Như Abraham Lincoln từng nói "I destroy my enemies when i make them my friends", cách đơn giản nhất để áp dụng Hiệu ứng Benjamin Franklin là mạnh dạn hỏi xin sự giúp đỡ. Đó có thể là mượn một cuốn sách, mượn vở ghi trên lớp,... Để tối đa khả năng thành công khi sử dụng Hiệu ứng Benjamin Franklin, vài mẹo sau có thể sẽ hữu ích: 

Trước hết, hãy đảm bảo bạn đã đọc phần 1 về Hiệu ứng Benjamin Franklin nhé. 

1/ Mối bất hòa càng lớn, khả năng thành công càng cao. 

Trong nhiều trường hợp, mối quan hệ giữa bạn và đối phương có thể cải thiện rõ rệt khi bạn hỏi xin một ân huệ nhỏ nhặt như mượn bút, mượn vở,... Điều này đặc biệt hiệu quả nếu người khác không thích bạn, thay vì chỉ cảm thấy trung lập hoặc hơi tích cực với bạn. 

2/ Đừng ngại yêu cầu giúp đỡ.

Mọi người thường đánh giá thấp khả năng được người khác giúp đỡ vì khi tìm kiếm sự giúp đỡ, chúng ta suy nghĩ quá nhiều. Chúng ta sợ họ sẽ nói “không” – nhất là khi họ vốn đã ghét ta sẵn. Nhưng nếu muốn Hiệu ứng Benjamin Franklin phát huy tác dụng, hãy là người chủ động. 

3/ Khi được người khác giúp đỡ, hãy đáp lại họ bằng một việc nhỏ để tăng khả năng họ giúp đỡ bạn lần sau. 

Do đó, nếu bạn cần yêu cầu một đặc ân lớn, sẽ tốt hơn là bắt đầu bằng cách hỏi xin các đặc ân nhỏ mà bạn có thể đáp lại, trước khi đi vào vấn đề chính sau này. 

Quan trọng nhất, hãy đảm bảo bạn không biến mình thành một kẻ thô lỗ. Bạn không nên “ngáo ngơ” quá mà hỏi xin một ân huệ to đùng từ một người hầu như không quen biết bạn, hoặc vốn không ưa gì bạn. Khả năng bạn bị từ chối là 99% rồi và giờ đây ngoài khoản không ưa thì họ còn nghĩ bạn bị khùng nữa. 

Cuối cùng, hãy nhớ cách bạn nói cũng quan trọng không kém điều bạn nói. Dù đối phương có thái độ thế nào với bạn chăng nữa, hãy luôn tỏ ra niềm nở, tích cực và lịch thiệp. 

Vậy nếu người khác định sử dụng Hiệu ứng Benjamin Franklin lên bạn thì sao? 

Tần suất là rất thấp để bạn gặp được người cũng biết về Hiệu ứng Franklin, cũng học cách để áp dụng nó vào người khác và người khác ở đây lại chính là bạn. Tuy nhiên, dù họ có nhận thức rõ ràng về hiệu ứng này hay họ chỉ biết chung chung thì bản chất kỹ thuật đó vẫn hoạt động tốt.  

Tất nhiên là bạn không muốn bị “thao túng” rồi. Trong những tình huống như vậy, sau đây là một vài điều bạn có thể làm: 

1/ “KHÔNGGGGG!”. Đúng vậy, bạn chỉ cần từ chối ban ân huệ để dập tắt nỗ lực thao túng ngay từ đầu. Tuy nhiên thì không phải lúc nào bạn cũng nói không được, ví dụ như khi đồng nghiệp nhờ bạn giúp đỡ. Chắc chắn bạn không muốn đóng vai phản diện ở văn phòng và trở thành tâm điểm của mấy lời dèm pha vào giờ nghỉ trưa. Vậy thì hãy chuyển qua bước 2. 

2/ Nếu không thể từ chối, hãy tự đánh lừa bản thân. Bạn có thể chủ động giải thích cho chính mình lý do tại sao bạn lại giúp đỡ người này. Hãy tự nhắc nhở mình rằng bạn chẳng thích anh ta/cô ta tới thế đâu, bạn chỉ đơn giản là không muốn đóng vai người xấu, thế thôi. 

Lời cuối 

Benjamin Franklin đã tóm gọn vấn đề này trong tiểu sử của mình như sau: “Đây là một ví dụ nữa về tính chân thực của một câu châm ngôn cổ mà tôi đã học: ‘Người đã từng làm điều tốt cho bạn sẽ sẵn sàng làm điều đó một lần nữa, còn người mà bạn đã ban ơn thì chưa chắc sẽ quay lại trả ơn bạn.’ Điều này cho chúng ta thấy thay vì căm hận, trả đũa hay giữ những mối thâm thù kéo dài, bạn sẽ có lợi hơn nhiều nếu bỏ qua một cách khôn khéo".

Đọc thêm các bài viết khác về tâm lý học của WeStudy?

1/ Hiệu Ứng Dunning-Kruger: Tại Sao Tất Cả Chúng Ta Đều Là Nạn Nhân Của "Ảo Tưởng Sức Mạnh"? 

2/ Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn: Tại Sao Bạn Lưỡng Lự Trước Vô Vàn Lựa Chọn? 

3/ Hiệu Ứng Giả Dược: Chữa Bệnh Bằng Niềm Tin?

4/ Tình Yêu Sét Đánh Liệu Có Còn Lãng Mạn Khi Đứng Dưới Góc Độ Tâm Lý Học? 

5/ Sự Thật Về Lòng Trung Thành Thương Hiệu: Người Tiêu Dùng Nên ‘Chọn Con Tim Hay Là Nghe Lý Trí’?