Những câu chuyện về xã hội đen sẽ luôn đắt khách. Ở lĩnh vực điện ảnh, Bố già dạy chúng ta điều này từ rất sớm, mở đường cho một kỷ nguyên những bộ phim điện ảnh xuất sắc và kiến tạo nên nhiều hình tượng phản anh hùng ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả. 

Tuy nhiên, dù là một trong những bộ phim nổi tiếng nhất từng được thực hiện và chắc chắn không phải dạng phim chỉ xem một lần, vẫn có nhiều chi tiết thú vị về bộ phim và câu chuyện hậu trường mà ngay cả những người hâm mộ cuồng nhất có thể bỏ lỡ. 

Ảnh: Paramount Pictures/ Getty Images

Khởi đầu với kinh phí thấp 

Đạo diễn Francis Ford Coppola và Marlon Brando cùng Al Pacino trên trường quay Bố già. Ảnh: Getty Images 

Giờ nhìn lại, Bố già được xem là một trong những bộ phim chiến thắng vang dội cả trên mặt trận phê bình và thương mại, nhưng ban đầu, các nhà làm phim không hề kỳ vọng nhiều vào dự án. 

Mario Puzo, tác giả của tiểu thuyết gốc, được yêu cầu viết kịch bản cho bộ phim lấy bối cảnh thời hiện đại thay vì bối cảnh của cuốn sách (câu chuyện trong Bố già diễn ra trong khoảng 1930-40 trong khi thời điểm bộ phim ra mắt là những năm 70) để tiết kiệm chi phí trang phục và xe hơi. 

Các sếp sòng cũng muốn có nhiều cảnh bắn súng hơn, biến nó thành một bộ phim các băng đảng thanh toán lẫn nhau. Tuy nhiên, đạo diễn Coppola nổi tiếng là người cứng đầu, ông đã thuyết phục thành công ban giám đốc của Paramount gia tăng ngân sách để thiết lập một tác phẩm hoành tráng hơn. 

Chú mèo hoang  

Mặc dù nhiều nhà phê bình đã mất công rao giảng đủ kiểu về dụng ý đằng sau hình ảnh con mèo mà Don Vito vuốt ve trong phân đoạn đám cưới đầu phim, trên thực tế, khoảnh khắc biểu tượng này lại không hề nằm trong kịch bản. 

Đó thực chất là một chú mèo hoang đi lạc vào trường quay, và, dường như không hề e sợ trước dáng vẻ uy nghi của Brando, lập tức sà vào lòng ông, vĩnh viễn tạo nên một trong những phân cảnh đắt giá và sâu sắc nhất của bộ phim. Người ta nói rằng con mèo đã rất thỏa mãn khi ngồi trong lòng Brando đến nỗi đoạn hội thoại trong cảnh này phải được quay lại do tiếng gừ gừ lớn của nó. 

Màn ra mắt của John Cazale 

Trước Bố già, John Cazale và Al Pacino từng hợp tác trong Dog Day Afternoon. Ảnh: Getty Images 

Chỉ sắm vai phụ trong Bố già nhưng không hề bị lu mờ bởi hai ngôi sao chính Brando và Al Pacino, John Cazale đã ghi dấu ấn rõ nét khi khắc hoạ thành công một Fredo yếu đuối, nhu nhược, đớn hèn, là con cừu đen bị ghẻ lạnh trong gia đình Corleone. 

Đáng buồn thay, nam diễn viên qua đời ở tuổi 42 vì bệnh ung thư. Cazale cũng nổi tiếng là bạn trai của Meryl Streep huyền thoại, đạo diễn của bộ phim The Deer Hunter đã cho ông một vai nhỏ để được sánh bước bên Streep lần cuối cùng trên màn ảnh, vì biết thời gian của ông không còn nhiều nữa. 

Trong suốt sự nghiệp ngắn ngủi kéo dài hơn một thập kỷ, Cazale góp mặt trong 5 bộ phim, tất cả đều được đề cử Phim hay nhất tại giải Oscar. Bố già là bộ phim điện ảnh đầu tay của ông. 

Tất cả đều nói lên Al Pacino là “kẻ được chọn”

Al Pacino đã tỏ ra bất bình khi chỉ nhận được giải Oscar cho Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất trong Bố già, còn Marlon Brando, người nhận Oscar cho Nam diễn viên chính thì không thèm tới dự lễ nhận giải. Ảnh: Getty Images 

Theo đúng nguyên tác, Vito Corleone dong buồm tới Mỹ từ một ngôi làng nhỏ ở đảo Sicily của Ý tên là Corleone. Sau khi tính sổ Sollozzo và McCluskey, Michael chạy trốn về quê hương của cha để ẩn náu một thời gian, nơi anh gặp gỡ và kết hôn với người vợ đầu tiên Apollonia, người sau đó đã chết thay Michael trong vụ nổ bom do tên người hầu phản trắc. 

Trên thực tế, Corleone là một địa điểm có thật ở Ý. Tuy nhiên, những phân cảnh ở Corleone trong phim không được quay ở ngôi làng thực tế bởi nó đã trở nên quá hiện đại so với bối cảnh của phim. Khi Bố già vẫn trong giai đoạn tuyển vai, Francis Ford Coppola đã nói muốn tìm một gã “có cả bản đồ Sicily ở trên mặt” để vào vai Michael, và Al Pacino là người ông chọn. Pacino là người Mỹ gốc Ý, chắc chắn rồi, và đằng ngoại nhà ông vốn là người gốc ở Corleone. 

Mario Puzo viết 'Bố già' để trả nợ 

Cuốn sách thành công tới nỗi nhiều độc giả đặt nghi vấn liệu Mario Puzo có nằm trong giới mafia hay không. Ảnh: Getty Images 

Năm 1967, Mario Puzo đang nợ một khoản 20.000 đô la, nhà thì sắp bị tịch biên bởi ngân hàng. Các cộng sự tại nhà xuất bản nói với ông rằng mối quan tâm của công chúng Mỹ với mafia đang rất cao, vậy là Puzo bắt tay vào viết Bố già. “Bình tĩnh, cha đang viết một cuốn best-seller,” Tony, con cả của Puzo kể lại. 

Hai năm sau, Bố già ra mắt văn đàn, bán đắt như tôm tươi; Puzo không chỉ trả hết nợ mà còn trở nên giàu sụ, nằm trong danh sách bán chạy nhất 67 tuần liên tiếp, và thành công này đã khiến hãng Paramount suy tính tới chuyện đem nó lên màn ảnh rộng. 

Francis Ford Coppola không thích nguyên tác của bộ phim 

Ảnh: Paramount/REX/Shutterstock

Trước khi Coppola đảm nhận bộ phim, nó đã qua tay ba đạo diễn khác và đồng loạt bị từ chối vì nhiều lý do khác nhau. Chính Coppola cũng không thích dự án này vì ông biết Mario Puzo viết tiểu thuyết Bố già vì tiền. Nhưng thời điểm đó, Coppola mới ngoài ba mươi tuổi và chưa được xem là thành công tại Hollywood, ông thiếu tiền, mà gia đình lại chuẩn bị đón thành viên mới. Coppola, giống như Puzo, sau cùng cũng chấp nhận quay Bố già vì tiền. 

Alex Rocco 

Alex Rocco trong vai Moe Greene. Ảnh: Vulture 

Bất chấp tính chân thực thường được khen ngợi của bộ phim, Coppolo vẫn khẳng định rằng không có mafia đời thực nào tham gia hoặc hỏi ý kiến về bộ phim. Tuy nhiên, dường như có một ngoại lệ với Alex Rocco, người đóng vai Moe Greene, chủ sòng bạc ở Las Vegas. 

Tên thật của Rocco là Alexander F. Petricone, được cho là từng có quan hệ mật thiết với Băng đảng Winter Hill ở bang Boston. Năm 1961, ông bị bắt vì tình nghi giết người, sau hưởng trắng án nhưng vẫn phải ngồi tù vì tội phá hoại quán ăn. 

Mãn hạn tù, Petricone chuyển tới California, bắt đầu học diễn xuất, lấy tên Alex Rocco sau khi nhìn thấy chữ “Rocco” trên một chiếc xe bán bánh mì. Sau Bố già, ông đảm nhận rất nhiều vai diễn điện ảnh khác, phần lớn là phản diện, và là diễn viên lồng tiếng. Ông qua đời năm 2015, thọ 79 tuổi. 

“Trai hư” Marlon Brando 

Marlon Brando đến với Bố già khi sự nghiệp đang chạm đáy và bộ phim giúp tên tuổi ông vụt sáng một lần nữa. Ảnh: Getty Images 

Marlon Brando nổi tiếng là một trong những diễn viên xuất sắc nhất mọi thời đại, một tín đồ trung thành của kỹ thuật Method Acting, và hơn thế, là cơn ác mộng cho cả đoàn làm phim khi hợp tác cùng. Diễn xuất của Brando trong vai Vito Corleone thì có lẽ có nói cả ngày không hết, nhưng ông được cho là đã “ngoan” hơn rất nhiều trong Bố già

Brando từ chối đọc trước lời thoại của mình, nói rằng ông sẽ đọc chúng song song khi thực hiện cảnh quay. Thế là cả đoàn phải giơ thẻ gợi ý và các trang kịch bản xuyên suốt quá trình quay. Nghe có vẻ hơi lập dị, nhưng ít nhất thì nó đã phát huy hiệu quả rất tốt đấy chứ. 

Luca Brasi lo lắng 

Câu chuyện trong tiểu thuyết gốc về Luca Brasi được cho là quá dã man để có thể đưa lên phim. Trong hình là Lenny Montana, người thủ vai Luca được chụp ảnh cùng thần tượng.  

Luca Brasi, tên quái nhân giết người như ngóe được mô tả rất rõ trong tiểu thuyết gốc nhưng khi lên phim phải chịu một cái chết quá lãng xẹt, thực chất là một cựu đô vật chuyên nghiệp ngoài đời và chỉ mới bập bẽ bước vào nghiệp diễn khi tham gia Bố già. 

Phân cảnh đầu phim khi Luca lóng ngóng bày tỏ lòng kính trọng với Don Vito, trên thực tế, là điều nằm ngoài dự kiến và là cảm xúc thực sự của nam diễn viên Lenny Montana, người đã vô cùng hồi hộp khi được đứng chung một khung hình với Marlon Brando. 

Đầu ngựa trong phim là thật 

Ảnh: Everett Collection 

Sau khi Tom Hagen đến thăm Jack Woltz và cố gắng thuyết phục lão thuê Johnny Fontane vào vai chính trong một tác phẩm điện ảnh, lão đã quả quyết từ chối vì sẵn mối thâm thù với anh con nuôi của Bố Già. Kết quả là cái đầu con ngựa yêu quý của lão bị chặt đứt lìa và đặt ngay trên giường ngủ, tạo ra một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử Hollywood. 

Cảnh tượng khét tiếng này càng gây sốc hơn khi ta biết rằng cái đầu ngựa kia là thật, được các trợ lý của Coppola tìm thấy trong một nhà máy sản xuất thức ăn cho chó ở New Jersey. Giám đốc nghệ thuật chọn một con ngựa và nói: “Khi con đó bị giết, hãy gửi đầu nó cho chúng tôi.” Coppola sau này nhớ lại, “Một ngày nọ, một thùng đựng đá khô có đầu con ngựa này ở trong đó xuất hiện xuất hiện trên phim trường.” 

Nguồn: Sưu tầm

Đọc thêm: Tuyệt Tác ‘Bố Già’ Đã Được Tạo Ra Như Thế Nào?