Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Quảng trường Thời đại nhộn nhịp trở lại khi ngài thị trưởng La Guardia thông báo Nhật Bản đã đầu hàng vô điều kiện trước phe Đồng minh, chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Dòng người đổ ra đường ăn mừng chiến thắng, hòa chung không khí ngày hòa bình trở lại trên mảnh đất này. Vì vậy, ngày 14 và 15 tháng 8 còn được gọi là ngày V-J (V-J Day: Victory over Japan Day). 

Được chụp bởi Alfred Eisenstaedt tại New York trong không khí nhộn nhịp ngày hôm đó, bức ảnh The Kiss làm ngưng đọng khoảnh khắc mang tính biểu tượng khi một thủy thủ hôn một cô y tá trên Quảng trường Thời đại. Bức ảnh trở nên phổ biến khi được đăng tải trên tạp chí Life, là một minh chứng điển hình về sức mạnh của nhiếp ảnh đường phố trong thực tế. 

Một tuần sau, nó được đăng tải trên tạp chí Life và sớm trở thành một hiện tượng nhiếp ảnh bấy giờ. Tới nay, The Kiss được xem là một bức ảnh mang tính biểu tượng, đánh dấu một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử nước Mỹ.

Tâm sự của tác giả 

Trong cuốn Eisenstaedt on Eisenstaedt, Eisenstaedt có bộc bạch vài lời về cái ngày định mệnh ấy như sau: 

“Ở Quảng trường Thời đại trong thời khắc lịch sử ấy, tôi bị thu hút bởi một chàng thủy thủ trẻ đang rong ruổi khắp con phố, chộp lấy bất cứ cô gái nào trong tầm với anh ta. Dù đó là một người bà, da màu, gầy, không bận tâm. 

Tôi chạy theo anh ta với chiếc Leica trên tay, vừa ngắm nhìn lại những bức ảnh. Chưa có tấm nào ổn cả. Thế rồi bất ngờ, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi thấy anh ta chộp lấy một cô nàng trong bộ đồ trắng toát. 

Tôi đã không bỏ lỡ giây phút quyết định ấy – khi cặp đôi đó trao nhau nụ hôn. Nếu cô ấy diện một bộ đồ đen, tôi sẽ không bao giờ bấm máy. Nếu anh ta mặc một bộ đồng phục trắng, tôi cũng sẽ không. Tôi chụp chính xác bốn tấm. Trong vài giây ngắn ngủi.

Chỉ có một tấm là hoàn hảo, cả về bố cục lẫn độ tương phản. Người ta vẫn thường nói với tôi khi tôi yên nghỉ trên Thiên đường họ vẫn sẽ nhớ bức ảnh này”. 

The Kiss đã nổi tiếng tới mức trở thành một biểu tượng văn hóa chỉ sau một đêm. Cũng phải dành lời khen ngợi cho chính Eisenstaedt khi ông đã thiết lập bản quyền của mình với tấm ảnh và chỉ cho phép phát hành một số lượng bản sao nhất định. 

The Great Compositions of Photographer Alfred Eisenstaedt | PetaPixel
Phân tích bố cục của bức ảnh nổi tiếng 

The Kiss của Eisenstaedt cũng là một minh chứng điển hình cho thủ pháp khoảnh khắc quyết định trong nhiếp ảnh. Nó mang lại cảm giác đam mê, sống động và khiến người xem như chìm đắm vào không gian đó. Sự tương phản trắng – đen giữa bộ đồng phục của người thủy thủ và nữ y tá, cái nhìn đầy bối rối cùng những nụ cười khúc khích của người xung quanh càng làm cho bức ảnh này thêm ấn tượng.  

Danh tính của cặp đôi The Kiss 

Vào ngày 14 tháng 8 năm 1945, Greta Zimmer Friedman – một nữ y tá 21 tuổi sau khi vừa đặt chân tới văn phòng thì nghe tin: Nhật Bản đã đầu hàng và Thế chiến II sắp kết thúc. 

Trong thời khắc trọng đại ấy, không ai còn tâm trí làm việc cả. Mọi người đổ xô ra đường và hò reo ăn mừng chiến thắng. Greta bước ra ngoài, lang thang ở Quảng trường Thời đại thì một thủy thủ đi ngang qua bất ngờ ôm cô vào lòng và họ trao nhau một nụ hôn nồng thắm. 

“Tôi không thấy anh ta đến gần, và trước khi tôi biết điều đó thì tôi đã nằm trong tầm kiểm soát của anh ta rồi”, cô chia sẻ với CBS News trong một cuộc phỏng vấn năm 2012. “Nụ hôn kia không phải lựa chọn của tôi. Anh chàng vừa đi tới và chộp lấy. Người đàn ông đó rất mạnh mẽ. Tôi không hôn anh ta. Anh ta đang hôn tôi”. 

Chàng thủy thủ kia là George Mendonsa, 22 tuổi ở Newport, Rhode Island. Anh ấy đang rời tàu USS The Sullivans (DD-537) và đang xem phim cùng hôn thê của mình, Rita tại Radio City Music Hall thì cánh cửa mở ra và mọi người bắt đầu la hét rằng chiến tranh đã kết thúc. 

Greta Friedman, the nurse from the iconic photo of WWII dies at 92 –  Inspirations | Essential Home
George Mendonsa và Greta Zimmer Friedman 

George và Rita quyết định xuống phố. Quá vui mừng, anh ôm chầm lấy tất cả mọi người phụ nữ anh bắt gặp. Và Greta là một trong số đó. “Hôm đó tôi đã uống khá nhiều rượu và tôi cứ ngỡ cô ấy là một người lính”. 

Tuy nhiên sau khi biết được câu chuyện nằm sau tấm ảnh nổi tiếng này, người ta bắt đầu nghĩ rằng truyền thông đã bóp méo sự thật và họ đã bị lừa gạt bấy lâu nay. 

Những tranh cãi xung quanh bức ảnh huyền thoại 

Ban đầu, mọi người nhìn nhận bức ảnh như một khoảnh khắc tượng trưng cho lễ kỷ niệm Ngày VJ. Người thủy thủ đại diện cho những người lính trên tiền tuyến đã trở về, trong khi cô ý tá đại diện cho những người phụ nữ ở hậu phương chào đón họ trở về nhà và Quảng trường Thời đại tượng trưng cho quê hương. 

Tuy nhiên đó là những năm 50 của thế kỷ trước. Theo lời nữ y tá trong bức ảnh – Friedman thì đó hoàn toàn là một nụ hôn mang tính cưỡng ép. Thời điểm Friedman chia sẻ câu chuyện đó với báo chí là vào những năm 2010, lúc này phụ nữ ít nhiều đã có tiếng nói hơn trong xã hội. 

Các blogger bắt đầu coi bức ảnh là tài liệu về một dạng tấn công tình dục được bình thường hóa. Ngày nay bạn hoàn toàn có thể ngồi tù nếu vớ bừa một cô mà hôn giữa ban ngày ban mặt như thế. 

Kết hợp với biểu cảm bối rối của một số nhân chứng ngoài cuộc và việc người thủy thủ nắm chặt y tá, tình huống này được mô tả là biểu tượng của thời kỳ phụ nữ “phục tùng đàn ông”, hay tệ hơn là cổ xúy việc xâm hại tình dục phụ nữ.

Friedman rõ ràng đã bị cưỡng hôn bởi một người đàn ông xa lạ, thậm chí còn có vợ đi cùng. Thế nhưng công chúng nhìn nhận nó như một biểu tượng của chiến thắng, một khoảnh khắc niềm vui gắn kết con người với nhau. 

Khi được hỏi về vấn đề này, chủ nhân của bức ảnh – ông Eisenstaedt nói ông hoàn toàn không nghĩ tới khía cạnh đó khi bấm máy. Với ông, đó đơn giản là một khoảnh khắc tuyệt vời trong một thời khắc tuyệt vời.

Vài nét về nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt 

Alfred Eisenstaedt là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ gốc Do Thái, thuộc thế hệ những người tiên phong thể loại nhiếp ảnh đường phố. Các tác phẩm của ông, nhiều trong số chúng là cho tạp chí Life đã gián tiếp khẳng định vai trò quan trọng và ảnh hưởng của ông trong lịch sử phát triển nhiếp ảnh. 

Eisenstaedt là một trong số những người châu Âu đi tiên phong trong việc sử dụng máy ảnh 35mm trong phóng sự ảnh khi họ mang kiến ​​thức của mình đến các ấn phẩm của Mỹ sau Thế chiến I. 

Là một người theo chủ nghĩa tổng quát, Eisenstaedt không gắn bó với một lọai sự kiện hay khu vực địa lý cụ thể nào. Ông đi bất cứ đâu, chụp bất cứ thứ gì, vào bất cứ lúc nào ông muốn. 

Alfred Eisenstaedt | Widewalls
Nếu bạn không biết thì Eisenstaedt chính là người chụp bức ảnh Albert Einstein lè lưỡi đó! 

Eisenstaedt có tài năng trong việc đóng băng các khoảnh khắc quyết định về bất kỳ tình huống hoặc sự kiện nào. Hơn 30 năm gắn bó với tạp chí Life, ông luôn được lòng các biên tập viên bởi con mắt tinh tường, sự nhạy bén và tính thẩm mỹ cao. 

The Kiss là tác phẩm nổi tiếng nhất trong suốt sự nghiệp cầm máy của Alfred Eisenstaedt. Ngày 11 tháng 8 năm 2005, 60 năm sau khi nụ hôn kia được “đóng băng”, Quảng trường Thời đại bỗng xuất hiện một bức tượng nhằm tôn vinh khoảnh khắc lịch sử ấy. 

Được trao giải vô số lần, “bậc thầy nhiếp ảnh” Eisenstaedt vẫn miệt mài làm việc cho tới khi lâm chung vào năm 1995.