Kẻ bị ruồng bỏ
Năm 1983, một tay guitar trẻ tuổi tài năng bị “đá khỏi” ban nhạc của mình theo cách thức tệ hại nhất. Ban nhạc vừa mới ký kết hợp đồng thu âm và họ chuẩn bị thu album đầu tay.
Nhưng chỉ vài ngày trước khi tiến hành, ban nhạc chỉ cho tay guitar cánh cửa ra – không báo trước, không bàn bạc, không tiệc chia tay hoành tráng; nói chung là họ đánh thức ông dậy vào một buổi sáng đẹp trời nọ và nhét vào tay ông tấm vé xe khách trở về quê.
Khi ngồi trên xe buýt từ New York trở về Los Angeles, tay guitar cứ liên tục tự hỏi: Tại sao chuyện này lại xảy ra? Tôi đã làm gì sai cơ chứ? Giờ thì tôi biết làm gì đây? Hợp đồng thu âm đâu có rơi từ trên trời xuống, đặc biệt là với những ban nhạc metal mới thành lập cơ chứ! Chẳng lẽ ông đã lỡ mất cơ hội duy nhất trong đời?
Nhưng vào lúc bánh xe cán đất Los Angeles, tay guitar đã ngừng việc than thân trách phận và thề sẽ thành lập một ban nhạc mới. Ông quyết tâm làm cho ban nhạc mới thật thành công để ban nhạc cũ sẽ phải hối hận suốt đời vì cái quyết định ngu ngốc kia.
Ông sẽ nổi tiếng đến mức người đời vài chục năm nữa vẫn sẽ nhìn thấy ông trên TV, nghe ông hát trên đài phát thanh, nhìn thấy ông trên những tấm poster được giăng khắp các phố phường và xuất hiện trên trang bìa những tờ tạp chí.
Đám người kia sẽ làm công việc nướng bánh trong một tiệm ăn nhanh ở một xó xỉnh nào đấy, bốc hàng sau những buổi diễn chết tiệt trong club, béo ú và say sưa với mấy mụ vợ xấu xí, còn ông sẽ tỏa sáng trên một sân vận động đông nghịt khán giả cùng buổi biểu dẫn được tường thuật trực tiếp trên TV.
Ông sẽ tắm bằng những giọt nước mắt của lũ phản bội kia, sẽ hứng mỗi giọt nước mắt bằng tờ 100 đô mới coóng, thơm tho.
Và tay guitar của chúng ta cứ thế làm việc như bị một con quỷ âm nhạc ám vậy.
Ông dành nhiều tháng trời để chiêu mộ các nhạc công hay nhất – hay hơn nhiều so với bọn bạn cũ. Cơn giận của ông đã truyền năng lượng và tham vọng, trả thù trở thành cảm hứng cho ông.
Trong vài năm, ban nhạc của ông đã ký kết được hợp đồng thu âm và chỉ một năm sau đó, sản phẩm thu âm đầu tiên của họ đã trở nên vô cùng ăn khách.
Tay guitar ấy chính là Dave Mustaine và ban nhạc mới do ông thành lập chính là ban nhạc heavy-metal huyền thoại Megadeth.
Megadeth bán được trên 25 triệu album và có nhiều chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới. Ngày nay, Mustaine được xem là một trong những nhạc sĩ xuất sắc, có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử dòng nhạc heavy-metal.
Bất hạnh ở chỗ, ông bị Metallica, ban nhạc bán được tới 180 triệu album trên toàn thế giới, cho ra rìa. Rất nhiều người cho rằng Metallica là một trong những ban nhạc xuất sắc nhất mọi thời đại.
Vì thế, trong một buổi phỏng vấn thân mật hiếm hoi vào năm 2003, một Mustaine ngấn lệ đã thừa nhận rằng ông không thể làm gì khác ngoài cho rằng mình vẫn là kẻ thất bại.
Mặc cho tất cả những gì đã đạt được, trong tâm trí Mustaine, ông vẫn luôn là người bị Metallica tống cổ đuổi đi.
Khi gã ngon trai nhất đám lại bị đuổi khỏi ban nhạc
Thêm một ví dụ nữa, ta hãy xem một nhạc sĩ khác cũng bị một ban nhạc khác sa thải. Câu chuyện của ông cũng khá giống với Mustaine, chỉ là xảy ra trước đó hai thập kỷ mà thôi.
Vào năm 1962, cả thế giới xôn xao về sự xuất hiện của một ban nhạc đến từ Liverpool, nước Anh. Ban nhạc này có kiểu tóc rất hài và có cái tên còn hài hơn, nhưng nhạc của họ thì tuyệt vời ông mặt trời và ngành công nghiệp thu âm cuối cùng cũng chú ý tới họ.
Các thành viên gồm có John, ca sĩ chính và nhạc sĩ; Paul, người chơi bass có khuôn mặt non tơ đầy mộng mơ; George, tay guitar bất trị và tiếp theo là tay trống.
Khi đó, ông được xem là gã ngon trai nhất – phụ nữ phát cuồng khi gương mặt ông bắt đầu xuất hiện trên tờ tạp chí đầu tiên. Ông cũng là người chuyên nghiệp nhất trong nhóm. Ông không chơi ma túy, có một người bạn gái lâu năm. Thậm chí, còn có những người áo quần bảnh bao cho rằng ông nên là gương mặt đại diện cho ban nhạc, chứ không phải John hay Paul.
Tên ông là Pete Best. Năm 1962, sau khi ký kết hợp đồng thu âm đầu tiên, ba thành viên khác của The Beatles âm thầm họp nhau lại và đề nghị người quản lý của họ, Brian Epstein, sa thải ông. Epstein khổ sở với quyết định ấy. Ông thích Pete, nên cứ trì hoãn mãi, hi vọng một ngày đẹp trời ba người kia sẽ thay đổi quyết định.
Nhiều tháng sau, ba ngày trước khi buổi thu âm đầu tiên bắt đầu, Epstein cuối cùng cũng gọi Best lên văn phòng và thông báo một cách không hề khách sáo rằng anh hãy đi tìm một ban nhạc khác. Ông không đưa ra bất kỳ lý do nào, không giải thích, không một lời an ủi – chỉ nói rằng mấy tay kia muốn anh rời khỏi ban nhạc, nên “Ờ, chúc may mắn!”
Ban nhạc thu nhận gã lập dị có tên Ringo Starr để thay thế. Ringo già hơn, có cái mũ to tướng nhìn rất hay. Ringo đồng ý cắt cùng kiểu tóc với John, Paul, George và khăng khăng viết mấy bài hát về lũ bạch tuộc với tàu ngầm. Mấy người còn lại bảo, “Ừ, sao lại không nhỉ?”
Trong vòng sáu tháng sau khi Best bị sa thải, cơn sốt The Beatles diễn ra, biến John, Paul, George và Ringo thành bốn trong số những gương mặt nổi tiếng nhất quả đất.
Dễ hiểu vì sao khi ấy, Best lại rơi vào trầm cảm nặng nề và dành rất nhiều thời gian để làm cái việc mà bất kỳ người Anh nào cũng làm nếu họ có được một lý do chính đáng: uống rượu.
Phần còn lại của thập niên 60 không có gì tốt đẹp diễn ra với Pete Best. Vào năm 1965, ông bị The Beatles kiện hai lần vì tội phỉ báng và tất cả các dự án âm nhạc của ông đều thất bại thảm hại. Năm 1968, ông đã cố tự tử và thoát chết nhờ mẹ ông phát hiện kịp thời. Cuộc đời ông rất thê thảm!
Best không có cùng câu chuyện lội ngược dòng giống Dave Mustaine. Ông không bao giờ trở thành siêu sao nổi tiếng toàn cầu hay kiếm được hàng triệu đô la. Nhưng, theo nhiều cách, Best lại có được nhiều thứ tốt đẹp hơn so với Mustaine. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1994, Best thổ lộ, “Tôi hạnh phúc hơn so với thời còn ở The Beatles.”
Chuyện gì đã diễn ra vậy?
Best giải thích rằng việc ông bị The Beatles sa thải đã giúp ông gặp được vợ mình. Sau đó, cuộc hôn nhân cho ông những đứa con. Ông trân trọng sự thay đổi ấy.
Ông bắt đầu nhìn nhận cuộc đời mình khác đi. Danh vọng và thành công cũng rất tuyệt, chắc chắn rồi – nhưng ông quyết định thứ mà ông đang có còn quan trọng hơn: một gia đình lớn và đầy ắp yêu thương, một cuộc hôn nhân viên mãn, một cuộc sống giản dị.
Ông vẫn còn tiếp tục chơi trống, lưu diễn khắp châu Âu và thu âm album trong những năm 2000. Vậy ông thực sự mất đi thứ gì? Chỉ là sự chú ý và bợ đỡ, trong khi những gì ông đạt được có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Hai câu chuyện này muốn nói điều gì?
Dave Mustaine đã lựa chọn đánh giá bản thân thông qua việc liệu ông có thành công và nổi tiếng hơn Metallica hay không. Trải nghiệm bị đuổi khỏi ban nhạc cũ khiến ông tổn thương đến mức xây dựng thước đo về bản thân và sự nghiệp âm nhạc của mình dựa trên “thành công liên quan tới Metallica”.
Dù phải hứng chịu một sự kiện khủng khiếp trong đời mình và hành động tích cực để thoát khỏi nó, như cách Mustaine làm với Megadeth, chọn cách dựa vào thành công của Metallica để làm thước đo cho cuộc đời mình khiến ông tiếp tục phải chịu tổn thương mấy chục năm sau này.
Bất chấp tiền bạc, người hâm mộ cùng những lời tán tụng, ông vẫn cảm thấy mình là kẻ thất bại.
Các giá trị của ta quyết định thước đo bản thân và những người khác. Thước đo của Mustaine là trở nên hoàn hảo hơn Metallica, đã giúp ông xây dựng một sự nghiệp âm nhạc thành công rực rỡ, nhưng cũng đã hành hạ ông cho dù ông thành công ra sao.
Thước đo của Best chỉ đơn giản là sống thật hạnh phúc với mái ấm nhỏ bé của mình, thỉnh thoảng chơi trống nếu thích, duy trì một nếp sống lành mạnh và giản dị. Cú đá cay nghiệt từ The Beatles từng làm ông khốn đốn nay lại là bước ngoặt giúp ông có được sự viên mãn trong cuộc đời.
Nếu Best cũng như Mustaine, đặt thước đó là “Trở nên nổi tiếng và thành công hơn cả The Beatles”, thì có lẽ ông cũng mãi dằn vặt vì mình là kẻ bị ruồng bỏ.
Ngược lại, nếu thước đo của Mustaine chỉ đơn giản là “Hết mình với đam mê và sống một cuộc đời hạnh phúc” thì ông phải nói là rất, rất thành công rồi.
Chỉ bằng cách hạ thấp tiêu chuẩn của bản thân, thay đổi cách nhìn nhận về thành công/thất bại và học cách buông bỏ, Pete Best đã sống một cuộc đời hạnh phúc hơn hẳn so với Mustaine – thứ không thể đắp nên từ tiền bạc, danh tiếng.
Vậy còn bạn thì sao, bạn có thước đo cho riêng mình chưa?
Các bài viết khác cũng thú vị không kém của WeStudy
1/ Nguyên Tắc Pareto: Làm Thế Nào Để Tối Ưu 24 Giờ Của Bạn Và Tiến Tới Trạng Thái Cân Bằng Cuộc Sống. Bạn sẽ học được cách tận dụng tối đa nguyên tắc 80/20 vào công việc, tài chính hay mọi khía cạnh khác của đời sống – và không bao giờ rơi vào cảnh thời gian ít mà việc thì nhiều nữa.
2/ Quy Tắc 10.000 Giờ: Học Được Gì Từ Những Kẻ Xuất Chúng? Một bài viết xua tan mọi thiên lệch về quy tắc nổi tiếng này và học hỏi bí quyết thành công từ các thiên tài.
3/ Định luật Parkinson: Tại sao bạn cứ để việc tới hạn chót rồi mới làm? Đọc bài này để trở thành kẻ đi săn deadlines thay vì bị deadlines săn như bạn bây giờ.
4/ Học Kiểu Feynman: Làm Thế Nào Để Nhớ Mọi Thứ Mình Đã Học? Quả tiêu đề này nghe kêu quá nhỉ, nhưng cũng không hẳn là không thiết thực đâu. Richard Feynman, người mà Bill Gates nhiều lần nhắc tới như "người thầy vĩ đại mà tôi luôn ao ước có được", được mọi người kính trọng đặt cho biệt danh "The Great Explainer" bởi ông có khả năng thâu tóm các vấn đề phức tạp và diễn giải nó thật đơn giản. Bí mật của Feynman là gì?
5/ 10 Lời Khuyên Của Triết Gia Seneca Giúp Bạn Tận Dụng Tối Đa Thời Gian Của Mình. Ngay từ sớm, Seneca đã phát triển một bộ kỹ năng tư duy vượt bậc và là bậc thầy về cách sống. Trong tác phẩm On the Shortness of Life, Seneca nhắc nhở chúng ta về một trong những tài nguyên quý giá nhất nhưng thường bị xem nhẹ: thời gian.
6/ 10 Cách Ứng Dụng ChatGPT Giúp Bạn Nâng Cao Năng Suất Làm Việc Hiệu Quả. Học và hỏi mọi thứ với con AI này!
7/ 29 Trang Web Bổ Ích Để Học Điều Mới Mỗi Ngày
8/ Tại Sao 'Hãy Theo Đuổi Đam Mê' Là Một Lời Khuyên Đi Vào Lòng Đất? Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ ra cho bạn lời khuyên 'hãy theo đuổi đam mê' của Steve Jobs tại Đại học Stanford năm 2005 thực sự là một lời khuyên tệ hại, lý giải tại sao không cần đam mê rực cháy bạn vẫn có thể xuất phát tốt, cũng như tại sao dùng đam mê để kiếm tiền chưa chắc đã phải điều hay.