Benjamin Franklin, một trong bốn vị cha già lập quốc của Hoa Kỳ, đồng thời là một chính trị gia, nhà khoa học, nhà văn, triết gia, nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, nhà ngoại giao hàng đầu. 

Trong cuốn Tự truyện Benjamin Franklin, ông thuật lại các sự kiện lớn nhỏ đã ảnh hưởng tới thành công vang dội mình gặt hái được, cũng như hé lộ làm thế nào một cậu bé nghèo khổ trong gia đình có tới 17 người con cuối cùng lại trở thành một nhân vật quyền thế và được trọng vọng trong xã hội. 

Khả năng tự học, tính kỷ luật, tiết kiệm và siêng năng là những đức tính mà Franklin đã tự trang bị cho mình từ lúc còn thanh niên. Theo lời ông kể, có tổng 13 đức tính đáng để rèn luyện và đã góp công lớn tới thành công của ông, điều sẽ được bật mí ngay dưới đây.  

Benjamin Franklin (1706 - 1790), nổi tiếng với biệt danh "Người Mỹ đầu tiên"

 

“Khi tập trung để tránh mắc một sai lầm, ta lại vô tình mắc phải những lỗi khác do thói quen. Những lỗi mắc phải do thói quen thường quá dai dẳng để có thể suy nghĩ. Ta kết luận rằng, cuối cùng, sự tự nhận thức tội lỗi chỉ là mối quan tâm của chúng ta để có đạo đức tốt một cách trọn vẹn nhưng vẫn không đủ để ngăn chúng ta không phạm sai lầm nữa. 

 

Những thói quen ngang ngược phải bị loại bỏ, và những thói quen tốt phải được luyện tập và hình thành trước khi chúng ta có thể phụ thuộc vào một tư cách đạo đức vững vàng, kiên định và đúng đắn. 

 

Với mục đích này, ta đưa ra tất cả là 13 đức tính mà hiện tại ta cảm thấy cần thiết và mong muốn có được, kèm theo mỗi đức tính là một lời huấn thị ngắn, diễn đạt đầy đủ nghĩa cho từng đức tính, bao gồm: 

 

  1. CHỪNG MỰC. Không ăn đến chán, không uống quá nhiều. 
  2. YÊN LẶNG. Chỉ nói những gì có lợi cho người khác hoặc bản thân, tránh những chuyện vặt vãnh không đâu. 
  3. TRẬT TỰ. Sắp xếp mọi thứ theo trật tự, và phân chia công việc theo thời gian dành riêng. 
  4. KIÊN ĐỊNH. Quyết tâm làm điều phải làm, và đã làm thì làm cho bằng được. 
  5. TIẾT KIỆM. Không tiêu pha gì khác ngoài những thứ tốt cho bản thân hoặc kẻ khác, không hoang phí bất cứ thứ gì. 
  6. SIÊNG NĂNG. Không phí hoài thời gian vô ích, luôn sử dụng thời gian vào những việc hữu ích và loại bỏ những việc làm không cần thiết. 
  7. THÀNH THẬT. Không sử dụng mánh khóe để hại người, suy nghĩ ngay thẳng, công bằng và nói đúng những gì ta nghĩ trong đầu. 
  8. CÔNG BẰNG. Không làm điều xấu với bất cứ ai, hay gạt bỏ bổn phận của bản thân phải mang lại lợi ích cho kẻ khác. 
  9. ĐIỀU ĐỘ. Tránh sự thái quá, hãy chịu đựng những tổn hại chừng nào vẫn còn cho đó là đủ. 
  10. SẠCH SẼ. Giữ gìn sạch sẽ bản thân, phục trang và nơi ở. 
  11. THANH TỊNH. Không bị phân tâm hay lo âu bởi những điều vặt vãnh, hoặc những rủi ro thông thường hoặc bất khả kháng. 
  12. THỦY CHUNG. Điều tiết sinh dục, chỉ để duy trì sức khỏe và nòi giống, không vì chán nản, yếu đuối, hoặc làm tổn hại đến sự yên bình và thanh danh của bản thân và kẻ khác. 
  13. KHIÊM NHƯỜNG. Noi gương Chúa Trời và Socrates. 

 

“Danh sách ban đầu của ta chỉ gồm mười hai đức tính”, theo lời Franklin. Tuy nhiên, ông sớm bị thuyết phục bởi một người bạn rằng ông đã có biểu hiện kiêu căng trong các cuộc trò chuyện, vì vậy ông đã đưa thêm đức tính Khiêm nhường vào danh sách này. Đó không hẳn là đức tính khó rèn luyện nhất với Franklin, nhưng gần như có vai trò to lớn nhất tới thành công của ông khi trở thành một chính trị gia. 

 

“Ta không dám nói là mình đã thành công trong việc đạt được chân giá trị của đức tính này nhưng có vẻ như ta đã thành công phần nào. Ta tự đặt ra một quy tắc là kiềm chế mọi hành động phản bác sỗ sàng của mình về quan điểm của người khác và mọi quan điểm có tính quyết đoán của ta. Ta cũng không cho phép mình, mặc dù luật trước đây của Junto cho phép, sử dụng từ ngữ hoặc cách diễn đạt nào chứa đựng một quan điểm cứng nhắc, như là chắc chắn, hiển nhiên,... thay vào đó, ta bắt đầu làm quen với việc tưởng tượng, suy nghĩ rằng có một việc như thế, hoặc mọi việc có vẻ là như thế hiện tại.

 

Khi có ai đó khẳng định một điều mà ta nghĩ sai lầm, ta không cho phép bản thân quyền được phản bác họ một cách cộc lốc hoặc chỉ ra ngay lập tức điểm vô lý trong lời nói của họ. Ta bắt đầu trả lời rằng thông qua một số trường hợp hoặc hoàn cảnh mà ta quan sát được thì ý kiến của người đó có thể đúng, nhưng trong một số trường hợp khác đối với ta lại có khác biệt,...

 

Và ta sớm nhận ra lợi thế của cách hành xử này, rằng với cách này những cuộc thảo luận trở nên thú vị hơn. Đưa ra quan điểm của mình theo cách này giúp người nghe dễ tiếp nhận hơn và giảm được mâu thuẫn. Đồng thời, ta cũng bớt cảm thấy xấu hổ khi nhận ra lập luận của mình chưa đúng, và dễ dàng thuyết phục người nghe từ bỏ sai lầm và đồng ý với quan điểm của ta khi ta biết quan điểm đó đúng.”

 

Franklin nói, nhờ sớm nhận ra tầm quan trọng của đức tính này và bỏ công sức ra rèn luyện nó, mà lời nói của ông “trở nên có trọng lượng hơn với những thành viên khác” trong Hội đồng. 

Tương tự ở thời hiện đại, bạn cũng có thể học tập bí quyết trên để tiếng nói của mình có sức nặng và tính thuyết phục cao hơn, phục vụ cho học tập, công việc cũng như cuộc sống, khi mà mọi nơi đều có thể trở thành bàn đàm phán.  

Benjamin Franklin hẳn rất tự hào về đức tính khiêm nhường của mình, và thực sự thì ông có quyền làm vậy. 

Trong cuốn tự truyện, Franklin liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp tranh luận trên. Trước khi phân tích rõ mười ba đức tính, ông đã từng đề cập tới phong cách hùng biện tuyệt vời này, thứ mà ông tình cờ khám phá được trong một cuốn sách nói về Socrates: 

 

“Nếu con muốn cho thông tin, một thái độ quyết đoán và giáo điều trong cách thể hiện ý kiến của mình thường tạo ra sự phản kháng và cản trở việc có được sự tập trung không thiên vị.

 

Nếu con muốn có được thông tin và tiến bộ từ kiến thức của người khác, nhưng cùng lúc lại thể hiện quan điểm bất di bất dịch của mình, những người khiêm tốn, hiểu biết và không thích tranh cãi nhiều khả năng sẽ chẳng làm phiền con tiếp tục giữ lấy cái sai của mình. Và với thái độ đó, con khó có thể hy vọng mình sẽ làm người nghe thấy dễ chịu hay thuyết phục mọi người đồng ý với mình.”

 

Chúng ta có thể rút ra bài học từ câu chuyện của Franklin như sau: Trong giao tiếp, cách bạn nói cũng quan trọng không kém điều bạn nói. Bạn có thể áp đảo mọi thành viên trong phòng họp bằng những luận điểm hết sức chặt chẽ và cứng rắn, nhưng mềm mỏng luôn có sức mạnh riêng của nó. 

Nhìn chung, những người biết vận dụng phương pháp mà Franklin đưa ra bên trên có thể dễ dàng đạt được sự đồng thuận của người khác hơn mà lại không khiến họ bức bối hay để dẫn đến tình huống đối địch. 

Chỉ ra điểm sai lầm trong lập luận của đối phương với thái độ gay gắt có thể khiến cuộc thảo luận căng thẳng hơn, trong khi việc thừa nhận cả mặt tốt lẫn xấu của quan điểm đó và giúp họ nhận ra mình sai ở đâu sẽ dễ dàng hơn cho đôi bên. 

Cho dù bạn muốn đưa lời khuyên cho người khác hay chính mình, cố gắng giữ bản thân ở vị trí trung lập luôn là một sách lược sáng suốt, như tôi đã chỉ ra trước đó trong bài viết về Nghịch lý Solomon. 

Bất cứ khi nào tiếp cận một ý tưởng mới, đừng vội công kích hay cố gắng vạch lá tìm sâu để hạ bệ người khác, mà bạn nên cố gắng nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. 

Để làm được điều đó, bạn cần phóng rộng tầm mắt mình, lùi một vài bước ra xa và bắt đầu phân tích ở góc độ trung lập: việc này tốt thế nào, xấu ra sao, có phải nó sai trong mọi trường hợp hay không… 

Bằng cách này, bạn có thể đưa kỹ năng phân tích vấn đề của mình lên một tầm cao mới. 

Các bài viết khác có thể bạn sẽ thích 

#1. Hiệu Ứng Benjamin Franklin (Phần 1): Tại Sao Franklin Có Thể Biến Kẻ Thù Thành Bạn Chỉ Bằng Cách Hỏi Mượn Một Cuốn Sách?

#2. Hiệu Ứng Benjamin Franklin (Phần 2): Làm Thế Nào Để "Thao Túng" Người Khác Và Tránh Bị Người Khác "Thao Túng"?