Sách self-help là sách viết về kỹ năng mềm?
Sách self-help ra đời dựa trên niềm tin của con người với nhau. Bởi vì, bên cạnh những tác giả có chuyên môn trong lĩnh vực mà sách self-help đề cập, vẫn có những tác giả nghiệp dư – mà chúng ta nên gọi là cây bút hơn tác giả - viết sách dựa trên những kiến thức sẵn có bằng giọng văn cá nhân.
Để hiểu rõ về tính khủng hoảng do dòng sách này gây ra, chúng ta cần hiểu đúng hơn ý nghĩa của nó. Bản chất của dòng sách self-help là tự lực, tự con người thay đổi, tự con người tiếp nhận thông qua con chữ. Do đó, các thể loại sách chủ yếu của self-help sẽ gồm:
Sách hướng dẫn từng bước: Đáp ứng nhu cầu hoàn thiện cuộc sống, như sách dạy nấu ăn, DIY, cắm hoa,…
Sách định hướng lối sống và thay đổi bản thân: Gắn liền với sự “tiến hóa” trong không gian xã hội và từ trường thời đại. Dòng sách này đề cập đến sự thay đổi về quan niệm, góc nhìn văn hóa,… của một người. Mẫu chủ yếu của dòng sách này sẽ xoay quanh “Trước đây tôi như thế này, nhưng giờ tôi như thế kia”, dịch chuyển từ tiêu cực đến tích cực. Lối phân tích này thường hay thấy trong những cuốn sách do các cây bút trẻ, vì thế, phong cách khá một màu. Mặc dù một số cuốn gắn mác tản văn, nhưng thực tế lại thiên hướng đến dòng self-help “tiến hóa” này hơn.
Sách chữa lành: Dòng sách dành cho những người đang phục hồi sau một chấn thương nào đó, chủ yếu là phục hồi tinh thần. Trong bối cảnh hiện nay, sức khỏe tinh thần là vấn đề rất được quan tâm, vì thế, dòng sách này có cơ sở để nở rộ. Tuy nhiên, một số cây bút chỉ đang viết dựa trên cảm quan cá nhân, chưa dựa vào cơ sở y khoa để tiến hành. Hầu như các cuốn sách chữa lành đáng đọc đều là sách dịch và được chấp bút bởi bác sĩ, các nhà tâm lý học.
Sách luyện tập: Đưa ra những bài tập để cải thiện tình trạng hiện tại của một người, hướng đến hoàn thiện kỹ năng nhất định. Ví dụ như giao tiếp, đàm phán, xử lý tình huống,...
Sách hướng dẫn phân giai đoạn: Đây là những dòng sách có tính giáo dục, nuôi dạy. Đa phần xoay quanh chủ đề nuôi dạy con cái qua các thời kỳ.
Thời đại khủng hoảng của dòng sách self-help tại Việt Nam
Thực tế, những dòng sách có tính khoa học cao như dòng sách nuôi dạy con, sách kỹ năng mềm, hướng dẫn từng bước có chất lượng nội dung khá ổn định. Do đặc điểm dòng sách yêu cầu những trình bày khoa học và lập luận rõ ràng, dẫn chứng cụ thể thực tế nên giảm thiểu được phần nào những khủng hoảng về chất lượng nội dung. Tuy vậy, không phải là nó nằm ngoài bẫy khủng hoảng chung của dòng self-help.
Sách dịch vụ - nghề đánh bóng
Một vấn đề tồn tại trong hoạt động làm sách hiện nay là các nhà xuất bản có phần hơi dễ dãi trong cấp giấy phép. Chỉ cần bản thảo không vi phạm chính trị, những người viết đó đã có thể in sách. Dòng sách dịch vụ này được những người có thương hiệu cá nhân lựa chọn để làm gia tăng tính học thuật cho hình ảnh bản thân.
Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng của cuốn sách nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân người viết, nên quá trình kiểm duyệt cũng trở nên thoáng hơn. Sách không dày, cũng không củng cố kiến thức mà giống như những buổi trò chuyện khuyên nhủ, định hướng với những tuyên ngôn cổ vũ “hãy làm cái này”, “hãy tiến lên”,...
Và nếu bạn trông đợi một cuốn sách giống như Đắc nhân tâm sẽ ra đời, thì thực lòng cũng còn phải chờ lâu lắm.
Thương hiệu nổi - sách nổi
Một cơ chế ngược lại với sách dịch vụ là các nhà phát hành sẽ tự tìm đến những người viết nổi trên mạng xã hội để tổng hợp bản thảo. Trong số những người viết này, những người thực sự là chuyên gia trong những gì họ viết không chiếm phần lớn. Vì thế, sách thường được để mác tản văn. Nhưng xét ở góc độ tiếp cận vấn đề và phát triển nội dung, những dòng sách này vẫn mang định hướng của self-help thay đổi bản thân, dịch chuyển tư tưởng. Do nội dung không dày dặn và mang tính pha trộn khá nhiều, dòng sách self-help này giống kiểu mỳ ăn liền, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của một lượng độc giả trẻ, độ tuổi học sinh, sinh viên ít trải nghiệm.
Xuất bản tràn lan
Những cuốn sách xuất bản tràn lan với nội dung tương tự nhau, thậm chí một số thông tin được tác giả sách self-help còn mang đậm phong cách “sách giáo khoa” và có phần lý tưởng hóa. Thực chất, các cuốn sách kỹ năng đang tô màu hồng cho những người đọc. Dưới góc nhìn cá nhân, không phải tác giả nào cũng khai thác tốt chất liệu cuộc sống. Do đó, những giải pháp không hề triệt để, chỉ có ý nghĩa như lời an ủi chúng ta thường tự nói với nhau.
Cũng vì xuất bản tràn lan, người đọc bị ngợp bởi sách self-help, khó khăn khi chọn lựa, dễ chọn theo những cuốn được quảng cáo rầm rộ.
Đối với những cuốn tồn kho, sẽ được giảm giá xuống, tương đương mức chiết khấu cho các đại lý để đánh vào tâm lý thích rẻ của người mua.
Vậy, chúng ta có nên đọc sách self-help không?
Lời khuyên dành cho bạn là có, nhưng đồng thời bạn cần phải nhận ra những tác giả đúng nghĩa trong dòng khủng hoảng của loại sách này. Một cuốn sách self-help chất lượng phải được chuẩn chỉnh nội dung từ những chuyên gia có bằng cấp, kinh nghiệm và năng lực truyền tải thông điệp đến độc giả.