Tôi có một người bạn, suốt một thời gian dài ơi là dài, cứ nói mãi về chuyện lập một blog cá nhân và cố gắng trở thành một cây viết chuyên nghiệp (hoặc ít nhất là bán chuyên). Anh ta nói về kế hoạch này nhiều tháng rồi, nếu tôi không lầm thì có thể tính thành năm, và anh ta cũng có đủ tiền rồi. Nhưng anh ta chưa từng lập một blog nào cả. Luôn luôn có vài lý do nào đó: chất lượng của bài viết chưa đủ tốt, tay nghề còn non nớt, hoặc anh ta không có thời gian cho việc này. 

Năm tháng trôi qua, hàng ngày anh ta vẫn thức dậy làm những việc bình thường, đôi khi là lặp đi lặp lại thật tẻ nhạt. Ít ra thì anh ta cũng thấy thoải mái và đã quá quen với vùng biển lặng của một “nhà văn không ai biết”. 

Người bạn đó chính là tôi. Đúng vậy, tôi là một chúa tể trì hoãn. Tôi là kẻ sẽ bỏ tính trì hoãn từ ngày mai (bạn hiểu mà). Tôi làm những công việc tẻ nhạt, sống một cuộc đời tẻ nhạt. 

Nhưng tôi vừa mới phát hiện ra: tẻ nhạt cũng có năng lực của riêng nó. Và năng lực này có thể giúp tôi, bạn và nhiều người khác theo cách nào đó bớt trì hoãn đi. 

Năng lực của sự tẻ nhạt 

Nếu trì hoãn là một con người, những yếu tố gây xao nhãng sẽ là thức ăn yêu thích của nó. Đó là TV, điện thoại, mạng xã hội, những bộ phim, buổi đánh bài hay nhậu nhẹt tới bến. 

Bạn kịch tính hóa cuộc đời tẻ nhạt của mình bằng những yếu tố này. Đi làm cả tuần và cuối tuần lại nằm ở nhà chẳng đi đâu, làm việc quần quật mà không có gì giải khuây nghe đã thấy chán chường. Đọc sách 1 tiếng mỗi ngày thì khó hơn xem TV, và chơi game rõ ràng là vui hơn học tập. 

Nếu giờ ta bỏ hết những “kẻ thích làm phiền” kia đi, bạn còn lại gì? Một vài cuốn sách phải đọc, một bản báo cáo cần làm, một vài ý tưởng cần tiến hành. Đúng vậy, khi không còn gì làm phân tâm bạn, lôi kéo bạn, khả năng bắt tay vào làm việc cao hơn hẳn. 

Giả sử tôi nhốt bạn vào một căn phòng trống. Không có TV, không nối mạng, một căn phòng trống đúng nghĩa. Tôi đưa bạn một cuốn sách. Giờ thì bạn không còn cách nào khác là mở cuốn sách đó ra đọc, nếu không muốn ngồi im và nhìn bốn bức tường xung quanh. 

Con người ta thích làm việc dễ hơn khó, nhưng họ ghét nhất là không làm gì. Cảm giác ăn không ngồi rồi đáng sợ chứ, vậy nên bạn sẽ với lấy bất cứ thứ gì trong tầm với, làm bất cứ điều gì dù ngờ nghệch tới mấy chỉ để giết thời gian. 

Vậy sao bạn không giết thời gian một cách năng suất nhỉ? 

Claude Hopkins, một trong những copywriter vĩ đại nhất, thừa nhận ông thích viết theo dạng "chan hòa cùng thiên nhiên". Ông có một căn nhà gỗ trong rừng, là nơi ông soạn tất cả bản thảo và làm công việc viết của mình. Tất cả đồ đạc chỉ một chiếc bàn, một chiếc ghế, tập tài liệu và một chiếc máy đánh chữ. 

David Ogilvy, một nhân vật khác cũng nổi tiếng không kém trong giới quảng cáo thì thừa nhận: “Tôi không bao giờ viết tại văn phòng. Quá nhiều sự xao nhãng. Tôi làm tất cả công việc viết tại nhà.” Ogilvy soạn nên những mẫu quảng cáo để đời trong căn phòng đóng kín cửa, sẵn sàng quát mắng vợ nếu làm phiền và thường nốc nửa chai rượu rum mỗi khi bí ý tưởng. 

Nghe có vẻ kỳ dị nhưng những lời răn của Ogilvy được nhiều người trong nghề coi như Kinh Thánh. 

Một cái tên khác mà tôi muốn đề cập tới là Stephen King, ông hoàng truyện kinh dị với hơn 80 đầu sách được xuất bản. King từng nghiện thuốc lá, chuyện không mấy xa lạ với những nhà văn. Bất chấp điều đó, ông là một tay viết cừ khôi.

Nhà văn đặt ra mục tiêu viết mỗi ngày 2.000 chữ, không ngày nghỉ và tin rằng bất cứ ai muốn trở thành nhà văn đều nên viết mọi thứ khi "cửa đóng", tức là khi anh ta đóng chặt cửa và chìm đắm vào thế giới của riêng mình. Chỉ như vậy, nhà văn mới có thể tách biệt với thế giới bên ngoài và thoải mái tung bút. 

Bạn có thể nói rằng 3 người trên làm việc điên cuồng tới vậy vì họ yêu thứ họ làm, nhưng chỉ tình yêu thôi chưa bao giờ đủ. Động lực từng thôi thúc bạn thức dậy mỗi sớm sẽ có ngày mai một. Cảm hứng không tự dưng mà đến.

Những người chuyên nghiệp khác kẻ nghiệp dư ở chỗ họ hiểu rõ rằng họ không còn lựa chọn nào ngoài việc ngồi vào bàn và làm việc cả. Đôi khi quá khó để tưởng tượng ra phần thưởng bạn sẽ nhận về khi xong việc. Đôi khi phần thưởng nằm trong quá trình, không phải kết quả. 

Những kẻ xuất chúng trở nên xuất chúng vì họ chăm chỉ hơn bạn rất, rất nhiều lần. Và họ biết cách đánh lừa bộ não của mình.

Họ biết cách biến sự tẻ nhạt thành đồng minh. Agatha Christie sẽ không viết được hơn 100 tác phẩm nếu bà lướt Tik Tok mỗi khi bí ý tưởng. Stephen King sẽ không bao giờ dám dạy bạn phải viết ra sao nếu chính ông còn nghiện nghe bình luận thể thao trên ESPN mỗi tối.  

Học hỏi những người thành công là một trong những chiến lược đơn giản mà hiệu quả nhất để thành công. Hãy học cách tự cô lập bản thân mình. 

Né tránh cám dỗ thì dễ hơn vượt qua cám dỗ. Khi bắt tay vào việc, hãy đảm bảo thứ duy nhất bạn có thể động tới là công việc. Tắt Wifi đi. Tắt thông báo tin nhắn. Đừng để điện thoại gần nơi làm việc. Đừng để những thứ đó quấy rầy bạn. Đừng để mầm mống của sự xao nhãng len lỏi vào tâm trí bạn. 

Sức mạnh của sự bận rộn 

Chúng ta thường trì hoãn công việc để vui chơi, nhưng bạn đã bao giờ nghe trì hoãn công việc để làm việc chưa? 

Leonardo da Vinci để lại cho nhân loại hàng loạt kiệt tác nghệ thuật để đời, nhưng số dự án ông bỏ ngang cũng nhiều không kém. Nếu xem xét cuộc đời ông, bạn sẽ thấy một thiên tài toàn năng về cả toán học, hội họa, kiến trúc,... như ông thì lấy đâu ra thời gian cho đủ để mà hoàn thành hết.

Mỗi lần đang làm dở dự án này, da Vinci thấy chán lại bỏ sang làm dự án khác. Và như vậy, có những tác phẩm chẳng bao giờ được hoàn thiện. 

Nhưng đó không phải là điểm chính của câu chuyện này. Điều quan trọng là Vinci luôn luôn làm việc, luôn luôn bận rộn. Ông cũng là một chúa tể trì hoãn đó chứ, nếu không thì bức họa Mona Lisa có lẽ đã xong chỉ trong vòng 2 năm thay vì mãi mãi không được hoàn thành. 

Leonardo da Vinci bắt đầu vẽ nàng Mona Lisa vào năm 1503 và không bao giờ hoàn thành nó. 

Vinci trì hoãn dự án này để làm dự án khác. Một vài dự án ông sẽ quay lại và làm tiếp, một vài thứ ông bỏ quên. Nhưng số lượng đồ sộ các tác phẩm của Vinci thì chúng ta không thể bàn cãi nổi. 

Lời khuyên ở đây là hãy bắt tay làm nhiều dự án cùng lúc. Hãy đi qua đi lại các dự án như cách bạn chuyển tab. Làm chỗ này một ít, chán rồi thì ta đổi qua làm chỗ khác.

Cố gắng giữ bản thân bận rộn và để ý tưởng luôn tuôn chảy trong đầu bạn. 

Bạn muốn đọc thêm về cách xua tan tính trì hoãn? 

#1. 10 Lời Khuyên Của Triết Gia Seneca Giúp Bạn Tận Dụng Tối Đa Thời Gian Của Mình

#2. Cách Phát Huy Tính Hiệu Quả Của Phương Pháp Học Tập Quả Cà Chua (Pomomoro)

#3. Nguyên Tắc Pareto: Làm Thế Nào Để Tối Ưu 24 Giờ Của Bạn Và Tiến Tới Trạng Thái Cân Bằng Cuộc Sống 

#4. Định Luật Parkinson: Tại Sao Bạn Cứ Để Việc Tới Hạn Chót Rồi Mới Làm?