Xu hướng sách nói - xu hướng tất yếu của thị trường xuất bản phẩm
Cuộc tranh luận giữa sách nói và sách in đã bùng lên trong các hội nhóm của những người yêu sách. Hiển nhiên, khi vừa mới ra đời, chỗ đứng của sách nói vẫn còn rất nhỏ và không có quá nhiều người ưa thích nó. Một phần là vì người ta yêu thích cảm giác được tự tay lựa chọn những cuốn sách trong hiệu sách, được cảm nhận mùi hương giấy mới. Một phần là khi nghe, chúng ta khó tập trung hơn, và những con chữ dễ bị trôi đi, không còn đọng lại được những giá trị cần thiết để chúng ta suy ngẫm về cuốn sách ấy.
Thế nhưng, một quãng chững của đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội cho sách nói được đà tiến lên. Các video review trên Facebook, các video ngắn trên Tiktok, các vlog với đủ kiểu bỏ phố về quê cùng với sách nói - đã trở thành lựa chọn ưu tiên của tất cả mọi người. Và tất yếu, đứng trước nhu cầu thị trường cũng như dòng chảy của công nghệ thông tin, các công ty sách chính quy, và các cá nhân, đơn vị sáng tạo nội dung đã nhanh chóng bám vào xu thế để tạo ra một cú nhảy tuyệt vời cho cuốn sách.
Giờ đây, độc giả cũng có thể trở thành các thính giả, lựa chọn những cuốn sách mình yêu thích và bật nó mọi lúc mọi nơi, không cần phải luôn mang theo cuốn sách khá nặng bên mình.
Mặc dù sách nói đã gần như hoàn thiện về mặt kỹ thuật, nội dung, nền tảng dung chứa, chất lượng tệp âm thanh, thế nhưng, nhiều độc giả vẫn không muốn chuyển từ sách in qua sách nói, bởi vì sách nói hiện tại vẫn đang khuyết thiếu một thứ “gia vị” vô cùng quan trọng, là thứ níu chân người nghe tốt nhất, đó chính là giọng nói.
Giọng nói - gia vị của những tệp âm thanh
Những tệp âm thanh chứa đựng nội dung của các xuất bản phẩm đồng nghĩa với việc nó đang mang một sứ mệnh truyền tải câu chuyện của những xuất bản phẩm.
Như vậy, nếu tệp âm thanh đại diện cho một câu chuyện bi thương, vậy thì giọng nói phải đủ da diết, đủ phập phồng như hơi thở đau buồn của những nhân vật trong truyện.
Nếu tệp âm thanh đại diện cho những biện luận của một tiến sĩ tâm lý học, vậy thì giọng nói không chỉ cần sự rành mạch, nhấn nhá thuyết phục, mà còn phải có sự mềm mỏng, tâm sự như đang chia sẻ chứ không phải đang dạy dỗ người khác.
Bản thể ban đầu của sách nói thực ra đã có từ rất lâu trước đó, hiện thân là Chương trình radio Kể chuyện đêm khuya do chính NSUT Hà Phương là giọng đọc nam được nhiều thế hệ yêu thích. Những câu từ của Rẻo cao (Nguyên Ngọc), Mây bay cuối đường (Sương Nguyệt Minh), Đôn Kihôtê – Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra (Miguel de Cervantes Saavedra),... sáng bừng lên, đi qua sóng truyền thanh, thâm nhập vào thính giác và chạy lan tới những nơron thần kinh, lưu trú lại ở đó.
Tại sao NSƯT Hà Phương có thể làm được điều này? Nó không chỉ là sự ôn tồn, sâu lắng mà giọng nói mang đến, nó còn giống như lời thủ thỉ của bà của mẹ, như một người nghệ sĩ giấu mặt trên sân khấu kịch nói đang dựng lại những điều do tác giả vẽ nên. Để thấu hiểu hơn về nghệ thuật truyền cảm, bạn có thể tham khảo chương trình luyện tập giọng nói theo chuẩn phát thanh viên cùng NSƯT Hà Phương, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho bản thân mình.
Vì thế, lý do khiến cho những cuốn sách nói bị nhiều độc giả khó tính không mấy ưa thích, là bởi nó đã quên đi gia vị quan trọng này. Khi lựa chọn người truyền tải nội dung sách, các yêu cầu được đặt ra thường bao gồm:
- Khả năng phát âm tốt, chuẩn phổ thông.
- Giọng đọc rõ ràng, ngắt nghỉ đúng chỗ.
- Giọng đọc truyền cảm
Vấn đề nằm ở chính giọng đọc truyền cảm ấy. Đa số chúng ta khi còn học Tiểu học, hoặc Trung học cơ sở đều từng được giáo viên hướng dẫn đọc truyền cảm bằng cách nhấn nhá các âm tiết, phục vụ cho những buổi dự giờ. Thế nhưng, sự truyền cảm đích thực không phải là sự ép khuôn và một màu. Đó là lý do vì sao, rất nhiều người đã cố gắng đọc truyền cảm, nhưng lại là kiểu truyền cảm sách vở, không thể khơi dậy ở người nghe sự hào hứng và ham thích nghe nhiều hơn.
Làm thế nào để có giọng đọc truyền cảm?
Về cơ bản, giọng nói biểu cảm và giọng đọc truyền cảm vẫn có nhiều điểm tương đồng nhau. Tuy nhiên, giọng nói biểu cảm là chất giọng được dùng trong hoạt động giao tiếp, khi người với người đối mặt và có sự hỗ trợ của cử chỉ, hành vi. Thế nhưng, giọng đọc biểu cảm giống như một kiểu giao tiếp không trực diện. Vì bạn không thể dùng ngôn ngữ cơ thể để phụ họa cho ngôn từ, giọng đọc buộc phải mang được dáng dấp của những biến động trong cuốn sách.
Gợi ý: Thế nào là giọng nói biểu cảm?
Nếu bạn đã từng xem những sân khấu kịch, sân khấu chèo, thì giọng đọc cũng sẽ có tính hướng nhập vai như thế, nhưng sẽ giảm nhẹ mức độ nhấn nhá, dao động quanh mức trung lập của tính chất giọng. Việc giảm nhẹ mức độ nhấn nhá này để giúp cho đôi tai của người nghe dễ chịu hơn vì khoảng cách của đôi tai và thiết bị phát sách nói thường khá gần.
Vậy, để có một giọng đọc truyền cảm, bạn cần lưu ý:
Xác định vị thế
Bạn vừa là người tuyên ngôn thay tác giả, nhưng cũng chính là hình mẫu lan truyền về nhân vật, câu chuyện mà tác giả đề cập tới. Để trở thành một người đọc xuất sắc, bản thân bạn phải ý thức được vai trò của mình trong khâu phát hành sách nói. Bởi vì, một cuốn sách hay tự thân nó có thể nằm trên những kệ sách của mỗi nhà. Nhưng để mỗi người sẵn sàng mở kênh phát để nghe đọc về cuốn sách ấy, thì bạn, với giọng đọc của mình, chính là thứ giữ chân họ lại. Khi bạn hiểu rõ vai trò này, bạn sẽ càng gia tăng tính trách nhiệm và có động lực để rèn luyện.
Đọc hiểu tác phẩm
Giống như một diễn viên chuyên nghiệp luôn biết phân tích nhân vật trước khi thực sự diễn, bạn cùng cần hiểu tác phẩm của mình. Để thấu hiểu, bạn cần:
- Đọc tác phẩm bạn tiếp nhận.
- Đánh dấu những nội dung bạn tâm đắc và cả những nội dung bạn chưa hiểu rõ.
- Với mỗi chương, phần, hãy ghi chú cảm nhận của bạn về nhân vật, phân tích trạng thái nhân vật, từ đó suy ra cách đọc phù hợp.
- Tiến hành luyện tập và thu âm thử trước khi đọc bản hoàn chỉnh. Quá trình này có thể diễn ra vài lần cho đến khi bạn có một bản thu ưng ý.
Mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện khác nhau, giọng điệu sẽ khác, cách ngắt nghỉ và tâm thế mang vào giọng đọc cũng khác hoàn toàn. Ví dụ, khi đọc thơ Tây Tiến, giọng đọc của bạn sẽ là sự hùng tráng, nhưng không phải cái hùng tráng rạo rực của ngày toàn thắng trở về, mà là cái hùng tráng mang theo cả bi thương, nhưng đầy quyết liệt chiến đấu, lại hòa cả sự day dứt của tâm hồn những thanh niên tri thức để lại tình yêu, gia đình phía sau.
Rèn luyện kỹ thuật
Kỹ thuật chuyên nghiệp được tích tụ và dày dặn theo thời gian. Do đó, để trở thành một giọng đọc chuyên nghiệp và dày dặn khả năng ứng biến với các thể loại sách khác nhau, bạn cần rèn luyện kỹ thuật giọng nói không ngừng.
Trong quá trình rèn luyện đó, bạn đừng quên xây dựng một “thương hiệu” cho giọng đọc của mình. Chất giọng của bạn là duy nhất, cách bạn nhấn nhá hay cách bạn truyền tải cảm xúc theo nhân vật cũng là duy nhất. Mỗi người có một góc nhìn khác nhau, vì thế, bạn hoàn toàn có thể phát triển quan điểm của mình thành các bài đăng trên các kênh mạng xã hội hoặc thành các video tương tác với người xem.
Điều này giúp bạn ghim vào tâm tưởng người nghe cái tên của bạn, phong cách của bạn, đồng thời lan tỏa cuốn sách đến nhiều người hơn nữa. Ở giai đoạn bùng nổ truyền thông như hiện nay, sở hữu một thương hiệu cá nhân về giọng đọc sẽ giúp bạn mở ra những cơ hội tốt đẹp.
Tham khảo: Tham vọng thương hiệu cá nhân trong xu hướng Marketing 2023
Và bạn cần nhớ một nguyên tắc “Hãy cho đi trước khi mong nhận lại”. Nếu bạn dùng giọng đọc để chữa lành cho người nghe, họ sẽ tự khắc mang đến cho bạn niềm tin, sự yêu thích và trung thành với tác phẩm bạn tạo ra.