“Đối với những cuốn sách hay, vấn đề không phải là xem bạn đọc được bao nhiêu cuốn, mà là xem có bao nhiêu cuốn ngấm vào bạn.” Tác giả của câu nói trên, triết gia Mortimer Adler, đã chấp bút một cuốn sách kinh điển về nghệ thuật đọc sách, trong đó chứa đựng những lời khuyên vô giá, hoặc đúng hơn là nghiên cứu và đúc rút của ông về việc đọc. 

Như cuốn sách chỉ rõ, việc đọc có thể được chia làm 4 cấp độ. Các cấp độ là câu trả lời cho việc tại sao có người đọc nhiều nhưng chẳng thấm vào đâu, trong khi có người đọc rất ít nhưng sáng suốt hơn thấy rõ. 

Và nếu bạn sẵn sàng rồi thì… cùng chấm dứt chuỗi ngày đọc sách như một tên nghiệp dư thôi! 

Tầm Quan Trọng Của Đọc Chủ Động 

Khi đọc một cuốn sách, bạn có thể hiểu mọi điều tác giả trình bày, hiểu vài phần hoặc không hiểu gì cả. Nhưng ngay cả khi bạn hiểu, chưa hẳn bạn đã thông thái hơn. Nếu bạn hiểu từ đầu tới cuối, tức là bạn và tác giả có cùng suy nghĩ. 

Trong trường hợp bạn không hiểu hoặc chưa hiểu hết, nhưng bạn biết cuốn sách hàm ý nhiều điều làm tăng sự hiểu biết của bạn. Khi đó, bạn sẽ làm gì? 

Bạn sẽ mang sách đến nhờ một người hiểu biết hơn mình để nghe giải thích những vướng mắc? Hay bạn sẽ mặc kệ những gì vượt quá tầm hiểu biết của bạn? Cả hai cách trên, rất tiếc, đều sai. 

Bạn chỉ có thể đọc sách theo một cách duy nhất – tự đọc mà không cần sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Quá trình vận dụng trí óc, đào sâu suy nghĩ được gọi là đọc có kỹ năng. Nhờ đó, trí tuệ bạn được nâng lên một tầm cao mới, đi từ hiểu ít đến hiểu nhiều hơn. 

 

“Một độc giả sẽ đọc tốt hơn độc giả khác nếu người đó thực hiện nhiều hoạt động hơn, và cố gắng nhiều hơn. Người đó sẽ đọc tốt hơn nếu họ đòi hỏi nhiều hơn ở bản thân, và nội dung họ đang đọc.” 

— Mortimer Adler 

 

Theo Adler, việc đọc có thể chia làm 4 cấp độ, từ cơ bản tới nâng cao. Đa phần chúng ta chỉ dừng lại ở cấp độ 1, gọi là đọc để lấy thông tin là chủ yếu chứ hoàn toàn không phát triển tư duy. 

Một người tập thể hình muốn tăng cơ bắp buộc phải nâng mức tạ lớn hơn khả năng hiện tại của anh ta. Tương tự, một độc giả nếu muốn tăng hiểu biết của mình, buộc phải tìm tới những cuốn sách mang tính thử thách hơn. Quan trọng nhất, anh ta phải đọc có phương pháp. 

Sự Khác Nhau Giữa Các Cấp Độ 

Mục tiêu bạn đặt ra khi đọc sách sẽ quyết định cách đọc của bạn. Đọc Sherlock Holmes khác với đọc Triết học Plato, đọc tiểu sử khác với đọc tâm lý học,... Hiệu quả của việc đọc qua đó được xác định bởi mức độ nỗ lực bạn bỏ ra khi đọc, tiếp đến là kỹ năng đọc của bạn. 

Quy luật chung là nỗ lực càng nhiều, hiệu quả càng cao. Đọc sách giống như tự học mà không có thầy giáo, vì vậy nếu muốn thành công, bạn buộc phải đọc có phương pháp. 

Dưới đây là 4 cấp độ đọc. Chúng hàm ý bạn không thể nhảy cóc từ cấp độ này qua cấp độ khác, mà mỗi cấp độ đều yêu cầu sự tinh thông ở cấp độ dưới. Nói đơn giản, chúng mang tính tích lũy. Cấp độ bốn là cấp độ cao nhất, do vậy nó sẽ bao hàm toàn bộ ba cấp độ trước đó. 

#1. Đọc Sơ Cấp (Elementary Reading) 

Đây là cấp độ đọc thường được dạy cho học sinh tiểu học. Bạn chỉ cần nhận biết mặt chữ, đôi khi không cần hiểu ý câu đang nói gì. Vì là cấp độ sơ đẳng nhất nên sẽ không có nhiều điều để nói ở cấp độ này. Chúng ta hãy cùng chuyển qua cấp độ tiếp theo. 

#2. Đọc Rà Soát (Inspectional Reading) 

Đặc trưng của cấp độ hai là sự nhấn mạnh đặc biệt đến thời gian. Khi đọc ở cấp độ này, bạn phân bổ một lượng thời gian nhất định để hoàn tất một lượng bài đọc đề ra. 

Nói cách khác, mục đích của cấp độ này là cố gắng nắm bắt càng nhiều càng tốt mọi thứ được nhắc đến trong sách trong một thời lượng ấn định. 

Cấp độ hai là nền tảng cho phương pháp đọc lướt và quét – Skim and Scan trong các bài thi đọc tiếng Anh. Ở cấp độ này, mục đích chính của bạn là chụp X-quang cuốn sách và tiếp thu những gì nổi bật. 

Như trong cuốn sách, Adler chỉ rõ hai nhánh phụ của đọc rà soát như sau: 

  • Đọc lướt có hệ thống — Điều này nghĩa là kiểm tra nhanh cuốn sách bằng cách (1) đọc lời tựa; (2) nghiên cứu mục lục; (3) rà soát từng chương. Việc này đơn thuần giúp bạn định hình khái quát cuốn sách nói về cái gì, tác giả muốn truyền tải thông điệp gì. Bạn đọc lướt các đoạn văn để đi tới quyết định cuối cùng: Cuốn sách này có đáng để tôi bỏ thời gian đọc không? Nếu không thì… đặt nó xuống thôi. 
  • Đọc hời hợt — Như chính cái tên, đây là khi bạn chỉ đọc. Không dừng lại suy ngẫm, không tra cứu, không viết bên lề. Kể cả khi không hiểu tác giả đang nói gì, bạn tiếp tục đọc. Dù hời hợt, quá trình học tập vẫn diễn ra. Những gì bạn thu được từ việc đọc nhanh này sẽ tiết kiệm sức lực cho bạn trong lần đọc sau – kỹ càng hơn. 

Đọc rà soát cung cấp cho bạn nội dung chính của mọi thứ. Đôi khi đó là tất cả những gì bạn cần, như khi đọc báo hay bài luận. 

Nhưng đôi khi bạn muốn nhiều hơn nữa. 

Đôi khi bạn muốn hiểu rõ những gì mình đang đọc. Lúc này, bạn cần vận dụng các phương pháp trong hai cấp độ tiếp theo. 

#3. Đọc Phân Tích (Analytical Reading) 

Triết gia Francis Bacon từng nói: “Một vài cuốn sách chỉ cần nếm qua, có cuốn phải nuốt, còn một số ít phải nhai và tiêu hóa.” 

Đọc một cuốn sách theo kiểu phân tích có nghĩa là “nhai và tiêu hóa” nó. 

Đọc phân tích nói nôm na là đọc sâu. Nó sẽ không cần thiết nếu bạn chỉ đọc để giải trí hoặc lấy thông tin. Đọc phân tích là để đi từ chỗ hiểu ít đến hiểu nhiều. 

Dưới đây là 3 giai đoạn cùng các quy tắc chỉ dẫn bạn thực hiện đọc phân tích. 

Giai đoạn 1: Cuốn sách nói về vấn đề gì? 

  • Phân loại sách theo thể loại và chủ đề — Trước khi đọc, bạn phải biết loại sách mình đang đọc là gì. Đầu tiên bạn đọc tên sách, phụ đề, mục lục, xem qua lời mở đầu và phụ lục ở cuối sách. Đó là những lá cờ chỉ dẫn mà tác giả giương lên để chỉ cho bạn thấy gió sẽ thổi hướng nào. 
  • Tóm lược cuốn sách trong một câu đơn hoặc một đoạn ngắn — Cách duy nhất chứng tỏ bạn hiểu là phải tóm tắt được cuốn sách với chính mình hoặc bất kỳ ai chỉ trong một vài từ. Giống như một thợ cơ khí, bạn tháo tung các bộ phận của cỗ máy ra rồi lại tự ráp nối nó vào theo cách của bạn. 
  • Tự lập đề cương cho mình — Quy tắc này bao hàm việc lập dàn ý từng phần, đi sâu hơn vào các chương nhỏ, phần nhỏ thay vì chỉ tóm lược tổng thể cuốn sách như trên. Nếu bạn có thể nói rõ phần này nói về cái gì, phần kia nói về cái gì, bạn cơ bản đã nắm rõ quy tắc này. 
  • Xác định một hoặc nhiều vấn đề mà tác giả đang tìm cách giải quyết — Một tác giả thường bắt đầu viết sách với một hay chuỗi các câu hỏi và cuốn sách sẽ trả lời những câu hỏi đó. Việc của bạn là dựng lại các câu hỏi đó một cách chính xác nhất có thể. 

Giai đoạn 2: Điều gì đang được đề cập chi tiết và bằng cách nào? 

  • Tìm các từ khóa và thống nhất thuật ngữ với tác giả — Bất kỳ tác phẩm nào cũng bao gồm các từ khóa chính, thường sẽ được lặp lại nhiều lần. Từ khóa đó bao hàm dụng ý của tác giả và đôi khi phản ánh toàn bộ câu chuyện. 
  • Tìm ra các câu then chốt — Mỗi cuốn sách chỉ có một vài câu then chốt. Nhiều tác giả đã có dụng ý khi viết riêng câu đơn, in nghiêng hay thường đặt ở cuối chương, nhưng đôi khi độc giả vẫn bỏ qua. Những câu then chốt là những câu có thể thâu tóm nội dung cả đoạn, cả mục, qua đó phản ánh lập luận của tác giả về chủ đề. 
  • Tập hợp các câu then chốt và suy ra lập luận cơ bản của cuốn sách — Phức tạp hơn chút, bạn chọn một số câu then chốt trong cuốn sách và cố diễn dịch lại chúng theo ngôn ngữ của bạn. Nếu bạn dùng lại ngay câu của tác giả hoặc chỉ thay đổi đôi chút thứ tự từ, điều đó có nghĩa là bạn vẫn chưa hiểu rõ dụng ý của tác giả. 
  • Xác định các vấn đề tác giả đã giải quyết và chưa giải quyết — Tranh luận với tác giả và bộc lộ ý kiến cá nhân. Đây là lúc bạn nêu rõ quan điểm bản thân về vấn đề tác giả đang nói tới, bạn đồng ý ở điểm nào, phản đối ở điểm nào,... 

Giai đoạn 3: Cuốn sách có đúng không? Đúng ở chỗ nào, sai ở chỗ nào? 

Việc độc giả đưa ra ý kiến phản hồi sau khi đọc sách là phần không thể tách rời của hoạt động đọc sách. 

 

“Chẳng có cuốn sách nào chán đến nỗi không thể tìm ra một chi tiết hay trong đó.”

— Cervantes 

 

Ngược lại, không có cuốn sách nào hay đến mức không thể tìm ra một lỗi sai. 

  • Bạn cần hiểu cặn kẽ cuốn sách trước khi đưa ra lời phê bình — Tán thành mà không hiểu gì là vô nghĩa, còn phản đối mà thiếu hiểu biết là trơ tráo. Hãy tuân theo các quy tắc ở hai giai đoạn đầu trước khi chuyển sang giai đoạn thứ ba. 
  • Phê bình một cách hợp lý — Tránh “vạch lá tìm sâu”, phiến diện, đấu khẩu hay gây sự. Tránh miệt thị, vơ đũa cả nắm. Cần phân biệt rõ kiến thức thật sự và quan điểm của tác giả để tránh nhầm lẫn. 

#4. Đọc Đồng Chủ Đề (Syntopical Reading) 

Đọc đồng chủ đề hay còn gọi là đọc so sánh. Như cái tên đã tiết lộ, bạn đọc nhiều sách về một chủ đề và tìm mối liên quan giữa các cuốn sách, so sánh và tự phát triển một lập luận riêng về chủ đề đó. 

Đọc đồng chủ đề không được nhiều người biết đến nhưng là hình thức đọc tích cực nhất, đòi hỏi nỗ lực cao nhất. “Lợi ích của hình thức đọc này lớn đến mức có thể bù đắp những khó khăn khi học cách thực hiện nó.” Adler viết. 

Có 5 bước để đọc đồng chủ đề: 

  • Tìm những đoạn có liên quan — Đọc soát toàn bộ tác phẩm có liên quan nhằm tìm ra những phần phù hợp nhất với nhu cầu của bạn. 
  • Đưa tác giả đến với các thuật ngữ — Đây là bước khó nhất trong đọc đồng chủ đề. Lúc này, bạn đang đọc sách của nhiều tác giả và chưa chắc họ đã sử dụng những từ khóa hay thuật ngữ giống nhau. Vì vậy, bạn cần làm chút công việc dịch thuật: Chuyển tất cả những thuật ngữ của các tác giả theo tiếng nói của riêng bạn. 
  • Giải quyết mọi thắc mắc — Tạo ra một bảng hỏi làm sáng tỏ vấn đề của bạn và mỗi câu hỏi sẽ được lần lượt từng tác giả trả lời. Tìm ra các điểm chung và điểm khác biệt trong câu trả lời của các tác giả. 
  • Xác định vấn đề — Mỗi điểm khác biệt trong câu trả lời của các tác giả được xem là một vấn đề. Đơn giản hơn, ta có thể coi đó là “quan điểm”. 
  • Tiến hành thảo luận — Bước cuối của quá trình đọc đồng chủ đề yêu cầu bạn phải tự đưa ra được quan điểm của mình về vấn đề. Độc giả thường bị xem là bề dưới so với tác giả do khoảng cách về hiểu biết, nhưng để cuộc thảo luận phát huy tác dụng, bạn phải đặt mình ở vị trí ngang hàng và sẵn sàng thách thức quan điểm của họ. 

Trở Thành Một Độc Giả Khôn Ngoan 

Muốn trở thành một độc giả khôn ngoan, bạn không thể đọc sách một cách tùy tiện. Bạn không thể trở thành người đọc giỏi nếu không động tới những cuốn sách nằm ngoài tầm của bạn. Chỉ những cuốn sách đó mới khiến bạn động não vì nếu không động não, bạn sẽ không học được gì. 

Các quy tắc được đưa ra phía trên có thể không đem đến kết quả ngay cho bạn. Có những cuốn bạn đọc mãi cũng chẳng hiểu. Đó có thể là lỗi của cuốn sách, nhưng nếu là một cuốn kinh điển thì khả năng cao lỗi nằm ở bạn. 

Những cuốn sách kinh điển như vậy, sẽ là la bàn chỉ hướng giúp bạn tiến tới bến bờ của tri thức. Một người có thể cố cả đời có thể không rèn được chữ viết của mình thật nắn nót, nhưng bằng cách cố gắng tập viết mỗi ngày, chữ viết của anh sẽ ngày càng thon gọn, dễ nhìn hơn. 

Đôi khi bạn gắng tới đâu cũng không hiểu hết thông điệp của tác giả, nhưng bằng cách cố gắng để hiểu, bạn đang trở nên tốt hơn. 

Đôi khi chỉ thế thôi là đủ rồi. 

Các bài viết khác cùng chuyên mục 

#1. Chúng Ta Học Được Gì Từ Phương Pháp Đọc Sách Của Bill Gates? Bill Gates nổi tiếng với sở thích đọc sách và thị hiếu sách tuyệt vời của mình, hãy cùng tìm hiểu ông chia sẻ những gì về bí quyết đọc sách. 

#2. Học Cách Đọc: Cẩm Nang Đơn Giản Giúp Bạn Trở Thành Kẻ Sành Đọc. Bài viết hôm nay sẽ đào sâu các vấn đề: chọn sách sao cho đúng, cách từ bỏ những cuốn sách dở tệ, các cấp độ đọc khác nhau tới cả việc bạn mua hàng chồng sách về nhưng không đọc nữa,... 

#3. Làm Thế Nào Để Giảm Sử Dụng Mạng Xã Hội Và Đọc Nhiều Sách Hơn Trong Năm Nay? Muốn trải nghiệm cảm giác cứ mỗi tuần lại đọc thêm được một cuốn sách mới? Cai nghiện mạng xã hội và sử dụng thời gian rảnh có ích hơn? Bài viết này dành cho bạn. 

#4. Đọc Sách Buổi Sáng Hay Buổi Tối Thì Tốt Hơn? Một vài phát hiện mới mẻ từ các nhà khoa học cho thấy việc đọc sách vào từng khoảng thời gian trong ngày có thể ảnh hưởng tới hiệu quả đọc của bạn.