Trước hết, tôi cần hỏi bạn một câu. 

Tại sao bạn đọc? 

Một số người đọc vì tiêu khiển. Một số người đọc vì khao khát tri thức. Một số người đọc vì cả hai. 

Đối với tôi, việc đọc vừa mang tính bắt buộc vừa mang tính tự nguyện. Tôi phải đọc vì công việc của tôi yêu cầu tôi phải đọc, và tôi muốn đọc vì đọc là sở thích của tôi, là phương tiện giải trí của tôi vào giờ rảnh rỗi. 

Bạn cũng vậy. Trước khi đọc, bạn phải xác định rõ tại sao bạn đọc. Không phải ai sinh ra cũng thích đọc cả. Có những người buộc phải đọc vì công việc, vì dự án họ đang đảm nhận. Thông thường những trường hợp như thế thì họ sẽ không có hứng thú đọc, và việc đọc sách thành ra thứ gì đó ngán ngẩm lắm. Nếu bạn khiến việc đọc có cảm giác như một nhiệm vụ, một công việc thì đó đích xác là nấm mồ của sự học. Suy cho cùng, chẳng ai bám riết mãi một thứ mình không thích cả. 

Điều thú vị nhất về việc đọc là nó trao tặng bạn những tri thức mà nhiều người đã mất cả cuộc đời để đạt được chúng. Và điều thú vị thứ nhì là một sự thật kỳ lạ thế này: mọi người hầu như đều phải trải qua những cột mốc giống nhau. Thời thế dẫu có đổi thay, bản tính con người qua ngàn năm vẫn thế. Chúng ta vẫn sẽ lo lắng, sẽ tham lam, ích kỷ, lọc lừa, sẽ gặp đi gặp lại những vấn đề mà những người sống trước ta và sau ta đã và sẽ gặp. Do đó, bất kể bạn là ai, bạn làm gì, bạn đang gặp vấn đề gì, rất có thể ai đó từng sống hoặc đang sống, ở đâu đó trên quả cầu này, thông minh hơn bạn, đã nghĩ rất lung về vấn đề của bạn và viết thành sách.

Đọc không phải cuộc thi chạy nước rút 

Friedrich Nietzsche từng nói rằng ông ấy là một “bậc thầy đọc chậm”. Lần đầu bắt gặp câu nói của ông, tôi đã không hiểu. Đa số chúng ta đều phải đi làm, giặt giũ, nấu nướng, thanh toán các hoá đơn, tập thể thao,... thành ra số giờ sót lại cho việc đọc là rất khiêm tốn. Nếu thời gian đã khan hiếm, hiển nhiên ta sẽ bị thôi thúc bởi một lực đẩy cấp bách vô hình, rằng hãy đọc thật nhanh, rằng nếu không thì việc đọc sẽ thành công cốc. 

Lâu dần thì tôi cũng hiểu ra vấn đề. Đầu tiên, sai lầm phổ biến nhất mà mọi người thường mắc phải khi nói về chuyện đọc sách là họ để ý quá nhiều tới số lượng sách đã đọc hoặc tốc độ đọc. Về cơ bản, hai thứ này không quan trọng. 

Một người đọc 100 đầu sách mỗi cuốn một lần chưa chắc đã bằng người đọc một cuốn sách 100 lần. Bản thân việc đọc, giống như nhiều kỹ năng khác, cần được trui rèn qua quá trình lặp lại. Dostoevsky đã chỉ đọc Kinh Thánh trong suốt bốn năm ròng khổ sai, và dấu chân ông ấy để lại trên văn đàn là khổng lồ! 

Tiếp đến là vấn đề về tốc độ đọc. Mọi người thường quan tâm quá nhiều đến vấn đề đọc nhanh. Đọc sách cũng như một món nghề thủ công; khi bạn hỏi người thợ lành nghề tại sao họ có thể nhanh nhẹn tới thế, sẽ không có bí mật nào cả. Tất cả đều ở quá trình tập luyện. Nói cách khác, muốn đọc nhanh thì cách duy nhất là bạn đọc nhiều, qua đó chuyển động mắt của bạn nhạy bén hơn, vốn từ vựng của bạn phong phú hơn.

Tuy nhiên, bạn đọc càng nhanh thì bạn hiểu càng ít, chứ chưa nói tới chuyện bạn có nhớ những gì bạn đã đọc hay không. Đôi khi tôi tự nhủ với thói đọc chậm của bản thân rằng đọc chậm là tôn trọng tác giả, bởi bạn biết các nhà văn đã phải lao tâm khổ tứ ra sao để nặn được ra từng câu chữ này. Họ có thể đã viết rất chậm, sắp đặt từng từ như dàn binh bố trận để tạo ra một cấu trúc hài hòa. Vậy nên nếu họ đã trau chuốt tới vậy, chẳng dại gì mà ta lại đi đọc vồn vã cả, hãy cứ từ từ mà thưởng thức. 

Về mặt quan điểm, tôi cho rằng không nên coi đọc sách là một cuộc đua chạy nước rút. Đó không phải một cuộc thi mà bạn bước vào, thắt chặt dây giày rồi chạy lấy chạy để nhằm đạt được huy chương gì cả. 

Việc đọc sách, trên hết, nên được nhìn nhận như nuôi dưỡng một đứa trẻ. Bạn không thể để nó đói khát, cũng không thể tống vào miệng nó đủ thứ trong tầm tay. Bạn không nuôi con một cách tùy hứng. Bạn chăm bẵm, nuôi nấng nó và mong nó sẽ lớn lên phổng phao, đỏ da thắm thịt. Và đó là một cuộc hành hương dài dặc đầy gian truân. Có ngày bạn chỉ đi được lết được nửa cây số, có ngày còn ít hơn, nhưng miễn là bạn thức dậy và bước đi. 

Đọc sách là như vậy. Bạn đọc ít hay nhiều sách, đọc nhanh hay chậm – tất thảy đều không hệ trọng – thứ hệ trọng là bạn có đọc hằng ngày hay không. . 

Về chuyện tiền bạc 

Về vấn đề nhạy cảm này, tôi xin mượn lời của Ernest Hemingway, rằng ta chỉ có thể chọn một trong hai: quần áo hoặc sách. Nếu muốn có tiền mua sách, bạn buộc phải mua sắm ít đi. Tôi tin tài sản giá trị nhất của mỗi nhà văn đều là cái kệ sách của họ, chứ không bao giờ là cái tủ quần áo cả. 

Ngoài ra, hãy tới thư viện. Thư viện yêu cầu bạn trả một khoản phí nhỏ và bạn có thể tra cứu toàn bộ những đầu sách bạn muốn trên website (vô cùng tiết kiệm thời gian) và được phép mượn trong hai tuần.

Trước hết, thư viện, đúng như tên gọi của nó, là một kho tàng tri thức. Thường thì sách ở thư viện là sách đã được chọn lọc, do đó nó bớt tính tạp nham như ngoài thị trường. Bên cạnh đó, thư viện lưu giữ nhiều đầu sách hay đã hết hàng. Bạn hoàn toàn có thể đọc thử chán chê tại thư viện, hoặc giả sử bạn có mượn sách về nhà rồi đọc mà không thấy ưng, bạn có thể quay trả lại sách để mượn cuốn khác. Việc này theo tôi là vô cùng tiết kiệm, bởi nói thế nào thì nói, ai cũng đều từng mua phải những cuốn sách dở rồi tiếc tiền. 

Đọc gì vào lúc nào cũng khá quan trọng đấy! 

Tôi nhiệt liệt cổ vũ việc đọc đa dạng, từ tiểu thuyết, sách chuyên ngành, sách phát triển bản thân tới manga hay comic. Báo chí thường chỉ cung cấp thông tin chứ không phải kiến thức, do đó bạn chỉ cần đọc khoảng 30 phút mỗi ngày để cập nhật tình hình chứ không nên lượn lờ quá lâu trên các tờ báo. 

Cá nhân tôi thường tranh thủ thời gian nghỉ trưa, lúc đợi xếp hàng, đợi phục vụ lên đồ ăn ở quán,... để đọc sách. Tôi gọi đây là những “khoảng trống”. Nói đơn giản, chúng là những khoảng thời gian chết, là quãng chuyển tiếp giữa công việc này với công việc khác trong ngày của bạn, và đa phần chúng ta đều chọn chi tiêu đống thì giờ này bằng cách lướt điện thoại. Tuy nhiên, nếu bạn luôn thủ bên mình một cuốn sách tới mọi nơi như cách bạn kè kè chiếc điện thoại, bạn có thể tranh thủ đọc tí chút mỗi lần tay chân rảnh rỗi. 

Có những cuốn sách yêu cầu người đọc phải cực kỳ tập trung, giống như một cuộc chạy đường dài. Với những cuốn sách như vậy, hãy cố gắng sắp xếp riêng một khoảng thời gian rảnh rỗi để đọc. Những cuốn sách nặng đô không dành cho việc đọc ngắt quãng. Ngược lại, có những cuốn sách ta có thể đọc nhấm nháp không theo trình tự nào cả. Tiêu biểu cho dạng này là những cuốn self-help, tản văn, hoặc những cuốn mang tính giải trí nhẹ nhàng. 

Nếu bạn biết mình chỉ có khoảng chừng 30 phút, tốt hơn là bạn nên đọc thứ gì đó nhẹ nhàng, không quá nặng nề về mặt tinh thần. Nói chung là những thứ dễ tiêu hoá một chút. 

Ngược lại, nếu bạn phải đọc một cuốn sách cực kỳ nghiêm túc, tốt hơn là bạn nên thiết kế mọi thứ sao cho quá trình đọc diễn ra xuyên suốt. Cá nhân tôi thường cố gắng sắp xếp 2-3 tiếng trước nửa đêm để đọc những cuốn sách đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhờ vậy tiềm thức tôi có thể tiếp tục làm việc với những ý tưởng trong sách khi đã chìm vào giấc ngủ. Tôi dành giờ trưa và buổi chiều muộn cho những cuốn sách nhẹ nhàng như tản văn, self-help, và gần đây là truyện tranh. 

Đọc Thêm: Đọc Sách Buổi Sáng Hay Buổi Tối Thì Tốt Hơn?

Đọc bao nhiêu là đủ? 

Đối với những người như tôi, dành 3-4 tiếng/ngày đọc sách là chuyện thường tình, nếu không muốn nói là bắt buộc để duy trì cảm hứng sáng tạo. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào tính chất nghề nghiệp và trạng thái cân bằng cuộc sống của từng người. Tôi nghĩ tối thiểu 1 tiếng/ngày cho việc đọc là lý tưởng. Nếu bạn dành 1 tiếng/ngày để đọc, ở tốc độ đọc trung bình, bạn sẽ hoàn thành ít nhất 1 cuốn sách/tuần. Nghe thì có vẻ ít nhưng nếu bạn cộng dồn lên theo từng tháng, từng năm thì con số khá khả quan và đáng tự hào đấy. 

Susan Sontag nói rằng ngày làm việc của bà bao gồm 8-10 tiếng đọc sách.

Tôi biết ngoài kia sẽ có nhiều người khuyên bạn đọc thật nhiều, cả những cuốn sách hay và những cuốn sách dở. Điều này đúng, đôi khi sách dở sẽ dạy bạn nhiều điều hơn sách hay, tuy nhiên đó là trường hợp của những người dư dả thì giờ để đọc sách. Nếu bạn, giống phần đông mọi người, có quỹ thời gian khan hiếm, hiển nhiên bạn muốn tận dụng triệt để khối thì giờ ít ỏi ấy. Bạn muốn đầu tư vào chất lượng, bạn muốn đọc những cuốn sách hay. Thật tốt nếu bạn nghĩ như thế. Và bây giờ tôi sẽ nói cho bạn nghe một bí mật. 

Đa phần mọt sách đọc lại những cuốn sách cũ vì không tìm được cuốn nào hay hơn. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều ưa thích sự mới mẻ, và hiếm lắm mới có người đọc đi đọc lại một câu chuyện mà mình đã biết diễn tiến nó ra sao. Nhưng cái số hiếm ấy cần được cổ vũ. Không có gì gọi là dậm chân tại chỗ khi bạn đọc đi đọc lại một cuốn sách cả, miễn là cuốn sách đó hay, dạy bạn thêm nhiều điều mới sau mỗi lần đọc lại, hoặc giả sử không thì nó cũng khiến bạn thư giãn hơn là đâm đầu vào một cuốn sách mới nhưng dở tệ hết chỗ chê. 

Dù sao thì cũng chúc may mắn. Bạn sẽ cần đến nó.