Tỉnh British Columbia, Canada có một cây cầu treo rất dài và đáng sợ. 

Nó dài tới 140 mét, vắt ngang qua vực Capilano từ độ cao hơn 70 mét như thể thách thức những kẻ gan dạ nhất. 

Nếu đặt Nữ Thần Tự Do ở dưới đáy vực, cây cầu này sẽ vắt nhẹ qua đôi vai đồng của bức tượng. Ấy thế mà chiều rộng của nó chỉ bằng một cái ghế đá thôi. 

Gió rít, tiếng dây kẽo kẹt, chừng đó đã đủ bạn tưởng tượng ra một cảnh tượng be bét và thảm khốc khi sảy chân chưa? 

Không phải ai cũng đủ bản lĩnh để đi hết cây cầu này. Vậy mà vào năm 1974, Art Aron và Donald Dutton thậm chí còn tiến hành thí nghiệm tại đây. 

Và kết quả mà họ thu về cũng là câu trả lời cho việc tại sao con gái thường thích ‘trai hư’, cũng như tại sao rất nhiều buổi hẹn hò thành công lại bao gồm những chuyến tàu lượn hay những bộ phim kinh dị thót tim. 

Gọi lại cho em nhé! 

Để tiến hành thí nghiệm, hai nhà khoa học thuê một người phụ nữ đứng ngay giữa cây cầu này. Khi những người đàn ông băng qua, cô ta sẽ tiến đến bắt chuyện, nói là bản thân đang viết luận văn về tâm lý của du khách, vì thế mong du khách trả lời vài câu hỏi khảo sát. Bản khảo sát bao gồm một vài bài tập yêu cầu sáng tác truyện theo hình vẽ cho sẵn, một vài câu hỏi đánh giá về độ sợ hãi mà đối tượng đang trải qua và độ hấp dẫn của người phụ nữ. 

Khi du khách đồng ý làm bản khảo sát, cô gái viết số điện thoại đưa họ và dặn nếu muốn biết thêm kết quả có thể liên lạc theo số này. 

Để so sánh, Aron và Dutton tiếp tục thuê người phụ nữ làm nhiệm vụ tương tự, nhưng lần này là ở một cây cầu gỗ với độ cao chỉ vài mét so với mặt nước, không đáng sợ như cây cầu kia. 

Sau khi tiến hành cả hai thí nghiệm, họ so sánh kết quả thu được và thấy rằng 50% (13 trên tổng 25) những người đàn ông nhận được số điện thoại trên cây cầu đáng sợ đã nhấc máy gọi cho cô gái. Trong khi đó, tỷ lệ này ở cây cầu gỗ chắc chắn thì chỉ có 12,5% (3 trên tổng 25). Về các câu chuyện được dựng lên theo hình vẽ, những người đàn ông ở trên cây cầu treo cũng tưởng tượng ra câu chuyện liên quan tới tình dục cao hơn nhiều lần so với nhóm ở trên cây cầu còn lại. 

Rõ ràng, những người đứng trên cây cầu treo đáng sợ kia đã ở trong trạng thái choáng váng hơn, vì vậy cũng dễ xiêu lòng trước người đẹp hơn là những người ở trên cây cầu gỗ chắc chắn, có trạng thái ổn định, bình tĩnh.

Trong cuốn sách Tâm lý học – Giải mã qua góc nhìn điện ảnh của tác giả Ngụy Tri Siêu có gợi ý một đoạn rất thú vị về thí nghiệm trên như sau: 

“Tôi cho rằng những nghiên cứu này đã gợi ý cho các chàng trai một điều: Khi muốn ‘cưa đổ’ người đẹp, các anh hãy nhớ chớ để mọi chuyện bình lặng, nhất định phải khiến trái tim người đẹp loạn nhịp. Đi dạo bên bờ suối có vẻ như rất lãng mạn, nhưng vô ích; hãy đưa các nàng đi chơi tàu lượn. Đưa người đẹp đi xem phim lãng mạn, vô ích; thay vào đó hãy xem phim kinh dị. Khi người đẹp hoảng hốt sợ hãi, tim loạn nhịp, nàng sẽ vô ý quay đầu nhìn sang bên cạnh, thấy bạn ở đó, rất có khả năng bộ óc của nàng liên tưởng suy diễn phản ứng căng thẳng hồi hộp đó thành: ‘Tim mình đập nhanh thế này, lẽ nào mình rung rinh vì anh chàng này mất rồi?’ Nhưng hãy nhớ một điều, có thể xem phim kinh dị, nhưng đừng chọn nhầm thành phim bạo lực tàn sát cắt chân cắt tay, như thế nàng sẽ liên tưởng bạn tới những cảm giác ghê gớm, khó chịu.” 

Dĩ nhiên là đừng phá game như ông Yêu Tinh này nhé! 

Quả là một cách ứng dụng hay ho mà tính hiệu quả đã được kiểm nghiệm trong thực tế. Thế đấy, người ta thường cho rằng cảm xúc “sét đánh” giữa hai người thật kỳ diệu, có người chỉ một khoảnh khắc đã rơi thẳng vào lưới tình, có người mãi mãi an kiếp bạn tốt, anh trai mưa. Vậy mà dưới góc nhìn tâm lý học, cảm xúc mãnh liệt đó có khi chỉ là sự liên tưởng nhầm lẫn tình yêu với những gì đang trải qua ở hiện tại. 

Sự nhầm lẫn tác nhân gây hưng phấn

Chuyện trò đủ rồi, giờ chúng ta tới phần giải thích. Cụ thể, những người đàn ông trên cầu đã trải qua trạng thái cao độ của sự hưng phấn. Hưng phấn ở đây không chỉ là cảm xúc liên quan tới tình dục, nó là tổng hòa của nhiều trạng thái ở cơ thể như tim đập nhanh, toát mồ hôi, tập trung cao độ, miệng khô, hít vào thật sâu và thở ra cũng thật dài. Khi bạn bước vào ván đấu chung kết dưới sự hò reo kịch liệt của cổ động viên, bạn bỗng thấy bồn chồn lo lắng, đó cũng là hưng phấn. Khi giáo viên gọi tên ngẫu nhiên đứa lên kiểm tra miệng và bạn lại chưa học gì, bạn đang trải qua cảm giác hưng phấn. Bạn hiểu rồi đúng chứ? Tiếp nào. 

Đứng trên cây cầu vắt vẻo từ độ cao trên 70 mét với tiếng gió vun vút bên tai, trạng thái hưng phấn ở những người đàn ông được kích hoạt, và khi gặp một người phụ nữ quyến rũ thì nguồn gốc của những cảm xúc kia bị xáo trộn. Họ đã nhầm lẫn cảm xúc hưng phấn đang trải qua đến từ người phụ nữ, vì khi thí nghiệm được thực hiện trên cây cầu gỗ chắc chắn, những người đàn ông bình tĩnh và lý trí không mấy đoái hoài tới cô ta. Nói cách khác, sự nhầm lẫn hưng phấn đã biến mất vì vốn dĩ những người đàn ông ở cây cầu gỗ không hề rơi vào trạng thái hưng phấn. 

Để chắc chắn hơn, Aton và Dutton đã tiến hành một phiên bản khác của thí nghiệm trên, lần này là ở trong phòng thí nghiệm. Từng sinh viên nam đi vào một căn phòng đầy những dụng cụ khoa học tinh vi, sau đó một nữ sinh tình nguyện (diễn viên được thuê) đi vào phòng. Nam sinh sẽ cạnh nữ sinh và nghe nhà khoa học giải thích rằng một trong hai người sắp phải chịu giật bởi một luồng điện hoặc là rất kinh khủng, hoặc chỉ nhẹ “như muỗi đốt”. 

Sau khi phổ biến xong, nhà khoa học tung đồng xu để xác định xem ai phải chịu mức giật nào. Thực ra họ chả định giật điện ai cả, mục đích là để khiến cho nam sinh kia sợ chết khiếp, từ đó kích hoạt trạng thái hưng phấn cao độ. Tiếp theo, các nhà nghiên cứu phát bảng khảo sát tương tự như thí nghiệm trên cầu, và yêu cầu đối tượng trả lời khi họ đi chuẩn bị máy giật điện. 

Bản khảo sát này yêu cầu các nam sinh phải đánh giá mức độ lo sợ và mức độ bị hấp dẫn bởi nữ sinh. Đúng như dự đoán, kết quả thu về khớp với những gì thu được trên cây cầu treo. Những người nghĩ mình sắp phải nhận một cú giật tê tái đánh giá độ lo lắng của họ và sức hấp dẫn của người phụ nữ cao hơn nhiều so với những người chỉ đang trông đợi cú giật nhẹ. Về những câu chuyện được dựng lên theo hình vẽ, nam sinh nào càng lo sợ thì hình ảnh họ tưởng tượng ra càng mang tính tình dục cao hơn. Sau khi xong xuôi, các đối tượng được nghe giải thích ngắn gọn rằng họ sẽ không phải chịu sự tra tấn điện giật nào cả. 

Các nghiên cứu về sự hưng phấn này cho thấy bạn rất tệ trong việc giải thích bản thân cho chính mình. Tuy nhiên, như Ngụy Tri Siêu đã đề cập, chúng hé lộ nguyên nhân tại sao rất nhiều buổi hẹn hò thành công lại bao gồm những chuyến tàu lượn hay những bộ phim kinh dị thót tim. Đó cũng là lý do tại sao chỉ nhảy múa cùng nhau trong hộp đêm cũng đủ dẫn tới một nụ hôn say đắm, và khi được chiều chuộng thì bạn gái bỗng thấy bạn đẹp trai lạ kỳ. 

Tổng kết 

Bộ não không thích sự hỗn độn, và sự nhầm lẫn về tác nhân hưng phấn có khá nhiều tương đồng với sự bất hòa nhận thức mà tôi đã giải thích trong bài viết về Hiệu ứng Benjamin Franklin trước đây. 

Cần nhớ rằng mỗi khi trạng thái hưng phấn cao độ được kích hoạt, bộ não sẽ luôn sai khiến bạn tìm tòi mọi thứ để gán lý do cho việc đó, và thứ nào ở gần nhất sẽ được ưu tiên: người đang ở trước mặt bạn, viên thuốc bạn vừa uống hay cái bánh bạn vừa ăn. 

Như cách mà Ngụy Tri Siêu nói thì “Khi con người điên cuồng tìm kiếm nhân quả đằng sau sự việc nào đó, lý do có dở đến đâu cũng tốt hơn là không có lý do. Tương tự, khi quá nhiều thứ lẫn lộn xếp trùng lên nhau trước mắt chúng ta, dù có liên quan thật hay không thì cũng tốt hơn là không liên quan cả trăm lần.” 

Bởi một thế giới mà vạn vật đều có liên quan mới là một thế giới khiến chúng ta thấy an toàn, yên tâm. 

Đọc thêm các bài viết khác về tâm lý học của WeStudy 

1/ Hiệu ứng Dunning-Kruger: Tại Sao Tất Cả Chúng Ta Đều Là Nạn Nhân Của "Ảo Tưởng Sức Mạnh"? - Bài viết này giải thích tại sao những tên nghiệp dư thường nhận mình là chuyên gia thay vì các chuyên gia, và cách mà bạn có thể tránh lỗi nhận thức "ếch ngồi đáy giếng" vô cùng phổ biến này. 

2/ Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn: Tại Sao Bạn Lưỡng Lự Trước Vô Vàn Lựa Chọn? - Bài viết này đem đến cho bạn một cái nhìn hoàn toàn mới về các sự lựa chọn và cách mà chúng đảo lộn cuộc sống của ta. Tại sao có nhiều lựa chọn chưa hẳn đã là tốt, tại sao bạn luôn đắn đo trước vô vàn lựa chọn và luôn ước được quay về để lựa chọn lại; tất cả đều sẽ được bật mí.