“Tôi làm gì với bản thân ngày qua ngày ư? Tôi viết khi tôi có thể và không viết khi tôi không thể…” 

***

Năm 1932, Raymond Chandler, giám đốc điều hành công ty dầu mỏ với mức lương 44.000$, tự đá đổ nồi cơm của mình vì ngập đầu trong rượu, gái gú, bỏ bê công việc. Công ty quyết định sa thải, và ở tuổi bốn mươi bốn, sự nghiệp Chandler trở về vạch xuất phát. 

Quá cần tiền, ông chọn nghề viết văn để kiếm sống. Trong một thập kỷ tới, ông sẽ viết vô số những truyện nhạt nhẽo đăng báo lá cải, những truyện vô danh không ai thèm đọc, trước khi bom tấn nổ ra và biến ông trở thành tượng đài trinh thám trong lòng bạn đọc - cùng với “đứa con tinh thần” là thám tử Philip Marlowe rắn rỏi mà nhiều người cho rằng còn hấp dẫn hơn cả Sherlock Holmes hay James Bond. 

Như thường lệ, đoạn mào đầu đã qua, dưới đây là một vài “hạt cát trí tuệ” - những bài học hữu ích mà bạn có thể học hỏi được từ bậc thầy truyện trinh thám Raymond Chandler. 

Phong cách làm việc cứng nhắc như một người máy 

Mỗi ngày, Chandler đặt mục tiêu dành bốn giờ để viết, bốn giờ để đọc và sáu giờ để suy nghĩ về việc viết. 

Đầu tiên là phần viết. Ông ấy thích viết vào buổi sáng, nhưng ông không hề ngồi im trong bốn tiếng trời và gõ phím lách cách. Đoạn dưới đây sẽ tóm gọn toàn bộ phong cách làm việc của ông: 

 

“Điều quan trọng nhất ở đây là phải có một khoảng thời gian trong ngày, cứ cho là tối thiểu bốn giờ đồng hồ, buộc một nhà văn chuyên nghiệp không làm gì khác ngoài viết cả. Y không cần phải viết, và nếu y cảm thấy không muốn viết thì y không nên cố. Y có thể nhìn ra ngoài cửa sổ hoặc chồng cây chuối hoặc lăn lộn trên sàn nhà. Nhưng y không được làm bất kể hoạt động nào khác, không đọc, không viết thư, không ngó nghiêng mấy chồng tạp chí, không rà soát bản thảo. Chỉ viết hoặc không làm gì cả… Tôi thấy nó hiệu quả. Hai quy tắc vô cùng đơn giản, a: bạn không cần phải viết. b: bạn không được làm gì khác. Phần còn lại tự nó đến.”

 

Tóm lại, trong bốn giờ viết, Chandler biến nó thành cuộc chiến đơn độc với chính mình. Ông tự ép bản thân vào kỉ luật, kể cả không viết gì thì vẫn phải dành ra từng ấy tiếng đồng hồ mỗi ngày. Phương pháp này được Haruki Murakami (người hâm mộ của Chandler) xem như một bài tập rèn sức bền bỉ cho nhà văn. Hiển nhiên, nếu bạn ngồi xuống viết liên tục trong vòng vài tiếng đồng hồ mỗi ngày và bỏ cuộc ở tuần thứ hai, bạn sẽ không bao giờ viết nổi một cuốn tiểu thuyết. 

Mỗi ngày, Chandler đặt mục tiêu dành bốn giờ để viết, bốn giờ để đọc và sáu giờ để suy nghĩ về việc viết. 
 

Mặt còn lại - mặt không có Chandler - một số nhà văn khác thích đặt ra mục tiêu là số từ trong ngày hơn. Chẳng hạn như Jack London buộc mình phải viết 1.000 từ/ngày, con số này ở Stephen King được nâng lên thành 2.000. Một số nhà văn với tư tưởng phóng khoáng hơn sẵn sàng bỏ đi làm việc khác nếu không thể viết. 

Nếu bạn là một người viết, hãy tự chọn lựa phương pháp phù hợp với bản thân. Có thể bạn thà làm việc một giờ thoải mái còn hơn cặm cụi suốt năm tiếng u mê, có thể bạn sẵn sàng giam mình trong phòng vào những ngày công việc không xuôi. Dù sao thì chỉ bạn mới rõ điều gì hợp với mình nhất. 

Đọc những thứ giúp ích cho việc viết của bản thân 

“Đọc là trung tâm sáng tạo trong cuộc đời nhà văn”, như Stephen King từng nói. Nhà văn không đọc, anh ta không có nguyên liệu và phương tiện để viết. Trước khi trở thành phù thuỷ ngôn từ, tất cả đều phải là khách quen của hiệu sách, coi thư viện như ngôi nhà thứ hai. 

Chandler, hiển nhiên, đọc truyện trinh thám nhiều hơn các thể loại khác. Ông ấy cũng đọc cả tiểu thuyết kinh điển, nhưng là một nhà văn, ông biết thứ mình đọc cần gắn bó với thứ mình viết. Ông đọc sách bốn giờ mỗi ngày. Tôi không nghĩ Chanlder ngồi xuống và đọc liên tục bốn tiếng trời. Có lẽ lúc viết xong, ông sẽ ăn trưa, đọc sách một chút, tản bộ, v.v. Nói tóm lại, ông ấy có thể đã chia nhỏ thời gian và xen kẽ việc đọc vào đó. Nhưng chung cuộc là ông sẽ nhắm đến đủ bốn tiếng trong một ngày. 

Là một nhà văn, Chandler biết thứ mình đọc cần gắn bó với thứ mình viết. 

Bốn giờ đọc mỗi ngày có vẻ là một thách thức nếu bạn không hay đọc sách. Cần nhiều nỗ lực. Vì vậy, để tránh nản chí, hãy bắt đầu bằng mục tiêu đọc 15 phút mỗi ngày. Tắt điện thoại, tắt thông báo, tập trung đọc trong vòng 15 phút liên tục. Sang tuần thứ hai, bạn nâng lên 30 phút/ngày. Tuần thứ ba, 45 phút/ngày. Theo thời gian, việc đọc sẽ trở thành thói quen, và bạn sẽ chộp lấy cuốn sách trong vô thức khi giờ hẹn đã điểm. 

Hoặc có thể bạn muốn đặt mục tiêu như Chandler - 4 tiếng đọc sách/ngày. Cứ tuỳ chỉnh số giờ sao cho phù hợp với lịch trình của bạn. Chỉ cần nhớ là hãy đọc thực sự, ý tôi là hoàn toàn tập trung, trù liệu trước mọi mối xao nhãng. Ngoài ra, một ý tưởng khác là hãy mang theo một cuốn sách mỏng khi đi làm việc vặt. Nếu bạn đang trên đường tới trạm xe bus và biết rằng xe bus thường đến muộn, hãy mang theo sách. Bạn sẽ cần đến nó. 

Đọc thêm: Tiểu Thuyết Văn Học Giúp Bạn Trở Thành Một Con Người Tốt Hơn Như Thế Nào?

Học hỏi bằng cách bắt chước thần tượng 

Khi bắt đầu viết truyện trinh thám, Chandler tự học viết bằng cách phân tích và bắt chước một số truyện ngắn của Erle Stanley Gardner. Và ông tiếp tục đọc các tác giả mà ông ngưỡng mộ ngoài thể loại trinh thám như Hemingway, Shakespeare, v.v. 

Sau đó, ông sẽ chọn một truyện ngắn, chẳng hạn như một truyện bán chạy nhất, rồi cố gắng nhái lại câu chuyện đó. Cách học này giống với những gì Benjamin Franklin từng chia sẻ trong cuốn tự truyện nổi tiếng: chọn ra những bài đăng báo chuẩn chỉnh nhất rồi đọc thuộc, sau đó cố diễn đạt lại bằng ý của mình nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần của văn bản gốc. 

Cách học này vô cùng hữu ích bởi hai điều: 

Thứ nhất, quy trình phục dựng này giúp người viết tập sự hiểu rõ cấu trúc của một bài viết tốt.

Thứ hai, bài tập này giúp người viết nhận ra những yếu tố mà chỉ người viết mới biết chứ người đọc thì không. Đây chính là những thứ làm cho câu chuyện trở nên đáng đọc: cách hành văn, giọng điệu, tính nhất quán, logic, v.v 

Chandler viết thật chậm rãi và tỉ mỉ, sửa đi sửa lại nhiều lần các bản thảo.

Bắt chước là một trong những cách học nhanh và hiệu quả nhất. Và đây là phương pháp phổ biến được nhiều người áp dụng. Nhà văn nhại lại phong cách của thần tượng, cầu thủ “chôm” kỹ thuật của bậc tiền bối, diễn giả bắt chước phong cách của các vĩ nhân. Đánh cắp ý tưởng từ những người giỏi hơn bạn và sau đó tự sáng tạo nên tác phẩm của mình. 

Cuối cùng, tôi cho rằng đây sẽ là lời khuyên cổ lỗ nhất nhưng không bao giờ thừa: thiên tài phần lớn đều nhờ khổ luyện. Chandler tự nhận ông chẳng thông minh là mấy và ông bù đắp sự thiếu sót tài năng của mình (nếu không phải ông ấy đang tỏ ra khiêm tốn) bằng sức tập trung và sự bền bỉ. Ông viết thật chậm rãi và tỉ mỉ, sửa đi sửa lại nhiều lần các bản thảo. Trong khi người thầy của ông - Ngài Gardner - có thể nặn ra một truyện ngắn bình dân trong ba hoặc bốn ngày, thì Chandler phải mất tới vài tháng mới hoàn thành một câu chuyện.

So với các nhà văn trinh thám nổi tiếng khác như Arthur Conan Doyle, Ian Fleming hay Agatha Christie, khối lượng trước tác của Chandler dẫu không phải là ít nhưng cũng có phần lép vế. Tuy vậy, thông qua phương pháp làm việc kỉ luật và phong cách cầu toàn đặc trưng, tượng đài mà ông để lại có thể hiên ngang sánh bước cùng với những tên tuổi vĩ đại kia.