Người nào có lịch trình khoa học hay năng suất ổn định đáng ngưỡng mộ – ít nhiều đều từng là kẻ nghiện việc. Không ai tự dưng nhảy sổ vào một lĩnh vực rồi phương pháp hoá được nó ngay. Cần có thời gian để thử và sai, và rút kinh nghiệm.

Dickens Trước-và-Sau 

Tiểu sử của Charles Dickens ghi rõ ràng, nhà văn vĩ đại nhất thời Victoria, như ông được ca tụng, thường chỉ sáng tác đúng 5 giờ mỗi ngày và gói gọn trong buổi sáng, buổi chiều là dành cho đi bộ và buổi tối thuộc về gia đình. Nhưng đó là chuyện của Dickens những năm ngoài 30 tuổi. 

Trước khi chạm mốc đó, Dickens, vốn là một nhà báo và thư ký chính phủ, quá bận rộn vào ban ngày và do đó, buộc phải đốt đèn dầu tới nửa đêm để sáng tác. Các tiểu thuyết đầu tiên của ông được đăng báo theo dạng xuất bản dài kỳ, và ông luôn phải theo kịp hạn chót do đối tác đề ra. 

Dickens luôn viết trong tâm thế phải chạy đua với thời gian, nhưng có lẽ vì ông là một sự cố của thượng đế, khi ngài lỡ tay nặn cho ông một bộ não kiệt xuất với trí tưởng tượng phong phú hơn thường lệ, ông duy trì được phong độ sáng tác ổn định trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian để Dickens đổ bệnh, một trận ốm thập tử nhất sinh, các bác sĩ được gọi đến và sau nhiều hồi tư lự, kết luận tất cả từ làm việc quá sức mà ra. 

Điều cần làm là viết lách ít lại và nghỉ ngơi nhiều hơn. 

Dickens, còn quá nhiều ý tưởng neo đậu trong đầu chưa được phác ra giấy, hiển nhiên, không thích tin đó chút nào. Nhưng thay đổi là tất yếu. Ông không thể duy trì lối sống đó mãi, đã tới lúc phải từ bỏ. Giống như việc đến trường vậy, ta đến và đạt được gì đó, rồi ta rời đi. 

Charles Dickens là một trong những nhà văn mà tác phẩm đảm bảo cả về chất lẫn lượng, nhưng thật kỳ lạ vì ông chỉ sáng tác có 5 tiếng/ngày. 
ẢNH: CULTURE CLUB/ GETTY IMAGES 

Những ngày sau đó, ông rèn mình vào khuôn khổ và sắp xếp thời gian biểu cho ngày làm việc một cách khoa học với độ “ngăn nắp” hơn bất kỳ thư ký chính phủ nào tại London, theo lời con trai ông kể lại. 

Nhà văn thức dậy lúc 7 giờ, ăn sáng lúc 8 giờ và ngồi vào bàn làm việc lúc 9 giờ. Ông sẽ viết liên tục cho tới 2 giờ chiều, sau đó rời phòng và ăn một bữa trưa qua loa, rồi thả bộ quanh khắp các ngõ ngách tới lúc 6 giờ – cũng là lúc bữa tối đã được bày ra. Kết thúc bữa tối, ông dành thời gian bên gia đình và tiếp đón khách khứa cho tới gần nửa đêm, lui về phòng đọc sách một chút rồi đi ngủ. 

Ngày hôm sau, mọi chuyện lại tiếp diễn y chang. 

Bằng thói quen làm việc nghiêm ngặt tới mức kỷ luật dần hình thành như một hệ quả tất yếu, Dickens giữ vững được năng suất đáng kinh ngạc của mình qua việc viết mỗi ngày và trí tưởng tượng phong phú liên tục được bồi đắp nhờ dành thời gian cuốc bộ trên những nẻo đường; cùng với đó là đời sống tinh thần ổn định tới từ cuộc hôn nhân viên mãn đủ đầy. 

Theo nhiều lẽ, các nhà văn thường được hiểu là những kẻ thích thu mình, tách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng Dickens là một ngoại lệ – ông được yêu mến vô cùng bởi lòng hiếu khách và tính tình xởi lởi hào phóng. Đôi khi, ta hâm mộ một người không chỉ vì tác phẩm mà còn vì cách sống của họ nữa. 

Một Murakami bán rẻ sức khỏe 

Tất nhiên, hiếm khi các nhà văn thoải mái với khách khứa được như Dickens. Viết lách là một công việc khó khăn và dễ gây cáu bẩn. Có giai thoại kể lại rằng, nhà văn John Steinbeck thậm chí còn thả chuột ra để… đuổi khách. Haruki Murakami, tác giả cuốn Rừng Na Uy nổi tiếng, thì chấp nhận không giao du bạn bè để chuyên tâm ngồi nhà viết lách. 

Nói tới Murakami, ông cũng là một trường hợp rất điển hình về việc rèn được lối làm việc kỷ cương thông qua khổ luyện. Ông bắt đầu viết văn vào năm 33 tuổi, sau khi cuốn tiểu thuyết đầu tay Nghe tiếng gió hát, một ý tưởng bất chợt được ông thảo ra giấy rồi đem đi nộp dự thi và tình cờ được chọn để xuất bản. Haruki Murakami như thể được đặt định phải trở thành tiểu thuyết gia. Vì tin mình là kẻ được chọn, ông đã bán đi quán rượu là cần câu cơm của hai vợ chồng trong suốt thập kỷ trước đó, nghiêm túc gắn bó với nghề viết văn. Tiền nong xong xuôi, bạn có biết điều đầu tiên Murakami làm khi trở thành một tác giả là gì không? 

Dậy sớm. 

Trước khi đạt được thói quen làm việc đáng ngưỡng mộ như hiện nay – dậy trước 5 giờ sáng, viết 6 tiếng, sau đó bơi lội, chạy bộ và nghe nhạc, đọc sách – Murakami đã từng thức rất muộn, thường là tới 3, 4 giờ sáng vì bận trông nom quán rượu. Ông sống theo kiểu “khinh rẻ sức khoẻ” như thế suốt 10 năm kể từ những năm đầu đại học. 

Viết lách, theo Murakami, là hoạt động chân tay thay vì trí thức như mọi người thường hỏi. Thật khó để giải thích cho bạn hiểu nếu bạn không viết, vì chỉ khi bước chân vào nghề này, bạn mới thấu hiểu được sự bòn rút năng lượng kinh khủng của nó. Từng câu từng chữ hiện ra trên mặt giấy là calo bị rút ra khỏi người (viết lách quả thực rất nhanh đói). 

Đến một lúc nào đó, thường thì là 4-5 tiếng, đối với những cây viết khoẻ, họ sẽ kiệt sức. Những người mới bắt đầu thường chỉ chịu được 2 tiếng. 

Nhân tiện, bạn có tin các nhà văn viết được 14-15 tiếng một ngày như Tolstoy không? Thực chất là không phải vậy đâu, họ dành nửa thời gian đó để ngẫm nghĩ, nhìn ra cửa sổ trong vô định và đôi khi là đọc sách nữa đấy (dù sao thì đọc sách vẫn được coi là dạng nghiên cứu hiệu quả nhất). 

Sự thật về năng suất 

Dù sao thì thế gian này không phải chỉ toàn những nhà văn, mỗi ngành nghề đều gây mệt mỏi theo cách riêng của nó. Cái không làm hao lực thì sẽ tổn trí, đôi khi chúng kết hợp lại với nhau. Phương pháp làm việc chuyên nghiệp, lịch trình khoa học, giờ giấc quy củ – những thứ đại loại vậy – được thiết kế ra dựa trên sự thật rằng không ai đủ sức để làm việc cả ngày. Thời gian thì ít ỏi, sức lực thì hạn chế, do vậy các kỹ thuật kiểm soát năng suất mới được nghiên cứu để giúp chúng ta làm nhiều hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn, đơn giản là hiệu quả hơn

Những người tôn sùng lối sống làm việc 12-16 tiếng/ngày, rất có thể chỉ như Dickens hay Murakami ngày trước: còn trẻ khoẻ và tài năng, giống như hổ mọc thêm cánh vậy. Những cá nhân xuất chúng như vậy dễ gây cho chúng ta cảm giác rằng họ có một suối nguồn cảm hứng không bao giờ cạn kiệt, có thể tuôn trào bất cứ khi nào họ muốn như có một nút bật tắt; thiên tư tỏa rạng ngời ngời rồi chết trẻ vì lao lực thì chỉ đáng để ta ngưỡng mộ trong niềm xót xa chứ không phải khuôn mẫu để noi theo.

Đến một giai đoạn nào đó, khi sức trẻ đã tàn phai, những việc ta từng xử dễ dàng nay không còn dễ dàng nữa; ấy là một rắc rối to, đặc biệt nếu không chuẩn bị trước. Leo Tolstoy có thể tự hào vỗ ngực vì ông đã làm việc tới 13 tiếng/ngày trong thời gian viết pho tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình; nhưng nếu duy trì năng suất cháy máy như vậy trong suốt cuộc đời, tôi cá là ông sẽ không bao giờ qua được tuổi 60. 

Khi ta trẻ và tài năng, ta giống như có cánh. Ta chỉ mải miết bay cao, cao hơn nữa chứ không thiết tha gì tới việc bay xa được bao nhiêu, lâu chừng nào. Sự thật về năng suất là chẳng có sự thật gì ở đây cả, tất cả đều là những thứ bạn đã biết nhưng vẫn tặc lưỡi bỏ qua: mọi người thường bỏ qua yếu tố thời gian khi đo đạc năng suất. Câu hỏi không phải là “Làm thế nào để trở nên năng suất hơn?” mà là “Làm thế nào để giữ năng suất ổn định hơn?”.