Nhà văn Mỹ nổi tiếng Mark Twain từng nói: “Một người không đọc sách chẳng hơn gì kẻ không biết đọc”. 

Không đọc sách, bạn bỏ lỡ một kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại.

Nếu bạn sẵn có niềm yêu thích sách, bạn có một xuất phát điểm tốt hơn. Và bởi bạn đọc nhiều hơn, bạn sớm nhận ra việc đọc mà chúng ta vẫn làm thường ngày, thực chất chỉ là bề nổi. 

Đọc cũng cần phải học. Hầu hết chúng ta đều chỉ đọc ở mức sơ đẳng. 

Bài viết hôm nay sẽ đào sâu vấn đề này. Tôi đề cập từ việc chọn sách sao cho đúng, cách từ bỏ những cuốn sách dở tệ, các cấp độ đọc khác nhau tới cả việc bạn mua hàng chồng sách về nhưng không đọc nữa. 

Hãy bắt đầu với câu hỏi: Làm thế nào để tôi không lãng phí thời gian vào những cuốn sách vô bổ? 

Học cách “buông” 

Trước hết, bạn sẽ cần biết cách phân biệt đâu là một cuốn sách đáng đọc và không đáng đọc. 

Thứ nhất, sách tốt không ép bạn đọc. Chúng thu hút bạn như nam châm trái dấu. Những cuốn sách tệ thì ngược lại, bất kể bạn cố gắng ra sao, bạn luôn bị đẩy ra xa.  

Tại sao cứ phải cố gắng làm điều mình không thích? Hãy dứt khoát từ bỏ. 

Thứ hai, các cuốn sách hay biết cách kích thích trí tò mò độc giả. Từ rất lâu, khi mà bộ môn Tâm lý học còn chưa ra đời, người ta đã biết tò mò là một trong những động lực thôi thúc mạnh mẽ nhất của con người. Nhiều cuốn sách có thể gây tò mò ngay từ tựa đề và đoạn giới thiệu. 

Thứ ba, độc giả thường cố đọc cho xong một cuốn sách để hoàn thành lời cam kết của mình. Dù nó rất chán và tẻ nhạt, họ vẫn cố. Những cuốn sách hay lại không vậy, chúng hoàn thành thay bạn. Bạn đơn giản không thể đặt xuống. Ngược lại, khi cố gắng đọc một cuốn sách dở tệ, chẳng khác nào bạn đang cố lết đi trong vũng bùn và vác theo một cục tạ. Quá nặng nề. 

Nói về việc đọc sách, bạn không có nghĩa vụ phải về đích bằng mọi giá. Nếu cuốn sách tệ, bạn hoàn toàn có thể ném chúng vô xó. Không đoái hoài, không tiếc nuối. 

Khi bạn nhận ra không hề có sợi dây ràng buộc nào cả, mọi thứ sẽ thay đổi. 

Cố gắng đọc những cuốn sách nhàm chán là cách dễ dàng nhất để giết thời gian và bỏ lỡ những cuốn sách hay. 

Vì vậy, lướt qua các cuốn sách thật nhanh. Chọn một vài cuốn bạn thích. Đọc đi đọc lại những cuốn tâm đắc. Như Lý Tiểu Long từng nói thì: “Tôi không sợ người tập 10.000 cú đá một lần, tôi chỉ sợ người tập 10.000 lần một cú đá”. 

Nếu đã hiếm khi đọc sách, chí ít hãy đọc sách chất lượng. 

Nhưng đâu là thang đo cho “chất lượng”? 

Thời gian là kẻ thù với đa số đầu sách. Với phần thiểu số – những cuốn sách hay, thời gian là người bạn trung thành. 

Nhiều người không hề hứng thú với những tác phẩm đương đại. Những đầu sách mới không thu hút họ. Chỉ một vài trong số chúng vượt qua phép thử của thời gian. Về chuyện đó, thời nào cũng vậy. 

Nhiều tác phẩm chỉ nổi tiếng sau khi tác giả qua đời đã mấy chục năm. F. Scott Fitzgerald từ giã cõi đời với niềm tin mình là một nhà văn thất bại – thế nhưng Đại gia Gatsby giờ đây được xem là kiệt tác văn học thế kỷ 20. Fitzgerald không đủ may mắn để chứng kiến đứa con tinh thần của mình cất cánh bay xa. 

Thời gian là phép thử. Thời gian là ban giám khảo. Hơn cả những chuyên gia, những nhà phê bình hay độc giả, thời gian là người chấm điểm công tâm nhất. 

Thời gian là tấm màng sàng lọc những tác phẩm vĩ đại, tách biệt chúng với những cuốn sách thất bại khác. Theo lời Louisa May Alcott thì "Sách hay, cũng như bạn tốt, ít và được lựa chọn. Chọn lựa càng nhiều, thưởng thức càng nhiều".  

Nếu bạn không thể nhận định cuốn sách mới nào là tuyệt vời, hãy để thời gian lo vụ đó. Thời gian chỉ giữ lại những gì tinh túy nhất. Và không việc gì ta phải tốn thời gian vào những cuốn sách không vượt qua vòng duyệt kia. 

Hãy đọc những cuốn sách cũ. Đọc những cuốn tâm đắc hai lần. Hoặc ba lần, bốn lần tùy thích.

“Một cuốn sách thực sự hay nên đọc trong tuổi trẻ, rồi đọc lại khi đã trưởng thành, và một lần nữa lúc tuổi già, giống như một tòa nhà đẹp nên được chiêm ngưỡng trong ánh bình minh, nắng trưa và ánh trăng."

- Robertson Davies 

Một điều mà tôi rất thích ở các cuốn sách cũ là các câu nói mang tính chân lý. Ồ, tác giả viết cuốn sách đã hơn nửa thế kỷ mà tới giờ những điều ông ấy nói vẫn đúng. Vậy là quan điểm đó không hề xê dịch theo thời gian mà chỉ ngày càng sâu sắc hơn qua năm tháng. 

Bạn không thể đọc mọi thứ theo một cách giống nhau 

Chúng ta được dạy cách đọc từ tiểu học. Nhưng vấn đề là nhà trường cũng chỉ dạy ta một cách đọc duy nhất. Theo thời gian ta lớn lên, ta đọc nhiều thể loại hơn và mức độ khó cũng tăng dần. Với một cách đọc cơ bản duy nhất như vậy, khả năng của ta đang bị hạn chế. 

Không phải mọi thứ đều có thể đọc với một cường độ giống nhau. Một vài sách chỉ nên đọc lướt, trong khi có những cuốn lại yêu cầu bạn tập trung cao độ. Việc bạn đầu tư bao nhiêu công sức vào việc đọc phụ thuộc phần lớn vào thể loại sách bạn đang đọc và mục đích đọc của bạn là gì. 

Các mức độ của đọc dưới đây chia việc đọc ra làm bốn cách tiếp cận (từ dễ tới khó). Hầu hết chúng ta chỉ quanh quẩn đâu đó ở mức 2 và mức 3. Hãy xem bạn thường lượn lờ ở mức thứ mấy. 

#1. Đọc để giải trí – Cấp độ đọc cơ bản mà bạn vẫn được dạy suốt những năm tiểu học. Việc đọc lúc này chỉ đơn thuần là nhận diện chữ trên mặt giấy. Đây là cách bạn đọc truyện tranh, báo chí hay đọc các văn bản đơn thuần. 

#2. Đọc để trang bị thông tin – Ở cấp độ này, bạn đọc lướt và tìm ra phần thông tin đắt giá với bản thân. Phương pháp đọc Skim and Scan cho phần Reading trong các bài thi Ielts là tiêu biểu cho dạng đọc này. Ngoài ra, đây cũng là cách bạn tra cứu tài liệu tham khảo hay quay cóp bài (có hợp lý không nhỉ?). 

#3. Đọc để hiểu – Cấp độ yêu cầu sự đọc sâu, bạn phải thực sự tập trung nghiền ngẫm kiến thức và tiêu hóa chúng. Bạn có thể cần đọc đi đọc lại một vài đoạn hoặc chương trong một cuốn sách để hiểu rõ tác giả muốn nói điều gì và thông điệp họ truyền tải. Đồng thời, bạn liên kết các khái niệm mới với những kiến thức trước đó của bản thân. Vì bạn đang đào sâu vấn đề, tôi gọi đây là phương pháp đọc sâu. 

#4. Đọc để thông thạo – Cấp độ cao nhất của việc đọc yêu cầu bạn nghiên cứu hàng loạt các tài liệu về một chủ đề, chắt lọc chúng và tự phát triển một quan điểm riêng. 

Đọc thêm: Quy tắc 10.000 giờ: Học được gì từ những thiên tài? 

Nên đọc nhanh hay đọc chậm? 

Tốc độ đọc phụ thuộc vào cấp độ đọc của bạn. Theo kinh nghiệm của một con mọt sách lâu năm là tôi; khi cấp độ càng cao, tốc độ đọc của ta càng giảm. Khá đơn giản, độ khó càng tăng thì bạn càng cần nhiều thời gian hơn để nghiền ngẫm. 

Hãy quên hết các phương pháp dạy cách nâng cao tốc độ đọc đi hay cách loại bỏ tiếng thì thầm trong đầu khi đọc. Mọi người đều đọc thầm trong đầu như vậy. Và nó không hề xấu. 

Trên thực tế, người ta thường chỉ buông một lời khen vu vơ khi bạn khoe đọc hết cuốn sách dày 700 trang trong một ngày. Họ không quan tâm lắm. Bởi điều thật sự quan trọng là có bao nhiêu thứ đã đi vào trong đầu bạn. 

Giấy và bút  

Trí nhớ tốt không bằng ngòi bút cùn. Một trong những cách ghi nhớ lâu đời và vẫn hiệu quả cho tới ngày nay là sử dụng giấy và bút. Hãy xem xét hai phương pháp được tôi đưa ra dưới đây. 

Phương pháp tờ giấy trắng

Cách đơn giản nhất để tiếp thu kiến thức từ một cuốn sách tốt hơn là sử dụng phương pháp tờ giấy trắng. 

Một tờ giấy trắng bắt bạn phải suy nghĩ, ép bạn phải ghi ra mình đã học được gì từ cuốn sách đó.

Bước 1: Trước khi đọc một cuốn sách, lấy ra một tờ giấy trắng. Ghi chủ đề cuốn sách ở giữa và tất cả những gì bạn biết về cuốn sách đó. Mindmap hay Sketchnote cũng là những phương pháp rất phổ biến.

SKETCHNOTE – Phương pháp ghi nhớ sáng tạo bằng hình ảnh
Sketchnote là một phương pháp ghi chú rất thịnh hành trong vòng 3 năm trở lại đây 

Bước 2: Sau khi đọc xong mỗi chương, dành một vài phút để bổ sung các ý mới vào tờ giấy.

Bước 3: Khi đọc xong, nhớ lưu trữ tờ giấy này lại và ôn tập lại thường xuyên.  

Tại sao nó hiệu quả? 

Tờ giấy trắng ép bạn phải suy nghĩ. Bạn cần định hình rõ mình đang đọc cái gì, bạn rút ra được gì từ nó. 

Ở ngay bước 1, tờ giấy trắng ép bạn phải lùng sục bộ nhớ và viết lên mặt giấy tất cả những gì bạn biết về một chủ đề nhất định. Khi bạn đọc, bạn sẽ thấy vài điều thú vị bạn chưa biết, vài điều bạn tưởng bạn biết nhưng hóa ra lại sai lầm…. Cứ như vậy, kiến thức của bạn sẽ được củng cố rõ rệt và các ý tưởng sẽ liên kết chặt chẽ hơn. 

Cố gắng đơn giản hóa ghi chú của bạn nhất có thể sao cho một đứa trẻ 12 tuổi cũng hiểu được. Để làm được điều này, bạn tự ép bản thân phải giản lược cái chi tiết xuống độ dễ hiểu tối đa và học cách liên kết các khái niệm phức tạp thành một hệ thống tinh gọn nhất. Đây cũng là ý tưởng chính của phương pháp học tập Feynman – giúp bạn ghi nhớ mọi thứ mình đã học. 

Phương pháp ghi chú truyền thống 

Khi tôi còn nhỏ, gia đình và thầy cô luôn cấm tôi vẽ bậy lên sách vở. Nhưng tôi đâu có vẽ bậy, tôi viết ra những điều tôi nghĩ thôi mà. Dù gì cũng là chuyện quá khứ. Giờ đây không ai có thể trách ta cả. Đó là quyền lợi của tôi và cả bạn nữa. 

Dưới đây là một vài chỉ dẫn đơn giản giúp bạn ghi chú tốt hơn khi đọc: 

Tại phần cuối mỗi chương, gạch một vài đầu dòng để tổng hợp các ý chính. Sử dụng ngôn ngữ của bạn chứ không phải của tác giả. Hãy cá nhân hóa nó nhất có thể. Ngoài ra thì cũng hãy ghi luôn những câu hỏi mà bạn thắc mắc khi đang đọc. 

Francis Ford Coppola's 'Godfather Notebook' is the Development Bible of Our  Dreams
Cách đạo diễn Coppola ghi chú khi quay hình bộ phim huyền thoại The Godfather (1972)

Khi bạn đọc xong cuốn sách, gập nó lại và mặc kệ nó trong vài ngày tới. Lao vào một dự án khác và tách rời tâm trí khỏi cuốn sách kia. Khi bạn quay trở lại, bạn sẽ phát hiện thêm một vài điều thú vị hoặc vài chi tiết đắt giá mà mình đã vô tình bỏ qua. 

Hiệu quả nhưng không phải ai cũng biết. 

Giá trị của những cuốn sách chưa đọc 

Lợi ích lớn nhất của việc đọc là nó cho phép bạn học hỏi những điều mà người khác dành 30, 40 năm hay cả cuộc đời để phát hiện ra. 

Hình thành thói quen đọc sách không nên quá nặng nề. Bạn nên bắt đầu với mục tiêu đọc 25 trang mỗi ngày từ hôm nay. Theo thời gian sức đọc của bạn sẽ tăng dần, hãy yên tâm. 

Hãy chú ý: Bạn có từng mua sách về nhưng không đọc hết? Kệ sách của bạn có những cuốn sách đã bám bụi vì bị chủ nhân ngó lơ? Chắc chắn là có. 

Trong tiếng Nhật có một cụm từ dành riêng cho hành động này: tsundoku. Tsundoku dùng để chỉ những chồng sách bạn mua nhưng chưa hề động tới. Trong đó, “tsunde” nghĩa là “chất đống” và “oku” nghĩa là “để dành”. 

Tsundoku," the Japanese Word for the New Books That Pile Up on Our Shelves,  Should Enter the English Language | Open Culture
Nếu cứ chất đống như vậy, liệu có phải bạn đang phung phí tiền của vào chúng? 

Không hẳn. Thay vì gây hại, Nassim Nicholas Taleb, một nhà tiểu luận người Li-băng còn cho rằng việc này có lợi ích to lớn mà nhiều người thường bỏ qua.  

Theo ông, những cuốn sách chưa đọc chính là một “phản thư viện”, và giá trị của chúng còn gấp nhiều lần so với những cuốn ta đã đọc. 

Càng biết nhiều càng thấy mình biết ít, vì kiến thức không bao giờ là đủ. Càng đọc nhiều sách, bạn càng thấy mình phải đọc nhiều sách hơn. Những cuốn chưa được đọc kia sẽ là lời nhắc nhở bạn cần trau dồi kiến thức từng ngày, từng giờ. 

Không bao giờ hài lòng với những gì mình đã biết mà hãy luôn khát khao khám phá những gì ta chưa biết.  

Giá trị của một cuốn sách chưa đọc nằm ở chính sức mạnh thôi thúc ta đọc nhiều hơn nữa. 

Bạn muốn đọc thêm các bài viết khác về sách? 

1/ Làm Thế Nào Để Giảm Sử Dụng Mạng Xã Hội Và Đọc Nhiều Sách Hơn Trong Năm Nay? — Một vài chỉ dẫn thiết thực giúp bạn bớt cắm cúi vào màn hình, thay vào đó nhấc một cuốn sách ra khỏi kệ và đọc ngấu nghiến. 

2/ 5 Cách Để Cải Thiện Tình Trạng Đọc Như Không Đọc — Đọc xong không nhớ gì? Đọc xong không biết áp dụng ra sao? Có thể là lỗi của bạn, có thể là lỗi tại sách, nhưng dù thế nào thì 5 cách trong bài viết vẫn sẽ giúp bạn tới đích: đọc và phát triển. 

3/ Nhìn Lại Xu Hướng Sách Nói: Có Một Thứ "Gia Vị" Bị Bỏ Quên — Cùng tìm hiểu và tiếp cận một trong những xu hướng hot nhất trong thị trường sách năm nay. Nhiều người lười đọc và chọn sách nói, bạn thì sao?