Sống sót sau một cơn thập tử nhất sinh ở tuổi 35, Charles Bukowski bắt đầu viết lách trở lại sau 10 năm bỏ ngỏ. Ông chỉ đạt được chút thành công khiêm tốn khi đã ngoài ngũ tuần. Sau những thất bại triền miên của mình trong cả sự nghiệp lẫn cuộc sống, Bukowski dần hình thành một triết lý cho riêng mình, mà ngày nay được tạc trên bia mộ của ông. Triết lý đó là: “Đừng thử.” 

Cuộc đời nghệ sĩ của Bukowski có thể được mô tả chính xác như một cơn sốt, với những thăng trầm, chuyển biến rất rõ rệt. 

Bukowski bắt đầu viết từ rất sớm, chín hay mười tuổi, có lẽ—và hoàn toàn bất ngờ. Là một đứa trẻ nhập cư, Bukowski bị bạn đồng trang lứa xa lánh và châm chọc vì giọng nói quê mùa. Ở nhà, ông bị ngược đãi bởi người cha ngập đầu trong rượu chè và nợ nần. Trạng thái cô lập này đã khơi gợi ước muốn bày tỏ tâm tư qua câu chữ của Bukowski, và đặt nền tảng cho phong cách văn chương chân thực, bất cần, đôi khi phóng túng tới mức phũ phàng của ông sau này. 

Chưa "sống đủ"

Trong một buổi phỏng vấn ở tuổi xế chiều, Bukowski nói cha ông là một giáo viên văn học tuyệt vời bởi người đã dạy ông ý nghĩa của nỗi đau, đặc biệt hơn đau mà không biết tại sao đau. Khi bạn bị cho ra rìa đủ lâu, bạn dần có xu hướng nói thẳng toẹt những điều bạn suy nghĩ. 

 

“Rồi một ngày nọ, tôi bắt đầu viết, mà không biết rằng tôi đã tự trói buộc mình suốt đời vào một vị chủ nhân tàn nhẫn. Khi Chúa ban cho bạn một món quà, Người cũng trao cho bạn một chiếc roi; và chiếc roi đó chỉ được dùng để tự đánh mình.” 

—Truman Capote 

 

Ở tuổi 20, Bukowski bỏ dở đại học và có động thái đầu tiên cho thấy nỗ lực trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Nuôi mộng văn sĩ nhưng đói ăn, chàng thanh niên miệt mài viết hàng trăm truyện ngắn trong khi làm những công việc tay chân khác để kiếm sống qua ngày. Chỉ một số ít trong số đó được xuất bản và định trước là thất bại. 

 

“Tôi chỉ đơn giản là từ bỏ. Không phải vì tôi nghĩ mình là một nhà văn tồi. Tôi chỉ nghĩ rằng không có cách nào để vượt qua. Tôi đặt bút xuống với cảm giác ghê tởm…” 

 

Sau một vài năm, Bukowski gần như bỏ viết do tuyệt vọng vì tin rằng mình chưa sẵn sàng để trở thành một nhà văn và chưa “sống đủ”. Và 10 năm say xỉn bắt đầu. 

10 năm say xỉn 

Thập kỷ 1945-55 là một bản hoà tấu của quán bar, nhà trọ, say xỉn, nghèo đói và rắc rối. Bukowski bỏ hẳn viết lách, uống rượu như hũ chìm và làm những công việc lặt vặt chỉ để kiếm chút tiền còm, rồi lại dùng chúng để say xỉn tiếp. Ông lao vào cuộc sống đàng điếm, ngập đầu trong nợ và thường xuyên có ý định tự tử. 

Vào năm 1955, ở tuổi 35, sau khi đã bỏ viết chừng 10 năm, Bukowski trải qua một cơn thập tử nhất sinh. Ông đã sống sót và, cho rằng định mệnh vẫy gọi, ông bỏ việc ở bưu điện và bắt đầu viết trở lại. 

Vài năm trôi qua, Bukowski cho xuất bản hàng loạt tác phẩm nhưng vẫn không có thành công nào đáng chú ý và ông buộc phải trở lại bưu điện mà ông đã rời đi trước đây. Tuy nhiên, ông tiếp tục viết khi làm việc tại đó, tranh thủ sáng tác trước ca làm hoặc bất cứ khoảng thời gian rảnh rỗi nào ông có. 

Bukowski lao động cần mẫn như thế trong nhiều năm ròng và đã có nhiều tác phẩm được xuất bản trên các tạp chí nhưng thành công rất hạn chế, cả về mặt thương mại lẫn phê bình. Ông thậm chí không thể kiếm sống bằng nghề viết, nhưng ông vẫn tiếp tục viết gần như mỗi ngày trước khi đi làm trong nhiều năm. Thế nhưng phải hơn một thập kỷ sau, Bukowski mới bắt đầu trở nên nổi tiếng, sau rất nhiều năm vật lộn với cơm áo gạo tiền bằng chút tiền lương còm cõi từ công việc thư ký bưu điện. 

Bukowski chấp nhận lời đề nghị từ nhà xuất bản, lập tức nghỉ việc ở bưu điện và dành toàn thời gian để sáng tác. 

Lúc này, một vài tác phẩm của ông gây được tiếng vang trên văn đàn, nhưng chỉ sau khi một nhà xuất bản đồng ý tài trợ cho các tác phẩm của Bukowski thì ông mới nếm được chút vị của thứ gọi là “tự do tài chính”. Ông chấp nhận lời đề nghị từ nhà xuất bản, lập tức nghỉ việc ở bưu điện và dành toàn thời gian cho công việc sáng tác. Như ông giải thích trong một lá thư tại thời điểm đó: 

 

“Tôi có một trong hai lựa chọn: ở lại bưu điện và phát điên… hoặc chơi trò nhà văn và chết đói. Tôi đã chọn chết đói.” 

 

Vậy là ở tuổi 50, Bukowski mới thực sự bắt đầu sự nghiệp viết lách chuyên nghiệp - cái viễn tưởng ông từng đặt ra hồi đôi mươi. Phải mất rất nhiều năm nỗ lực không ngừng nghỉ, viết, bỏ viết rồi lại viết, cuối cùng ông mới tạo dựng được một chút thành công. 

Đừng thử 

Bia mộ của Bukowski ngày nay có dòng chữ “Don’t try”. Thật ngược đời khi một người đàn ông, người đã trở thành lý tưởng về sự cố gắng không ngừng nghỉ lại nuôi một nỗi niềm yếm thế như vậy. Chẳng lẽ ông bất cần tới nỗi khuyên người ta đừng nên cố gắng làm gì cho nhọc công?  

Trong một lá thư gửi người bạn William Packard, nhà văn Charles Bukowski đã viết: 

 

“Quá nhiều nhà văn viết vì những lý do sai lầm. Họ muốn nổi tiếng, muốn giàu có hoặc muốn giao du với những cô ả thời thượng…

…Viễn cảnh tươi đẹp nhất không phải là bạn chọn viết mà là viết chọn bạn. Đó là khi bạn phát điên với nó, đó là khi nó tràn vào tai bạn, mũi bạn, móng tay bạn. Đó là khi không còn hy vọng nào khác ngoài nó…”

 

Bukowski ngụ ý rằng nếu bạn phải cố gắng quan tâm đến điều gì đó, cố gắng muốn điều gì đó, có lẽ bạn không thực sự quan tâm và muốn nó như bạn tưởng. Bukowski không trở thành nhà văn vì ông ấy muốn trở thành một nhà văn, ông ấy bị thôi thúc phải trở thành một nhà văn. 

Ảnh: Drew Christie

Nếu bạn không bị dày xéo phải làm điều gì đó, ngay cả khi bị từ chối, ngay cả khi thất bại, thì Bukowski sẽ khuyên bạn “Đừng thử.” Nhưng ngược lại, nếu bạn không thể không làm nó—dẫu bạn phải chịu đoạ đày về thể xác lẫn tinh thần; nếu nó vẫy gọi bạn như tín hiệu từ vũ trụ, một lời đề nghị gần như không thể chối từ, gần như bạn không thể không cố gắng, có lẽ Bukowski sẽ khuyên bạn rằng: “Hãy cố gắng” và “Nếu đã cố gắng, hãy đi đến cùng.” Câu trích dẫn này xuất phát từ tiểu thuyết Factotum của Bukowski—kể về một nhà văn đang tìm kiếm công việc tay chân không cản trở đam mê viết lách của anh ta—và chúng ta có thể hiểu đơn giản lời giải đáp ở đây là: “Nếu không thể, đừng bắt đầu.”