Ít ai biết rằng Holly Golightly, vai diễn kinh điển của Audrey Hepburn trong Breakfast at Tiffany’s đã khẳng định tên tuổi bà như một nữ minh tinh đứng đầu Hollywood, ban đầu lại vốn được nhắm dành cho Marilyn Monroe. 

Rất may là Marilyn, dù khá hứng thú với nhân vật này nhưng sau cùng vẫn quyết định từ chối — nhờ vậy chúng ta mới có cơ hội chứng kiến một trong những tượng đài thời trang và nhan sắc trên màn ảnh dưới màn trình diễn trên cả tuyệt vời của Audrey Hepburn. 

So với các tượng đài Hollywood khác như Katharine Hepburn hay Bette Davis, số phim mà Audrey Hepburn tham gia có thể nói là ít ỏi, nhưng tên tuổi bà vẫn được vinh danh như một trong những huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh, một tượng đài nhan sắc và thời trang mà tất cả phụ nữ đều lấy đó làm hình mẫu theo đuổi. 

Nữ minh tinh đã sống một cuộc đời không quá dài, đầy sóng gió nhưng thực sự đáng nhớ, và vượt ra khỏi sàn diễn, vượt ra khỏi địa hạt thời trang, Audrey Hepburn còn là tấm gương sáng cho chủ nghĩa nữ quyền và một con người hết mình vì sứ mệnh nhân đạo, xứng đáng để chúng ta học tập theo! 

Ảnh: Magnum Photos

Những Năm Đầu Đời 

Audrey Hepburn tên đầy đủ là Audrey Kathleen Ruston, sinh ngày 4 tháng 5 năm 1929 tại Brussels, Bỉ nhưng mang quốc tịch Anh. 

Cha bà, một ‘quý ông’ người Hà Lan, đã bỏ người vợ Ella và đứa con gái 6 tuổi mà ra đi không lời từ biệt. Vì chúng ta sẽ không còn bận tâm tới quý ông này trong phần còn lại, vậy nên hãy thảo luận hết một thể tại đoạn văn này. Tên đầy đủ của cha Hepburn là Joseph Victor Anthony Ruston, tin rằng mình là hậu duệ của James Hepburn cao quý, bá tước thứ 4 của Bothwell nên đã đổi họ của mình từ Ruston thành Hepburn. Vậy là, Audrey Kathleen Ruston trở thành Audrey Kathleen Hepburn. 

Audrey Hepburn bên cạnh mẹ, bà Ella van Heemstra thời thơ ấu 

Hepburn theo học nội trú ở Anh khi còn nhỏ nhưng sống ở Hà Lan — nơi bị phát xít Đức chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai. Cuộc sống kham khổ của 2 mẹ con như thể vật lộn để sinh tồn, và Hepburn bị suy dinh dưỡng nặng nề. Về sau này, Audrey Hepburn vẫn luôn nói thân mình mảnh khảnh của mình một phần chịu ảnh hưởng của chứng suy dinh dưỡng từ trải nghiệm đau đớn thời thơ ấu. 

Ở tuổi thiếu nữ, Hepburn xung phong làm y tá tình nguyện trong một bệnh viện điều trị cho những người lính đồng minh bị thương. Thời gian đó, bà cũng theo đuổi đam mê múa ballet, tham gia nhiều buổi khiêu vũ gây quỹ như một cách ủng hộ phong trào Kháng chiến Hà Lan. 

Bà tự sáng tạo các điệu nhảy, nhờ một người bạn chơi piano hộ và mẹ bà là người may trang phục. Những nỗ lực khiêm tốn và rất nghiệp dư, theo lời bà là vậy. 

Sau chiến tranh, bà tiếp tục học múa ba lê ở Amsterdam và London. Trong những năm đầu tuổi 20, bà học thêm về diễn xuất và bắt đầu nhận được một số vai diễn điện ảnh nhỏ. 

Những Vai Diễn Đầu Tiên 

Một lần, khi đang làm phim ở Monte-Carlo, Hepburn đã lọt vào mắt xanh của tiểu thuyết gia người Pháp Colette, người đinh ninh Hepburn chính là hình mẫu lý tưởng bà đang tìm kiếm để sắm vai chính trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của bà Gigi (1944). 

Màn thể hiện xuất sắc của Hepburn sau đó đã nhận về vô số lời khen ngợi từ giới chuyên môn, giúp tên tuổi của bà bắt đầu được các nhà làm phim Hollywood để mắt tới. 

Audrey Hepburn trong bộ phim đầu tiên Gigi của mình 

Chỉ 2 năm sau đó, Hepburn có màn bứt phá ngoạn mục trong bộ phim Roman Holiday (1953), khiến khán giả cũng như giới phê bình đều phải sửng sốt trước màn hóa thân của bà trong vai Công chúa Ann, vai diễn đã giúp bà giành giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp. 

Năm tiếp theo, tên tuổi Audrey Hepburn một lần nữa phải khiến cánh báo chí tốn bao giấy mực vì màn trình diễn thuyết phục trong Sabrina (1954). Trong phim, bà vào vai con gái của một tài xế cho một gia đình giàu có, và bất ngờ rơi vào tam giác tình yêu với hai cậu con trai trong gia đình là Linus và David, do Humphrey Bogart huyền thoại và Wiliiam Holden thủ vai. Hepburn đã nhận được đề cử Giải Oscar cho tác phẩm hài lãng mạn buồn vui lẫn lộn này. 

Audrey Hepburn cùng Humphrey Bogart (ngoài cùng bên trái) và William Holden trong Sabrina 

Trở thành một trong những cái tên bảo chứng cho doanh thu phòng vé, bà tiếp tục tham gia trong hàng loạt phim thành công ở nửa sau thập kỷ, bao gồm vai Natasha Rostova trong War and Peace (1956) — tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển Chiến tranh và Hòa bình của đại văn hào Leo Tolstoy. 

Năm 1957, bà phô diễn kỹ năng khiêu vũ bậc thầy trong Funny Face (1957), và cùng năm đó góp mặt trong bộ phim lãng mạn hài tên Love in the Afternoon (1957), sánh bước cùng 2 tượng đài điện ảnh khác là Gary Cooper và Maurice Chevalier. 

Thập kỷ 50-60 được đánh giá là giai đoạn sung sức nhất trong sự nghiệp diễn xuất của Audrey Hepburn, vì cứ trung bình 1 năm bà lại góp mặt trong ít nhất 1 bộ phim mới. Tên tuổi bà cứ mãi vang xa hơn, nổi tiếng như một nữ minh tinh tận tâm với nghề. 

Tuy nhiên, phải tới bộ phim dưới đây thì tên tuổi bà mới thực sự vượt ra khỏi địa hạt điện ảnh và trở thành một biểu tượng nhan sắc và thời trang thế giới. 

Biểu Tượng Thời Trang Trong ‘Breakfast At Tiffany’s’ 

Xuyên suốt sự nghiệp, số vai diễn của Audrey Hepburn là khá khiêm tốn so với các nữ minh tinh cùng thời nhưng bà dường như đầu tư vào chất hơn lượng, vai nào vai nấy đều gặt hái thành công vang dội. 

Tuy nhiên, nếu để nói vai diễn ấn tượng nhất trong tất thảy chắc chắn sẽ là nàng Holly Golightly trong Breakfast at Tiffany’s (1961), vai diễn đã đưa tên tuổi bà lên hàng ngũ nữ minh minh hàng đầu Hollywood. 

Lối diễn xuất tinh tế, phong cách thời trang mang tính biểu tượng cùng nhan sắc kiều diễm đủ sức “đốn gục” bất cứ ai, Audrey Hepburn hóa thân trọn vẹn vào nhân vật đã trở thành hình mẫu lý tưởng của phụ nữ thời bấy giờ.

Phong cách thời trang của Audrey Hepburn trong phim đã trở thành hình mẫu của phụ nữ thời bấy giờ

Tiffany’s chắc hẳn bạn từng nghe qua rồi, cái tên nghe thôi đã thấy sang trọng. Đây là một cửa hàng trang sức đá quý xa xỉ bậc nhất nước Mỹ nằm ở ‘khu nhà giàu’ Manhattan, New York. Mỗi khi cảm thấy chán nản, Holly Golightly, nhân vật chính mà Hepburn thủ vai, sẽ bắt xe đến đây và ngay lập tức cảm thấy dễ chịu trở lại. Không quá khó hiểu, Breakfast at Tiffany’s chính là ẩn dụ cho những ảo mộng về một cuộc sống giàu sang phú quý của tầng lớp thượng lưu, là hiện thân của giấc mơ Mỹ xa vời mà ta từng bắt gặp trong Gatsby vĩ đại (The Great Gatsby)

Holly Golightly được xem là vai diễn đáng nhớ nhất sự nghiệp của Audrey Hepburn 

Ít người biết rằng vai diễn Holly Golightly ban đầu vốn được nhắm dành cho nữ minh tinh Marilyn Monroe. Truman Capote, tác giả của tiểu thuyết gốc tuyên bố: “Marilyn luôn là lựa chọn của tôi trong vai Holly Golightly.” Tuy nhiên, vị thầy method acting Lee Strasberg lừng danh đã khuyên Marilyn Monroe không nên nhận vai diễn vì vào vai một gái điếm có thể phá hủy hình tượng tốt đẹp cô đang cố gắng gây dựng. Nghe theo thầy, Marilyn từ chối và kịch bản lúc đó mới tới tay Audrey Hepburn. 

Nếu Marilyn chấp thuận lời đề nghị, rất có thể người xem vẫn thấy một Holly Golightly quyến rũ thơ mộng và một Breakfast at Tiffany’s vĩ đại không kém, nhưng chưa chắc Marilyn có thể trở thành một biểu tượng thời trang như Audrey Hepburn đã làm. 

Vai diễn Holly Golightly ban đầu được nhắm dành cho nữ minh tinh Marilyn Monroe 

Với vai diễn này, Audrey Hepburn như chạm tới đỉnh cao của nghiệp diễn. Chiếc váy đen mỏng ôm sát cơ thể mảnh khảnh, đôi găng tay đen kéo dài quá khuỷu, chuỗi ngọc trai màu trắng và chiếc tẩu hút thuốc nom không khác nào cây đũa ma thuật, vai diễn Holly Golightly đã đưa tên tuổi Audrey Hepburn đi vào lịch sử điện ảnh và thời trang thế giới.  

>>> Xem thêm: Bi Kịch Đằng Sau Bức Ảnh Tốc Váy Kinh Điển Của Marilyn Monroe

Di Sản 

Những năm cuối đời, Audrey Hepburn lùi lại phía sau cánh gà để chăm lo cho gia đình và sự nghiệp từ thiện của mình. Bà trở thành Đại sứ thiện chí của UNICEF vào cuối những năm 1980. 

Đi khắp thế giới, Hepburn đã đến thăm những trẻ em nghèo đói để lan tỏa thông điệp nhân văn sâu sắc. Bà đến Ethiopia và Thổ Nhĩ Kỳ năm 1988 rồi ghé qua Nam Phi, nở nụ cười mãn nguyện vì những ngôi làng và khu ổ chuột nhỏ bé nay đã được trang bị hệ thống cấp nước bởi ‘phép màu’ của UNICEF. 

Audrey Hepburn rời xa ống máy quay và cống hiến hết mình vì sự nghiệp từ thiện 

Năm sau, bà lại lên đường chu du khắp Trung Mỹ, gặp gỡ nhiều lãnh tụ tại Honduras, El Salvador và Bangladesh. Hepburn ôm chặt những đứa trẻ khốn khổ, những đứa trẻ mà người ‘dính đầy ruồi nhặng’ như lời nhiếp ảnh gia John Isaac. Những đứa trẻ cứ sà vào vòng tay của bà, chạm vào bà — như thể bà là một vị thần tiên từ phương trời cực lạc nào đó đến cứu giúp chúng. 

Tháng 10 năm 1990, Audrey Hepburn đặt chân lên Việt Nam. Bà thúc giục UNICEF lên kế hoạch cho chương trình tiêm chủng và hoạt động tuyên truyền uống nước sạch tại nước ta. “Tôi muốn đưa nhiều hơn những bức hình về đất nước, con người Việt Nam để người dân trên khắp thế giới có thể hiểu rõ hơn về nơi đây, rằng Việt nam có nhiều điều để họ tìm hiểu hơn một cuộc chiến tranh phi nghĩa,” Audrey Hepburn từng nói. 

Audrey Hepburn bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần ghé thăm Việt Nam năm 1990 

Nhờ những đóng góp không quản mệt nhọc, Audrey Hepburn đã giành được Giải thưởng Viện hàn lâm đặc biệt cho hoạt động nhân đạo của mình vào năm 1993, nhưng tiếc là bà không sống đủ lâu để nhận được giải thưởng đó. 

Audrey Hepburn, biểu tượng của Hollywood một thời qua đời ngày 20 tháng 1 năm 1993 tại nhà riêng ở Tolochenaz, Thụy Sĩ sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư ruột kết. 

Tuy vậy, sứ mệnh từ thiện của bà vẫn tiếp tục. Các con trai của bà, Sean và Luca cùng người bạn Robert Wolders đã chung tay thành lập Quỹ Audrey Hepburn tại UNICEF để giữ cho ước nguyện của Hepburn sống mãi. 

Đọc Thêm 

>>> Tất Tần Tật Về Cillian Murphy - Nam Chính Của Bom Tấn 'Oppenheimer' 

>>> Helen Mirren: Từ Vũng Bùn Tai Tiếng Tới Danh Hiệu “Nữ Hoàng Không Ngai” 

>>> Leonardo Dicaprio: Từ Chàng Thơ Say Tình Đến Kẻ Lừa Phỉnh Chạy Trốn Nỗi Cô Đơn