Năm 1862, Tổng thống Abraham Lincoln gặp Harriet Beecher Stowe, tác giả của Túp lều bác Tom (Uncle Tom’s Cabin), cuốn tiểu thuyết vạch trần góc tối khủng khiếp của chế độ nô lệ tại Mỹ bấy giờ. Theo giai thoại kể lại, Lincoln đã niềm nở đón chào Stowe bằng câu nói, “Vậy ra đây là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách châm ngòi cuộc chiến vĩ đại này” - như một lời thừa nhận vai trò của tác phẩm trong việc khuấy động chủ nghĩa bãi nô đang sục sôi và thêm dầu vào lửa cho cuộc Nội chiến bùng nổ giữa hai miền Nam-Bắc. 

Những cuốn tiểu thuyết hiện thực như Túp lều bác Tom từ lâu đã được ghi nhận là có khả năng gây ảnh hưởng mạnh mẽ và tạo ra những thay đổi xã hội trên quy mô rộng lớn. Vâng, một ngòi bút sắc bén thì cũng không khác nào một thanh gươm bóng loáng cả. Nhưng trước khi đủ tầm vóc để khơi dậy một cộng đồng, tiểu thuyết phải lay động từng người ở cấp độ cá nhân. Và để làm được điều đó, khả thi nhất là tiềm năng nuôi dưỡng sự đồng cảm ở độc giả của các nhà văn. 

Ảnh: Literacy Hub

“Không có gì trở thành hiện thực cho đến khi nó được trải nghiệm.”

Đồng cảm - có thể định nghĩa đơn giản là khả năng thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với người khác. Tuy nhiên, vấn đề của sự đồng cảm, như nhà thơ John Keats từng nói thì, “Không có gì trở thành hiện thực cho đến khi nó được trải nghiệm.” Nói cách khác, bạn khó có thể hiểu và cảm thông với nỗi niềm của người khác nếu bạn chưa từng rơi vào hoàn cảnh như họ. 

Vậy làm thế nào để vượt qua bức rào chắn cả về không gian lẫn thời gian ấy? Làm thế nào ta có hiểu và cảm thông với những người tồn tại trước ta hàng thế kỷ, hay những người cách ta nửa vòng trái đất? Với sự phát triển của truyền thông kỹ thuật số ngày nay, điều đó trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhưng vấn đề ở đây là, một bài báo hay một đoạn phóng sự không cung cấp đủ bức tranh rộng lớn để ta thực sự hoà mình vào trong bối cảnh. Cách thức hợp lý hơn là những cuốn tiểu thuyết - những lát cắt hoàn chỉnh về từng sự kiện, cột mốc của thời đại. 

Như nhà văn Albert Camus từng nói, “Tiểu thuyết là những lời nói dối mà thông qua đó ta nói lên sự thật.” Mặc dù các nhân vật và mọi tình tiết đều là sản phẩm của trí tưởng tượng, song chất liệu làm nên chúng đến từ đời thực. Tách rời thực tế, văn học không còn là chính nó, thậm chí còn không thể coi là một bản nhái của đời sống xã hội. Mối quan hệ biện chứng giữa văn học và đời sống là tiền đề giúp nhà văn tạo dựng được tính chân thực - là phẩm chất tạo nên sức hấp dẫn, thuyết phục của tác phẩm. 

Trong diễn từ nhận giải Nobel, nhà văn Steinbeck, tác giả hai cuốn tiểu thuyết hiện thực nổi tiếng Của chuột và ngườiChùm nho thịnh nộ - kể về đời sống lầm than của nông dân Mỹ thời kỳ Đại khủng hoảng - đã nói như sau: 

“Sứ mệnh từ xưa của nhà văn không thay đổi. Nhà văn được trao nhiệm vụ phô bày những lỗi lầm và thất bại xót xa của quần chúng, lôi ra ánh sáng những giấc mơ tăm tối và nguy hiểm của con người để nâng đỡ họ.” 

Tất cả mọi người đều biết rằng Joad chỉ là một nhân vật do Steinbeck nghĩ ra, nhưng anh là đại diện cho hàng loạt chàng thanh niên nông thôn khác: nghị lực, khát khao vươn lên nhưng bị miếng cơm manh áo ghì sát đất. Câu chuyện về Joad là một câu chuyện giả tưởng, nhưng những gì Steinbeck đã viết trong cuốn sách là sự thật ở đời. Nó không bay bổng như những thiên truyện cổ tích dạy con người ta điều hay lẽ phải; Steinbeck đã viết bằng thứ ngôn từ thô kệch, chợ búa; những đoạn hội thoại ngẫu nhiên chẳng tuân theo một quy chuẩn nào của văn chương - nhưng cũng vì thế mà độc giả thấy tác phẩm sao mà gần gũi tới thế, ta cảm thấy như mình đang hiện diện trong câu chuyện đó, lắng nghe các nhân vật trải lòng, chứng kiến họ đổ mồ hôi sôi nước mắt vì những kiếp nạn lũ lượt kéo tới.

Steinbeck đã viết nên một thiên anh hùng ca, xuyên không từ quá khứ, kéo ta qua vách ngăn không-thời gian để trở lại thời kỳ đen tối của nước Mỹ mà nhìn ngắm, mà xót xa với kiếp dân đen thấp cổ bé họng. Chính nhờ đọc những tiểu thuyết như vậy, ở một mức độ nào đó, độc giả có thể lần theo những dấu chân trên cát của tác giả, ngắm nhìn những thứ họ đã chứng kiến trên đường đi, tiến gần hơn tới sự thấu hiểu và đồng cảm. 

Văn chương cảm hoá con người 

Trong bài báo “Văn chương khơi dậy sự đồng cảm như thế nào?”, Alaa Al Aswany đã viết: “Khi bạn đọc một cuốn tiểu thuyết hay, bạn quên đi quốc tịch của nhân vật. Bạn quên đi tôn giáo của nhân vật ấy. Bạn quên đi màu da của anh ta hay cô ta. Bạn chỉ quan tâm họ vì họ là một con người, cũng như chính bạn vậy. Và vì thế đọc những cuốn tiểu thuyết vĩ đại có thể tái tạo chúng ta trở thành những con người tử tế hơn nhiều.” Quả vậy, văn chương không chỉ đặt ta vào thế giới của các nhân vật mà còn trao ta quyền năng trở thành chính nhân vật đó. Nó giúp ta khám phá mọi tâm tư thầm kín của nhân vật, và qua đó, ta biết vui sướng, khổ đau là thế nào. Những tiểu thuyết hay – những tiểu thuyết lớn – thực sự không bao giờ kể cho ta một điều gì, chúng khiến ta sống và tham dự vào chúng nhờ sức thuyết phục (Mario Vargas Llosa). 

Con người vốn giàu lòng đồng cảm bác ái, chỉ vì lớn lên bị cách nghĩ của người đời dồn ép, nên phẩm chất ấy mới bị mai một. Chỉ có kẻ thông minh mới không khuất phục, dù bên ngoài chịu đủ thứ áp bức thì bên trong vẫn gìn giữ được kho báu đáng quý kia. Những người ấy là các nghệ sĩ; thông qua tác phẩm của mình, họ chia sẻ kho báu ấy với chúng ta. Những người thường được ca ngợi bởi đức tính giàu lòng trắc ẩn, ta nên ca ngợi họ không phải vì sự rèn luyện để đạt được đức tính ấy mà bởi vì họ đã gìn giữ thành công nó. Theo đó, mảnh đất tâm hồn ta vốn dĩ đã có muôn vàn hạt giống trú ngụ, và các tác phẩm văn chương như từng cơn mưa phùn đầu xuân, nhẹ nhàng nhưng dai dẳng, dần thấm sâu vào từng tấc đất và đánh thức những hạt mầm kia, giúp chúng trồi lên và nở rộ. 

Rõ ràng, tiểu thuyết tiếp thêm cho con người ta những tình cảm mới. Mạch nguồn cảm xúc như một dòng nước, đôi khi bị tắc nghẽn bởi những tảng đá to, đôi khi chảy xuôi, êm ả giữa muôn vàn hoa cỏ. Văn học giúp khơi thông suối nguồn cảm xúc của con người; nó giúp ta hiểu người khác và hiểu chính mình. Trong xã hội ngày nay, những áp lực đã khiến con người trở nên vô cảm hơn; chúng ta sống lãnh đạm, thờ ơ, sống như một “cỗ máy”, theo kiểu “đèn ai nhà nấy rạng”. Chúng ta hào phóng với kẻ giàu sang nhưng chắt bóp với người khốn khổ, cung phụng sự giàu có rồi phớt lờ sự bất công. Văn chương là một trong những phương thuốc chữa trị căn bệnh đó của con người. 

Thành công của một tiểu thuyết gia 

Tôi vẫn nhớ như in lời thơ của Nguyễn Duy từ những ngày cắp sách tới trường, “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn.” Văn chương - nghệ thuật dạy người ta cách thưởng thức cái đẹp, phê phán cái xấu; cứu rỗi những tâm hồn lầm lạc, cảm hoá những con người từng sảy chân; nó dạy ta phải trái đúng sai, cung cấp những khuôn mẫu cần noi theo và né tránh. Nếu tâm hồn ta là một mảnh đất, mà không phải ai cũng được trời ban cho một mảnh đất màu mỡ cả, văn chương sẽ là mạch nước dồi dào và rặng phù sa bồi đắp cho mảnh đất ấy. Văn chương nhân đạo hoá con người, khiến con người tốt hơn mỗi ngày, nó làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho họ lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn.

Nếu ví văn chương như một cây cầu đưa tác giả tiến gần tới độc giả, thì ngược lại, độc giả cũng có thể hướng về phía tác giả thông qua quá trình chiêm nghiệm. Cây cầu văn chương ấy được dệt nên từ cảm xúc nhưng cũng điều khiển và có thể chi phí cảm xúc của con người. Trước khi muốn lay động sự đồng cảm của độc giả, nhà văn phải tự đồng cảm với câu chuyện mình viết ra, sống chung một đời sống với các nhân vật. Bằng ngòi bút, nhà tiểu thuyết sẽ hoàn thành sứ mệnh cao cả nhất trong nghiệp viết của mình: lan tỏa sự đồng cảm đó tới người đọc. Nếu có thể làm được vậy, người đó có thể tự hào rằng mình là một tiểu thuyết gia thành công.