  11. Luôn luôn viết trước tiên. Vẽ vời, âm nhạc, bạn bè, phim ảnh, tất cả đều đến sau đó. 

 

Thêm vào đó, Miller chia một ngày của ông ra làm ba phần. 

BUỔI SÁNG: 

Nếu choáng váng, hãy ghi chú và phân bổ, để kích thích. 

Nếu đang thấy phấn chấn, viết. 

BUỔI CHIỀU: 

Làm việc, bám sát kế hoạch một cách tỉ mỉ. Không xao nhãng, không chuyển hướng. Viết từng phần một, không đổi. 

BUỔI TỐI: 

Gặp gỡ bạn bè. Đọc sách ở quán cà phê. 

Khám phá những cung đường xa lạ - đi bộ nếu trời ẩm ướt, đạp xe nếu khô ráo. 

Viết, nếu tâm trạng tốt, nhưng là những chương trình nhỏ. 

Vẽ nếu thấy trống rỗng hoặc mệt mỏi. 

Ghi chú. Tạo bảng biểu, kế hoạch. Thực hiện các chỉnh sửa bản thảo. 

Lưu ý: Chừa đủ thời gian vào ban ngày để thi thoảng ghé thăm viện bảo tàng hoặc phác hoạ hoặc đạp xe. Phác thảo trong quán cà phê, xe lửa và đường phố. Cắt phim! Ghé thư viện mỗi tuần một lần để tra khảo.  

"Tôi không có tiền, không thế lực, không hy vọng. Tôi là người hạnh phúc nhất." 

Mặc dù tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông, Tropic of Cancer, ra đời năm 1934 tại Paris nhưng phải tới gần ba thập kỷ sau tác phẩm mới được xuất bản tại quê hương ông, nơi nó được xem như thứ “trái cấm” – lập tức trở thành best-seller và gây được tiếng vang lớn. Nội dung khiêu dâm, ngôn từ tục tĩu, nhưng bất chấp, Henry Miller vẫn được xem là một tượng đài, được các nhà phê bình tôn trọng, những người biệt xứ tôn kính, những người theo chủ nghĩa beatnik tôn sùng. Một phản anh hùng văn hóa, thách thức luật pháp và trật tự.