Bạn có bao giờ gặp phải tình trạng ghi chép bài tập trên lớp nhưng khi mở ra đọc lại thì bị ngồn ngộn bởi chữ và bối rối vì không biết bắt đầu từ đâu không?

Hay như bạn cố gắng để học một ngôn ngữ mới, ghi nhớ kiến thức nhưng không cách nào truyền tải nó tới trí não không?

Đó là vì hệ thống tư duy của bạn đang bị “lộn xộn”. Bạn không hình dung ra được mình sẽ học gì, học như thế nào, đặc biệt là không biết cách sắp xếp các thông tin quan trọng phù hợp với mục đích của bản thân. 

Vì thế, nếu bạn đang đi tìm giải pháp cho việc ghi chép mà có thể nhớ lâu, nhớ tốt thì bạn cần ứng dụng những phương pháp ghi chép có bổ sung các đặc tính khoa học như ấn tượng thị giác thông qua hình vẽ, phân loại, tách ý,...

Để tìm hiểu chi tiết các phương pháp ghi chép hiệu quả, hãy đọc những gợi ý nho nhỏ của WeStudy dưới đây nhé!

Những lưu ý quan trọng trước khi ghi chép

Tìm ra được phương pháp khoa học, bạn hoàn toàn làm chủ được những luồng thông tin khác nhau được truyền tải tới bộ não. Dựa trên điển hình của các phương pháp ghi chép, việc tổ chức nội dung cũng trở nên dễ dàng hơn. Tức là, ghi chép, tư duy, thông tin có mối quan hệ gắn bó mật thiết. 

Và cũng vì thế, không phải cứ biết phương pháp là sẽ làm được tốt, hay biết phương pháp cứ trực tiếp mà ghi. Đó là bạn đang hiểu sai ý nghĩa của việc ghi chép. Trước khi ghi chép, giống như trước khi bắt tay nấu ăn, bạn đều cần chuẩn bị sẵn những “nguyên liệu”. Những “nguyên liệu” quan trọng bao gồm:

1. Tìm hiểu trước về những thông tin sắp tiếp nhận

Nếu bạn cần ghi chép trong tiết học, hãy xem trước nội dung bài học ngày hôm đó, tham khảo một số dàn ý phân tích, bình luận để có góc nhìn đa dạng về vấn đề. 

Nếu bạn cần ghi chép nội dung trong hội thảo, hãy nghiên cứu timeline chương trình, những tài liệu liên quan và chuẩn bị sẵn những câu hỏi cho những nội dung gần với nội dung bàn luận. 

Nếu bạn cần ghi chép để ôn thi, bạn cần phải xác định rõ mình ôn môn gì, môn đó có những nội dung nào và cân nhắc các phương pháp phù hợp. 

Trong một nghiên cứu về vấn đề tìm hiểu nội dung trước khi tham gia học tập cho thấy, các sinh viên luật dành thời gian tìm hiểu vụ án sẽ có tư duy sâu sắc hơn so với các sinh viên khác và tiếp nhận bài giảng cũng tốt hơn. 

Nhà phân tích tò mò đang điều tra dấu hỏi bằng kính lúp

Như vậy, việc tìm hiểu trước rất quan trọng. Nó là cơ sở để bạn biết mình chuẩn bị ghi chép gì và lựa chọn phương pháp ghi chép tương thích với những nội dung đó. 

2. Xây dựng chiến lược ghi chép

Chiến lược ghi chép là gì? Tại sao ghi chép mà cũng cần chiến lược?

Chiến lược ghi chép là một sự hình dung về sự tổ chức các phương pháp ghi chép. Bạn có thể hình dung như thế này, bạn cần ghi chép về bài học Vật chất và Ý thức. Thay vì cứ ghi dài dằng dẵng những mấy mươi trang giấy mà chữ nghĩa không đọng lại chút nào, thì bạn có thể kết hợp các phương thức ghi chép khác nhau để giản lược lượng từ mà vẫn đảm bảo đủ ý, dễ nhớ. Nói về khái niệm, bạn hoàn toàn có thể làm dạng bảng so sánh, tiến dần từ lịch sử hình thành đến các ví dụ tương đương để nhìn nhận rõ sự khác nhau của vật chất và ý thức. Nhắc đến mối quan hệ, bạn có thể tái hiện dưới dạng sơ đồ quay vòng, kết hợp các từ khóa và các dấu mũi tên để ghi nhớ hình dạng tác động của nó. Nhắc đến ý nghĩa, bạn có thể đơn giản hơn với các gạch đầu dòng luận điểm cho tiêu đề chính, trong các luận điểm là lập luận mang tính trọng tâm và ví dụ dưới dạng từ khóa suy luận. 

3. Thái độ của bạn quyết định hành vi của bạn

Charles Rozell Swindoll, một vị mục sư, tác giả, diễn giả, từng khẳng định: “Cuộc sống là 10% những gì xảy ra với bạn và 90% là cách bạn phản ứng với nó”.

Cách phản ứng đó có đến 50% là thái độ. Thái độ là cảm xúc, tư thế, tất cả những gì bạn chuẩn bị về mặt tinh thần để sẵn sàng cho bài học, công việc. 

Minh họa khái niệm giấy nghiên cứu

Do đó, nếu bạn đang cảm thấy mọi cuốn sổ ghi chép của mình thật lộn xộn, không thể ghi nhớ, thì bạn cần xem lại tâm thế của mình đối với ghi chép. 

Nhiều người quan niệm, ghi chép là chép lại những gì sẵn có, nhưng sự thật không phải vậy. Ghi chép còn là quá trình đồng sáng tạo, tiếp nhận, xử lý và ghi lại theo cách của bản thân. Và muốn làm được điều này, trước tiên bạn cần xem xét kỹ hai điều phía trên. 

Đặc biệt, để ghi chép một cách chất lượng, hãy lắng nghe, chủ động đặt câu hỏi với người cung cấp thông tin và lưu giữ lại những điều khiến bạn tâm đắc. 

4. Đừng bao giờ ghi mọi thứ chung một cuốn sổ

Đây cũng là một nguyên nhân khá phổ biến khiến nhiều người cảm thấy chuyện ghi chép của bản thân khá lộn xộn.

Nếu muốn sắp xếp khoa học cuộc sống, phân loại là phương thức cần thiết cho mọi trường hợp. Ghi chép cũng vậy, bạn cần phân loại các nội dung ghi chép và tổ hợp nó trong một cuốn sổ. 

Ví dụ, với các bé học sinh, các bạn sinh viên, mỗi môn học có thể tương ứng với một quyển vở khác nhau. Để tiện lợi hóa, các bạn sinh viên ít ghi chép và thường hoạt động trực tuyến có thể sử dụng những cuốn sổ có phân từng luồng màu sắc khác nhau, đại diện cho mỗi môn học. Hoặc tiến hành ghi chép trên Word, Googles docx với những phương pháp ghi chép khoa học. Mỗi buổi học là một file word, tổng hợp trong folder môn học, và môn học để trong folder lớn là kỳ học. 

5 Phương pháp ghi chép khoa học giúp bạn dễ dàng quản lý thông tin

Ghi chép có thể coi là một kỹ năng mềm cần thiết với mỗi người. Ở nước ngoài, cụ thể là trường Đại học Miami, có một khóa học về ghi chép phác thảo và lắng nghe tích cực. Như vậy, ghi chép là điều hoàn toàn có thể học và học tốt. Cùng We khám phá 5 kỹ thuật ghi chép giúp bạn làm chủ thông tin nhé!!

1. The Outline Method

The Outline Method là phương pháp ghi chép mang tính cơ bản và phổ biến nhất. Hình thức ghi chép của nó thể hiện qua hệ thống tiêu đề chính và tiêu đề phụ, giống như cách bạn xây dựng dàn ý của một bài nghị luận xã hội. 

Các tiêu đề được đánh dấu và phân biệt như sau:

- Phân theo hệ số:

Tiêu đề chính là Phần 1, Chương I, Thiên thứ nhất,...

Tiêu đề phụ chính đánh số 1, 2, 3,...

Luận điểm chứng minh cho tiêu đề phụ chính đánh số 1.1, 1.2,... và có thể lên đến 1.1.1 hoặc 1.1.1.1. Tuy nhiên, khi ghi chép thông thường, có thể giản lược số cho các đánh dấu a, b, c tương ứng với ý 1, ý 2, ý 3. 

- Phân theo hệ dấu: Hệ thống dấu để trình bày các ý mang tính nhỏ hơn và dưới cấp a lần lượt là: dấu hoa thị (*), dấu gạch đầu dòng (-), dấu cộng đầu dòng (+), dấu chấm đầu dòng (.).

Bạn có thể bám theo hệ thống này hoặc tự sáng tạo bộ đánh dấu cố định trong ghi chép. Bởi vì, mục đích cuối cùng của việc phân chia này là để các thông tin trình bày rõ ràng, xác đáng, dễ tra cứu lại. 

The Outline Method phù hợp với những nội dung mang tính lý thuyết, nội dung dài và phân chia thành các ý phong phú. 

Minh họa khái niệm thơ

2. The Cornell Method

Phương pháp này được đặt tên theo Đại học Cornell - nơi đã sản sinh ra phương pháp ghi chép phổ biến nhất hiện nay, còn được biết đến là phương pháp dàn ý. 

Nếu Outline là dạng dàn ý trải xuôi theo mạch thông tin thì Cornell là sự phân loại dạng cột có tính tổng hợp.

- Cột thứ nhất, cột phụ, hay gọi dễ hiểu hơn là cột tiêu đề, chiếm không gian nhỏ, là nơi ghi các từ khóa, hoặc phân mục nội dung tương ứng. Dưới mỗi từ khóa, bạn có thể chú thích thêm một vài thông tin liên quan. 

- Cột thứ hai, cột chính, có thể gọi là cột nội dung, chiếm không gian lớn nhất, là sự cụ thể hóa các từ khóa, các đề mục của cột phụ. 

- Hàng thứ ba, được kẻ khi đã hoàn thiện hai cột trước đó, được gọi là cột tổng kết. 

Để áp dụng phương pháp này, bạn có thể lựa chọn sẵn những cuốn sổ, vở viết có phân lề rộng. Việc xây dựng cột phụ giúp bạn tra cứu nội dung một cách nhanh chóng hơn, bớt thời gian lần tìm giữa các trang chữ. Tổng kết là sự chắt lọc kiến thức của bạn, tổng kết các nội dung cần phải nhớ.

Phương pháp này dễ thực hiện, phù hợp với hầu hết các môn học từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội.

3. Mind Mapping Method

Đây cũng là phương pháp cổ điển với bao thế hệ học sinh, thường được gọi với cái tên Sơ đồ tư duy. Các hình dạng sơ đồ tư duy như Sơ đồ cây, Sơ đồ bậc thang, Sơ đồ vòng kết nối,...

Phương pháp này dễ làm, giúp nhớ kiến thức nhanh. Tuy nhiên, nó đã khá cũ nên nhiều học sinh có xu hướng chuyển phương pháp mới, thuận tiện hơn.

Đồ họa thông tin kinh doanh doodle monocolor

Vì thế, để đổi mới sơ đồ tư duy, nên kết hợp giữa Mindmap cùng Sketchnote. Sự sáng tạo đó bạn có thể hình dung như sau, thay vì khoanh một hình tròn có tiêu đề ở bên trong, bạn sử dụng các kết hợp hình ảnh sống động để tăng hình dung và tạo ra ấn tượng thị giác lưu giữ trong trí não. 

Ví dụ, với những nội dung liên quan đến sinh học thực vật, bạn có thể tái hiện kiến thức dưới dạng hình vẽ của hoa, từ bông hoa đó tỏa ra các nhánh ghi chú các bộ phận và ý nghĩa tương ứng. 

Xem thêm: Sketchnote là gì? 

4. Flow Notes Method

Phương pháp ghi chép này phù hợp với những người có trí nhớ tốt và có khả năng suy luận tốt. Bởi vì, phương pháp ghi chép này sẽ tập trung vào những từ khóa chính, không có sự chăm chút về “ngoại hình”, cũng không đặt ra yêu cầu nào cho người sử dụng. 

Các biểu tượng được sử dụng cho phương pháp này thường là hình vuông, hình tròn, dấu mũi tên. Tức là, sẽ có hình vuông, hình tròn chứa tiêu đề lớn, số lượng mũi tên tương ứng với những nội dung thuộc về tiêu đề lớn đó.

Phương pháp này cũng được ứng dụng trong các cuộc họp lên ý tưởng, có tính chất ghi nhanh. Sau khi nhìn lại phần ghi chép, bạn sẽ chỉ thấy những từ khóa khác nhau, và nếu muốn nắm bắt được nội dung, bạn chỉ nên sử dụng Flow Notes Method cho việc phác họa ý tưởng phạm vi hẹp, hoặc sơ khai. Trong nhiều trường hợp, phương pháp này hợp với các môn tự nhiên hơn. 

5. The Charting Method

Chúng ta đã sử dụng bảng trong ghi chép ở mọi lúc mọi nơi, từ trên trang giấy lại tới các phần mềm ghi chép trực tuyến. Phương pháp này phù hợp với những nội dung mang tính tổng hợp đặc biệt hoặc những nội dung cần so sánh, liệt kê. 

Gói phần tử đồ họa thông tin phẳng

Charting Method nhấn mạnh vào sự rạch ròi, rõ ràng, nhưng phương pháp này thường đi kèm với các phương pháp khác, ít khi nào được sử dụng độc lập.

Thực tế rằng, còn rất nhiều phương pháp ghi chép, nhưng trong bài viết này, WeStudy sẽ chỉ chọn lựa 5 phương pháp phổ biến nhất, và dễ sử dụng.