Dứt khoát không diện váy ngắn, trang điểm và nhuộm tóc vàng hoe để chiều theo thị hiếu bấy giờ, thậm chí từ chối ký tặng người hâm mộ, sự nghiệp của Katharin Hepburn đã có lúc chạm đáy tới mức bị xem là “thuốc độc phòng vé”. 

Tuy nhiên, bất chấp sự chèn ép của các giám đốc, bất chấp sự dè bỉu từ người hâm mộ, bất chấp một Hollywood nam quyền thống trị, Hepburn đã từng bước gây dựng lại tiếng tăm và khẳng định vị thế độc tôn của mình trong lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ. 

Katharine Hepbủn (1907 - 2003), biểu tượng Hollywood thời hoàng kim, người đứng đầu trong danh sách 50 nữ diễn viên xuất sắc nhất lịch sử điện ảnh của Viện Phim Mỹ (AFI). Ảnh: Getty Images

Trong cả cuộc đời và sự nghiệp, Katharine Hepburn ghi dấu với hình ảnh người phụ nữ độc lập, cá tính, được tôn vinh là biểu tượng nữ quyền thế kỷ 20. 

Phẩm chất kiên định, độc lập của Hepburn được hình thành từ nhỏ, thừa hưởng từ bố mẹ - đều là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Ngày nhỏ, Hepburn thường theo mẹ đi vận động đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Cha của bà, vốn yêu thích thể thao, dạy bà đạp xe, bơi lội, cưỡi ngựa, chơi golf và quần vợt - những thói quen bổ trợ rất nhiều cho sự nghiệp của Hepburn cũng như giúp bà duy trì sức khoẻ kể cả khi đã về già. 

Ở tuổi 13, một biến cố thương tâm xảy tới và vĩnh viễn thay đổi cuộc đời cô gái nhỏ. Tom, người anh trai mà Katharine hết mực yêu quý, đã treo cổ tự vẫn. Suy sụp sau sự việc này, bà trở nên nhút nhát, xa lánh mọi người và gần như chỉ quanh quẩn trong nhà học bài. 

Bước chân vào nghiệp diễn 

Giống như phần lớn diễn viên đương thời, Hepburn làm quen với diễn xuất qua các vở kịch tại đại học, khi bà là sinh viên tại Bryn Mawr College. Ngày nhận bằng tốt nghiệp, bà đã biết rõ diễn xuất sẽ là lý tưởng đời mình. 

Ban đầu, bà được giao một số vai nhỏ, rồi vận may tới cùng vở The Big Pond khi nữ chính ban đầu bị sa thải vào phút chót và Hepburn được đề nghị thế vai. Tuy nhiên vì thay đổi quá đột ngột, bà tới trễ, quên hết thoại và nói nhanh tới mức không ai hiểu gì. 

Bị nhận xét giọng nói có phần chói tai, Hepburn đã cấp tốc phải đi học luyện thanh để chen chân được vào Hollywood 

Không ngoài dự đoán, Hepburn bị sa thải sau trải nghiệm muối mặt ấy. Thời gian này, lắng nghe ý kiến từ đồng nghiệp rằng giọng nói của mình có phần chói tai, bà tới New York sửa giọng một thời gian. Đồng thời, bà tiếp tục cam phận học việc và đóng các vai nhỏ, chờ đợi vận may tiếp theo. 

Cơ hội đó đến vào năm 1932, khi Hepburn được giao vai nữ tướng Amazons Antiope trong vở The Warrior's Husband, buộc bà phải diện đồ ngắn. Với chiều cao nổi bật 1m72 và thân hình săn chắc nhờ rèn luyện thể thao, bà trở thành chủ đề bàn tán ở New York và tiếng thơm nhanh chóng lan tới Hollywood. 

Lúc này, tuyển trạch viên của hãng RKO là Leland Hayward bắt đầu chú ý tới cô diễn viên trẻ, quyết định tiếp cận và mời Hepburn thử vai cho bộ phim A Bill of Divorcement. Bà đề nghị cát-xê lên tới 1.500 USD mỗi tuần, những tưởng RKO sẽ chùn, nhưng họ lại đồng ý. 

Biểu tượng nữ quyền tại kinh đô điện ảnh 

Không ngoài dự đoán, thành công của A Bill of Divorcement khiến RKO quyết định ký hợp đồng chính thức với Hepburn. Sự nghiệp của bà phất như diều gặp gió. Ở tuổi 26, bà giành giải Oscar cho vai diễn trong Morning Glory (1933). Cùng năm đó, bà còn tham gia bom tấn phòng vé Little Women, tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển của nữ văn sĩ Louisa May Alcott. 

Mặc dù tài năng và đạo đức làm việc của Hepburn không cần bàn cãi, nhưng tính cách lập dị và chống chế của Hepburn - điều khiến bà được yêu mến và tôn vinh làm biểu tượng nữ quyền sau này - lại khiến các nhà điều hành lo ngại. Hepburn luôn thẳng thắn, bộc trực và quá “nam tính” so với tiêu chuẩn thông thường, vậy nên không ai nghĩ bà sẽ trở thành một siêu sao điện ảnh. 

 

“Nếu bạn quá gương mẫu, bạn sẽ bỏ lỡ mọi niềm vui.”

– Katharine Hepburn 

 

Tính cách nổi loạn của Hepburn được thể hiện ngay cả trên phim trường. Nữ minh tinh liên tục từ chối mặc váy và trang điểm, không noi theo hình mẫu “ngôi sao tóc vàng hoe” của Hollywood bấy giờ. Một lần, đạo diễn giấu quần vải của bà đi và yêu cầu mặc váy, bà diện nội y dạo khắp trường quay và từ chối mặc bất cứ thứ gì khác cho tới khi được trả lại đồ. 

Katharine Hepburn, ngoài cùng bên trái, vào vai Jo trong bộ phim Little Women (1933). Ảnh: Getty Images 

Hepburn cũng chịu tai tiếng vì thái độ cay nghiệt với báo chí. Bà phủi tay mọi cuộc phỏng vấn, họp báo, bỏ lỡ cơ hội được quảng bá ra công chúng. Đôi khi, bà hằn học với người hâm mộ và từ chối ký tặng vì coi đó là xâm phạm quyền riêng tư. Tính khó gần khiến hình ảnh của Katharine xấu đi trong lòng công chúng, các dự án luôn được giới phê bình đánh giá cao nhưng doanh thu thì thê thảm. Một số tờ báo còn gọi bà là “thuốc độc phòng vé”. 

Sự nghiệp của Hepburn chỉ được cứu vãn vào năm 1937, khi bà trở về Broadway đóng The Philadelphia Story, một vở kịch của Philip Barry. Một năm sau, bà mua bản quyền chuyển thể rồi bán cho MGM, tự chọn nam chính và đạo diễn. Trong phim, nhân vật của bà bị đánh, hành hạ một cách hài hước. Đó là cách khiến bà chiều lòng người hâm mộ, cho họ được trút giận hả hê, từ đó chấp nhận tính cách ngoài đời của bà. 

The Philadelphia Story sau đó trở thành một trong những bom tấn ăn khách nhất năm 1940, giúp Hepburn được đề cử giải Oscar thứ ba và được xem là cú lội ngược dòng ngoạn mục sau một thời kỳ trượt dài. 

Tình yêu trọn đời với sân khấu 

Katharine Hepburn khởi đầu nghiệp diễn từ sân khấu, được biết đến nhờ sân khấu và ngay cả khi đã thành danh tại Hollywood, con tim bà vẫn trọn đời hướng về sân khấu. 

Sau những thành công điện ảnh vang dội, Hepburn ngỏ ý với RKO muốn trở lại Broadway nhưng không được chấp thuận. Bà miễn cưỡng đóng nhiều phim cốt được quay về bên “mối tình đầu”, đó cũng là lý do khiến bà trở nên khác biệt so với phần đông siêu sao khác. 

Kỷ nguyên 1950 chứng kiến sự bùng nổ của phim màu, cùng sự xuất hiện của các tên tuổi sáng giá khác như Audrey Hepburn, Ingrid Bergman,... Đương lúc đó, Katharine vẫn gắn bó với sân khấu, sàng lọc từng vở kịch để chọn làm kịch bản hoặc chuyển thể từ các tác phẩm văn học kinh điển. Bởi vậy, thành công của tác phẩm là có thể dự đoán và được giới phê bình đánh giá cao. 

Katharine Hepburn yêu thích các vai diễn phụ nữ "độc thân vui tính" ví đó cũng chính là con người thật của bà. Ảnh: Ernest Bachrach/John Kobal Foundation/Getty Images

Nửa sau của thế kỷ 20, Hepburn chuyển sang các vai phụ tuổi trung niên độc thân – dạng vai đã tạo nên hình tượng người phụ nữ độc lập kiên cường của bà – và dấn thân vào lĩnh vực truyền hình. Khi sức khỏe suy giảm, minh tinh rút lui khỏi diễn xuất về sống yên bình tại Connecticut, mảnh đất chôn rau cắt rốn của bà. 

Năm 2003, nữ minh tinh vĩ đại nhất lịch sử Hollywood trút hơi thở cuối cùng, thọ 96 tuổi. Trước đó bốn năm, Viện Phim Mỹ (American Film Institute) xếp Katharine Hepburn đứng số một trong tổng 50 nữ minh xuất sắc nhất của điện ảnh Hoa Kỳ trong vòng 100 năm qua. Để tưởng nhớ bà, những ngọn đèn của sân khấu Broadway đã được vặn tối đi trong vòng một tiếng. Tổng thống Mỹ George Bush khi đó gọi Katharine Hepburn là “Di sản nghệ thuật của quốc gia.” 

Tượng đài Hollywood thời hoàng kim 

Giữ kỷ lục tượng vàng Oscar - bốn giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong tổng mười hai lần đề cử - nhưng Hepburn chưa bao giờ đến dự một buổi lễ nào để nhận chúng. 

“Đối với tôi, giải thưởng chẳng là gì cả. Giải thưởng của tôi là được làm công việc mình yêu thích,” bà nói. Tuy nhiên, kỷ lục của bà đến nay vẫn là một thành tích bất bại, có thể ví như đỉnh Everest của Hollywood. 

Xuất hiện lần cuối trên màn ảnh trong bộ phim One Christmas năm 1994, nhân vật Cornelia Beaumont của Hepburn đã nói lời cuối là: “Tôi có thể nhìn lại cuộc đời mình và không hối tiếc một khoảnh khắc nào, không muốn thay đổi một điều gì khác. Tôi mong muốn điều đó cũng sẽ đến với bạn… một cuộc sống không hối tiếc.” Đó dường như cũng là lời chúc của bà dành tặng tới mọi người. 

Cuộc đời Katharine Hepburn là một câu chuyện truyền cảm hứng, ẩn chứa nhiều bài học quý giá về thành công, thất bại, vinh quang, sự nổi tiếng, tham vọng,... mà mỗi người đều có thể tự rút ra cho mình. Quan trọng nhất, nhìn vào bà, chúng ta như được tiếp thêm động lực để mơ lớn hơn, bay cao hơn, sống là chính mình và đấu tranh cả đời để được sống như thế.