“Đừng xổ ra một câu chuyện sáu ngàn chữ trước bữa sáng.” 

Jack London cùng người vợ thứ hai của ông, Charmian Kittredge London, người mà ông cho rằng hội tụ đầy đủ các phẩm chất của một người vợ. Tên tuổi London gắn liền với các tác phẩm kinh điển như "Tiếng gọi của hoang dã", "Nanh trắng", tuyển tập các truyện ngắn cũng như tiểu luận đặc sắc khác. ẢNH: LITERRARY HUB

***

Mười bốn tuổi, Jack London bỏ học đi lang thang, hành nghề ăn cắp vặt và sống lay lắt ngoài lề xã hội. Tới tuổi thanh niên thì ông trở thành một thuỷ thủ, từng dong buồm tới phương Bắc lạnh giá để kiếm tìm cơ hội đổi đời trong cơn sốt vàng Klondike tại Mỹ vào cuối thế kỷ 19. Ông trở về cái hầu bao mòn vẹt hơn cả lúc khởi hành, nhưng với một cái đầu đầy những trải nghiệm, những trải nghiệm sẽ được ông làm sống dậy trong các tác phẩm sau này. 

Chỉ tới khi nghèo kiết xác và không tìm được việc làm, London mới quyết định kiếm sống bằng nghề viết văn. Thời gian đầu, như được kể dưới đây, ông viết đủ các thể loại - từ văn xuôi tới thơ trữ tình - nhưng đều bị từ chối. 

Sau khi London đi về phía Bắc đến Yukon vào năm 1897, các câu chuyện của ông bắt đầu được xuất bản trên các báo và tạp chí. Khi ông viết những dòng dưới đây vào năm 1903, ông đã xuất bản đều đặn trong bốn năm. Cùng năm đó, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông, Tiếng gọi của hoang dã, được đăng tải định kỳ trên tờ Saturday Evening Post, sau đó được xuất bản dưới dạng sách. London lấy viết lách làm cớ sinh nhai cho đến khi qua đời trong cùng quẫn vào năm 1916. 

Bài viết dưới đây đã được đăng trên tờ The Editor với tựa đề “Getting Into Print”, trong đó Jack London thuật lại vắn tắt con đường gia nhập giới xuất bản của ông: ông đã dùng ngòi bút để kiếm tiền qua các tờ báo, tạp chí như thế nào; ông đã viết những gì… cùng nhiều lời khuyên bổ ích khác. Như London nói trong bài, ông không thể tận dụng kinh nghiệm của bất cứ ai cả, vậy nên những dòng dưới đây đều là những lời khuyên, mà ông gửi tới những người viết trẻ tuổi, những nhà sáng tạo – những người sẽ biết cách trân trọng các lời khuyên này hơn ai hết. 

***

Bước chân vào in ấn. (1903)

Ngay khi một anh chàng bán được dăm ba câu chuyện cho các tạp chí, hoặc dụ dỗ thành công vài nhà xuất bản ấn hành một cuốn sách, tất cả bạn bè của y đều quay ra hỏi y đã làm như thế nào. Vậy nên sẽ thật công bằng mà kết luận rằng việc đặt hàng những cuốn sách và câu chuyện với các tạp chí là một màn trình diễn hết sức thú vị. 

Tôi biết nó từng rất thú vị với tôi; cực kỳ thú vị, nếu tôi có thể nói vậy. Tôi từng ngốn không biết bao nhiêu là các tạp chí và tờ báo, luôn thắc mắc những tác giả của chúng đã đặt chỗ như thế nào. Để thể hiện rằng việc nắm trong tay thứ hiểu biết này là cực kỳ quan trọng với tôi, hãy để tôi đính chính rằng tôi từng mắc nợ vô xuể và không đồ đạc, không thu nhập, phải nuôi rất nhiều miệng ăn, và một mụ chủ trọ tội nghiệp góa chồng, mà nhu cầu khẩn thiết của mụ luôn đòi hỏi tôi phải trả tiền thuê nhà ở một chừng mực đều đặn. Đó là tình trạng tài chính của tôi khi tôi đóng bộ yên cương và tới trình diện các tạp chí. 

Ngoài ra, và rất quan trọng, tôi chẳng biết gì khả quan về chuyện đó. Tôi sống ở California, cách xa những trung tâm xuất bản. Tôi không biết một biên tập viên trông ra sao. Tôi không quen lấy một ai từng xuất bản thứ gì trước đây; và cũng chưa từng biết một ai, riêng trường hợp của tôi, từng thử viết bất cứ thứ gì, chứ đừng nói tới việc cố mà xuất bản nó. 

Tôi chẳng có ai cho tôi lời khuyên, không thể hưởng lợi từ kinh nghiệm của bất cứ ai. Vậy nên tôi đã ngồi xuống và viết để tự lấy kinh nghiệm cho chính mình. Tôi đã viết mọi thứ—truyện ngắn, bài báo, chuyện vặt, hài nhảm, tiểu luận, sonnet, ballad, thơ ca, vở hài kịch, bi kịch. Những sáng tác riêng biệt này tôi đem dán phong bì, đính bưu cước chuyển hoàn rồi thả vào hòm thư. Ồ, tôi đã rất sung mãn. Ngày qua ngày các bản thảo chất chồng như núi, cho tới khi việc tìm tem cho chúng trở nên tuyệt vời ngang việc khiến cuộc sống trở nên dễ thở hơn đối với bà chủ trọ goá của tôi. 

ẢNH: BETTMANN/ CORBIS 

Tất cả bản thảo của tôi đều trở lại. Chúng tiếp tục trở lại. Quy trình này giống như sự vận hành của một cỗ máy vô hồn. Tôi thả bản thảo vào hòm thư. Sau một khoảng thời gian nhất định, bản thảo được trả lại nhờ người đưa thư, đi kèm là một lời từ chối rập khuôn qua quýt. Một phần của cỗ máy, một vài sự lắp ráp kỳ dị của các bánh răng và các tay quay ở đầu còn lại, (nó không thể là một người đàn ông bằng xương bằng thịt, một con người đang hít thở với máu nóng chảy trong huyết quản được), đã chuyển bản thảo sang một phong bì khác, lấy đi những cái tem ở bên trong rồi dán ra ngoài, và đính thêm tờ giấy từ chối. 

Chuyện cứ tiếp diễn như vậy trong vài tháng. Tôi vẫn hoàn toàn mù mịt. Tôi còn chưa giành lấy được một miếng kinh nghiệm nào. Suy tính về chuyện cái nào dễ bán hơn, thơ hay văn xuôi, chuyện cười hay sonnet, truyện ngắn hay tiểu luận, tôi chẳng biết gì hơn lúc mới đầu. Tôi có những ý tưởng mơ hồ, nhưng chúng lờ mờ và ảm đạm khi xét tới khoản thù lao tối thiểu được trả là mười đô la cho một ngàn chữ; rằng tôi chỉ cần xuất bản hai hoặc ba thứ thì những biên tập viên sẽ kịch liệt phản đối khoản thù lao của tôi; rằng một bản thảo nằm trong tay vài biên tập trong khoảng bốn hay năm tháng không nhất thiết phải là một bản thảo đã được bán. 

Cân nhắc về mức tối thiểu mười đô la cho một ngàn chữ, có một thứ mà tôi tin tưởng một cách mù quáng, tôi phải thú nhận rằng tôi đã lượm lặt nó từ phần phụ trương Chủ nhật ở một vài tờ báo. Tương tự, tôi phải thú nhận sự khiêm tốn đẹp đẽ và cảm động mà tôi hằng khao khát. Hãy cứ để những gã khác, ngoại trừ tôi, hưởng những khoản tối đa, cho dù tổng số dẫu kỳ diệu ra sao. Bởi đối với tôi, có lẽ tôi sẽ luôn hài lòng nhận một khoản tối thiểu. Và, một khi đã bắt đầu, tôi sẽ không viết hơn ba ngàn từ một ngày, chỉ năm ngày trên tuần. Điều đó cho tôi vô số sự tái sáng tạo, trong khi tôi sẽ kiếm sáu ngàn đô một tháng mà vẫn không gây dư thừa hàng hoá trên thị trường. 

Như tôi đã nói, cỗ máy vận hành trong nhiều tháng trời như thế, và rồi, một buổi sáng, người đưa thư trao tôi một lá thư, ký hiệu bên ngoài cho thấy đây là thư quan trọng. Một lá thư không dày cũng chẳng dài mà là một cái ngắn và mỏng, tới từ một tạp chí. Lúc ấy chuyện tem tiếc và vấn đề với mụ chủ trọ đang thúc ép tôi dữ dội, và lá thư ngắn gọn, mỏng tang này chắc chắn có thể giải quyết cả hai việc trong phút mốt. 

Tôi đã không thể mở thư ngay lúc đó. Nó như thể một thứ linh thiêng. Nó chứa đựng những chữ viết của một biên tập viên. Tôi tưởng tượng rằng tờ tạp chí mà anh ta đại diện ít cũng phải vào hạng nhất. Tôi biết nó chứa một câu chuyện bốn ngàn chữ của tôi. Nó sẽ ra sao? tôi tự hỏi. Mức tối thiểu, tôi trả lời, khiêm tốn hơn bao giờ hết; hiển nhiên là bốn mươi đô la. … Tôi mở thư và đọc… Lạy chúa! mới vài năm thôi nên tôi vẫn chưa quên. Nhưng mục đích chính của lá thư là họ đã sẵn sàng in câu chuyện của tôi vào số tới, và rằng họ sẽ trả tôi một khoản tổng cộng năm đô la. 

[...]

Năm đô la! Nhưng khi nào? Người biên tập viên không hề nhắc tới. Tôi còn không có lấy cả một chiếc tem để chuyển lời chấp nhận hoặc từ chối với đề nghị của anh ta. Ngay lúc đó thì cô con gái nhỏ của bà chủ trọ gõ vào cửa sau. Tôi cần phải đưa ra giải pháp cho cả hai vấn đề này ngay lập tức. Rõ ràng là không có chuyện kiểu như mức thù lao tối thiểu. Mọi thứ đều đổi thay ngoại trừ việc ta phải ra ngoài và xúc than. Tôi từng kiếm bộn tiền nhờ việc này trước đây. Tôi đã định làm nó lần nữa; và chắc chắn là tôi đã nên làm, nếu không nhờ có tờ “Mèo Đen”. 

Vâng, tờ “Mèo Đen”. Người giao thư đưa tôi một lời đề nghị từ tạp chí này: bốn mươi đô la cho một câu chuyện bốn ngàn từ, đại loại vẫn tập trung vào độ dài của nó hơn là bút lực, nếu tôi sẵn lòng cắt nó đi phân nửa. Điều này đồng nghĩa với khoản thù lao 20 đô. Sẵn lòng ư? Tôi bảo rằng rằng họ có thể cắt thế nào cũng được miễn là gửi tiền theo, điều mà họ đã làm ở bức thư phản hồi sau đó. Còn năm đô la trước đó thì, tới chót tôi cũng nhận được sau khi xuất bản, và sau rất nhiều rắc rối xen lẫn tủi hổ. 

[...]

Để kết thúc bài tường thuật trải nghiệm vắn tắt này, hãy để tôi đưa ra một bản sơ lược mà tôi đã phải đau đớn để đạt được. 

Đừng bỏ công việc của bạn chỉ để viết trừ khi không có gì đang lệ thuộc vào bạn. 

Truyện hư cấu trả giá hời nhất trong tất cả, và nếu chất lượng thì còn dễ bán hơn nữa. Một câu chuyện cười ngặt nghẽo sẽ bán nhanh hơn một áng thơ thần sầu, và, tùy theo lượng máu và mồ hôi đã bỏ ra, sẽ đem lại khoản thù lao hậu hĩnh hơn. 

Tránh những kết thúc không có hậu, những kết thúc thô thiển, dã man, bi kịch, khủng khiếp—nếu bạn còn quan tâm tới việc được nhìn thấy chữ viết của mình trên bản in. (Về việc này đừng làm theo những gì tôi làm, mà làm theo những gì tôi nói.) 

Hài hước là khó viết nhất, dễ bán nhất, và được tưởng thưởng hậu hĩ nhất. Ở đây chỉ có một vài người đủ khả năng làm điều đó. Nếu bạn có khả năng, làm nó bằng mọi giá. Bạn sẽ thấy nó như một Klondike và một Rand cuộn làm một. Cứ nhìn vào Mark Twain. 

Đừng xổ ra một câu chuyện sáu ngàn chữ trước bữa sáng. Đừng viết quá nhiều. Tập trung mồ hôi của bạn vào một câu chuyện thôi, hơn là phân tán nó ra hàng tá. Đừng lười nhác và mời gọi cảm hứng; thắp sáng nó với một cây dùi cui, và kể cả bạn không đạt được nó thì bạn cũng sẽ nhận được thứ gì trông kiểu vậy. Tự đặt ra cho bản thân một “hạn định”, và nếu bạn tuân theo “hạn định” đó mỗi ngày; bạn sẽ có nhiều từ hơn trong tài khoản của bạn vào cuối năm. 

Học hỏi các mẹo mực từ những nhà văn trước đó. Họ đã thành thạo bộ công cụ trong khi bạn còn đang tự làm đứt tay. Họ đang mạy mọ đủ thứ, và tác phẩm của họ ẩn chứa những chứng cớ nội tại về cách nó được tiến hành. Đừng đợi một vài người Samaritan tốt bụng nào đó tới nói với bạn, mà hãy tự tìm lấy nó. 

Đảm bảo rằng lỗ chân lông của bạn thông thoáng và hệ tiêu hoá của bạn ổn định. Điều này, tôi tin chắc, là quy tắc quan trọng nhất trong tất cả. 

Giữ lấy một cuốn sổ tay. Du lịch với nó, ăn với nó, ngủ với nó. Tống vào nó mọi suy nghĩ rối như tơ vò bất chợt lóe lên trong đầu bạn. Giấy rẻ tiền vẫn bền hơn chất xám, và trí nhớ tốt không bằng ngòi bút cùn. 

Và hãy lao động. Đánh vần nó bằng chữ in hoa, LAO ĐỘNG. LAO ĐỘNG mọi lúc. Tìm hiểu về trái đất này, thiên hà này… Và sau tất cả ý tôi là hãy làm việc cho một triết lý sống. Nó sẽ không gây nhức nhối bất kể triết lý sống của bạn có sai lệch tới đâu, miễn là bạn có một cái và tường tận nó. 

Ba thứ tuyệt vời nhất là: SỨC KHOẺ TỐT, LAO ĐỘNG và một TRIẾT LÝ SỐNG. Tôi nên thêm vào đó, à không, phải thêm vào đó cái thứ tư—NGAY THẲNG. Thiếu nó, ba cái còn lại là vô ích; với nó thì bạn sẽ gắn liền với sự vĩ đại và ngồi bên cạnh những gã khổng lồ. 

Nếu yêu thích các bài viết như trên, bạn có thể tìm đọc thêm tại mục Sáng Tạo của WeStudy.