Không có một điệp viên nào—và có lẽ là không một nhân vật văn học nào—nổi tiếng hơn James “007” Bond, người mà chỉ cái tên đã mang tính biểu tượng lớn lao, sánh ngang với các Sherlock Holmes, Hercules Poirot, v.v… 

Vào tháng Năm năm 1963, một năm sau khi cha đẻ của Bond, Ian Fleming, qua đời, một bài tiểu luận ngắn với tựa đề “How to Write a Thriller” xuất hiện trên Books and Bookmen. Đúng như tựa đề của nó, tiểu luận là lời tự sự của Fleming, hoặc đúng hơn, là những lời khuyên mà ông dành tặng tới những nhà văn tham vọng viết nên những câu chuyện ly kỳ. Tuy nhiên, dựa trên những gì Fleming đã chia sẻ, tôi tin không chỉ những nhà văn mới cần tới bài viết này mà, nói rộng ra, là tất thảy những nhà sáng tạo. 

Dưới đây là bản dịch của tôi. Tôi thừa nhận đã cắt xén một vài phân đoạn lê thê dễ khiến bạn lạc khỏi chủ đề chính; nhưng nhìn chung, tôi tin nó vẫn có thể được coi là một bản dịch tương đối, bất chấp sự bất hoàn chỉnh của nó. 

Ian Lancaster Fleming (1908 - 1964), nhà báo, nhà văn Anh, cựu chiến sĩ hải quân trong Thế chiến II. Ông được biết đến nhiều nhất như "cha đẻ" của điệp viên 007 James Bond.

“How to Write a Thriller”, Ian Fleming (1963) 

Nghề viết truyện ly kỳ tinh vi gần như đã chết. Các nhà văn dường như thấy xấu hổ khi tạo ra những anh hùng da trắng, nhân vật phản diện da đen, và các nữ anh hùng mang một sắc hồng tinh tế. 

Tôi không phải một thanh niên cáu kỉnh, hay kể cả một lão trung niên. Tôi không “tham gia”. Các cuốn sách của tôi không “hứa hẹn”. Tôi không truyền tải thông điệp về nỗi thống khổ của nhân loại và, mặc dù tôi từng bị bắt nạt ở trường và mất trinh như rất nhiều người chúng ta từng làm trong những ngày xưa, tôi chưa bao giờ bị cám dỗ để áp đặt những thứ này và những trải nghiệm đớn đau khác của bản thân lên công chúng. Truyện của tôi không nhằm mục đích thay đổi con người hay khiến họ ra ngoài và làm gì đó. Chúng được viết trên tàu hoả, máy bay và giường ngủ, gửi tới những người dị tính với bầu máu nóng trong huyết quản. 

Tôi có một người họ hàng duyên dáng, một nhà văn trẻ có số má nhưng đầy giận dữ. Anh ấy phát điên bởi thực tế là nhiều người đọc sách của tôi hơn của anh. Cách đây không lâu, chúng tôi đã trao đổi thân tình về chủ đề này và tôi đã cố gắng xoa dịu cái tôi sôi sục đó bằng cách thừa nhận mục đích nghệ thuật của anh cao thượng hơn tôi rất nhiều.

Anh chàng từng tham gia vào “The Shakespeare Stakes.” Những cuốn sách của anh nhắm tới cái đầu biết thường thức và ở một mức độ nào đó, trái tim. Mục tiêu những cuốn sách của tôi, tôi nói, ngụ đâu đó giữa búi mặt trời và, đùi trên. Những lời nhận xét hạ cố này xem chừng không xoa dịu cho lắm và cuối cùng, với một chút thiếu kiên nhẫn và có thể với thứ gì đó của ánh nhìn châm biếm trong mắt tôi, tôi hỏi anh rằng anh tự miêu tả bản thân trong hộ chiếu như thế nào.

“Tôi cá anh tự gọi bản thân là một Tác giả,” tôi nói. Anh lưỡng lự gật đầu, có lẽ bởi đã đánh hơi thấy mùi châm biếm trước đó. “Vậy đấy,” tôi nói. “Chà, tôi thì nhận mình là một Thợ viết. Chúng ta có các tác giả và hoạ sĩ, và cũng có những thợ viết và thợ vẽ.” 

Thái độ khá cay nghiệt này đã khiến chàng trai trẻ trở nên giận dữ hơn bao giờ hết và tôi không gặp lại anh nhiều như tôi đã từng nữa. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là nếu bạn quyết định trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, nói rộng ra, bạn phải quyết định xem bạn muốn viết vì danh tiếng, vì niềm vui hay vì tiền. Tôi không hổ thẹn để thừa nhận rằng tôi viết vì niềm vui và tiền bạc. 

Được rồi, vậy là chúng ta đã quyết định viết để kiếm tiền và hướng tới những tiêu chuẩn nhất định trong bài viết của mình. Những tiêu chuẩn này sẽ bao gồm một phong cách văn xuôi tự nhiên, ngữ pháp thông thường và tính nhất quán xuyên suốt trong câu chuyện của chúng ta. 

Nhưng những phẩm chất này sẽ không tạo nên một best-seller. Ở đây chỉ có một công thức duy nhất cho một best-seller và nó rất đơn giản. Bạn phải khiến người đọc lật trang. 

Nếu nhìn lại những cuốn sách bán chạy nhất từng đọc, bạn sẽ thấy rằng tất cả chúng đều có phẩm chất này. Bạn chỉ cần lật trang. 

Tuyệt đối không can thiệp vào động lực thiết yếu này của câu chuyện. Đó là lý do tại sao tôi nói văn xuôi của bạn phải đơn giản và bớt cứng nhắc. Bạn không thể nán lại quá lâu ở những đoạn văn miêu tả. 

Ở đây không cho phép sự phức tạp về tên gọi, mối quan hệ, hành trình hoặc bối cảnh địa lý - chúng khiến độc giả nhầm lẫn và khó chịu. Nhân vật không bao giờ được tự hỏi mình “Tôi đang ở đâu? Người này là ai? Tất cả đang làm cái quái gì vậy?” Trên hết, những đoạn văn lan man về việc người anh hùng than vãn về số phận bất hạnh của mình không thể xuất hiện. Bằng mọi cách, hãy dàn cảnh hoặc làm sáng tỏ các đặc điểm của nữ chính thật đáng yêu tuỳ thích, nhưng khi làm vậy, mỗi từ viết ra phải gây hứng thú hoặc kích thích người đọc trước khi mạch truyện tiếp tục. 

Tôi thú nhận rằng tôi thường phạm tội nặng nề về mặt này. Tôi bị kích thích bởi chất thơ của sự vật, và nhịp độ các câu chuyện của tôi đôi khi phải gánh hậu quả trong lúc tôi tóm cổ người đọc và nhét đầy họng y những thứ mà tôi tin rằng sẽ thu hút y, đồng thời lắc mạnh y và hét lên “Như thế này này, đồ chết tiệt!” về một điều gì đó hấp dẫn tôi. Nhưng đây là một sai lầm đáng buồn, và tôi phải thú nhận rằng ở một trong những cuốn sách của tôi, Goldfingers, ba chương liền được viết chỉ để nói về một ván golf. 

Được rồi, sau khi đã đạt được phong cách của một anh thợ viết và nhịp độ tường thuật cần thiết, chúng ta sẽ đưa gì vào cuốn sách—hay nói cách khác, các thành phần của một câu chuyện ly kỳ là gì? 

Tóm lại, bất cứ thứ gì có thể kích thích bất kỳ giác quan nào của con người – hoàn toàn là bất cứ thứ gì. 

Về khoản này, đóng góp của tôi cho nghệ thuật viết truyện ly kỳ là nỗ lực kích thích người đọc hoàn toàn, kể cả vị giác của họ. Chẳng hạn, tôi chưa bao giờ hiểu tại sao các nhân vật trong sách phải ăn những bữa sơ sài và ảm đạm tới vậy. Những người hùng Anh Quốc dường như sống nhờ trà và bia, và khi họ có một bữa thịnh soạn, chúng ta không bao giờ nói gồm những gì. Cá nhân tôi không thuộc hạng sành ăn và tôi ghê tởm việc nhấm nháp rượu vang khi ăn. Món yêu thích của tôi là trứng bác. Trong bản đánh máy ban đầu của Live and Let Die, tôi để James Bond ăn nhiều trứng bác tới nỗi một biên tập viên tinh tường cho rằng lối sống cứng nhắc này hẳn đang trở thành một rủi ro an ninh với Bond. Nếu anh ta bị bám đuôi thì cái đuôi chỉ cần phi vào nhà hàng và hỏi “Ở đây có gã nào vừa ăn trứng bác à?” để biết mình có đang đi đúng hướng hay không. Vì vậy, tôi đã phải soát lại để thay đổi thực đơn. 

Nó chắc hẳn sẽ lôi cuốn người đọc hơn nếu thay vì viết “Anh ấy nấu một bữa qua loa ở Plat du Jour - bánh và rau củ tuyệt vời, sau đó là đồ ăn vặt tự làm” thì bạn viết “Theo bản năng, vốn chẳng tin tưởng gì các Plats du Jour, anh ấy đã gọi bốn quả trứng rán chín cả hai mặt, bánh mì nướng phết bơ nóng và một tách cà phê đen lớn.” Không có sự khác biệt về giá ở đây, nhưng cần lưu ý những điểm sau: thứ nhất, tất cả chúng ta đều thích đồ ăn sáng hơn đồ ăn cho bữa trưa và bữa tối; thứ hai, Bond là một nhân vật độc lập, biết mình muốn gì và đạt được nó; thứ ba, bốn quả trứng rán mang đúng chất bữa ăn của đàn ông thực thụ và, trong trí tưởng tượng của chúng ta, một tách cà phê đen lớn sẽ khơi gợi vị giác triệt để sau món trứng béo ngậy và bánh mì nướng phết bơ nóng hổi. 

Điều tôi hướng tới là một chủ nghĩa ngoại lai có kỷ luật nhất định. Tôi chưa đọc lại bất kỳ cuốn sách nào của mình để xem liệu điều này liệu có hợp lý khi xem xét kỹ lưỡng hay không, nhưng tôi nghĩ bạn sẽ thấy rằng ánh dương kia luôn rọi sáng trên trang sách của tôi – một trạng thái nâng cao tinh thần của độc giả theo lối khá tinh tế – rằng hầu hết các bối cảnh tôi viết ra đều thú vị và dễ chịu, đưa người đọc chu du khắp chốn trên thế giới, và nói chung, tính chất khoái lạc mạnh mẽ luôn hiện diện để bù đắp cho khía cạnh nghiệt ngã trong những cuộc phiêu lưu của Bond. Có thể, điều này “làm hài lòng” người đọc. 

Tới đây, hãy cho tôi nán lại một chút để đảm bảo với bạn rằng, mặc dù tất cả những điều này nghe thật xảo quyệt, nhưng chỉ nhờ nỗ lực mổ xẻ sự thành công của những cuốn sách của tôi nhằm phục vụ mục đích cho bài tiểu luận này mà tôi mới đi đến những kết luận đó. Trên thực tế, tôi viết về những gì làm hài lòng và hấp dẫn chính tôi. 

Chà, có vẻ tôi đang tiến hành rất tốt việc phân tách tác phẩm của mình thành từng mảnh, vì vậy chúng ta có thể đào sâu hơn nữa. 

Mọi người thường hỏi tôi: “Làm sao ông có thể nghĩ ra điều đó? Ông hẳn phải có một trí óc phi thường (hoặc đôi khi cực kỳ bẩn thỉu). 

Tôi dĩ nhiên có trí tưởng tượng sống động, nhưng tôi không thấy có gì kỳ quặc ở đây. Tất cả chúng ta đều trưởng thành qua những thiên truyện cổ tích, những cuộc phiêu lưu và những câu chuyện ma quái trong 20 năm đầu đời, và điểm khác biệt duy nhất giữa tôi và bạn có lẽ là trí tưởng tượng của tôi giúp tôi kiếm ra tiền. Tuy nhiên, quay lại cuốn sách đầu tiên của tôi, Casino Royale, có những tình tiết chân thực trong cuốn sách thực tế đều xuất phát từ trải nghiệm cá nhân. Tôi trích xuất từ ký ức thời chiến của mình ở Phòng Tình báo Hải quân của Bộ Hải quân, tô điểm chúng, gắn cho chúng những nhân vật, thế là cuốn sách ra đời. 

Ví dụ như phân đoạn James Bond đánh poker với Le Chiffre, điều này bật ra trong tâm trí tôi từ sự việc sau đây. Tôi và sếp của tôi, Giám đốc Tình báo Hải quân – Đô đốc Godfrey – diện thường phục, bay tới Washington vào năm 1941 để đàm phán kín với Văn phòng Hải quân Hoa Kỳ, trước khi Mỹ tham chiến. Phi cơ của chúng tôi hạ cánh xuống Lisbon để nghỉ qua đêm, và những bằng hữu đã kể về việc Lisbon đang rình rập các đặc vụ Đức như thế nào. Gã cầm đầu và hai tên trợ lý đánh bạc hàng đêm trong sòng bạc ở Estoril lân cận. Tôi nói với DNI rằng tôi và anh nên thám thính đôi chút. Chúng tôi đi và có ba người đàn ông đang chơi ở bàn chemin de fer cao. Sau đó, ý tưởng kỳ diệu bật ra là tôi sẽ ngồi xuống đánh bạc với những người này và đánh bại họ, từ đó làm giảm ngân sách của Cơ quan Mật vụ Đức. 

Hoặc giả dụ như cảnh tra tấn. Những gì tôi mô tả trong Casino Royale là một phiên bản nhẹ nhàng hơn của kiểu tra tấn Pháp-Maroc được gọi là passer á la mandoline, mà một số đặc vụ của chúng tôi không may mắn phải nếm trải. 

Bạn thấy đấy, ranh giới giữa hiện thực và hư cấu là rất mong manh. Tôi nghĩ tôi có thể theo dấu hầu hết các sự kiện trung tâm trong sách của mình để khẳng định nguồn gốc của nó là từ đời sống mà ra. 

Giờ thì, chúng ta đã đi tới chặng cuối và khó nhằn nhất trong việc viết một cuốn sách ly kỳ. Bạn phải lường trước những điều ly kỳ trước khi viết ra chúng. Chỉ tưởng tượng thôi là chưa đủ, nhưng những câu chuyện nghe được từ bạn bè hoặc đọc trên báo có thể được bồi đắp bằng trí tưởng tượng phong phú, cũng như một nỗ lực nghiên cứu và tham khảo tài liệu nhất định. 

Sau khi áp dụng tất cả những lời khuyên đáng khích lệ này, trái tim bạn vẫn sẽ dao động trước đòi hỏi thể chất khi viết lách, ngay cả với một cuốn sách ly kỳ. Tôi nồng nhiệt cảm thông với bạn. Tôi cũng vậy, thật lười biếng. Trái tim tôi chùng xuống khi ngắm nhìn hai hoặc ba trăm tờ giấy ngu ngốc mà tôi phải gạch xoá tứ tung những từ ngữ được chọn lọc kỹ lưỡng để tạo ra một cuốn sách 60.000 từ. 

Trong trường hợp của tôi, một trong những điều cần thiết đầu tiên là tạo ra một khoảng trống trong cuộc sống mà chỉ có thể được lấp đầy bằng các dạng thức sáng tạo, bất kể là viết, vẽ, điêu khắc, sáng tác hay đơn giản là làm một chiếc xuồng. Tôi may mắn về khoản này. Tôi xây một ngôi nhà nhỏ ở bờ biển phía Bắc Jamaica vào năm 1946 và thu xếp cuộc sống của mình để có thể dành ít nhất hai tháng mùa đông ở đó.

Trong sáu năm đầu, tôi có rất nhiều việc phải làm để khám phá Jamaica, làm việc với nhân viên và kết thân với người dân bản địa cũng như kiểm tra tỉ mỉ nhiều thứ. Nhưng đến năm thứ sáu, mọi thứ đã cạn kiệt và tôi chuẩn bị kết hôn – một viễn cảnh khiến tôi kinh hãi và bồn chồn. Để giúp đôi tay nhàn rỗi của mình có việc gì đó để làm, và như một liều thuốc giải tỏa nỗi lo lắng về tình trạng hôn nhân sau 43 năm độc thân, tôi quyết định sẽ ngồi xuống và viết một cuốn sách vào một ngày chết tiệt nào đó.

Liệu pháp đã thành công. Và mặc dù tôi vẫn duy trì viết lách khi ở London, nhưng chính trong những kỳ nghỉ hàng năm tới Jamaica mà tất cả sách của tôi đều ra đời. Tuy nhiên, nếu không có chốn ẩn náu như vậy, tôi có thể đề xuất các phòng khách sạn càng xa “cuộc sống” thường nhật của bạn càng tốt. Sự ẩn dật của bạn trong môi trường buồn tẻ này và việc bạn không có bạn bè cũng như những điều gây xao nhãng ở một địa điểm xa lạ sẽ tạo ra một khoảng trống buộc bạn phải có tâm trạng viết lách và giả dụ nếu ví của bạn nhẵn thín, bạn thậm chí càng có tâm trạng để viết nhanh và có phương pháp hơn nữa. 

Về mặt hành vi viết lách, phương pháp của tôi là thế này. Tôi soạn tất cả trên máy đánh chữ, sử dụng sáu ngón tay. Đánh máy nhàn hơn nhiều so với viết tay và bản thảo ít nhiều cũng sạch sẽ hơn. Điều cần thiết tiếp theo là tuân thủ nghiêm ngặt một thói quen – và ý tôi là nghiêm túc. Tôi viết trong khoảng ba giờ vào buổi sáng – từ khoảng 9 giờ 30 đến 12 giờ 30 – và tôi viết thêm một giờ nữa từ 6 đến 7 giờ tối. Khi kết thúc việc này, tôi tự thưởng cho mình bằng cách đánh số các trang và nhét chúng vào một cặp hồ sơ có thể gập lại. Toàn bộ bốn giờ làm việc hàng ngày này được dành cho việc viết tường thuật. 

Tôi không bao giờ sửa bất cứ điều gì và tôi không bao giờ ngó lại những gì tôi đã viết, cho đến khi tôi tới trang cuối cùng. Bạn chỉ ngoảnh đầu một lần thôi, bạn sẽ lạc lối. Làm sao mày có thể viết ra điều ngớ ngẩn này? Làm sao mày có thể dùng từ “khủng khiếp” sáu lần trên một trang?, v.v… Nếu bạn làm gián đoạn việc viết tường thuật nhanh bằng quá nhiều đấu tranh nội tâm và tự phê bình, viết được 500 từ mỗi ngày là may mắn lắm rồi, nhưng bạn sẽ nhanh thấy chán ghét chúng. 

Bằng cách noi theo công thức của tôi, bạn sẽ viết được 2.000 từ mỗi ngày và không thấy chán ghét chúng cho đến khi cuốn sách hoàn thành, và trong trường hợp của tôi, rơi vào khoảng sáu tuần. 

Tôi thậm chí không ngừng gõ để chọn từ đúng. Tất cả có thể dành lại cho khâu biên tập sau đó. 

Khi cuốn sách của tôi hoàn thành, tôi dành khoảng một tuần để duyệt lại và nhặt bỏ những hạt sạn to nhất cũng như viết lại các đoạn văn. Sau đó tôi đánh máy chính xác các tiêu đề chương và xử lý tất cả việc còn lại của khâu hình thức. Rồi tôi xem lại nó, đánh máy lại những trang tệ nhất và gửi cho nhà xuất bản. 

Nhưng sau tất cả những nỗ lực trên, phần thưởng của việc viết lách, hay viết truyện ly kỳ trong trường hợp của tôi là gì? 

Trước hết, chúng là tài chính. Bạn không kiếm được nhiều từ tiền bản quyền và quyền dịch thuật, v.v., trừ phi bạn rất siêng năng, bạn mới có thể sống nhờ những khoản thu nhập này; nhưng nếu bạn bán bản quyền nhiều kỳ và bản quyền phim, bạn sẽ rất ổn. 

Trên hết, phần thưởng cho việc trở thành một nhà văn tương đối thành công là một cuộc sống tươi đẹp. Bạn không cần phải làm việc mọi lúc và bạn giữ văn phòng của mình trong đầu. Và bạn nhận thức rõ nét hơn về thế giới xung quanh mình. 

Viết khiến bạn trở nên nhạy cảm hơn với môi trường xung quanh và, vì thành phần chính của cuộc sống, mặc dù bạn có thể không nghĩ vậy khi nhìn vào phần lớn mọi người, là được sống. Đây là một tác dụng phụ khá đáng giá của việc viết, ngay cả khi bạn chỉ viết truyện ly kỳ, trong đó nam chính là người da trắng, phản diện là người da đen và nữ chính mang một sắc hồng tinh tế. 

Bài viết gốc: https://lithub.com/ian-fleming-explains-how-to-write-a-thriller/