Mối liên hệ giữa đọc và viết
“Trở thành một phần của văn chương, dẫu có là thành viên khiêm tốn nhất, thấp kém nhất trong vô số những người thực sự dám viết chữ lên giấy và xuất bản chúng, đối với tôi dường như là điều vinh quang nhất mà một người có thể làm.”
- Susan Sontag
Trước khi trở thành một nhà văn, Susan Sontag khẳng định bà là một độc giả cuồng nhiệt. “Tôi có lẽ dành nhiều thời gian đọc hơn bất cứ việc gì trong đời, kể cả ngủ,” bà nói. Tám đến mười tiếng một ngày là thì giờ bà đầu tư cho việc đọc luân phiên, tức đọc trong những lúc rảnh rỗi, xen kẽ giữa công việc này với công việc khác.
Theo Sontag, việc đọc thiết lập những quy chuẩn. Như Stephen King từng nói, “Bạn không thể mong văn chương của mình cuốn được ai đi, trừ khi bạn từng chịu cảnh tương tự.” Cũng theo King, một tác phẩm tồi sẽ dạy bạn nhiều điều hơn một tác phẩm hay, vì đã nếm trải những bút pháp rẻ tiền, câu cú lủng củng,... bạn biết mình cần phải tránh những thứ đó trong sản phẩm của mình.
Điều gì tạo nên một tác phẩm kinh điển?
Đồng ý với quan điểm của Judy Blume cho rằng nhà văn, trước hết, là một nhà quan sát tinh tường, Susan Sontag diễn giải sâu hơn về cách để trở thành một nhà văn.
Trước hết, nhà văn, theo quan điểm xưa cũ, thường là những người hướng nội, thích sống ẩn dật theo nghĩa sát nhất của từ này, tức là không đi chơi, ở nhà cả ngày, cặm cụi viết lách. Nhưng Sontag cho rằng giờ đây, cụm từ “nhà văn” đã bị lạm dụng tới mức bão hoà, bởi giờ đây, bất cứ ai cũng có thể chắp nhặt qua loa vài câu chữ rồi đem xuất bản, và qua đó, tự gọi mình là nhà văn.
Những cuốn sách được xuất bản tràn lan đó không hề xấu, một số thậm chí còn bán đắt như tôm tươi, và, ở cấp độ thấp nhất, vẫn hoàn tất nhiệm vụ căn bản là mua vui cho độc giả, hoặc cao hơn chút, là chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, truyền cảm hứng,... “Văn học chỉ là một phần trăm rất nhỏ của những gì được tạo ra dưới dạng sách,” Sontag nói. Với bà, một cuốn sách nào không đáng đọc hơn năm lần thì không đáng đọc. Tác phẩm kinh điển là những cuốn sách bạn muốn đọc nhiều lần, và, sẵn sàng đọc nhiều lần. Chúng thẩm thấu vào con người bạn, trở thành một phần trong huyết quản, bổ khuyết bạn, hoàn thiện bạn.
Giá trị của việc viết tay trong nền văn hoá kỹ thuật số
J. K. Rowling đã soạn Harry Potter trên một con Macintosh, sử dụng phần mềm Microsoft Words. George R. R. Martin thì cừ khôi hơn, ông gõ máy bản thảo The Song of Ice and Fire trên một phần mềm cổ lỗ sĩ từ đời tám hoánh. Và cả hai đều cho ra những kiệt tác, những áng văn chương kỳ ảo khiến độc giả ngất ngây.
Nhưng Susan Sontag lại thuộc trường phái cổ điển, những nhà văn hết mực trung thành với bản thảo viết tay, giữa thời kỳ kỹ thuật số bùng nổ. “Tôi viết bằng tay và sau đó tôi gõ nó. Nhưng nhất thiết tôi phải viết bản thảo đầu tiên bằng tay,” bà chia sẻ. Lý do cho việc này rất đơn giản: máy tính quá thú vị, do đó, nó là nấm mồ của sự tập trung, vốn rất cần thiết trong sáng tạo.
Sontag nói thêm, viết, giống như hội hoạ, là một công việc thủ công. Đó là một số ít hoạt động nghệ thuật đòi hỏi sự cô độc. Hầu hết các dạng nghệ thuật khác, ít nhiều, đều yêu cầu sự tham gia của mọi người và mang tính hợp tác. Một nhà văn, hay một nghệ sĩ thì khác, tách biệt với phần đông, là một thợ thủ công trong thời đại sản xuất hàng loạt.
Điều kiện để trở thành một nhà văn
Sở dĩ tiêu đề được đặt là “điều kiện để trở thành một nhà văn” thay vì “cách trở thành một nhà văn” bởi, Susan Sontag tin rằng chuyện này không liên quan tới việc ta muốn hay không muốn, mà là ta bị ép buộc trở thành một nhà văn.
Nói đơn giản, một cá nhân không trở thành một nhà văn bởi đó là tâm nguyện của y, mà bởi y không thể làm khác được, viết văn với y cũng cần thiết như thinh không để thở vậy. Vì người ta hoàn toàn có thể viết, như cách ta vẫn làm với vẽ vời, chụp choẹt, tức là cái thú tiêu khiển, hoặc gọi chúng là sở thích. Đâu nhất thiết phải là nhà văn thì mới có thể viết.
Nhưng nếu thực sự muốn sống cuộc đời một nhà văn, Sontag tin rằng đó là “một chế độ nô lệ tự nguyện”. Ta là kẻ tù đày, là kẻ đầy tớ trung thành với tài năng, như Mario Vargas Llosa từng dẫn chứng trường hợp của thiên tài Gustave Flaubert, cam kết với viết lách như một chiến sĩ thập tự chinh, nộp mình ngày đêm cho nó. Nghe thật khổ ải, nhưng cũng thật vinh quang.
Về lịch trình và thói quen làm việc
Sontag thừa nhận rằng “cuộc sống của nhà văn thực sự rất nhàm chán”. Bà đã trung thực, bởi, thức dậy và sột soạt giấy bút cả ngày, cả tối, có khi là cả đêm, thì có gì là thú vị? Bà từng chia sẻ rằng bà yêu cầu khách khứa không được đến vào buổi sáng, đương lúc bà đang viết lách, giống như những gì Leo Tolstoy từng làm, dẫu việc đó có thể khiến họ chịu vài lời ra tiếng vào. Nhưng biết sao được, bởi sáng tác vốn là một công việc gian khổ, và, là một hành trình đơn độc.
Viết lách yêu cầu kỷ luật, chắc chắn thế. Một số nhà văn như Anthony Trollope, nổi tiếng với quy tắc 15 phút phải viết được 250 từ, có một đạo đức làm việc tuần tự và chính xác như một chiếc đồng hồ. Ông ấy viết ba giờ mỗi sáng trước khi đi làm tại bưu điện, và, đều đặn như cái máy sản xuất chữ. Các nhà văn “hiện đại” hơn, như Stephen King và Ian Fleming, ép bản thân viết đủ 2.000 từ mỗi ngày.
Mặt khác, mặt có Susan Sontag, là những nhà văn “cứng đầu” hơn, không chịu rời bàn ghế dù đang bí chữ. Bà so sánh việc này như “ngừng tiểu giữa chừng”, một so sánh khá khiếm nhã nhưng sinh động, rằng rất khó để ngừng lại một khi cảm hứng tuôn trào. Ta phải bắt lấy nó, tranh thủ, tận dụng nó – đó là cách của Sontag.
Nếu coi viết chỉ là một sở thích, một thứ cần câu cơm, ta tự động dừng lại khi đã đạt chỉ tiêu (một bài mỗi ngày chẳng hạn), hoặc đơn giản là thấy bản thân đã thấm mệt rồi và cần một giấc ngủ ngon. Còn với những người cam nguyện gắn đời mình với việc viết, sẽ bị thôi thúc, ám ảnh bởi thứ nội lực vô hình bên trong, và, rất có thể, bật dậy giữa nửa đêm mà lục lọi giấy bút hay không thể tắt máy tính vì bản thảo còn dở dang.
Những người viết như vậy, như Sontag, quả thực đáng trân trọng, và xứng đáng nhận được sự tôn vinh từ độc giả, cùng những nhà văn khác.