Lucius Annaeus Seneca, hay thường gọi là Seneca, là một chính khách Roman và một nhà triết gia nổi tiếng, một trong ba cây đại thụ của trường phái Khắc kỷ Hy Lạp. Ngay từ sớm, Seneca đã phát triển một bộ kỹ năng tư duy vượt bậc và là bậc thầy về cách sống. Trong tác phẩm On the Shortness of Life, Seneca nhắc nhở chúng ta về một trong những tài nguyên quý giá nhất nhưng thường bị xem nhẹ: thời gian. Và dưới đây là 10 ý tưởng cốt lõi nhất về nghệ thuật quản lý thời gian của ông. 

Lucius Annaeus Seneca (thường được gọi đơn giản là Seneca hay Seneca Trẻ (4 TCN-65)

#1. Hãy coi thời gian như một hàng hóa 

Seneca nói: “Con người thường gắng sức tiết kiệm tài sản cá nhân của họ; nhưng khi nhắc tới thời gian, họ lại phí phạm điều mà việc hạn chế là đúng đắn.” Seneca cảnh báo chúng ta không nên coi thời gian như một nguồn tài nguyên vô tận, chưa tính đến việc nó còn là thứ quý giá nhất và không thể tái tạo. 

Cứ tưởng tượng bạn đang đi dọc đường và thấy một thằng cha nào đó ném tiền qua cửa kính ô tô, bạn chắc chắn sẽ nghĩ người này có vấn đề. Nhưng chính bạn lại đang phí phạm một thứ quý giá hơn nhiều – mỗi ngày: thời gian. Ta không biết mình có bao nhiêu thời gian nhưng chắc chắn là có giới hạn. 

Rõ ràng, việc lãng phí thời gian còn điên rồ hơn lãng phí tiền bạc, vì tiền có thể kiếm lại được nhưng thời gian đã đi là khỏi về. Tiền bạc và tài sản có thể tăng hay giảm tùy thuộc vào may mắn hay nỗ lực, nhưng thời gian là cố định. 

Cái chết rình rập những kẻ lãng phí thời gian, những người coi nhẹ tầm quan trọng của nó vì khi được sử dụng đúng cách, thời gian trở thành một đòn bẩy. Ngược lại, khi phí hoài mà không cân nhắc, nó trở thành sự hối tiếc thường trực và dai dẳng. 

#2. Đừng phí thời giờ chuẩn bị cho cuộc sống 

Theo Seneca, chúng ta đều lãng phí quá nhiều thời gian để chuẩn bị cho cuộc sống. Ông thúc đẩy chúng ta sống cho hiện tại, cho chính thời khắc đang diễn ra bây giờ. Hạnh phúc nằm ở hiện tại, không phải tương lai. Vì vậy đừng trì hoãn nó. Ông phê phán những người nghĩ rằng họ chỉ cần dốc sức cho đến khoảng 60 tuổi và sau đó hưởng thụ niềm khoan khoái của tuổi già. Sao có thể vậy cơ chứ? 

Tương lai là thứ không chắc chắn và không thể kiểm soát, một tai nạn hay biến cố bất ngờ là điều hoàn toàn có thể xảy đến. Và sau đó ta nằm trên giường bệnh, nghĩ suy về cuộc sống và tiếc nuối vì đã không tận dụng thời gian quý báu kia. Tuổi 20, 30, 40 hay 50 đều đáng để cân nhắc, nhưng đừng để chúng cướp đi hiện tại quý giá. 

Bạn chỉ có thể sống từng khoảnh khắc một lần và chỉ một lần duy nhất, vì vậy đừng để nó phí hoài. 

#3. Bận rộn chỉ là cái cớ 

Seneca nói: “Bạn không nên coi một người là sống lâu chỉ vì họ có tóc bạc và nếp nhăn. Người đó chưa sống lâu, chỉ tồn tại lâu.” 

Chúng ta đều có những mong muốn trong cuộc sống: một công việc ổn định, một ngôi nhà khang trang, mối quan hệ nồng cháy hay những kỳ nghỉ đắt tiền. Nhưng phần lớn chúng ta không thể đạt được chúng vì chúng ta mắc kẹt với bốn chữ “cơm áo gạo tiền”, hoặc những mối quan hệ ta duy trì vì sợ cô đơn. Bạn chỉ đang cố gắng trụ lại trước mọi thứ, nhưng mỗi khi một trận cuồng phong qua đi thì một trận khác lại ập tới. Sau đó, bạn biện minh rằng mình bạn không có đủ thời gian cho những sở thích mới. Bận rộn luôn là cái cớ. 

Nếu bạn không biết mình thích gì hoặc muốn gì, hãy tự đặt cho mình những câu hỏi sau: Nếu tôi có thêm thời gian, những điều tôi có thể làm là gì? Hoặc nếu tôi có thể thay đổi một điều bất kỳ về bản thân, điều đó sẽ là gì? Có thể bạn muốn giảm cân, muốn học thêm một ngôn ngữ mới, mỗi tuần đọc một cuốn sách hoặc bắt đầu tìm hiểu nhiếp ảnh. 

Cách tốt nhất để bắt đầu là thức dậy sớm. Bạn sẽ thấy thời gian như dài ra, thừa thì giờ cho những dự định bạn ấp ủ bấy lâu. “Hãy làm việc khi người khác đang ngủ”, theo lời ai nói thì tôi không biết. 

Càng chờ lâu để bắt đầu thay đổi, bạn sẽ càng dành cả cuộc đời làm việc để biến giấc mơ của người khác thành hiện thực. Còn giấc mơ của bạn thì mãi chỉ là giấc mơ. 

#4. Ngưng lưỡng lự và từ bỏ thói trì hoãn 

Chúng ta học được từ Seneca rằng “Trong khi lãng phí thời gian lưỡng lự và trì hoãn, cuộc sống vẫn không ngừng tiếp diễn.” Trì hoãn xảy ra khi mâu thuẫn giữa sự hưởng thụ ngắn hạn như lướt web, và cam kết dài hạn như học thêm một kỹ năng mới. Trong tâm lý học, điều này được gọi là sự không nhất quán về thời gian. 

Trì hoãn là từ bỏ những mục tiêu dài hạn trước cám dỗ của những thỏa mãn nhất thời. Dù biết thành quả của việc giảm cân thành công sẽ rất tuyệt vời, não bộ vẫn sẽ yêu thích những chiếc bánh socola béo ngậy hơn là ức gà và khoai tây nghiền. Tuy nhiên, Seneca đã cho chúng ta một phương pháp rất hiệu quả và đơn giản để chiến đấu với điều này: Premeditatio Malorum. 

Ý tưởng đằng sau rất đơn giản: hỏi bản thân trước khi làm điều gì đó về những điều có thể xảy ra. Bằng cách thừa nhận sự khoái lạc trước, và sau đó đặt thời gian, địa điểm và điểm khởi đầu phù hợp, bạn có thể vượt qua sự quyến rũ của những khoái lạc ngắn hạn từ trước. Nếu bạn chuẩn bị bằng cách lên lịch trước bất cứ điều gì bạn muốn hoàn thành, khả năng bạn thực hiện sẽ cao gấp hai đến ba lần.

#5. Tự tạo ra các phần thưởng cho mình

Theo Seneca: "Trì hoãn là lãng phí lớn nhất cuộc đời: nó cướp đi từng ngày khi nó đến và từ chối chúng ta hiện tại bằng cách hứa hẹn tươn" lai. Trở ngại lớn nhất đối với cuộc sống là sự mong đợi."

Tính trì hoãn mạnh nhất ngay từ khi ta chuẩn bị bắt tay vào việc. Dù bạn đã loại bỏ mọi yếu tố xao nhãng và sẵn sàng ngồi vào bàn lúc 8 giờ sáng như dự tính – đối với não bộ của bạn, sự hấp dẫn của việc tìm lý do để làm một việc dễ dàng hơn vẫn rất mạnh mẽ. Thách thức khó chịu nhất là tìm cách làm cho sự bắt đầu đó suôn sẻ hơn. 

Chìa khóa ở đây là kỳ vọng. Đó là điều chúng ta khao khát khi muốn trì hoãn một việc, là khoảng cách giữa những khoái cảm ngắn hạn và một phần thưởng lâu dài. Lý do mà khâu bắt đầu luôn rất khó khăn là vì nó không có kỳ vọng nào cho phần thưởng lập tức. Bạn thức dậy học bài vào lúc 5 giờ sáng nhưng phần thưởng của nó phải chờ cả năm. 

Tuy nhiên, nếu bạn có thể tạo cho mình một phần thưởng ngay lập tức, bạn tự tạo cho mình động lực để bắt đầu. Ví dụ, nếu bạn trì hoãn việc xem phim cho đến khi hoàn thành xong bản báo cáo, thì việc xem phim không còn là vật cản nữa mà là phần thưởng bạn nhận được khi làm việc xong – một phần thưởng ngay lập tức. 

#6. Tận dụng tối đa thời gian rảnh 

Winifred Gallagher từng nói rằng: “Hiếm điều nào quan trọng với cuộc sống hơn là sự lựa chọn của bạn về cách sử dụng thời gian rảnh rỗi quý báu của mình.” Như chúng ta học từ Seneca: "Không phải là chúng ta có ít thời gian để sống, mà là chúng ta lãng phí rất nhiều thời gian. Cuộc sống đủ dài, và một lượng đủ lớn đã được ban cho chúng ta để đạt được những thành tựu cao nhất nếu tất cả được đầu tư tốt." 

Chúng ta tất cả làm việc chăm chỉ để kiếm hai điều: tiền và thời gian rảnh mà chúng ta có thể dành cho hoạt động giải trí. Chúng ta làm việc 8-9 giờ mỗi ngày để kiếm được thời gian rảnh, trong khi chúng ta vô tận lãng phí thời gian rảnh đó vào những việc không liên quan như nhậu nhẹt vô tận với đồng nghiệp hoặc bạn bè, lướt web không kiểm soát hoặc chỉ đơn giản là tám chuyện xung quanh nơi uống nước. 

Như một số người chỉ ra, bạn phải dừng lại và nói “Không”. Không lãng phí thời gian rảnh mà bạn kiếm được. Ngay cả khi bạn thích công việc hàng ngày của mình, hãy làm việc có chừng mực. Bạn sẽ không bao giờ lấy lại được những giờ làm thêm đó, chúng đã mất mãi mãi. Hầu hết chúng ta dành một giờ nghỉ trưa quý giá của mình để ăn tại bàn làm việc. 

Thay vào đó, chúng ta nên tận dụng thì giờ quý giá đó để đọc sách, viết lách hoặc nghỉ ngơi. Nếu bạn làm việc ở thành phố, hãy tranh thủ ghé qua một bảo tàng hoặc hiệu sách chẳng hạn. Vào cuối tuần hoặc vào buổi tối khi bạn có đủ thời gian rảnh, hãy lấp đầy nó bằng cách thiền, đọc sách, tập thể dục hoặc viết nhật ký hoặc bất cứ điều gì có thể mang lại giá trị cho cuộc sống của bạn. Nếu bạn muốn vượt lên trên sự tầm thường và bắt đầu sống cuộc sống của mình, thì bạn cần bắt đầu tận dụng tối đa thời gian rảnh của mình.

#7. Dành thời gian nhìn lại quá khứ 

Theo Seneca, "Nhưng cuộc sống rất ngắn ngủi và đầy lo lắng đối với những người quên đi quá khứ, lờ đi hiện tại và sợ hãi tương lai." Đối với ông, thời gian được chia thành ba phần: Hiện tại là tạm thời, Tương lai không chắc chắn và Quá khứ là không thể thay đổi. 

Tất cả các bài học quản lý thời gian đều khuyên chúng ta tập trung vào hiện tại và hướng về tương lai. Như vậy là chúng ta tập trung vào những thứ mang tính tạm thời và không chắc chắn. Trái lại, Seneca khuyên chúng ta dành thời gian chiêm nghiệm lại quá khứ của mình. 

Quá khứ là không thể quay lại, nhưng hàm chứa một trong những thứ quan trọng nhất của sự phát triển: bài học. Suy ngẫm về quá khứ là khám phá bản thân mình, thực sự nhìn nhận lại quá trình thay đổi của bản thân và những gì đã tạo nên con người bạn ở hiện tại. Nếu nhìn nhận theo góc độ này, nhìn về quá khứ chính là sống cho hiện tại. Chúng ta vẫn thường dành quá nhiều thời gian để so sánh mình với người khác, trong khi thứ ta nên so sánh là chính bản thân mình ngày hôm qua. Bởi vậy, suy ngẫm về quá khứ cho bạn không gian và thời gian để nhìn thấy bạn đã đi được bao xa trong cuộc sống. 

Người ta vẫn thường nói “Khi muốn bỏ cuộc, hãy nhìn lại nơi bạn bắt đầu”, câu này không hề sai. 

#8. Đừng phí hoài thời gian cho những thứ vụn vặt 

Theo Seneca, “Nếu như muốn biết cuộc sống của một người ngắn ngủi thế nào, hãy để họ tự ngẫm về thời gian họ đã bỏ phí vào những việc cỏn con.” 

Chúng ta đều dành quá nhiều thì giờ cho những chuyện vụn vặt. Ngày nay, chúng ta dành quá nhiều thời gian cắm mặt vào màn hình, dù là làm việc hay giải trí, trong khi tay thì lướt liên tục và đăng story vô tận. Chúng ta bị cuốn vào xã hội ảo, và thời gian rảnh rỗi mà ta gọi đó là giải trí thực chất chỉ đang làm giàu cho người khác. 

Hàng ngày, bạn vẫn làm ngơ khi người ăn xin tới hỏi bạn vài đồng lẻ. Nhưng có những người cả ngày đều tìm đến, dù là trực tiếp hay qua điện thoại, tin nhắn hoặc email để xin thời gian của bạn. Và bạn chỉ đơn giản là trao nó đi. Chúng ta phải tận tụy sống cho chính mình, người không biết nói “không” sẽ sớm nhận ra họ không có thời gian cho bản thân và rằng họ chỉ đang sống vì người khác, không phải cho chính mình. 

Sống cho mình không phải ích kỷ, đó là trân trọng bản thân. Những người hạnh phúc nhất lấp đầy thời gian của họ bằng những hoạt động có giá trị và trung thành với một tầm nhìn chung. 

#9. Đầu tư thời gian tạo ra trải nghiệm mới 

Theo lời Seneca, “Cơ hội sống thực sự đã vụt qua khi bạn mải mê với những việc không đâu, trong khi đó cái chết sẽ ập tới, và bạn không hề chuẩn bị để sẵn sàng đối đầu với nó.” 

Bạn đã nghe câu chuyện đàn gà chưa? Nếu bạn đưa cho người nghèo một con gà, họ sẽ thịt gà ăn vài bữa và rồi lại nhịn đói. Nhưng nếu bạn đưa cho người giàu, ông ta sẽ ăn trứng một thời gian, đợi gà đẻ trứng, trứng đẻ ra gà và rồi chẳng mấy ông ta vừa có trứng ăn, vừa có trứng đem bán. Người khôn ngoan biết cách đầu tư sao cho có lợi tức tối đa. 

Tương tự, chúng ta nên đầu tư thời gian một cách sáng suốt qua việc tạo ra những trải nghiệm mới. Seneca tin rằng ký ức đẹp tồn tại lâu hơn nỗi đau. Chúng ta dành quá nhiều thời gian theo đuổi đời sống xa hoa, những cuộc đi chơi thâu đêm suốt sáng – thứ khiến ta cảm giác mình luôn thiếu thốn thời gian. 

“Một trong những kẻ thù của hạnh phúc là sự buông xuôi”, theo lời Tiến sĩ Thomas Gilovich, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Cornell. Gilovich và các cộng sự phát hiện rằng ký ức từ những trải nghiệm cuộc sống thuộc đời sống tinh thần – dù chỉ thoáng qua – mang lại hạnh phúc lâu dài hơn so với các mục tiêu vật chất. Mua một chiếc Apple Watch có thể làm bạn vui 2, 3 ngày nhưng nghỉ ngơi để đi tới một vùng đất mới, hay tham gia một khóa học về chủ đề mới lạ chắc chắn sẽ thay đổi bạn. 

Chúng ta là tổng hòa của tất cả những gì ta đã học, những thứ ta đã trải qua, những điều ta đã làm, những người ta đã quen và những nơi ta đã đến. 

#10. Dành thời gian học thêm về triết học 

Lời khuyên cuối cùng của Seneca trong bài viết này là “Trong tất cả, chỉ có những người dành thời gian cho triết học mới có thời gian rảnh rỗi, cuộc sống mới thực sự sống động. Vì họ không chỉ chăm chú xem xét cuộc đời của riêng mình, mà còn kết hợp thời đại vào cuộc sống của mình. Tất cả những năm tháng đã trôi qua trước đó được gộp vào cuộc sống của họ.” 

Seneca coi triết học là sự chiếm lĩnh tâm hồn và là người thầy vô giá giúp chúng ta học cách “sống thực sự” trong “thời gian ngắn ngủi và thoáng qua” của cuộc đời. Triết học mở rộng cuộc sống ngắn ngủi đó theo chiều ngang, giúp chúng ta sống rộng hơn là sống dài. Người yêu triết học là người yêu tri thức, đạo đức, am hiểu sự sống và cả cái chết. 

Bạn có thể bắt đầu bằng việc đọc sách. Đọc những cuốn sách được viết vì lợi ích của bạn, đó là những cuốn sách tốt. Các tác giả đã để lại bài học mà họ mất cả đời chiêm nghiệm trong tác phẩm của mình. Kiến thức và sự khôn ngoan họ trả giá bằng mồ hôi, nước mắt đã được tóm gọn và nén lại vào trong những trang sách, sẽ giúp bạn tận dụng tối đa thời gian ít ỏi của mình. 

Biên dịch từ video gốc của Philosophies for Life, mời bạn nghe tại đây.