Nếu bạn chỉ có thể kể tên hai nhà soạn nhạc cổ điển, tôi đoán đó là Beethoven và Mozart. Và cũng phải thôi.
Bên cạnh việc là hai trong số những thiên tài âm nhạc có ảnh hưởng nhất trong lịch sử, họ còn có những câu chuyện đời tư đầy kịch tính. Beethoven đã sáng tác phần lớn những kiệt tác trong sự nghiệp vào nửa sau của đời người - khi ông dần mất đi thính lực của mình. Mozart thuộc dạng thiên tài đỉnh cao, người đã khiến cha mình phải sửng sốt khi diễu một bài violin ở nhà họ trước mặt những nhạc sĩ chuyên nghiệp—dù chưa từng trải qua một bài học nào!
Nhưng cuộc khảo sát về các nhà soạn nhạc và nhạc sĩ vĩ đại nhất lại không phải một trong hai người đó.
Khi Tạp chí Âm nhạc BBC yêu cầu 174 nhà soạn nhạc đẳng cấp thế giới xếp hạng các nhà soạn nhạc dựa trên sự kết hợp giữa tính độc đáo, tầm ảnh hưởng và tay nghề, thì người nhạc trưởng xuất sắc nhất đã nói chắc nịch: Johann Sebastian Bach.
Khi trưởng phê bình âm nhạc của tờ New York Times, Classic FM và Big Think được yêu cầu xếp hạng những nhà soạn nhạc trong lịch sử, cả ba đều đồng tình rằng vị trí độc tôn phải dành riêng cho Bach. Như nhà soạn nhạc Mauricio Kagel đã nói: “Không phải tất cả các nhạc sĩ đều tin vào Chúa, nhưng tất cả họ đều tin vào Johann Sebastian Bach.”
Tuy nhiên, những mảnh đời của Bach không được kịch tích như những câu chuyện về Beethoven và Mozart. Ông rất sùng đạo, dành phần lớn sự nghiệp của mình với tư cách Giám đốc Âm nhạc tại Nhà thờ St. Thomas, ở Leipzig, Đức. Ông quả thực rất mắn đẻ (ông có 20 người con), chỉ một nửa trong số đó sống sót đến tuổi trưởng thành.
Mặc dù Bach chủ yếu được người đương thời ngưỡng mộ với tư cách một nghệ sĩ chơi đàn harpsichord, nghệ sĩ chơi đàn organ và chuyên gia chế tạo đàn organ xuất sắc, nhưng giờ đây ông được coi là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại, và các tác phẩm của ông được xem là những kiệt tác, bao gồm các bản hòa tấu, cantata, oratorios, các tổ khúc solo và dàn nhạc. Và trên con đường đó, ông đã đặt nền móng cho tương lai của âm nhạc, bao gồm cả Beethoven và Mozart.
Bảo tàng Bach được dựng lên tại Leipzig vào năm 1950, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của thiên tài, chủ yếu với mục đích lưu trữ những tác phẩm âm nhạc của ông. Một trong số những vật trưng bày của bảo tàng, một câu trích dẫn được dịch từ lá thư của một sinh viên thần học viết vào năm 1741:
“Người đàn ông khéo léo này… đã phải chơi một số bản nhạc viết không bằng ý tưởng của chính mình. Tuy nhiên, những ý tưởng vượt trội của anh ta lại được thai nghén từ những ý tưởng thấp kém hơn.”
Khi còn trẻ, Bach đã nổi tiếng về khả năng sáng tạo và lồng ghép phong cách nước ngoài vào các tác phẩm đàn organ của mình. Ông hẳn phải có cảm quan nhạy bén phi thường, bởi vì dường như ông đã biến tấu những bản nhạc đến độ phức tạp đáng kinh ngạc từ “đề bài” ban đầu. Và ông thường làm điều đó rất nhanh. Trong nhiều năm, ít nhất mỗi tuần ông đều hoàn thành những tác phẩm mới.
Câu nói trên ngụ ý rằng Bach đã chơi những bản nhạc “kém cỏi” hơn như một bài tập khởi động để kích thích trí não rồi tận dụng chúng để khơi mào những ý tưởng ngẫu hứng của riêng mình. Điều này liên quan đến một số chiến thuật sáng tạo rất thú vị mà ta có thể học tập như dưới đây.
Bắt đầu với ý tưởng của người khác để phát triển ý tưởng của riêng bạn.
Thật sai lầm khi đánh đồng sự độc đáo với sự sáng tạo. Bạn không thể sáng tạo mà không vay mượn, lấy cảm hứng, hay chịu ảnh hưởng từ ai đó, từ một tác phẩm, hoặc bất cứ thứ gì đó. Bạn không thể cứ ngồi im đó rồi mong một ý tưởng nguyên bản, tinh khiết hoàn toàn sẽ đến với bạn—một ý tưởng không đụng hàng với ai, thuần túy như phát minh khoa học. Không bao giờ! Việc bao quanh mình bởi ý tưởng sẽ tạo ra những kết nối mới, và đó mới là động lực của sáng tạo. Suy cho cùng, mọi thứ đều là bản remix của những gì đã có sẵn. Đây là một ý tưởng nổi bật được Austin Kleon nhắc đến trong cuốn sách Nghệ thuật đánh cắp ý tưởng—và tôi có sẵn một ví dụ để bạn hình dung đây.
Nếu bạn từng xem Social Network, bộ phim kể về hành trình gây dựng Facebook (giờ đây là Meta) trong những ngày đầu của cậu học sinh đầu to mắt cận Mark Zuckeberg tại Harvard, bạn sẽ biết ý tưởng về Facebook không hoàn toàn là của ông. Ban đầu, Mark được mời tham gia một dự án của hai anh em sinh đôi …, những cậu ấm muốn khởi tạo một website hẹn hò dành riêng cho dân thượng lưu Harvard, nơi mà các sinh viên có thể kết bạn, tán gẫu với nhau.
Mặc dù đã nhận lời tham gia, song Mark đã im hơi lặng tiếng suốt một tháng trời và sau đó cho ra mắt mạng xã hội The Facebook. Thực chất là sau đó Mark đã phải hầu tòa vì bị kiện đạo ý tưởng, và kết quả có vẻ không được êm xuôi cho lắm. Dù vậy, điều này hé lộ một sự thật phổ biến trong sáng tạo: ý tưởng tuyệt vời đôi khi đến với ta từ những ý tưởng tầm thường của người khác. Có thể ngay khi nghe thấy ý tưởng của …, Mark đã hình dung được một thứ còn cao siêu hơn—và bởi vậy, Facebook mới ra đời.
Những ý tưởng hay nhất thường đến sau
Trong cuốn sách Anatomy of a Breakthrough, nhà tâm lý học Adam Alter có đặt ra một cụm từ là “ảo ảnh vách đá sáng tạo”, quan niệm cho rằng những ý tưởng sáng tạo nhất sẽ đến nhanh chóng hoặc không bao giờ xuất hiện. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu về nhiệm vụ sáng tạo - dù được thực hiện trong vài phút hay nhiều ngày - những ý tưởng đột phá nhất thường đến sau. Thomas Mann nói rằng ông đã nảy ra ý tưởng cho tiểu thuyết Núi thần - tác phẩm vĩ đại nhất trong sự nghiệp của ông - khi đang viết tới đoạn kết của cuốn Chết ở Venice.
Một ý tưởng tồi chưa hẳn đã là đồ bỏ đi, bởi đôi khi nó chứa trong mình mầm mống của một ý tưởng to lớn hơn. Do vậy, đừng nản lòng khi các tác phẩm của bạn quá tầm thường. Tất cả những người sáng tạo đều cảm thấy tác phẩm của họ tầm thường. Không hề có sự hài lòng, thỏa mãn hay tự hào nào cả. Chính sự hài lòng sẽ đặt dấu chấm hết cho sáng tạo, bởi khi người ta hài lòng, người ta ngừng đổi mới.
Ra 10 lấy 1
Liên quan tới ý tưởng bên trên, nhiều nghiên cứu về sáng tạo cũng phát hiện ra rằng những bộ óc sáng tạo vĩ đại nhất không phải lúc nào cũng cho ra những ý tưởng tuyệt vời. Trên thực tế, họ đã trải qua vô số lần thử và sai, nhiều ý tưởng bị bác bỏ ngay từ vòng gửi xe, nhiều ý tưởng thất bại khi đối mặt thực tế - trước khi đạt đến một điểm bùng phát - qua điểm đó mọi thứ bỗng êm ru như chiếc xe chạy xuyên màn đêm. Hãy nhìn vào sự nghiệp của Thomas Edison. Ông ấy nắm trong tay hàng ngàn bằng sáng chế, nhiều trong số đó thực sự không đáng kể. Thất bại của ông thì nhiều, nhưng những thành công của ông—thương mại hóa bóng đèn, máy quay đĩa – tiền thân của máy chiếu phim – thì quả là kỳ tích. Sáng tạo là như vậy đó. Ta thức dậy và làm việc và để việc đánh giá tác phẩm lại cho người khác. Việc của ta là tạo ra những cái mới, tiếp tục sáng tạo, những mong tới một ngày nào đó sẽ có ai đó tiến tới vỗ vào vai ta rồi nói: “Tốt lắm anh bạn, tôi thực sự yêu thích các tác phẩm của anh.”