“Nếu một người có nhu cầu trở thành nghệ sĩ, đó là vì họ cần tìm thấy chính mình.” 

Ảnh: LeSoir.be

Khả năng sáng tác phi thường 

Simenon sinh năm 1903 tại Liège, Bỉ. Trong cuốn tiểu thuyết bán tự truyện về tuổi mới lớn Pedigree (1948), ông mô tả quê hương mình là nơi gần như không có gì để làm ngoài việc đến trường và thăm nhà thờ. Hiển nhiên là Simenon ghét cả hai việc trên.  

Cuối cùng, cậu bé tìm thấy niềm vui trong những cuốn sách: Balzac, Dumas, Dickens. Cậu cũng tìm thấy một sở thích khác: đàn bà. Cả hai sở thích này sẽ gắn bó với cậu trong suốt cuộc đời. 

Simenon rất yêu quý cha, một người đàn ông tốt bụng và nghiêm trang nhưng không thể hoà hợp được với mẹ, một phụ nữ cáu kỉnh trong một gia đình tư sản nhưng không mấy dư dả. Cậu bỏ học năm 15 tuổi và, chẳng bao lâu sau, bắt đầu viết tiểu thuyết. 

Năm 18 tuổi, Simenon có cuốn sách đầu tay, Au Pont des Arches, được viết xong trong mười ngày. Cùng năm đó, bố cậu qua đời. Cậu rời thị trấn một năm sau, trở về nhà vài hôm để tổ chức lễ cưới rồi định cư tại Paris. Gần ba thập kỷ sau đó, người con trai không bước qua ngưỡng cửa nhà mẹ mình. 

 

“Viết lách được coi là một nghề, còn tôi không nghĩ đó là một nghề. Tôi nghĩ rằng bất kỳ ai nghĩ mình không cần phải là một nhà văn, mình có thể làm điều gì khác, thì nên làm đúng như thế. Viết lách không phải một nghề mà là một nỗi bất hạnh. Tôi nghĩ một nghệ sĩ không thể hạnh phúc được.” 

 

Sinh thời, Simenon là một nhà văn cực kỳ sung sức, đã cho ra đời hơn 350 tác phẩm dưới tên thật của mình. Ngoài ra, ông cũng đã xuất bản hơn 1.200 truyện ngắn dưới hơn 15 bút danh khác nhau, chẳng hạn như G. Sim, Geo Sim, v.v. 

Georges Simenon nổi tiếng với năng suất phóng tác phi thường.

Mỗi buổi sáng, ông ngồi xuống và hoàn thành chỉ tiêu hàng ngày tự đặt ra là 6.000 - 8.000 từ một ngày. Sau đó, ông sẽ kiệt quệ vì căng thẳng, và dành phần còn lại của buổi chiều để thư giãn: đọc sách và vào nhà thổ. Với năng suất này, ông dễ dàng hoàn thành một cuốn truyện vừa trong vòng 8 ngày và dành 3 ngày cuối để chỉnh sửa. 

“Tôi cần phải viết. Nếu ai đó cho tôi khối tài sản lớn nhất thế giới vào ngày mai, tôi sẽ đau khổ và kiệt quệ về mặt thể chất nếu điều đó ngăn cản tôi viết.” 

Khả năng phóng tác phi thường của Georges Simenon chắc chắn có liên quan đến thói quen nghiêm ngặt, ổn định mà ông tuân theo khi sáng tác một cuốn sách. 

Đầu tiên, Simenon sẽ liệt kê tất cả các nhân vật của mình, bao gồm mô tả, địa chỉ và các thông tin cá nhân khác lên mặt sau một chiếc phong bì màu vàng nhạt khổ A4. Cốt truyện sẽ xuất hiện sau đó, gần như là tự phát trong khi viết. 

Tiếp theo, khi điện thoại đã ngắt kết nối, ông sẽ treo biển báo ‘Không làm phiền’ (lấy từ Khách sạn Plaza ở New York) trên cửa phòng làm việc của mình. Mỗi lần như thế, cả gia đình lặng như tờ. 

Ngày hôm sau, Simenon sẽ thức dậy lúc rạng sáng, mặc một trong những chiếc áo sơ mi thể thao Abercrombie & Fitch kẻ caro, sẵn sàng làm việc. Ông viết rất nhanh, không bao giờ tra từ điển, không bao giờ quay lại chỉnh sửa. Ông tuôn những suy nghĩ lên trang giấy như thác lũ, với tốc độ 92 từ một phút, thậm chí hầu như không dừng lại. 

Đến khoảng 10:30 sáng, ông sẽ hoàn thành công việc trong ngày, với một phần hoàn chỉnh dài 80 trang đã sẵn sàng cho thư ký của mình và chiếc áo sơ mi ướt đẫm mồ hôi đã sẵn sàng để giặt. Nghi lễ yêu cầu ông phải mặc cùng một chiếc áo sơ mi cho đến khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết. Sau 8 hoặc 10 ngày (những câu chuyện nặng đô hơn mất tầm một tháng), một Simenon khác sẽ đến nhà xuất bản. 

Người hùng trong chiếc áo bành tô 

Trong sự nghiệp sáng tác dài hơi, Simenon đã thử sáng tác ở nhiều mảng khác nhau, nhưng truyện trinh thám là địa hạt đem đến cho ông cả danh vọng lẫn tiền tài. Tiểu thuyết trinh thám đã giúp ông trở thành một trong những nhà văn có thu nhập cao nhất vào giữa thế kỷ XX, đồng thời ngăn cản ông đạt đến vị thế văn chương hàng đầu mà ông mong muốn. 

Người hùng ông tạo ra, thanh tra Jules Maigret là nhân vật thám tử mà những người hâm mộ sách trinh thám không thể không biết tới. Vốn đi nhiều, tiếp xúc nhiều, ông tích luỹ được một kho dữ liệu khổng lồ để viết nên những chuyến phiêu lưu điều tra ly kỳ của Maigret. 

Rowan Atkinson trong series Maigret (2016-2017) 

Những trang viết về các cuộc phá án của Maigret không sôi nổi, mạnh mẽ, “đao to búa lớn”, thậm chí có đôi chỗ còn khiến người ta... buồn ngủ vì văn phong chậm rãi cũng như những động thái từ tốn của viên thanh tra, nhưng kỳ lạ thay, mỗi khi đặt sách xuống, hình ảnh của cảnh sát trưởng Maigret hết lòng vì công việc cùng những số phận bi thảm của nhân vật luôn đeo đuổi người đọc. Và cứ thế, Maigret ghi đậm thêm dấu ấn của mình trong văn học trinh thám. 

75 tiểu thuyết và 28 truyện ngắn về Maigret đã được xuất bản đều đặn trong khoảng thời gian từ năm 1931-1972. “Maigret và ngài Charles” là tiểu thuyết trinh thám cuối cùng của ông. Dựa trên những tập truyện này, rất nhiều bộ phim về vị thanh tra thông minh và mẫn cán ấy được xây dựng ở nhiều nước trên thế giới như: Pháp, Anh, Ai-len, Úc, Hà Lan, Đức, Ý và Nhật Bản. Trong số đó, diễn viên Pháp nổi tiếng Jean Gabin được xem là người thể hiện nhân vật Maigret thành công nhất. Vào ngày 3-9-1966, tại nơi mà Georges Simenon viết tác phẩm đầu tiên về Maigret, bức tượng chân dung của Maigret, tạc bởi nhà điêu khắc Pieter d’Hont, đã chính thức được Simenon khánh thành. 

Một con người mâu thuẫn 

Với số lượng tác phẩm đã xuất bản, thật khó để tưởng tượng Georges Simenon có thời gian cho bất cứ việc gì khác ngoài viết lách. Khi được hỏi về thành quả ấn tượng của mình, ông nói, “Những người đồng nghiệp văn chương của tôi, họ sống ở Paris, họ theo đuổi một đời sống khá thế tục. Họ thuyết trình, họ viết văn, họ trả lời vô số cuộc phỏng vấn… Nhưng tôi không làm bất kỳ điều nào trong số đó. Tôi sống khép kín với gia đình mình.” 

Tuy nhiên, những ai biết Georges Simenon đều biết ít nhất một điều: ông là một Don Juan thời hiện đại. Có lần, trong một cuộc phỏng vấn với người bạn Federico Fellini, Simenon tuyên bố ông đã lên giường với 10.000 người tình, trong đó 80% là gái mại dâm. Josephine Baker, một vũ công và diễn viên người Mỹ gốc Pháp, có lẽ là một trong những người tình nổi tiếng nhất của ông.  

Về phần mình, hai người vợ của Simenon và một số tình nhân ‘chính thức’ đã dung túng cho thói lẳng lơ của Georges. Có vẻ như những gia nhân trong nhà Simenon đã phục vụ một chức năng kép. Trên thực tế, một trong những tình nhân lâu năm nhất của ông, Terasa Sburelin, ban đầu là người hầu của người vợ thứ hai của ông.

Simenon là người sung mãn trong tình dục và trong mọi khía cạnh khác của cuộc sống. Ông viết hơn 350 cuốn sách, khoe khoang về 10.000 người tình và sống ở 33 ngôi nhà khác nhau, bắt đầu từ Bỉ và kết thúc ở Thuỵ Sĩ năm 1989. Dẫu lang bạt kì hồ, phương pháp làm việc của ông rất nhất quán, tuân theo một quy trình nghiêm ngặt gần như một nghi thức trước cuộc thanh trừng. Cuộc thanh trừng, đúng, vì Simenon luôn viết trong tình trạng nóng phỏng tay, đau đớn và căng thẳng. 

Georges Simenon có lẽ là nhà văn điển hình cho câu nói “làm ra làm, chơi ra chơi”: Chỉ khi hoàn thành ông mới cho mình cơ hội “thư giãn” và tạm quên chuyện viết lách, nhưng như mọi nhà văn đều biết, khoảng thời gian êm đềm này chóng qua và chẳng bao lâu sau, gã nô lệ lại tự giam mình trong phòng viết lách biệt lập của y. 

 

“Tôi khá giống một miếng bọt biển. Khi tôi không viết tôi hấp thu cuộc sống như nước. Khi tôi viết tôi vắt miếng bọt biển một chút – và thứ cho ra không phải nước mà là mực.”   

 

Năm 1989, ở tuổi 86, Simenon kết thúc một cuộc đời sống động trong bình lặng. Theo lời người viết tiểu sử của ông, Pierre Assouline—một người nghiện việc, danh vọng, tiền bạc, phụ nữ—đến nỗi ông đã chết “như cách ông mơ về cái chết: già nua”.