Quiet Quitting Bắt Đầu Từ Đâu?
Quiet quitting, như nhiều xu hướng khác hiện nay, bắt đầu với Tik Tok.
“Gần đây tôi đã biết về thuật ngữ được gọi là ‘quiet quitting’, nghĩa là bạn không từ bỏ công việc của mình hoàn toàn, nhưng bạn từ bỏ ý định vượt lên trên tất cả,” Zaid Khan — một kỹ sư tuổi đôi mươi, bình tĩnh thuật lại video quay cảnh thành phố New York.
“Bạn vẫn đang thực hiện nhiệm vụ của mình, nhưng bạn không còn tuân theo văn hóa hối hả rằng công việc phải là cuộc sống của bạn. Thực tế không phải vậy. Và giá trị của bạn với tư cách một con người không được định nghĩa bởi sức lao động của bạn,” Khan nói thêm.
Video này được đăng tải vào tháng 7 năm ngoái, tức là đã hơn một năm trôi qua và ngọn lửa quiet quitting dường như đã bị dập tắt. Tuy nhiên, nó chỉ là một nhánh nhỏ trong chủ đề rộng lớn và nhức nhối hơn — cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình của người lao động.
Và chủ đề lớn hơn này, không giống như những xu hướng bùng lên rồi lại chìm xuống, sẽ luôn là bài toán khiến cả nhà quản lý lẫn người lao động phải lao tâm khổ tứ.
Quiet Quitting Có Phải Là Một Xu Hướng Thực Sự?
Video của Zaid Khan sau khi đăng tải đã nhận về hơn 400.000 lượt thích và châm ngòi cho một xu hướng mới mang tên quiet quitting. Hashtag #quietquitting nhanh chóng bắt lửa, và vô số TikTokers khác theo đà và đưa ra các video của riêng họ về chủ đề này.
Tầm độ 1 tháng sau đó, Wall Street Journal, Bloomberg, The New York Times đã xuất bản hơn chục bài báo về quiet quitting. Và tiếp theo đó là các phương tiện truyền thông khác cũng nhập cuộc chơi, khiến quiet quitting trở thành một chủ đề nóng hổi đáng để bàn luận.
Nhưng thực sự thì quiet quitting không mới. Từ 13% đến 20% người Mỹ cho biết họ không tích cực gắn bó với công việc kể từ khi Gallup bắt đầu thực hiện các khảo sát về mức độ gắn kết của nhân viên vào năm 2000.
Nói cách khác, quiet quitting là vấn đề muôn thuở mà bất cứ công ty lớn nhỏ nào cũng đều phải đối mặt, bởi phòng ban nào cũng tồn tại những cá nhân không sẵn sàng hy sinh vì công việc hơn mức cần thiết.
Điều quan trọng là “những cá nhân không sẵn sàng hy sinh” đó đang ngày càng gia tăng, việc này là do đâu?
Ảnh Hưởng Của Đại Dịch Covid
Đối với những người lao động có thể làm việc từ xa khi đại dịch Covid bùng phát vào mùa xuân năm 2020, điều đó đã mang lại chút thời gian nghỉ ngơi, và cũng cho họ một cái nhìn khác về cách họ có thể sống và làm việc trong tương lai.
Tuy nhiên, bất chấp sự thay đổi từ phía người lao động, nhiều nhà quản lý vẫn kiên quyết giữ tư duy cổ hủ cùng các phương pháp làm việc lỗi thời. Kết quả là nhân viên không hài lòng và ít gắn kết, đặc biệt là thế hệ trẻ — những người khao khát được trong môi trường lành mạnh, có lộ trình thăng tiến rõ ràng và cần một ông sếp kiêm luôn vai trò mentor.
Trong một bài báo đăng tải trên tờ The Guardian vào ngày 2 tháng 1 năm 2023, tác giả Lauren Aratani bày tỏ mối lo ngại về hiện tượng quiet quitting đang ngày một trầm trọng thêm: “Đối với một số người, quiet quitting chỉ đơn giản là tới văn phòng, làm công việc của bạn, xách cặp về nhà và quên nó đi… Đại dịch khiến nhiều người xem xét lại các ưu tiên của họ. Họ có nhất thiết phải đặt công việc lên trên gia đình, bạn bè, sức khỏe của chính họ không?”
Trong các luồng ý kiến đan xen, lập luận về việc quiet quitting có liên quan mật thiết đến đại dịch Covid được xem là hợp lý hơn cả. Phần lớn các nhà quản lý đều thông cảm vì thực tế đại dịch đã làm xáo trộn không nhỏ tới đời sống của nhân viên, những người không còn cảm thấy rằng hy sinh sức khỏe, đánh đổi thời gian cho bản thân, gia đình và người thân cho công việc là một lựa chọn bắt buộc.
Thật không may, nhiều tổ chức đã không chạy đủ nhanh để bắt kịp với tư duy mới của người lao động. Hệ quả là tình trạng bất mãn với công việc của nhân viên càng thêm trầm trọng và hiện tượng quiet quitting nổi lên như một xu hướng tất yếu.
Mức Độ Hài Lòng Trong Công Việc Đang Lao Dốc
Trong cuốn sách The Importance of Work in an Age of Uncertainty, giáo sư David Blustein của Đại học Boston cho biết: “Trong 50 năm qua, người lao động ngày càng mất đi quyền tự chủ và sự bảo hộ, đồng thời bị đối xử như hàng hóa.”
Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, thiếu cơ hội thăng tiến, lương thấp và cảm giác không được tôn trọng là 3 lý do hàng đầu khiến người Mỹ ồ ạt nghỉ việc vào năm 2021.
Dễ thấy trong những năm trở lại đây, mọi công ty đều hối thúc nhân sự của mình làm việc chăm chỉ hơn, với thời gian làm việc dài hơn, đồng thời đặt lợi nhuận và năng suất lên hàng đầu. Tuy nhiên, mức lương mà nhân viên nhận về lại không tương xứng với công sức bỏ ra và tình trạng lạm phát tăng cao khiến người lao động mất động lực làm việc.
Bản báo cáo Tình trạng Môi trường lao động Toàn cầu năm 2022 của Gallup nêu rõ, mức độ hài lòng của người lao động với công việc đang lao dốc không phanh. Các số liệu cập nhật tới năm 2023 cho biết, chỉ 33% nhân sự cảm thấy hạnh phúc với công việc, số còn lại chỉ nhìn đồng hồ đợi tan làm và thấy công việc của họ hoàn toàn vô nghĩa.
Tình Trạng Kiệt Sức Của Nhân Viên
Quiet quitting có thể là dấu hiệu cho thấy nhân viên đang bị kiệt sức và chịu đựng căng thẳng quá mức.
Theo báo cáo năm 2022 của Asana, cứ 10 nhân viên thì có tới 7 người bị kiệt sức trong công việc. Asana kết luận những nhân viên kiệt sức có mức độ cam kết thấp hơn, mắc nhiều sai lầm hơn, có tình trạng tinh thần bất ổn định và nguy cơ nghỉ việc là cao.
Có lẽ chúng ta nên tham khảo một ví dụ điển hình của “Ken” — một giáo viên trung học tại Iowa. Chia sẻ với tờ The Guardian, ông nói: “Các giáo viên từ lâu vẫn được cho là người cha, người mẹ thứ hai của các em, là cố vấn, là bảo mẫu không chính thức. Nhưng chúng tôi không được trả tiền tương xứng với những yêu cầu đó. Đó là điều lớn nhất dẫn tới tình trạng kiệt sức, bởi nó đòi hỏi chúng tôi phải làm rất nhiều công việc khác nhau, vô cùng quan trọng.”
Như trường hợp của Ken, nhiều người cho rằng quiet quitting là một cách để đối phó với tình trạng kiệt sức, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, những người có nhiều tiếng nói hơn (đặc biệt là trên mạng xã hội).
Sự Nở Rộ Của Trào Lưu Freelance
Hình thức freelance (làm việc tự do) đang chứng kiến thời kỳ nở rộ trong những năm trở lại đây khi xu hướng làm việc từ xa, ít chịu sự giám sát nghiêm ngặt lên ngôi — cùng với đó là sự bùng nổ của kỷ nguyên số, nơi mà người ta dễ dàng trao đổi công việc qua vài dòng tin nhắn hoặc đơn giản là một video call.
Điểm đặc biệt ở freelance là người lao động có thể nhận 3, 4 dự án riêng biệt cùng lúc mà không chịu ràng buộc bởi bất cứ tổ chức nào. Ví dụ, một cây viết tự do có thể nhận viết bài cho tờ báo A, viết quảng cáo cho doanh nghiệp B, song song đó lại viết truyện cho cộng đồng C.
Dễ hiểu là với tính chất công việc như vậy, freelancer có thể ôm đồm nhiều dự án cùng một lúc — nhưng rộng thì khó mà sâu. Nói cách khác, không phải họ không muốn mà là họ khó có thể dành toàn tâm toàn sức cho một đối tác cụ thể vì các đối tác khác cũng đòi hỏi mức độ quan tâm tương đương.
Như vậy, mối quan tâm của người lao động bị phân tán, do đó mức độ gắn kết thấp là chuyện hoàn toàn có cơ sở.
Lời Kết
Bây giờ, sau hơn một năm kể từ khi xu hướng quiet quitting đổ bộ, các tìm kiếm cho cụm từ “quiet quitting” trên Google đã thuyên giảm ít nhiều. Business Insider đã tuyên bố “RIP, quiet quitting” với các báo cáo rằng công nhân đã quay trở lại guồng quay tư bản sau khi hàng loạt các công ty lớn bắt đầu làn sóng sa thải trên diện rộng.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, quiet quitting chỉ là một “trận tập dượt” cho một cuộc cách mạng với quy mô lớn hơn trong tương lai của người lao động.
Rất có thể, ngọn lửa quiet quitting vẫn đang cháy âm ỉ trong tâm trí các nhân viên của mọi phòng ban, và nó sẽ mãi âm ỉ như thế — cho tới khi một ai đó tiến tới với một thùng dầu trong tay.
Nguồn Tham Khảo
#1. The Year in Quiet Quitting | The New Yorker
#2. While some say quiet quitting is over, the spirit of it may carry into 2023 | The Guardian
#3. What Is Quiet Quitting—and Is It a Real Trend? | Investopedia
#4. The Pandemic Isn't The Only Cause Of Quiet Quitting | Forbes
#5. Quiet quitting: Xách ba lô đi, làm đủ việc, xách ba lô về | Vietcetera
#6. Is Quiet Quitting Real? | Gallup
#7. RIP, quiet quitting — layoff fears have workers back to the grind | Business Insider