Trẻ tuổi, xông xáo, thiếu tiền nhưng thừa nhiệt huyết, chàng trai Phil Knight 24 tuổi vay bố 50 đô để thực hiện Ý tưởng Điên rồ của mình: nhập khẩu giày chạy Nhật Bản về Mỹ bán kiếm lời. Bán giày trên thùng xe Plymouth Valiant, doanh số năm đầu tiên đạt 8.000 đô la. 

Bị ám ảnh bởi triết lý “tăng trưởng hoặc chết”, Knight lèo lái Nike gặt hái hết thành công này tới thành công khác – nhưng thất bại cũng thật nhiều. Ngân hàng xiết nợ, đồng nghiệp lẫn đối tác phản bội, có thời điểm Knight phải hạ mình đi vay tiền biết bao người để cứu sống “đứa con” Nike. 

Ngày nay, Nike là một thương hiệu trị giá 136,81 tỷ đô, doanh thu hàng năm tăng liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại. Biểu tượng swoosh (dấu ngoắc phẩy) không dừng lại ở mức biểu tượng nữa — nó đại diện cho một tinh thần, một ý chí chiến thắng. Khắp các ngõ ngách trên toàn thế giới, Nike tự hào là thương hiệu có thể được nhận diện tại bất cứ đâu. 

Phil Knight, người đàn ông đứng sau đế chế tỷ đô Nike. Ảnh: The Business Journal

Lời nói dối khai sinh ra Nike 

Vào năm 1962, thời điểm mà 90% dân Mỹ vẫn chưa một lần đi máy bay, Phil Knight 24 tuổi vừa tốt nghiệp cao học từ Stanford, mượn bố tiền để hiện thực hóa “Ý tưởng Điên rồ” của mình. Ông sẽ nhập khẩu giày chạy của Nhật Bản về Mỹ để bán kiếm lời. 

Phil Knight, nhà đồng sáng lập Nike thời trẻ
Ảnh: Getty Images 

Thực ra Nhật Bản chỉ là một chặng dừng chân trên hành trình du ngoạn thế giới của cậu sinh viên mới tốt nghiệp. Tại xứ hoa anh đào, Knight rất ấn tượng với thương hiệu giày chạy Tiger của công ty Onitsuka (nay là Asics). 

Một buổi gặp mặt nhanh chóng được sắp xếp, và khi buổi họp diễn ra, ông bịa ra cái tên Blue Ribbon — nói dối trắng trợn mình là chủ của công ty này ở Mỹ. Tuy nhiên, Onitsuka đồng ý Blue Ribbon sẽ là đại diện phân phối giày Tiger ở Mỹ.  

“Kính gửi bố: Khẩn. Hãy gửi ngay 50 đô la đến công ty Onitsuka ở Kobe,” ông viết thư tới bố từ Nhật Bản, sau đó xách ba lô du ngoạn khắp châu Á, châu Phi, châu Âu suy ngẫm về cuộc đời. Ngày 24 tháng 2 năm 1963, đúng sinh nhật lần thứ 25, Phil Knight với mái tóc chấm ngang vai, râu ria xồm xoàm bước chân vào căn nhà ở phố Claybourne. Ông đã về nhà. 

Trong thời gian chờ đợi giày của Onitsuka gửi tới nơi, Knight đăng ký học về kế toán tại Đại học Portland, sau đó làm việc cho công ty Lybrand, Ross Bros. & Montgomery. 

Phải tới Giáng sinh năm 1964, “lô hàng 50 đô” mới cập cảng Oregon. Knight lập tức gửi 2 đôi tới huấn luyện viên Bill Bowerman và cùng nhau, họ thành lập nên công ty Blue Ribbon Sports (BRS), tiền thân của Nike ngày nay. 

Knight một lần nữa tìm tới bố để vay tiền. Lần này, ông William lắc đầu. Tuy nhiên bà Lota lại mở bóp lấy ra 7 đô la và nói: “Bán cho mẹ một đôi giày Limber Up”. Dưới tác động của vợ, ông William miễn cưỡng đưa cho cậu quý tử 1.000 đô la. 1.000 đô la cho đơn hàng đầu tiên – 300 đôi giày. 

Lần này, Onitsuka gửi giày đúng hạn. 

Tăng trưởng, tăng trưởng, tăng trưởng 

Sau 7 tháng chu du khắp vùng Tây bắc Thái Bình Dương bán giày trên con xế hộp Plymouth Valiant, Knight bán hết sạch lô hàng đầu tiên. Ông đặt thêm một lô 900 đôi, đơn hàng rơi vào khoảng 3.000 đô la. 

Một lần nữa, ông lại tìm tới “Ngân hàng Bố”.

Rất tiếc, Ngân hàng Bố đã đóng cửa. Tuy nhiên, ông William vẫn ký giấy bảo lãnh cho cậu con trai được vay tiền tại Ngân hàng Đệ nhất Hoa Kỳ. Năm đầu tiên kết thúc, doanh số bán giày là 8.000 đô la, và Knight đang hướng tới con số 16.000 đô vào năm sau. Việc bán giày nhìn chung rất thuận lợi. 

 

“Trong tư duy của người mới bắt đầu, có rất nhiều khả năng. Còn trong tư duy của một chuyên gia lại có rất ít.” 

— Trích “Gã nghiện giày: Tự truyện của nhà sáng lập Nike” 

 

Năm 1965, Blue Ribbon có nhân viên toàn thời gian đầu tiên: Jeff Johnson. Trong khi đó, Knight tất bật tại công ty kế toán Price Waterhouse từ thứ 2 tới thứ 6 hàng tuần và phục vụ trong Lực lượng Dự bị vào thời gian rảnh (cam kết 7 năm). 

Trước khi thập kỷ 70 bắt đầu, Blue Ribbon đã mở thêm một cửa hàng ở bờ Đông, bang Boston do Johnson đảm nhận. Nhân sự công ty nhân gấp bốn trong vòng vài tháng, hầu hết đều là người quen được Bowerman giới thiệu. 

Knight rời Price Waterhouse sau đó làm giảng viên kế toán một thời gian ngắn tại Đại học Portland trước khi bỏ việc hành chính hoàn toàn để tập trung toàn lực vào việc bán giày. Năm 1971, hợp đồng giữa Onitsuka và Blue Ribbon bị phá vỡ. Ngân hàng Đệ nhất từ chối bảo lãnh thêm cho Phil Knight. Vậy là cùng lúc, Phil Knight bị hai đối tác “đá” thật đau điếng. 

Tình thế này buộc Blue Ribbon phải thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu hoàn toàn, hay đúng hơn là một bước ngoặt: cái tên Nike và logo swoosh ra đời! 

Nike ra đời 

Ban đầu, Phil Knight đã định đổi tên thương hiệu thành Dimension Six, rất may là vào phút chót ông đã nghe theo Jeff Johnson lấy tên Nike — dựa theo tên nữ thần chiến thắng Athena Nike của Hy Lạp. Logo swoosh do một tay cô sinh viên Carolyn Davidson tạo nên, sau khi nhận bản brief sơ sài “một thứ gì đó tạo cảm giác chuyển động” từ ông chú Knight. 

Davidson được trả 35 đô cho biểu tượng kinh điển đó, tuy nhiên tới năm 1983, Phil đã tặng cô 500 cổ phiếu của Nike, rơi vào tầm 1 triệu đô ngày nay. 

Tiếp nối thành công của BRS, Nike cho ra các mẫu giày biểu tượng như Nike Cortez năm 1968 và sau đó là thiết kế để đời của Bill Bowerman — “Waffle”. 

Khi đang ngồi ăn sáng với vợ, vị huấn luyện viên bỗng bị thu hút bởi những hoa văn chằng chịt của chiếc khuôn bánh quế. Sau vài thử nghiệm thất bại với khuôn bánh quế, Bowerman lấy một tấm thép không gỉ, đục lỗ để tạo ra bề mặt giống khuôn bánh quế rồi mang mẫu này tới công ty cao su, yêu cầu họ đổ cao su vào đó. Tiếp đến, Bowerman mang “tác phẩm” về nhà khâu vào đế một đôi giày chạy và đưa cho chính vận động viên của mình. Vận động viên đi đôi giày vào và chạy như thỏ. 

Bill Bowerman (1911-1999), nhà đồng sáng lập Blue Ribbon Sports và là người thiết kế mẫu giày chạy đầu tiên sau khi Blue Ribbon đổi tên thành Nike 
Ảnh: Business Insider 

Thật khó tin rằng mẫu giày Waffle Trainer nổi tiếng của Nike lại ra đời một cách tình cờ như vậy. Mẫu giày kinh điển này đã đánh dấu bước nhảy vọt lớn trong thiết kế của Nike, giày bán ra đắt như tôm tươi. Công ty duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định qua từng năm, doanh số từ triệu đô tăng lên thành chục triệu đô. 

Năm 1980, Nike quyết định phát hành hơn 2 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá 22 đô la/cổ phiếu. Ngay lập tức, Phil Knight nắm trong tay 178 triệu đô la. 

Phil Knight – “Phù thủy săn người nổi tiếng” 

Nike là một trong những thương hiệu tiên phong trong việc chuyển đổi từ định hướng tập trung vào sản phẩm sang chiến lược kinh doanh tập trung vào tiếp thị. Phil Knight không thích quảng cáo mấy, nhưng không có nghĩa là ông phủ nhận tầm quan trọng của nó. 

Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, Knight đã tự thiết kế áp phích quảng cáo và đem rải chúng khắp nơi. Chứng kiến Nike đang ngày một lớn mạnh, ông càng dồn thêm nhiều ngân sách cho hoạt động quảng cáo thương hiệu, chủ yếu là thông qua người nổi tiếng và khởi động các chiến dịch truyền cảm hứng tới người yêu thể thao trên toàn thế giới. Khẩu hiệu “Just do it” năm 1988 hay “Be Like Mike” trong lần hợp tác với Michael Jordan đến nay đã trở thành câu thần chú của thương hiệu này. 

Những ngày đầu, Nike may mắn có sự bảo trợ của siêu sao điền kinh Steve Prefontaine. Pre đã lập kỷ lục tại mọi cự ly từ 2.000 đến 10.000 mét, và ông đem giày Nike ra thi đấu ở Thế vận hội Mùa hè 1972, qua đó giúp Nike được đông đảo người hâm mộ thể thao biết đến.

Nhận ra tầm quan trọng của người nổi tiếng, Phil Knight ráo riết săn lùng thêm những bản hợp đồng mới với các vận động viên ở bộ môn khác. 

Riêng bóng rổ, giờ đây Nike sở hữu trong tay những tên tuổi hàng đầu giới thể thao như LeBron James, Kobe Bryant, Kevin Durant — tuy nhiên canh bạc hời nhất lịch sử thương hiệu sẽ luôn là thương vụ thế kỷ với huyền thoại Michael Jordan. 

Mẫu Air Jordan 1 huyền thoại trên chân Michael Jordan
Ảnh: Time 

Năm 1984, Jordan ký vào bản hợp đồng 5 năm trị giá 2,5 triệu đô với Nike, một con số không tưởng với một tân binh thời điểm đó. Với thỏa thuận này, Nike hy vọng tới cuối năm thứ 4 doanh số bán giày sẽ cán mốc 3 triệu đô. 

Năm đầu tiên thu về 126 triệu đô la. 

Ngày 9 tháng 9 năm 1997, Michael Jordan và Nike giới thiệu Jordan Brand. Riêng năm 2022, thương hiệu này mang về cho Nike 5,1 tỷ đô la, trong đó vua bóng rổ bỏ túi từ 150 — 256 triệu đô la dựa theo thỏa thuận trong hợp đồng. 

Đối với Nike và Jordan, từ sau năm 1984 đó, phần còn lại là lịch sử. 

Phil Knight, Nike và Việt Nam 

Trong chương cuối của cuốn tự truyện Gã nghiện giày, Phil Knight tiết lộ lần gặp mặt hiếm hoi giữa ông và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào những năm 2000. 

Knight đã hỏi Đại tướng vì sao ông có thể đánh thắng người Nhật, người Pháp, người Mỹ và cả Trung Quốc? Tướng Giáp suy nghĩ. Và suy nghĩ. “Tôi là”, ông trả lời, “một giáo sư của rừng rậm”. 

Câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến Phil Knight suy nghĩ về sự trỗi dậy của Nhật Bản sau Thế chiến II. Ông đứng trước hàng ngũ sinh viên của các đại học danh giá như Stanford, Harvard và cất lời hiệu triệu: “Tất cả những gì chúng tôi (nước Mỹ) phải làm, tôi nói cho các sinh viên, là làm việc và học tập, học tập và làm việc, cật lực như chúng ta có thể”. 

Hay nói cách khác: “Tất cả chúng ta phải là những giáo sư của rừng rậm”. 

Lời kết 

Sau 40 năm, Phil Knight rời khỏi vị trí CEO nhưng vẫn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của Nike. Chưa hết quý III/2023, doanh số Nike đã cán mốc 50 tỷ đô, đánh dấu sự trở lại của thương hiệu thời kỳ hậu Covid-19. 

 

“Những kẻ hèn nhát không bao giờ bắt đầu và những người yếu kém bị bỏ lại ở dọc đường. Những điều đó không bao giờ xảy ra với chúng tôi, thưa quý vị. Chúng tôi.” 

- Phil Knight, "Gã nghiện giày: Tự truyện của nhà sáng lập Nike" 

 

Hiện nay, Knight sống cùng vợ, bà Penelope “Penny” Parks tại mảnh đất Oregon yêu dấu, họ cho đi hàng trăm triệu tiền từ thiện mỗi năm và như ông nói - “chúng tôi sẽ cho hết tới khi chúng tôi qua đời”.