Ở kịch bản xấu, những người thận trọng hoàn toàn có lý do lo ngại về khả năng tăng trưởng của Tiki nhìn vào con số tài chính. Nhưng ở kịch bản tích cực, những người lạc quan sẽ cảm nhận được một luồng gió mới từ việc tái cơ cấu bộ máy lãnh đạo. 

Chân dung Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập Tiki (nguồn: Vietnamnet)

Thuyền trưởng đã rời tàu 

Năm 2010, Trần Ngọc Thái Sơn thành lập Tiki với số vốn 5.000 đô la (118 triệu đồng tại thời điểm đó), lấy nhà để xe của gia đình làm kho, văn phòng đặt ngay trong phòng ngủ. 

Khởi đầu khiêm tốn của anh Sơn làm tôi nhớ đến câu chuyện của Steve Jobs. Jobs cũng bắt đầu kinh doanh từ gara của gia đình rồi trở thành một trong những tượng đài công nghệ vĩ đại nhất mà Thung lũng Silicon từng sản sinh ra. 

Không như Jobs có sự giúp đỡ của anh bạn Steve Wozniak, Trần Ngọc Thái Sơn đã gây dựng nên Tiki một mình – không cộng sự, không có sự hậu thuẫn của gia đình. Anh từng đùa “cha làm nhà báo, mẹ làm nhà giáo mà nhà báo cộng nhà giáo là nhà nghèo.” 

Mê đọc sách, ban đầu anh Sơn khởi tạo Tiki (viết tắt của TÌM KIẾM – TIẾT KIỆM) như một nhà sách online rồi mở rộng ra nhiều ngành hàng khác. Một lần nữa, tôi thấy loáng thoáng câu chuyện của Jeff Bezos cùng gã khổng lồ Amazon đâu đây. 

Anh Sơn trong những ngày đầu của Tiki 

Những năm gần đây, “Amazon Việt Nam” đang trên đà tụt dốc không phanh. Mới 13/7 vừa qua, tờ Deal Street Asia đưa tin anh Thái Sơn – nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Tiki, đã từ chức. 

Tin tức này có thể gây shock với nhiều người, nhưng chắc chắn không phải với những người đã theo dõi Tiki từ những bước đi đầu tiên.

Họ, hơn ai hết, biết những khó khăn mà Tiki đã và đang trải qua. 

Cuộc sáp nhập “hụt” với Sendo 

Được kỳ vọng là cuộc sáp nhập lớn nhất trong lịch sử công nghệ Việt Nam, thế nhưng Tiki và Sendo lại “đường ai nấy đi” sau thất bại trên bàn đàm phán. 

Tiki và Sendo vẫn được xem là hai gã “nhà nghèo” trong thị trường thương mại điện tử nước ta. Không có nền tảng tài chính vững chắc như Shopee (công ty con của Sea Group) và Lazada (công ty con của Alibaba), đường lối khả thi nhất là một cuộc sáp nhập để “hợp sức” chống lại “giặc ngoại xâm”. 

Tin tức tràn ngập khắp mặt báo, nhân viên Sendo đã gói ghém đồ đạc xong xuôi để dọn sang văn phòng Tiki, cuối cùng Tiki và Sendo lại không thể chung hội chung thuyền. 

Theo một vài nguồn đáng tin cậy, nguyên nhân được đưa ra là do các cổ đông không đồng ý với các điều khoản trong hợp đồng. Nguồn khác lại cho rằng nguyên nhân lớn nhất là do thương vụ diễn ra vào đúng thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành, đường lối của Tiki và Sendo đang khác xa nhau. 

Mọi kỳ vọng chợt tan biến và như thực tế đã chứng minh, sau đó là cả một thời kỳ trượt dài của cả Tiki lẫn Sendo. 

Xét riêng Tiki, dù kêu gọi đầu tư thành công nhưng chừng đó vẫn là không đủ để bắt kịp công nghệ với Shopee hay Lazada. Khâu vận hành của doanh nghiệp cũng xảy ra lục đục, chiết khấu với các nhà buôn ít hơn đối thủ và ít phiếu giảm giá hơn, đó là những phản hồi phổ biến nhất của người dùng về Tiki. 

Đứng trước tình cảnh này, chính anh Sơn cũng thừa nhận sự bế tắc mà mình lẫn Tiki đang gặp phải.

 

"Khách hàng thích dịch vụ nhưng không muốn trả tiền cho nó. Giữa việc giao ngay trong 24 giờ và đợi tới 48 giờ, họ không thấy sự khác biệt.”

— Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập Tiki phát biểu.  

 

Sự ra mắt của TikiNow tưởng như đã tháo gỡ thế khó đó nhưng cũng chẳng được bao lâu, Tiki lại lâm vào bế tắc lần nữa bởi vấn đề muôn thuở tại các doanh nghiệp Việt Nam: thiếu hụt người tài. Năng lực của đội ngũ kỹ sư Tiki, hay nói thẳng ra là nền tảng công nghệ, không thể nào bắt kịp xu thế thị trường. 

Tiki khát nhân tài? 

Ngay từ những ngày đầu, anh Sơn xác định rõ mình phải tìm những người giỏi hơn mình để họ giúp điều hành công ty. Dù vậy, Tiki không gặp may lắm trên hành trình này. 

Kỹ sư công nghệ ở Việt Nam rất giỏi, nhưng theo anh Sơn, đa số họ chưa có kinh nghiệm giải quyết những vấn đề lớn, mang tầm chiến lược của công ty. 

“Chiến lược khó đến mấy mà có người giỏi thực hiện đều sẽ suôn sẻ. Nhân tài luôn là vấn đề khó đối với Tiki, từ khi bắt đầu đến bây giờ", nhà sáng lập Tiki thừa nhận. 

Tiki không phải cái doanh nghiệp duy nhất phải đau đầu vì bài toán săn tìm nhân tài ở Việt Nam ta. Theo số liệu Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số công bố vào tháng 8/2022, về chất lượng của đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin, chỉ có khoảng 30% kỹ sư, cử nhân mới ra trường đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc. 

Lựa chọn duy nhất mà Tiki có là thuê những người giỏi từ nước ngoài, hoặc những người từng có kinh nghiệm chinh chiến cùng các tập đoàn lớn. Cũng phải thôi, vì Tiki giờ đâu còn là một tiệm sách online nữa.. 

Vị khách không mời mà tới 

Trong khi Lazada, Tiki và Sendo còn đang ngậm ngùi nhìn Shopee ngấu nghiến từng miếng bánh thị phần, một “vị khách không mời” bỗng dưng xuất hiện và nhanh chóng nhập làn. Lúc này, cuộc đua vốn đã khốc liệt nay càng khốc liệt hơn bao giờ hết. 

Vị khách không mời mà tới đó là TikTok Shop, chợ thương mại điện tử được TikTok ra mắt vào năm 2022. 

Theo báo cáo cuối năm 2022 của Metric, chưa đầy một năm ra mắt, TikTok Shop đã vượt qua Sendo, Tiki vươn lên vị trí thứ ba trong thị trường TMĐT và trở thành “cái gai” trong mắt các ông lớn. 

Thị phần doanh thu các sàn thương mại điện tử trong Quý I/2023 (nguồn: Metric.vn) 

"Mức doanh thu trong 1 tháng của TikTok Shop hiện tại đã tương đương 80% doanh thu cùng kỳ của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki. Trung bình mỗi ngày TikTok Shop đạt mức doanh thu 56,6 tỷ đồng và 434.000 sản phẩm được bán ra, giá trị trung bình mỗi sản phẩm là 130.000 đồng. Đây là các con số ấn tượng mà những sàn TMĐT khác phải mất nhiều năm mới xây dựng được", Metric nhận định.

Tất nhiên, TikTok Shop còn khá “trẻ” và không có năng lực đầu cuối mạnh mẽ như Shopee hay Lazada – từ lâu đã đầu tư triệt để logistics để cải thiện khâu vận chuyển giao hàng. Nhưng với lợi thế đi sau, TikTok Shop đã rút ra  nhiều bài học mà các ông lớn phải đổ rất nhiều tiền mới có được.

Theo CNBC nhận định, TikTok Shop sẽ phải mất một thời gian dài mới hy vọng đuổi kịp Shopee, nhưng Lazada thì khác. Cuộc đua lúc này trở thành màn so găng tranh hạng nhì. 

Như vậy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam bỗng chốc hóa thành sàn đấu cho các ngoại binh, còn các nội binh như Sendo, Tiki sớm bị vượt mặt và khoảng cách nay càng được nới rộng thêm. 

Tổng kết 

Việc anh Sơn từ chức sẽ không có gì đáng bàn luận nếu Tiki vẫn duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, những con số về tình hình kinh doanh gần đây của công ty đã tiết lộ sức khỏe không mấy khả quan. 

Việc kinh doanh đi xuống của Tiki cùng với việc linh hồn của startup là founder Trần Ngọc Thái Sơn có thể từ chức, đã dấy lên lo ngại về tương lai cho startup này. Nhưng thực tế, trên thương trường không hiếm chuyện nhà sáng lập rời khỏi vị trí giám đốc điều hành. 

Và cũng nên nhớ Tiki đã không dưới 4 lần “chết hụt”, nhưng vẫn kiên cường trụ lại đến bây giờ, sau hơn một thập kỷ chiến đấu với các gã khổng lồ ngoại quốc. 

Vì vậy, vẫn có lý do để ta có thể hy vọng Tiki vùng dậy. 

Còn nước là còn tát. 

Các bài viết cùng chuyên mục 

#1. William Wrigley Jr: Người Đàn Ông Với Những Ý TƯỞNG LỚN Đi Trước Thời Đại. Wrigley không phát minh ra kẹo cao su. Ông cũng chẳng sản xuất chúng, đối tác lo chuyện đó. Việc của ông là bán kẹo cao su, và ông đưa nó lên tầm thượng hạng.

#2. Làm Thế Nào Một Thương Hiệu Lốp Xe Được Xem Là Nhà Phê Bình Ẩm Thực Lớn Nhất Thế Giới? Gordon Ramsay bị tước mất 2 sao Michelin và ông cảm thấy như "mất đi người bạn gái".

#3. Henry Ford: 5 Bài Học Để Tư Duy Khác Biệt Như Ông Vua Xe Hơi Mỹ. Câu chuyện của Henry Ford ẩn chứa nhiều bài học kinh doanh đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và được nhiều doanh nhân học tập theo. Nhưng chỉ bắt chước người hùng thôi là chưa đủ, chúng ta còn muốn nghĩ được như anh ta nữa. Và nếu bạn tò mò muốn biết người hùng Henry Ford đã tư duy khác biệt ra sao, bài viết này dành cho bạn. 

#4. Cuộc Đời Vua Dầu Mỏ John D. Rockefeller (Phần 1): Nỗi Ám Ảnh Với Tiền Bạc. Là “một trong hai người quan trọng nhất đóng góp cho việc kiến thiết thế giới hiện đại” như lời triết gia Bertrand Russell, thế nhưng gần như cả cuộc đời, tỷ phú dầu mỏ John Rockefeller lại bị coi như kẻ phản diện vĩ đại nhất trong giới kinh doanh mà nước Mỹ đã tạo ra. 

#5. Thất Bại Của Kodak: Sự Lụi Tàn Của Một Đế Chế Nhiếp Ảnh. Nắm giữ một loạt ưu thế đó trong suốt gần như toàn bộ thế kỷ 20, nhưng một loạt các quyết định sai lầm đã khiến đế chế máy ảnh Kodak lụi bại và thành công của họ dần trôi vào dĩ vãng. Điều gì đã xảy ra? Và bạn có thể học được gì từ thất bại này? 

#6. Leica: Màn Hồi Sinh Ngoạn Mục Từ Thương Hiệu Máy Ảnh Đẳng Cấp Bậc Nhất. Bài học thất bại của Leica không phải chỉ là của riêng đối với thương hiệu này mà thấy cả ở rất nhiều thương hiệu khác trong thế giới thương hiệu. Nhưng bài học thành công của nó thì không giống ở đâu khác, không lẫn đi đâu được và cũng không dễ bắt chước.