Stephen King, nhà văn giả tưởng lớn nhất thời đại chúng ta, đã chấp bút viết nên cuốn tự truyện “Chuyện nghề viết” vào đầu những năm 90. Trong cuốn sách, ông tóm gọn cả hành trình viết lách của mình trong chưa đầy 100 trang giấy, và dành cả phần còn lại để đưa ra những lời khuyên cho các nhà văn trẻ, hoặc rộng hơn, những người bán chữ nuôi miệng. 

Nếu bạn là một người viết, bạn nên đọc tác phẩm này. Nếu bạn là một tác giả, bạn phải đọc tác phẩm này. Và nếu bạn chẳng phải nhà văn hay bất cứ gì tương tự, bạn chỉ là một độc giả yêu thích thứ văn chương kỳ ảo của Stephen King, chẳng cần nói, bạn sẽ tự động tìm đọc cuốn sách này. 

Còn dưới đây, là bản tóm tắt những lời khuyên thiết thực nhất rút ra từ sự nghiệp viết lách của ông. Hãy đọc đi, vì biết đâu bạn sẽ tìm thấy hạt ngọc nào trong đó. 

Stephen King, tác giả truyện kinh dị nổi tiếng nhất hiện nay, được biết đến nhiều nhất qua các tác phẩm ăn khách như "Dặm xanh", "Gã hề ma quái",... ẢNH: NPR

Đọc thật nhiều và viết thật nhiều 

“Nếu tôi được một xu mỗi lần có người bảo tôi rằng người đó muốn trở thành nhà văn nhưng ‘không có thời gian đọc sách’, tôi sẽ mua được một phần bít tết khá ngon cho bữa tối. Tôi có thể nói thẳng được không? Nếu bạn không có thời gian đọc, tức là bạn không có thời gian (hoặc công cụ) để viết.” 

Với Stephen King, muốn viết tốt, không có con đường tắt nào ngoài đọc thật nhiều và viết thật nhiều. Ông cũng quả quyết rằng, dù bản thân đọc truyện không phải để nghiên cứu mà chỉ vì niềm vui - nhưng quá trình học hỏi vẫn tự động diễn ra. “Mỗi cuốn sách bạn cầm lên ẩn chứa trong nó một bài học hoặc nhiều bài học riêng,” ông viết. 

Ý tưởng để tâm trí được bao quanh bởi sách vở của King khá tương đồng với quan điểm của nhà văn Oscar Wilde trong tác phẩm De Profoundis, rằng để viết được thì người viết cần sự đồng hành của ý tưởng, được bao quanh bởi ý tưởng. Và không có thư viện ý tưởng nào đồ sộ hơn sách vở cả; đó là suối nguồn tri thức, là ngọn ngành của cảm hứng, là nền móng của sáng tạo. 

Theo King, một tác phẩm tồi sẽ dạy ta nhiều điều hơn một tác phẩm hay. Ta đọc các tác phẩm hay để học hỏi về phong cách, lối hành văn, cách xây dựng nhân vật và cốt truyện,... và, để trải nghiệm những bút pháp vô song. Ngược lại, một tác phẩm tồi, thôi thúc ta viết tốt hơn, khéo léo lèo lái tránh khỏi những thứ khả ố đang mon men lại gần tác phẩm của ta; ta cố gắng không viết tồi như thế. 

“Đọc là trung tâm sáng tạo trong cuộc đời nhà văn,” King khẳng định lại. Rất có thể độc giả sẽ trầm trộ ngưỡng mộ và biết đâu, ngập tràn cảm hứng đọc sách khi biết về thói quen đọc sách của ông hoàng truyện kinh dị: ông luôn mang một cuốn sách bên mình tới khắp chốn và tìm mọi cơ hội để chúi mũi vào nó. Ông đọc tại phòng chờ, khi xếp hàng đợi thanh toán, ở sảnh rạp hát trước giờ chiếu, và nghe sách nói khi lái xe. 

Bên cạnh đó, ông cho rằng TV là thứ cuối cùng mà một tác giả có tham vọng cần tới, và, một khi đã cai được cơn thèm thuồng TV, hầu như ai cũng sẽ thấy mình hưởng thụ thời gian đọc. 

Viết bao nhiêu là đủ? 

King cho rằng điều này tùy thuộc vào từng nhà văn. Ông dẫn chứng giai thoại về James Joyce, trong một ngày mà nhà văn vĩ đại này đang chật vật vì chỉ viết được có… bảy từ, mà lại không biết sắp xếp chúng theo thứ tự nào. Cùng phe với James có những nhà văn nổi tiếng khác như  Harper Lee, Thomas Harris – những người sở hữu thiên tư chói lọi nhưng xuất bản rất ít tựa sách. 

Ở phía bên kia đường hầm là những “máy nặn chữ” như Anthony Trollope, John Creasey, Evan Hunter hay cả Stephen King – những tác giả có năng suất dồi dào và tốc độ sáng tác ổn định đến tuyệt vời. Liệt kê tất tật những cái tên trên, có lẽ King ngụ ý rằng viết nhiều hay ít thực sự không quá quan trọng, mà, cái cần nhấn mạnh là viết đều đặn. 

King viết mỗi ngày, kể cả Giáng sinh, Quốc khánh và ngày sinh nhật. Đối với ông, “không làm việc là công việc thực sự” và, khi ông làm việc, mọi nơi đều là sân chơi. Ông cũng chia sẻ thêm, rằng khi viết lách thành ra có cảm giác của công việc, đó là nụ hôn thần chết với hầu hết tác giả. Để viết hay, theo ông, người viết cần coi viết lách như trò chơi đầy cảm hứng, đắm mình vào đó, để nó choán hết thì giờ trong khi những câu chữ kia tràn ra mặt giấy. 

Làm thế nào để viết đều đặn? 

Theo King, sự hỗ trợ lớn nhất để viết đều đặn là làm việc trong bầu không khí tĩnh mịch. Người viết dù có tài ba tới mấy, với cái đầu đầy ắp ý tưởng tới mấy, cũng khó làm việc được trong môi trường hỗn loạn và là tổ hợp của những thứ tạp âm kinh khủng. David Ogilvy từng tiết lộ rằng ông ấy không bao giờ viết lách ở công ty: có quá nhiều sao nhãng, do đó ông ấy luôn viết ở nhà, nhốt mình trong phòng với cánh cửa được chốt trong. Có lẽ đa số người viết sẽ đồng cảm được với Ogilvy, cũng như lời khuyên của King về chuyện trên. 

Khi được hỏi “bí quyết thành công” của ông là gì, King đã trả lời bằng hai điều: ông giữ sức khoẻ và chăm sóc cuộc hôn nhân của mình. Với ông, một thân thể khoẻ mạnh và cuộc hôn nhân viên mãn với vợ giúp duy trì cuộc sống công việc cho ông và ngược lại, văn chương cùng niềm vui từ nó cũng góp phần duy trì sự ổn định của sức khoẻ và đời sống tinh thần của ông. 

Viết ở đâu? 

Thật ra thì, ta có thể viết ở bất cứ đâu, chắc chắn rồi. Truman Capote từng nói rằng ông ấy viết hay nhất trong khách sạn, Claude Hopkins thì viết trong một căn nhà gỗ tại bìa rừng, trong khi Agatha Christie thậm chí còn chẳng có bàn làm việc – bà viết tại mọi chỗ, miễn là có một mặt phẳng để bà đặt máy đánh chữ. Còn với Stephen King, người ta viết tốt nhất khi được ở chốn của riêng mình. 

Không gian có thể nhỏ bé, và, chỉ cần đúng một thứ thôi: một cánh cửa bạn sẵn sàng khép lại. “Cánh cửa khép lại đẩy thế gian ra ngoài,” theo lời ông, cũng nhằm nhốt bạn bên trong và tập trung vào công việc trước mắt. Ông còn đi xa hơn khi khuyên ta không nên để điện thoại trong phòng viết, không TV hoặc trò chơi điện tử - hay nói đơn giản, hãy loại bỏ mọi sự sao nhãng tiềm tàng. 

Một vài tác giả có thể viết trong môi trường đầy rẫy tiếng ồn, như thể tai họ có một màng lọc ma thuật từ chối tiếp nhận mọi âm thanh họ không muốn, và một số như King còn có thể làm việc với nhạc rock nặng đô. Tuy nhiên, với những người viết tập sự, đôi tai vẫn chưa tự sàng lọc được, tốt nhất hãy tự xây dựng cho mình một không gian biệt lập - một căn phòng với một cánh cửa mà bạn sẵn sàng đóng lại để mở ra thế giới của riêng mình. 

Đừng chờ đợi cảm hứng 

Được rồi, vì viết là một công việc sáng tạo, vậy nên hẳn cần có cảm hứng. Cảm hứng là thứ ma lực có thể thôi thúc người viết cầm bút lên và tuôn ra hàng trang giấy vào một hôm đẹp trời, nhưng cũng có thể sắm vai bà chúa đỏng đảnh nhất quyết không chịu ghé chơi, bất chấp ta sốt ruột trông ngóng nó ra sao. 

Như Chuck Close từng nói, “Những tên nghiệp dư chờ đợi cảm hứng, chúng tôi chỉ đơn giản thức dậy và làm việc. Tất cả những ý tưởng hay ho nhất chúng tôi từng có đều nhờ làm việc.” Đồng ý với quan điểm trên, Stephen King khuyên các cây bút không nên chờ đợi cảm hứng, hay “chàng thơ” theo cách gọi của ông; thay vào đó, hãy đảm bảo rằng chàng thơ biết bạn sẽ ở đâu mỗi ngày từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều, hoặc từ bảy giờ tối đến mười hai giờ đêm, bởi, nếu gã biết, sớm hay muộn gã cũng sẽ ló mặt đến và tạo ra ma thuật của riêng mình. 

Hãy lấp đầy tác phẩm của bạn bằng trải nghiệm 

Một trong những lời khuyên phổ biến, có lẽ là phổ biến nhất, mà hầu hết các lớp dạy viết đều cổ vũ là: viết điều bạn biết. Thực tế thì nó không sai, viết điều ta biết rõ thì dễ dàng hơn nhiều, và chưa kể nó còn củng cố tính chân thực và độ khả tín cho tác phẩm của ta. Nhưng nếu chỉ viết những gì ta biết, rằng kiến thức lẫn kinh nghiệm của ta nếu so ra chỉ đáng hạt muối bỏ bể, thì tác phẩm lấy đâu ra được phong phú và đạt tới tầm vóc lớn lao mà ta mong ước? 

Về chuyện này, King chia sẻ hãy bồi đắp kiến thức, trải nghiệm của bạn bằng trí tưởng tượng. Ví dụ, nếu bạn là một thợ cắt tóc, hiển nhiên bạn biết rõ về nghề của bạn. Nhưng bạn có thế tạo ra nhiều hơn thế, rằng sẽ thế nào nếu một ngày một nhóm các sư cọ kéo đến tiệm của bạn và yêu cầu bạn hớt tóc. Thậm chí họ còn liên tục góp ý rằng cắt thế này vẫn chưa ổn, dẫu bạn biết thứ bạn đang cắt chẳng phải tóc mà chỉ là thinh không. Nhưng họ trả bạn rất hậu, vậy là bạn bán rẻ lương tâm, đóng vai kẻ hoang tưởng trong một ngày để kiếm chác. Bạn thấy đấy, bạn có thể lấy ý tưởng từ chính cuộc đời mình, sau đó tô điểm chúng bằng trí tưởng tượng phong phú. Hãy tự hỏi mình những câu hỏi như “Sẽ thế nào nếu…?”, “Giả sử như…” v.v. 

King cũng khuyên rằng hãy tập trung viết những thứ mà bạn thích, viết theo kiểu mà bạn thích. Ngoài ra, ông cũng lên án thói lệch lạc đạo đức là cố tình quay sang viết một thể loại nào đó cốt để kiếm tiền, hoặc để chạy theo thời thế hay để gây ấn tượng với người khác. Với ông mà nói, ta có thể viết bất cứ điều gì, miễn là sự thật. Viết hay đã khó, mà viết trung thực còn khó hơn. 

Đây không phải affliate marketing, mà là sự tri ân dành tới cuốn sách đã giúp tôi tạo ra bài viết này. Các bạn có thể mua nó tại đây.