‘Lazy Girl Job’ Đã Xâm Chiếm TikTok Như Thế Nào?
'Lazy Girl Job', như tất cả các xu hướng khác trong vài năm trở lại đây, bắt đầu từ Tik Tok.
Một video ngắn được đăng bởi người dùng @raeandzeebo vào 25/5 vừa qua trên nền tảng này đến nay đã nhận về hơn 9,4 triệu lượt xem cùng 1,5 triệu lượt yêu thích.
Đoạn video vỏn vẹn 6 giây do cô gái tự quay bản thân tại chỗ ngồi làm việc cùng dòng chữ: “Lazy girl jobs là thú vui của tôi, tất cả những gì tôi làm là sao chép và dán các email tương tự nhau, gọi 3-4 cuộc một ngày, nghỉ giải lao, giải lao lâu hơn nữa VÀ nhận một mức lương hậu hĩnh.”
Video nhanh chóng viral và như một điệp khúc muôn thuở, những người dùng khác đồng loạt đăng các video của riêng họ để “khoe” việc làm ít nhưng hưởng nhiều, biến xu hướng ‘lazy girl job’ trở thành một trào lưu flex của giới trẻ.
Tới nay, hashtag #lazygirljob đã có hơn 15 triệu lượt xem và được xem như đứa em song sinh của phong trào quiet quitting trước đó của người lao động, khi nhân viên không còn muốn cố gắng nữa mà chấp nhận một công việc với mức lương vừa đủ — làm việc nhàn hạ qua ngày và tránh xa mọi áp lực văn phòng.
Sức Khỏe Tinh Thần Ngày Càng Được Xem Trọng
Với nhiều người, dù không mặn mà với khái niệm ‘lazy girl job’ là bao, đều nhất trí rằng nó đại diện cho một cuộc cách mạng chống lại văn hóa hối hả, hay văn hóa “nghiện làm việc” trong những năm gần đây.
Mặc dù cụm từ ‘lazy girl job’ vẫn còn khá lạ lẫm, nhưng tâm lý phản đối việc đặt sự nghiệp lên hàng đầu đã hình thành trong Gen Z từ khá lâu. Đây là những người ở độ tuổi 20-30 sau Đại dịch, những người đã dành cả tuổi xuân để chứng kiến đàn anh đàn chị mình ngủ gục trên bàn làm việc dưới áp lực khủng khiếp của văn hóa hối hả.
Hơn các thế hệ cũ, Gen Z đặc biệt đề cao tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc. Họ vượt trội hơn các tiền bối vì sớm được tiếp xúc với công nghệ, rất giỏi tiếng Anh và đặc biệt năng động.
Họ ý thức được giá trị của bản thân do đó có nhu cầu cao hơn về môi trường làm việc — và không ngại nhảy việc cho đến khi chúng được đáp ứng.
Gen Z tự hỏi, tại sao phải đánh đổi tuổi trẻ của mình chỉ để mang về nhà những áp lực? Họ thà nhận một mức lương ổn định hàng tháng, đủ để ăn những gì mình thích, mua đôi sneaker đã chấm từ lâu, thỉnh thoảng cùng bạn bè đi du lịch — hơn là bán mình cho tư bản để rồi ra quán cà phê vẫn phải cầm laptop theo để… chạy deadline.
Vì vậy, nhiều người trẻ tin rằng họ không cần phải đấu tranh quá cam go làm gì — vì cuộc sống chứ đâu có phải cuộc đua mà cứ phải nuôi khát vọng vượt lên trên tất cả. Giờ đây, người trẻ hạnh phúc với việc trở thành ‘cô gái lười biếng’ và mặc kệ mọi lời dèm pha, vẫn sẽ nâng ly ăn mừng sự cân bằng vàng giữa công việc và cuộc sống mà họ đang tận hưởng.
Tại Sao Lại Là ‘Lazy Girl Job’?
Liệu có phải đàn ông thì không ‘lazy’, không hứng thú với việc làm ít hưởng nhiều như nữ giới? Thật ra là ý tưởng ‘lazy boy job’ có thu hút họ, chỉ là nguyên nhân đằng sau thuật ngữ ‘lazy girl job’ còn sâu xa hơn thế.
Theo Khảo sát về sức khỏe tâm thần ở Anh được thực hiện vào năm 2014, tỷ lệ người trưởng thành trong độ tuổi 16-74 mắc các chứng bệnh như lo âu hoặc trầm cảm là 39%, tăng 15% kể từ cuộc khảo sát cuối cùng vào năm 2007.
Đặc biệt hơn, kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nhiều khả năng báo cáo các triệu chứng rối loạn tâm thần hơn nam giới. Con số này ở nữ là 19%, trong khi đó ở nam là 12%.
Điều này nên được giải thích ra sao? Có lẽ là ở gánh nặng mà phụ nữ phải chịu đựng, khi phần lớn các công việc nhà vẫn do người vợ đảm nhận - dù thực tế là cả hai vợ chồng cùng đi làm. Thêm vào đó là tình trạng phân biệt giới tính vẫn thường trực tại nhiều phòng ban, cản trở không nhỏ tới lộ trình thăng tiến của người phụ nữ.
Ngày nay, những cô gái mới tập tễnh bước chân vào thế giới người lớn sớm đã nhận thấy việc trở thành phụ nữ trong xã hội này khó khăn như thế nào. Họ làm cùng một khối lượng công việc nhưng nhận được ít tiền lương hơn so với nam giới. Họ không có thời gian đầu tư phát triển bản thân vì hôn nhân, con cái.
Thay vào đó, họ tin sẽ tốt hơn nếu kiếm một công việc ổn định, không quá áp lực rồi hàng tháng lĩnh lương và sống thư thái ngày qua ngày, thi thoảng xách balo đi du lịch nếu thích, tạm biệt tình trạng tắc đường giờ tan tầm vì giờ đây họ có thể về bất cứ khi nào xong việc.
Và lời đáp trả của họ là ngừng cố gắng, thoát khỏi một sân chơi vốn dĩ đã không công bằng ngay từ đầu để dành công sức, thì giờ cho những công việc xứng đáng hơn, phù hợp với nhu cầu của họ hơn.
‘Lazy-Girl Job’ Không Có Nghĩa Là Lười Biếng
Tuy nhiên, ‘lazy-girl job’ hoàn toàn không có nghĩa là lười biếng, mà nên được hiểu như làm việc thảnh thơi thì đúng hơn. Hãy dùng từ ‘thoải mái’ đi.
Giả sử, bạn có cơ hội được dẫn dắt bởi một người sếp dễ tính, tôn trọng bạn, không yêu cầu bạn mặc đồng phục tới chỗ làm. Bạn được phép sơn móng tay, nhận lương mỗi tuần và được rời phòng bất cứ khi nào xong việc.
Trường hợp này không phải hiếm, nên nếu nhìn nhận theo góc độ này, ‘lazy girl job’ không khác nào một công việc trong mơ mà nhiều bạn trẻ mơ ước.
Như vậy, thuật ngữ ‘lazy girl job’ thực sự đang phản ánh một tư duy mới đang được áp dụng ngày nay, khi mà người lao động ngày càng đòi hỏi mức lương bền vững và các điều kiện làm việc linh hoạt, đồng thời thách thức quan niệm 9-to-5 đã bén rễ vào tâm trí các nhà quản lý.
Không có gì sai khi mong đợi có một công việc trả lương tốt, giờ giấc thoải mái và giúp bạn cân bằng giữa công việc - cuộc sống cả. Có lẽ chúng ta nên sắm cho mình thêm một đôi mắt mới, vì nếu nhìn xa ra, ‘lazy girl jobs’ có thể là trận tập dượt đánh dấu một bước tiến triển trong tư duy người lao động để bác bỏ văn hóa làm việc quá sức và hối hả đã thống trị thị trường lao động trong nhiều thập kỷ.