***
Charles Darwin, người đưa thuyết tiến hóa ra ánh sáng và tác giả của công trình nổi tiếng Nguồn gốc muôn loài (tựa gốc: On the Origin of Species) xuất bản năm 1859 - vẫn luôn được coi là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhân loại.
Charles Darwin thường bắt đầu làm việc lúc 8 giờ sáng, sau một cuốc đi bộ ngắn và bữa sáng một mình. Ông tập trung làm việc trong suốt 90 phút, sau đó ra phòng khách để nằm nghe Emma, vợ ông đọc to những bức thư được gửi đến, và đôi khi là vài cuốn tiểu thuyết.
Tới 10 giờ 30 phút, Darwin quay lại phòng và làm việc cho đến trưa hoặc đầu chiều. Ông coi đây là thời điểm kết thúc hoàn hảo cho một ngày làm việc và thường nhận xét với giọng hài lòng, “Tôi đã có một ngày làm việc tốt lành”.
Ra khỏi phòng làm việc, Darwin bắt đầu đi dạo trên Sandwalk, con đường cạnh nhà ông ở phố Down, gần London. Buổi chiều là để dành cho việc thư từ, và khi thức dậy sau giấc ngủ ngắn kéo dài 1 giờ, ông lại đi dạo một lần nữa, rồi quay lại phòng làm việc từ 4 giờ đến 5 giờ 30 phút chiều. Sau đó Darwin dành thời gian tận hưởng buổi tối với gia đình.
Như vậy, nếu tính ra thì Charles Darwin, một trong những bộ não kiệt xuất nhất thế kỷ 19, chỉ làm việc từ 3-5 giờ mỗi ngày. Theo tiểu sử của Charles Darwin được ghi lại, ông nảy ra ý tưởng về thuyết tiến hóa vào năm 1832 – nhưng phải đến năm 1859, tức 27 năm sau đó, cuốn sách Nguồn gốc muôn loài mới chính thức được xuất bản.
Trong 10 năm đầu tiên, Darwin đã làm việc rất chăm chỉ, và ông phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình. Ngoài 30 tuổi, nhà khoa học đã có triệu chứng tim đập nhanh khó chịu, run rẩy, nôn mửa và hàng loạt các triệu chứng nghiêm trọng khác – những thứ đã tra tấn ông trong suốt phần đời còn lại.
Tình trạng sức khỏe báo động của Darwin là một trong những lý do chính yếu thôi thúc ông lui về vùng thôn dã để nghiên cứu Nguồn gốc muôn loài – một công trình đòi hỏi sự cống hiến không mệt mỏi, sức bền trí tuệ có hệ thống và noi theo một lịch trình nghiêm ngặt. Thêm vào đó là một lý do khác quan trọng không kém – bà Emma. Trong thời gian Darwin săn nhà ở London để chuẩn bị cho lễ cưới của hai người vào năm 1839, sức khỏe của Darwin ngày càng đi xuống. Cầm cự ở London được 3 năm, tới năm 1842 cả gia đình quyết định chuyển về Down House, một vùng nông thôn gần đó để tránh xa mọi áp lực nơi thành thị xô bồ.
Trong cuốn sách Rest: Why You Get More Done When You Work Less, tác giả Alex Soojung-Kim Pang đã lấy trường hợp của Charles Darwin làm minh chứng tiêu biểu cho khái niệm “ngày làm việc 4 giờ”. “Nếu Darwin là một giáo sư ở một trường đại học ngày nay, ông ấy sẽ bị cách chức ngay lập tức,” Pang viết. “Nếu ông ấy đang làm việc cho một công ty, ông ấy sẽ bị sa thải trong vòng một tuần.”
***
Nếu ví theo lối của Pang thì sẽ có kha khá thiên tài sáng tạo trong lịch sử bị đuổi việc nếu sống ở thời hiện đại như chúng ta giờ đây. Charles Dickens, tiểu thuyết gia vĩ đại người Anh có lẽ sẽ rất thích hợp cho dịp này.
Được mệnh danh là tác giả nổi tiếng nhất thời Victoria, Charles Dickens là một nhà báo tinh tường, một tiểu thuyết gia tài năng và một nhà phê bình xã hội sâu sắc. Các tác phẩm của ông như Oliver Twist, Những kỳ vọng lớn lao (Great Expectations) hay A Christmas Carol (Hồn ma đêm Giáng sinh) đã được liệt vào hàng kinh điển mà bất cứ độc giả văn học nào cũng từng nghe qua.
Dickens là một nhà văn có sức viết dồi dào, và các tiểu thuyết của ông thực sự rất dày (500 - 1000 trang). Xuyên suốt quãng đời 58 năm của mình, Dickens xuất bản tổng cộng 15 tiểu thuyết dài và 1 tiểu thuyết ngắn, hơn 30 truyện ngắn và hàng trăm bài báo lẫn tiểu luận về các vấn đề xã hội. Ông có lối viết dài dòng lan man dễ dàng làm nản lòng nhiều người đọc trước một trang giấy chi chít chữ, và khi đọc tác phẩm của ông tôi quả thực tò mò ông đã mất bao lâu để “nặn” ra từng đó?
Sau khi tìm hiểu, tôi biết ông hợp tác với nhà xuất bản để giới thiệu tiểu thuyết theo dạng trả góp, tức là Dickens sẽ phải xuất bản từng chương của sách theo thời hạn mà các tạp chí đưa ra. Điều này đòi hỏi ông phải viết rất nhiều trong thời gian ngắn, và tôi đã nghĩ ông chắc phải viết trong lúc ngủ luôn thì mới kịp. Nhưng sự thật lại trái ngược hoàn toàn.
Dickens không phải một kẻ cuồng công việc, thực chất là có phần “lười biếng” theo tiêu chuẩn thời nay. Sau một thời trai trẻ đốt đèn dầu lúc nửa đêm, Dickens dần sắp xếp việc viết lách theo một trật tự không lay chuyển, đều đặn và đúng giờ như một “thư ký thành phố” theo lời con trai cả Francis. Nhà văn thức dậy lúc 7 giờ sáng, ăn sáng lúc 8 giờ và ngồi vào bàn lúc 9 giờ. Ông sẽ viết liên tục cho tới 2 giờ chiều, sau đó dừng lại để ăn trưa và bắt đầu chuyến đi bộ ba giờ mỗi ngày quanh London.
Chính những quan sát của Dickens trong lúc đi bộ sẽ trở thành chất liệu sáng tác cho các tác phẩm của ông, nhờ vậy mà các lời văn tả con người và thành phố London của Dickens luôn rất chân thực. Sau khi đi bộ, Dickens trở về nhà ăn tối lúc 6 giờ, thư giãn với gia đình và bạn bè, đọc sách một chút rồi đi ngủ vào nửa đêm.
Đó là một thói quen nghiêm ngặt đã giúp Dickens duy trì viết lách với một tốc độ ấn tượng. Ông không bao giờ thay đổi giờ giấc, ngay cả khi không có cảm hứng viết. Ông thường dừng bút khi viết được 2.000 từ, đôi khi ông viết được gấp đôi số đó hoặc đôi khi không viết được gì cả. Nhưng thói quen viết là không thay đổi.
Mặc dù Dickens có thể sửa lại bản thảo đã viết lúc sáng vào buổi tối, nhưng ông thực sự dồn trí lực và bút lực vào khoảng thời gian 5 tiếng kia. Đó là mấu chốt cho năng suất đáng kinh ngạc của ông.
***
Nếu chịu khó đào sâu thêm, bạn sẽ thấy rất nhiều tượng đài sáng tạo, những trường hợp như Darwin hay Dickens làm việc với lượng thời gian ít ỏi hơn so với chúng ta tưởng rất nhiều. Trong thời đại mà văn hóa hối hả vẫn đang thống trị như ngày nay, họ ắt hẳn sẽ bị liệt vào hàng ‘lười biếng’ không cứu vãn nổi. Nhưng hãy nhìn vào điểm quan trọng từ hai trường hợp trên: cả Darwin và Dickens đều rất đề cao sự tập trung.
Darwin làm việc 90 phút liên tục mỗi lần – không ngắt quãng, Dickens ngồi lì bên bàn làm việc suốt 5 tiếng đồng hồ. Họ không bị ám ảnh bởi thứ mà chúng ta vẫn gọi là “chủ nghĩa năng suất độc hại”. Thêm vào đó, một lợi thế mà hai người sở hữu là thời đó chưa có sự xuất hiện của điện thoại, TV hay bất cứ thiết bị công nghệ nào gây xao nhãng. Kỷ nguyên 4.0 đem lại cho chúng ta những chiếc iPhone đời mới nhất nhưng đồng thời cũng đặt ra bài toán thách thức hơn nhiều về sự tập trung.
Một báo cáo của ILO tháng 9/2019 vừa qua cho thấy trong một ngày làm việc 8 giờ, một nhân viên trung bình chỉ dành 4 giờ 12 phút để “thực sự làm việc”. Báo cáo thăm dò 1.000 người 47% nhân viên thừa nhận có lướt web và 78% số người được hỏi khẳng định họ không cần 8 giờ để hoàn thành công việc hàng ngày.
Khái niệm “ngày làm việc 4 giờ” đã nổi lên nhanh chóng trong những năm gần đây, sau khi hàng loạt các vấn đề như quiet quitting, lazy-girl job và làn sóng phản đối văn hóa hối hả tại nơi làm việc vắt kiệt sức lực người lao động đang trở nên gay gắt hơn.
Nếu bạn là chủ một doanh nghiệp, bạn chăm chỉ và khao khát thành công, bạn hiển nhiên sẽ ra sức thúc đẩy nhân viên làm việc chăm chỉ giống mình. Bạn tưởng mối liên hệ giữa thời gian làm việc và năng suất có thể được minh họa qua một phương trình bậc nhất đồng biến, cứ tăng ca là tăng năng suất.
Sự thật thì không phải vậy, mối liên hệ giữa chúng là một dạng đồ thị hình chuông. Năng suất có một cái ngưỡng. Một khi vượt qua ngưỡng đó, bạn như thể sa vào vũng lầy của quy tắc cận biên giảm dần: càng cố tỏ ra chăm chỉ năng suất làm việc càng giảm.
Ngay cả khi bạn đang làm làm công việc mình rất yêu thích, bạn vẫn có khả năng mắc lỗi khi mệt mỏi. Ngay từ thời của Darwin và Dickens, người ta đã phát hiện ra rằng: "Khi lao động có tổ chức lần đầu tiên buộc các chủ nhà máy phải giới hạn ngày làm việc ở mức 10 (và sau đó là 8) giờ, ban quản lý đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng sản lượng thực sự tăng lên - và những sai lầm tốn kém đã giảm xuống."
“Tôi nhận ra rằng ai đó mệt mỏi và cần nghỉ ngơi nhưng vẫn tiếp tục làm việc là một kẻ ngốc.”
— Carl Jung
Tôi thật may mắn vì đã vô tình đọc được các bài viết về Dickens ở thời điểm kỳ lạ này, thời điểm tôi bị ám ảnh bởi sự nỗ lực không lối thoát. Tôi đã từng mê mệt các dòng tự truyện của nhiều nhà tư bản khi họ nghe cổ súy cho lối sống hết mình vì công việc, ngủ ít hơn 6 tiếng một ngày. Charles Dickens đã dạy tôi một điều quan trọng: bạn không cần phải chăm chỉ điên cuồng, bạn chỉ cần chăm chỉ một cách kỷ luật, có hệ thống. Cuối cùng, đừng quên dành thời gian cho người thân, gia đình và quan trọng nhất là chính bản thân bạn.