Bí kíp số 1: Học chủ động theo nguyên tắc của Tháp học tập
Những năm 1960, Viện Nghiên cứu Giáo dục Mỹ đã công bố nghiên cứu về hiệu quả của các hình thức học thông qua hình dạng Tháp, được gọi là Learning Pyramid hay Cone of Learning.
Tháp học tập gồm có hai phần chính là thụ động và chủ động.
Tiếp nhận thụ động bao gồm: Nghe giảng, Đọc sách, Hình ảnh âm thanh, Thuyết trình. Những hoạt động này chỉ giúp bạn ghi nhớ được từ khoảng 5% đến 30%.
Điều này đồng nghĩa với việc, những kiến thức bạn tiếp nhận trong môi trường giáo dục chỉ được lưu giữ khoảng 30% hoặc thấp hơn. Đó cũng là lý do vì sao nhiều bạn sinh viên cảm thấy bối rối khi bản thân luôn chú ý nghe giảng nhưng hiệu quả của các bài thi lại không cao.
Trong khi đó, tiếp nhận chủ động thông qua các hoạt động Thảo luận nhóm, Thực hành, Dạy học lại có khả năng lưu trữ kiến thức lên tới 70-90%.
Trước kia, ở trong môi trường trung học, sau khi học xong một định luật, định lý, chúng ta sẽ được thực hành với hàng loạt các bài tập, khiến cho định lý ấy trở thành một thói quen cố hữu khi nhắc đến môn học đó.
Đối với sinh viên đại học, để áp dụng tốt nguyên tắc chủ động của Tháp học tập, có thể tiến hành như sau:
Thảo luận nhóm:
Hãy tham gia vào các nhóm học tập hoặc tổ chức các nhóm học tập. Những cuốn giáo trình trên Đại học có thể dày vài trăm trang hoặc lên con số hàng nghìn cũng có, và để thâu tóm kiến thức môn học một cách đầy đủ, chính xác thì chỉ đọc một cuốn giáo trình chưa bao giờ là đủ.
Vì thế, bạn có thể cùng với các bạn sinh viên khác tổ chức thành một nhóm học, đặt ra vấn đề và phản biện vấn đề. Quá trình này giúp kiến thức được đào sâu hơn và bạn cũng có thêm các góc nhìn, góc phân tích khác. Đây cũng là một dạng học hỏi từ bạn bè mà bạn có thể áp dụng.
Dạy học:
Sinh viên lại dạy học cho sinh viên sao? Nghe qua thì hơi lạ vì đa số đều đang học một cách cá nhân và cho rằng, sinh viên Đại học thì không còn cần gia sư nữa. Thực tế, mức độ tiếp nhận kiến thức cũng như khối lượng tri thức của mỗi người là khác nhau. Có những người tiếp nhận kiến thức linh hoạt hơn, vận dụng tốt hơn, học 1 nhưng hiểu 10. Có người thì không biết cách biến giải khối lượng kiến thức đó trở thành của mình. Chính vì thế mà sinh ra dạy học. Dạy học giữa sinh viên đại học với nhau cũng có thể coi là một hình thức học nhóm, thảo luận nhóm.
Sinh viên có tiếp nhận tốt hơn sẽ hướng dẫn, giảng giải lại kiến thức cho những sinh viên khác. Việc phân tích lại kiến thức, đưa ra kiến giải của bản thân cũng như trả lời thắc mắc của những bạn khác sẽ giúp bạn củng cố thêm nền tảng kiến thức của mình.
Thực hành:
Thực hành như thế nào mới thực sự hiệu quả?
Trong một số cuốn giáo trình, khi kết thúc bài học sẽ có phần câu hỏi luyện tập. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng các câu hỏi này như một chủ đề, sau đó tiến hành lược lại kiến thức, bổ sung các dẫn chứng theo dạng sơ đồ tư duy.
Đối với những môn học có tính chất nghiệp vụ thực hành cao, bạn hoàn toàn có thể tự mình tổ chức dự án dựa trên những kiến thức đã học.
Để thực hành đạt hiệu quả, bạn cần duy trì mỗi ngày, tổ chức kế hoạch hợp lý cho từng môn học. Trong quá trình thực hành, bạn có thể kết hợp đọc thêm một số tài liệu để hiểu về chiều sâu, tránh tình trạng học thuộc nhất thời.
Bí kíp số 2: Xây dựng chiến lược học tập
Chiến lược là một trong số những yếu tố cần thiết giúp mọi hoạt động được vận hành hiệu quả, có chủ đích, có phương hướng và thiết thực.
Vì thế, trong hoạt động học tập, bạn cũng cần xây dựng chiến lược của riêng mình. Chiến lược này giống như một bản kế hoạch tầm nhìn giúp bạn đạt được mục tiêu học tập và kết quả thành tích mong muốn. Việc sử dụng chiến lược cũng giúp cho việc học của bạn trở nên nhàn hơn, không phải chật vật.
Để xây dựng chiến lược, bạn cần xác định rõ những vấn đề sau:
- Mục tiêu mà bạn muốn đạt được là gì? (mục tiêu bao gồm khối lượng kiến thức bạn muốn nắm vững, điểm số mà bạn muốn có).
- Môn học dễ và môn học khó. Dễ và khó ở đây là hai phạm trù dao động tùy thuộc vào mỗi sinh viên. Dựa trên khả năng tiếp nhận của bản thân, bạn nên phân nhóm các môn khó tiếp nhận hơn, kiến thức nặng hơn với các môn dễ hiểu, dễ học. Ví dụ, có những bạn cảm thấy dễ dàng tiếp thu những môn như Triết học, nhưng lại chật vật với những môn tính toán.
- Xác định thời gian dành cho các môn học. Sau khi đã xác định dễ và khó, bạn cần tạo ra một bảng thời gian biểu cho các môn học, trong đó, bạn cần cân đối giữa hoạt động học tập với vui chơi giải trí, cân bằng với cả công việc làm thêm của bạn nữa. Học hiệu quả trên Đại học không phải ngày nào bạn cũng ngồi suốt mấy tiếng, không trải nghiệm, không thư giãn. Học hiệu quả là khi bạn học vừa đủ với phương pháp thích hợp, để kiến thức luôn luôn ở đó.
Gợi ý: Phương pháp cân bằng các yếu tố trong cuộc sống của bạn.
- Đối với môn học, xây dựng một lộ trình học riêng. Trong đó bao gồm: bạn dành bao nhiêu thời gian để ôn kiến thức, để đọc tài liệu mới; bao nhiêu thời gian cho thực hành và học nhóm; kết quả sau mỗi lần học là gì.
Các môn học trên Đại học rất phong phú, gần như mỗi ngày bạn học một môn khác nhau, nếu không có lộ trình và ghi chú cẩn thận, bạn sẽ dễ bị ngộp trong vô số kiến thức và không thể giải quyết được nó.
Bí quyết số 3: Tìm ra phương pháp ghi chép phù hợp
Thomas Edison, nhà khoa học, nhà phát minh vĩ đại được biết tới có đến 5 triệu trang ghi chép trong suốt cuộc đời. Sự ghi chép này của Thomas Edison giúp cho mọi ý tưởng, mọi phát hiện, mọi điều hữu ích đều được lưu giữ, có tác dụng như một bộ nhớ lưu động giúp ích cho hoạt động nghiên cứu của ông.
Tim Ferriss, doanh nhân, nhà đầu tư, nhà sáng tạo nội dung cũng nói rằng: “Tôi tin vào cây bút yếu nhất hơn là bộ nhớ mạnh nhất”.
Những người thành công nhất là những người coi trọng ghi chép hơn bất kỳ ai. Hơn hết, sự ghi chép không phải là bạn mang y nguyên những kiến thức trong giáo trình, trên slides vào cuốn sổ mà phải tổ chức lại nó cho phù hợp với phong cách học và ghi nhớ của bạn. Đây là lúc bạn cần sử dụng các phương pháp ghi chép.
Có người thích ghi nhanh, ghi tốc ký dưới dạng sơ đồ. Có người lại thích hình ảnh hóa các nội dung để tăng sinh động và hình dung tốt hơn. Hiện nay, một số phương pháp phổ biến là Cornell, Outline, Mindmap, Sketchnote,...
Xem thêm: 5 cách ghi chép giúp bạn thoát khỏi mớ lộn xộn
Trong đó, Sketchnote có thể coi là một phương pháp ưu tiên hiện nay của nhiều người vì nó cho phép bạn kết hợp giữa hình và chữ. Hình ở đây có thể là hình vẽ con vật, con người, sự việc, cũng có thể là những hình khối mang tính chất phân loại nội dung. Ví dụ, nhắc đến sáng tạo, hình vẽ thường sử dụng là hình bóng đèn phát sáng.
Sketchnote là một phương pháp ghi chép sáng tạo hơn, loại bỏ tình trạng theo dõi thông tin một cách khó khăn trên những trang viết toàn bộ đều là chữ. Để hiểu sâu hơn về phương pháp này, bạn có thể tham khảo chia sẻ của Họa sĩ Xuân Lan - Giảng viên khóa học ghi chép sáng tạo tại WeStudy.
Trên đây là 3 bí kíp, cũng là 3 lưu ý quan trọng nhất trong quá trình tự học chủ động mà mỗi bạn sinh viên nói riêng, mỗi người nói chung đều cần biết để chinh phục kiến thức. Bạn không thể học hết kiến thức trên thế giới này, nhưng bạn vẫn có thể làm chủ tri thức và trau dồi một lượng lớn tri thức nếu bạn biết cách chuyển hóa nó trở thành bộ nhớ lưu động luôn đồng hành. Hãy luôn học và đừng học một mình. Bản chất của tri thức là chia sẻ, tiếp nối, phát kiến và bổ sung. Khi bạn học cùng với những người khác, bạn cũng sẽ có thêm động lực và góc nhìn mới.