Haruki Murakami kết hôn ở tuổi 23 và dành một thập kỷ tiếp theo của cuộc đời để điều hành một quán bar jazz ở Tokyo, Peter Cat, trước khi xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay, Lắng nghe gió hát. Thành công của tác phẩm này thôi thúc ông chuyên tâm theo nghiệp viết lách, ở tuổi 33. 

Với mỗi cuốn sách sau đó, sự nổi tiếng của ông ngày càng tăng, cho đến khi cuốn Rừng Na Uy ra đời năm 1987, đã biến ông thành một “siêu sao văn học”. Người ta nói rằng ở Nhật Bản, cứ bảy người thì có một người từng đọc Rừng Na Uy

Trong bài viết hôm nay, hãy cùng điểm lại một vài lời khuyên viết lách mà Haruki Murakami dành tặng tới những người cầm bút nhé. 

Anastasia Labedeva

Đọc. 

"Tôi nghĩ nhiệm vụ đầu tiên với các tiểu thuyết gia tham vọng là đọc thật nhiều tiểu thuyết. Thật ngại vì phải bắt đầu bằng một quan sát tầm thường như vậy, nhưng không có sự tập huấn nào quan trọng hơn. Để viết một cuốn tiểu thuyết, trước tiên bạn phải hiểu các tác phẩm được ghép lại với nhau ở mức độ vật lý như thế nào… Điều đặc biệt quan trọng là bạn phải đọc càng nhiều tiểu thuyết càng tốt khi còn trẻ. Mọi thứ bạn có trong tay—tiểu thuyết hay, tiểu thuyết tạm được, tiểu thuyết dở, không thành vấn đề miễn là bạn tiếp tục đọc. Ngốn càng nhiều càng tốt."

–từ bài tiểu luận năm 2015 của Murakami “Vậy tôi sẽ viết về cái gì?” tr. Ted Goossen

Bản thân sự lặp lại đã là điều quan trọng. 

"Khi tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết, tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng và làm việc từ 5 đến 6 giờ. Vào buổi chiều, tôi chạy mười cây số hoặc một nghìn rưỡi mét (hoặc cả hai), sau đó tôi đọc chút đỉnh và nghe nhạc. Tôi lên giường lúc 9 giờ tối. Tôi duy trì thói quen này cố định mỗi ngày. Bản thân sự lặp lại đã là điều quan trọng; đó là một dạng thôi miên. Tôi mê hoặc bản thân để đạt đến trạng thái thần trí sâu sắc hơn. Nhưng để duy trì sự lặp lại như vậy trong thời gian dài—sáu tháng đến một năm—yêu cầu một sức mạnh tinh thần và thể chất vững vàng. Theo nghĩa đó, viết một cuốn tiểu thuyết dài giống như việc rèn luyện khả năng sinh tồn. Sức mạnh thể chất cũng cần thiết như sự nhạy cảm về nghệ thuật."

–từ một cuộc phỏng vấn năm 2004 với tờ The Paris Review 

Tập trung vào một việc tại một thời điểm. 

"Nếu được hỏi phẩm chất quan trọng tiếp theo đối với một tiểu thuyết gia (sau tài năng) là gì, thì điều này cũng dễ thôi: sự tập trung - khả năng tập trung tất cả tài năng hữu hạn của bạn vào bất cứ việc gì quan trọng tại một thời khắc. Nếu không có điều này, bạn không thể đạt được bất cứ gì có giá trị; trong khi đó, nếu bạn có thể tập trung một cách hiệu quả, bạn có thể bù đắp cho một tài năng thất thường hoặc thậm chí là sự thiếu hụt tài năng… Ngay cả một tiểu thuyết gia tài năng với một bộ óc đầy ắp những ý tưởng mới mẻ cũng có thể không viết nổi gì, nếu chẳng hạn như y đang phải chịu đựng đau đớn rất nhiều vì một chiếc răng sâu." 

–từ Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

Ảnh: The Nation 

"Mặc dù tôi có sáng tác các bài tiểu luận cũng như các tác phẩm hư cấu, trừ khi hoàn cảnh ép buộc, tôi tránh làm bất cứ điều gì khác khi viết tiểu thuyết… Tất nhiên, không có quy tắc nào nói ta không được sử dụng cùng một chất liệu trong một bài luận và một câu chuyện, nhưng tôi nhận thấy việc tăng gấp đôi như vậy theo cách nào đó sẽ làm suy yếu tiểu thuyết của tôi."

–từ bài tiểu luận năm 2015 của Murakami “Vậy tôi sẽ viết về cái gì?” tr. Ted Goossen

Trau dồi sức chịu đựng.

"Sau sự tập trung, điều quan trọng kế tiếp đối với một tiểu thuyết gia là sức chịu đựng. Nếu bạn tập trung viết ba hoặc bốn giờ mỗi ngày và cảm thấy mệt mỏi sau một tuần làm việc, bạn sẽ không thể viết được một tác phẩm dài. Điều cần thiết đối với một tiểu thuyết gia - hay ít nhất là một người hy vọng viết được một cuốn tiểu thuyết - là năng lượng để tập trung mỗi ngày trong nửa năm, hoặc một năm, hoặc hai năm."

–từ Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

Quan sát thế giới quanh bạn.

"Hãy suy ngẫm về những gì bạn nhìn thấy. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng suy ngẫm không phải vội vàng phán xét đúng sai hay ưu nhược điểm của những thứ mà bạn đang quan sát. Đừng vội đưa ra kết luận về giá trị. Điều quan trọng là giữ lại những chi tiết cụ thể của một tình huống nhất định… Tôi cố gắng giữ lại hình ảnh hoàn chỉnh nhất có thể về khung cảnh tôi đã thấy, những người tôi đã gặp, trải nghiệm tôi đã kinh qua, coi nó như một “mẫu” đơn lẻ. Tôi có thể quay lại và ngắm nhìn lại nó sau, khi cảm xúc đã lắng xuống và bớt cấp bách hơn, lần này tôi sẽ xem xét nó từ nhiều góc độ khác nhau. Cuối cùng, nếu cần thiết, tôi có thể tự rút ra kết luận."

–từ bài tiểu luận năm 2015 của Murakami “Vậy tôi sẽ viết về cái gì?” tr. Ted Goossen

Tài năng là điều kiện tiên quyết. 

"Trong mọi cuộc phỏng vấn, tôi đều được hỏi phẩm chất quan trọng nhất mà một tiểu thuyết gia phải có là gì. Điều này khá rõ ràng: tài năng. Cho dù bạn có dành bao nhiêu nhiệt huyết và nỗ lực vào việc viết lách, nếu bạn hoàn toàn thiếu hụt tài năng văn chương, bạn có thể quên luôn chuyện trở thành một nhà văn. Đây là một điều kiện tiên quyết hơn là một phẩm chất cần thiết. Nếu không có nhiên liệu, ngay cả chiếc xe tốt nhất cũng không thể chạy được."

–từ Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

"Viết cũng giống như cố gắng quyến rũ một người phụ nữ. Kinh nghiệm thực chiến ảnh hưởng tới nhiều thứ, nhưng chủ yếu là do bẩm sinh. Dù sao thì cũng chúc bạn may mắn."

–từ chuyên mục tư vấn năm 2015 của Murakami

Trừ khi bạn thực sự chăm chỉ…

"Những nhà văn được trời phú cho tài năng bẩm sinh có thể viết dễ dàng, thậm chí là không cần cố. Giống như suối nguồn tự nhiên, câu chữ cứ lai láng, và không cần nỗ lực mấy, những nhà văn này có thể hoàn thành một tác phẩm. Thật không may, tôi không thuộc loại đó. Tôi phải dùng đục khoét vào một tảng đá và đào một cái hố sâu để xác định được suối nguồn sáng tạo của mình. Mỗi lần bắt tay viết một cuốn sách mới, tôi lại phải đào thêm một cái hố nữa. Tuy nhiên, vì đã duy trì phong cách này trong nhiều năm nên tôi làm khá trôi chảy, cả về mặt kỹ thuật lẫn thể chất, trong việc đục những hố trên đá và định vị những mạch nước mới. Ngay khi tôi nhận thấy một nguồn đang cạn kiệt, tôi lập tức chuyển sang nguồn khác. Nếu những người dựa dẫm vào tài năng thiên phú bỗng nhiên thấy mình cạn kiệt cảm hứng thì họ sẽ gặp rắc rối to.

[…] 

Nói cách khác, hãy đối mặt với sự thật: cuộc sống về cơ bản không công bằng. Tuy nhiên, ngay cả trong tình huống bất công, tôi nghĩ vẫn có thể tìm ra một sự công bằng nào đó."

–từ Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

Tham khảo: The Paris Review, Literary Hub