#1. Nike được sinh ra từ một lời nói dối.
Năm 1964, Phil Knight cùng huấn luyện viên huyền thoại Bill Bowerman – mỗi người góp 500 đô thành lập nên Blue Ribbon Sports (BRS), tiền thân của Nike ngày nay.
Trước đó 2 năm, Phil Knight trong chuyến du lịch tới Nhật Bản đã gặp mặt hội đồng công ty Onitsuka để thảo luận về việc nhập khẩu mẫu giày thể thao Tiger về Mỹ để bán. Khi chủ tịch Onitsuka hỏi Knight ông đã có công ty nào bên Mỹ chưa, Knight ậm ừ: “À, vâng, một câu hỏi hay”.
“Trên một bức tường, tôi còn dán kín những dải ruy băng màu xanh – thành tích trên những đoạn đường chạy, thứ trong cuộc đời tôi thấy hoàn toàn tự hào. Và thế thì? ‘Blue Ribbon (dải ruy băng xanh)’, tôi thốt ra. ‘Thưa các ngài, tôi đại diện cho công ty thể thao Blue Ribbon ở Portland, bang Oregon’.”
- Trích "Gã nghiện giày"
Dù cái tên Blue Ribbon có vẻ buồn cười, song Onitsuka đồng ý rằng Blue Ribbon sẽ là nhà phân phối đại diện cho công ty bên Mỹ.
Điều đặc biệt là mãi tận 2 năm sau ngày đó, công ty Blue Ribbon mới được thành lập ở Oregon.
>>> Đế Chế Tỷ Đô Nike Và Người Đàn Ông Đứng Sau Nó.
#2. Mẹ của Phil Knight, bà Lota là khách hàng đầu tiên của Nike.
Năm 1964, Phil Knight hỏi vay bố 1,000 đô la để nhập giày của Onitsuka. Ông James lắc đầu. Knight quay sang mẹ như để cầu cứu và thấy bà nhoẻn miệng cười.
Bà mở ví và lấy ra 7 đô la. “Bán cho mẹ một đôi giày Limber Up”, bà nói đủ lớn để ông James nghe thấy. Dưới tác động của vợ, ông James đành nhượng bộ, rút tờ ngân phiếu trị giá 1.000 đô la rồi trao cho cậu quý tử.
Phil Knight đã tận dụng tối đa 1.000 đô đó. Ông bán hết 300 đôi trong khi rong ruổi khắp vùng Tây Thái Bình Dương trên con xe Plymouth Valiant. Doanh số năm đầu tiên đạt 8.000 đô la.
Ngày nay, Nike là một thương hiệu trị giá gần 150 tỷ đô, với hơn 5.000 cửa hàng trên toàn thế giới với đội ngũ nhân viên hơn 10.000 người.
Người dời núi thường bắt đầu từ việc dỡ những viên đá nhỏ. Một trong những viên đá nhỏ của Nike là 7 đô la của bà Lota.
#3. Nhân viên đầu tiên của Nike là em gái của Phil Knight.
Năm 1964, Phil Knight lần đầu trải nghiệm cảm giác thất tình. Ông bị “đá” qua thư. “Cô ấy không chắc tôi đủ hiểu đời với cô ấy,” ông viết.
Phil Knight rơi vào chuỗi ngày trầm uất, buông xuôi tất cả. Đơn hàng mới từ Onitsuka cập bến, ông mặc kệ. Một ngày, cô em gái Jeanne quyết định chấm dứt chuỗi ngày tồi tệ này thay anh trai mình – vì một thực tế rõ ràng là Phil Knight không đủ nghị lực để tự làm điều đó.
Do bỏ bê việc kinh doanh khá lâu nên Knight cần tới sự trợ giúp. Ông đề nghị Jeanne giải quyết giúp ông vụ thư từ, số sách, đại loại là những công việc văn phòng mà ông không muốn đụng đến.
Với tiền thù lao là 1,5 đô la một giờ, Jeanne Knight trở thành nhân viên đầu tiên của công ty Blue Ribbon.
#4. Công ty sản xuất giày cho Nike những ngày đầu chính là Asics ngày nay.
Công ty sản xuất giày Onitsuka tại Kobe, Nhật Bản – nơi Phil Knight đã tới gặp mặt để thương thảo về dự án nhập khẩu giày – chính là công ty Asics ngày nay.
Các vận động viên bóng chuyền hay cầu lông hẳn đã nằm lòng cái tên này, tuy nhiên phần lớn chúng ta nằm ở mặt còn lại, sẽ thấy nó khá lạ lẫm, cho tới khi bạn biết mẫu giày bình dân Thượng Đình ở Việt Nam ta là biến thể từ biểu tượng sọc của Asics mà ra.
Quay lại năm 1964 – khi Phil Knight và Bill Bowerman thành lập nên Blue Ribbon Sports – nhận làm nhà phân phối chính thức của thương hiệu Onitsuka Tiger tại bờ Tây nước Mỹ. Dù hai bên đã chia tay nhau trong một hoàn cảnh không được êm đềm cho lắm (Nike và Onitsuka kiện nhau ra tòa năm 1974), Blue Ribbon đã giúp thương hiệu Tiger của Nhật Bản vươn xa trên thị trường quốc tế và ngược lại, Onitsuka cũng giúp Blue Ribbon xây dựng lòng tin của người dùng như một thương hiệu giày thể thao giá rẻ chất lượng cao – điều đã trở thành tiền đề để Phil Knight gây dựng nên Nike lớn mạnh ngày nay.
Năm 1977, Onitsuka Tiger hợp nhất với hai công ty GTO và JELENK trở thành tập đoàn ASICS. Họ giữ nguyên cái tên này cho đến nay và theo sau là hàng loạt những thành công mà người Nhật Bản chưa từng nghĩ đến.
Có thể thấy, sau khi đường ai nấy đi thì Nike và Asics đều thành công trên con đường họ đã chọn; là phần hậu truyện viên mãn mà Phil Knight không đề cập tới trong cuốn sách của mình.
#5. Phil Knight từng khốn cùng tới nỗi phải “dốc sạch” tiền tiết kiệm của bố mẹ đồng nghiệp để cứu Nike khỏi phá sản.
Năm 1970, bị Ngân hàng Đệ nhất Hoa Kỳ xiết nợ, Phil Knight thậm chí không có đủ 25.000 đô để nhận đơn hàng mới từ Onitsuka. Ông thu vén từ mọi nguồn, dốc sạch tiền tiết kiệm ra mới “thoát nạn”. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa việc Blue Ribbon không còn dư đồng nào để vận hành kinh doanh.
“Cuối cùng tôi phải làm những gì mình không muốn, những gì mà tôi đã từng thề là không bao giờ làm,” ông viết. Phil Knight, chủ một hãng giày đạt doanh số chục triệu đô la giờ đây phải chạy vạy ngược xuôi hỏi vay tiền “bất kỳ ai có thể”: từ bạn bè, gia đình, hàng xóm tới bạn bè cũ, và đôi khi là địch thủ cũ thời đại học.
Mọi thứ ông nhận lại chỉ là những cú lắc đầu. Trong lúc tuyệt vọng nhất, đang ngồi thẫn thờ ở bàn làm việc thì Bob Woodell, một đồng nghiệp của ông gõ cửa. Woodell thông báo rằng bố mẹ của anh muốn cho Knight vay 5.000 đô la – và họ không để ông có cơ hội từ chối.
Knight tới gặp ông bà Woodell và hai người đã cho ông vay thêm 3.000 đô, chính thức vét sạch toàn bộ số tiền tiết kiệm của họ. Khi bước ra cửa, Knight dừng lại hỏi: “Tại sao hai bác lại làm việc này?”
“Bởi vì”, bà Woodell trả lời, “hai bác không tin tưởng vào công ty con trai đang làm việc thì còn tin ai?”.
Năm 1980, Nike phát hành hơn 2 triệu cổ phiếu ra công chúng, một bước ngoặt đưa toàn thể đội ngũ Nike, những người đã đồng hành cùng thương hiệu từ những ngày đầu tiên trở thành triệu phú chỉ sau 1 đêm. Woodell ngồi với bố mẹ và kể cho họ nghe tin tức. “Điều đó có nghĩa là gì?”, họ thì thầm. “Có nghĩa là khoản bố mẹ cho Phil vay 8.000 đô la giờ có giá trị 1,6 triệu đô la”.
Nếu mẹ không thể tin tưởng vào công ty nơi con trai mình làm việc thì mẹ có thể tin ai?
#6. Cái tên NIKE không phải do Phil Knight nghĩ ra, và đặc biệt là suýt chút nữa nó đã không được chọn.
Năm 1971, cái tên NIKE chính thức được khai sinh. Bạn có thể ngắm qua “danh sách tuyển chọn” trước đó của Phil Knight như sau: Dimension Six, Falcon, Bengal, Condor cùng hàng loạt cái tên ngộ nghĩnh khác mà ông chế từ các con vật ra.
Phil Knight đặc biệt “kết” cái tên Dimension Six, rất may là các đồng nghiệp của ông cũng giống tôi và bạn – cùng thấy cái tên này thật dở tệ. Cuối cùng, Jeff Johnson hiên ngang bước tới, đề nghị Phil Knight lấy tên N-I-K-E, dựa theo tên nữ thần chiến thắng Athena Nike của Hy Lạp. Johnson cho biết anh đã mơ thấy cái tên này vào đêm hôm trước, tuy nhiên những lời giải thích sau cho thấy quyết định chọn Nike không hề là một lựa chọn hoàn toàn dựa trên cảm hứng.
Đầu tiên, Johnson cho biết tất cả các thương hiệu mang tính biểu tượng – Clorox, Kleenex, Xerox – đều là những cái tên ngắn, chỉ hai âm tiết hoặc ít hơn. Bên cạnh đó, chúng luôn có âm tiết tạo dấu ấn, một chữ cái như “K” hoặc “X” in vào đầu. Tất cả điều này đều chỉ ra cái tên Nike là thích hợp.
Thứ hai, Nike là hiện thân của nữ thần chiến thắng, rất đúng với tinh thần của thương hiệu: không lùi bước.
Và như vậy, năm 1971, công ty Blue Ribbon Sports chính thức khoác lên mình một bộ mặt mới. Họ trở thành NIKE.
#7. Carolyn Davidson, người đứng sau biểu tượng swoosh huyền thoại, được trả 35 đô thù lao thiết kế.
Từ khi thành lập tới năm 1970, bán giày tại Blue Ribbon hầu như chỉ là công việc bán thời gian với Phil Knight. Đơn giản là bởi nó không chu cấp đủ để nuôi sống ông. Vì vậy, Knight vẫn làm việc văn phòng tại công ty kế toán và sau đó chuyển sang trợ giảng tại Đại học Oregon.
Trong tuần cuối cùng tại đây, Knight bắt gặp cô sinh viên Carolyn Davidson, người đang đứng trước bản vẽ của mình và phàn nàn rằng cô không đủ tiền trang trải. “Cô có muốn kiếm thêm không?” Phil Knight hỏi. Vậy là Davidson tới Blue Ribbon làm việc bán thời gian với mức lương 2 đô/giờ.
Vào năm 1970, trong đợt tái nhận diện thương hiệu, chính Carolyn Davidson là người đã thiết kế biểu tượng swoosh (dấu ngoắc phẩy) huyền thoại mà chúng ta thấy ngày nay. Cô được trả 35 đô thù lao cho dự án trên. Tuy nhiên, Phil Knight sau này tiết lộ đã tặng cô 500 cổ phiếu của Nike (gần 1 triệu đô ngày nay) như phần thưởng dành cho những đóng góp xứng đáng của Davidson với công ty.
#8. Dòng giày kinh điển Air Jordan suýt chút nữa đã không tồn tại nếu không nhờ công Deloris Jordan, mẹ của vua bóng rổ.
Năm 1984, Michael Jordan bước chân vào Liên đoàn Bóng rổ Mỹ (NBA). Năng lực của Jordan là không khỏi bàn cãi, do đó ông nhận được vô số lời chào mời từ các thương hiệu lớn như Converse, Adidas tại thời điểm đó. Tuy nhiên, Nike mới là kẻ chiến thắng sau cùng.
Được biết, Jordan mong muốn hãng giày sẽ sản xuất cho ông một dòng giày riêng. Converse và Adidas cùng từ chối yêu cầu này, và Phil Knight qua những tìm hiểu trước đó đã quyết định “chơi tất tay” với chàng tân binh Chicago Bulls. Hãng đề nghị với Jordan bản hợp đồng 5 năm trị giá 2,5 triệu đô — con số kỷ lục tại thời điểm đó đối với một tân binh mới chân ướt chân ráo bước vào “giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh”.
Tuy nhiên, Jordan thực sự yêu thích Adidas hơn. Một ngày trước buổi hẹn, ông nói với bà Deloris, mẹ ông rằng ông không muốn đi. Bà Deloris đã mắng Jordan một trận ra trò vì cái tính thất thường của tuổi trẻ, và khuyên ông hãy tới gặp mặt đội ngũ Nike “dù có thích hay không”. Nghe lời mẹ hơn ai hết, Jordan lên máy bay tới trụ sở Nike ở Oregon.
Bản thỏa thuận được thông qua ngay sau đó, và dòng giày Air Jordan — màn collab lịch sử giữa Nike và vua bóng rổ đã mở ra một đế chế giày trị giá hàng tỷ đô, vĩnh viễn thay đổi cuộc đời Jordan và cả Nike về sau.
Nếu giống như bà Deloris Jordan nói về sự kiện này thì: “Một đôi giày chỉ là một đôi giày, cho tới khi con trai tôi xỏ vào chúng.” Bà không hề phô trương khi phát biểu như vậy.
#9. Shaq từng tới gặp mặt Phil Knight diện cả cây Reebok để dằn mặt Nike.
Shaquille O’Neal là một trong những cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất lịch sử, và ông không cần quá nhiều thời gian để chứng minh điều đó. Ngay từ những ngày đầu bước chân vào NBA, màn trình diễn đỉnh cao của Shaq đã khẳng định ông là một con “quái vật” dưới bảng rổ. Thực tế là Shaq đã càn quét tới độ NBA phải bổ sung thêm vài điều luật mới để giải đấu cân bằng hơn.
Hiển nhiên, thành công của Shaq đã thu hút sự chú ý của nhiều nhãn hàng thể thao, trong đó có Nike. Phil Knight đã giành được hợp đồng với cầu thủ này, tuy nhiên khi O’Neal nhập ngũ, ông đã “đá” Nike và đặt bút ký bản hợp đồng với Reebok.
Giống như Michael Jordan vào năm 1984, Shaq muốn Nike sản xuất cho mình một dòng giày riêng. Tuy nhiên, Nike thời điểm đó còn mải tăm tia nhiều siêu sao khác, vậy nên thương hiệu đã dành sự chú ý khá khiêm tốn cho Shaq.
Để trả đũa, Shaq đã tới gặp Nike để kết thúc bản hợp đồng trước đó – diện từ đầu tới chân toàn đồ của Reebok. Nhiều năm sau này, Shaq khẳng định đó là một lựa chọn đúng đắn, ông chia sẻ trong một lần phỏng vấn với Complex: “Nike đã từng nắm trong tay thương hiệu Shaq nhưng họ không trân trọng nó. Họ trả nó lại cho tôi và tôi đã bán được tới 600 triệu đôi cho tới nay.”
#10. Phil Knight là một người hâm mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Mặc dù kinh doanh được coi là trận chiến không tiếng súng, nhưng thực tế kinh doanh là một bức tường thành tuyệt vời bảo vệ các quốc gia khỏi chiến tranh. Thương mại quốc tế là con đường nuôi dưỡng sự hòa bình, thịnh vượng.
Bị ám ảnh bởi chiến tranh Việt Nam, đó là lý do tại sao Phil Knight luôn muốn tuyên bố rằng một ngày nào đó Nike sẽ có một nhà máy đặt tại hoặc ở gần Sài Gòn. Tới năm 1997, Nike đã có 4 nhà máy ở đây.
Ông chủ Nike quyết định sẽ tới thăm Việt Nam, và trong lần viếng thăm hiếm hoi này, Phil Knight bày tỏ mong muốn được gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp – “tướng McArthur của Việt Nam” như lời ông.
“Có một sức mạnh dữ dội trong ông”, Knight viết. Tò mò về người đã đánh thắng người Nhật, người Pháp, người Mỹ và cả Trung Quốc, Knight hỏi đơn giản: “Sao ông có thể làm được những việc đó?”
Đại tướng mấp máy môi. Ông suy nghĩ. Và suy nghĩ. “Tôi là”, ông trả lời, “một giáo sư của rừng nhiệt đới”.
Câu nói của Đại tướng đã làm Phil Knight suy ngẫm rất nhiều. Ông nghĩ về Nhật Bản, đất nước bị tàn phá nặng nề sau thảm kịch tại Hiroshima và Nagasaki, lại có thể trỗi dậy từ đống tro tàn và ngày nay trở thành một cường quốc trên thế giới. Ông nghĩ về những nguồn lực chưa được khai phá, cả tự nhiên và con người, rằng thế giới luôn có thừa cách thức lẫn phương tiện để một người, một quốc gia gặt hái được thành công.
Phil Knight đem lời khuyên răn này để cổ vũ tinh thần cho hàng ngũ sinh viên tại Đại học Stanford và Harvard, những chủ nhân tương lai của nước Mỹ: “Tất cả những gì chúng tôi phải làm, tôi nói cho các sinh viên, là làm việc và học tập, học tập và làm việc, cật lực như chúng ta có thể.”
“Hay nói cách khác: Tất cả chúng ta phải là những giáo sư của rừng rậm”.