“Thế bạn có gì?”. “Cái này cũng bình thường mà…”. “Mời bạn kiến tạo…”. Đó là những đoạn đối thoại quen thuộc nhất đang bao trùm toàn bộ Phở Bò (Facebook). Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, số lượng thành viên của Group “Flex đến hơi thở cuối cùng” đã lên tới gần 1,3 triệu người. Theo thống kê của một bài đăng “Flex Group tăng thành viên nhanh nhất”: ngày 10/7, số lượng thành viên là 200.000 người. Sau vài lượt share và một số bài Flex của người nổi tiếng, trung bình mỗi phút tăng 200-300 thành viên. Sau 4 ngày, số thành viên đạt xấp xỉ 900.000 người và đến hôm nay đã vượt hẳn mốc 1 triệu. Có thể thấy đây là một thành tựu đáng kinh ngạc và cũng đáng tự hào của những người quản trị Group này. Vậy, điều gì đã dẫn tới sự gia tăng chóng mặt như thế. Liệu nó chỉ là một Trend bắt theo Từ điển bình luận của Trông Anh Ngược, hay còn có một chất xúc tác nào khác? Hãy cùng  WeStudy khai phá nguyên nhân của sự bứt phá số lượng thành viên này nhé!!

Nếu bạn chưa biết, thì Flex là…

Trước khi bước vào bộ môn Flexing và kiến tạo cho bản thân những pha ghi bàn đẹp mắt; hoặc đơn giản là để đọc hiểu những câu nói trending nhất tuần qua, bạn cần có bộ cẩm nang thuật ngữ này:

Flex: Theo từ điển Cambridge, hiểu theo nghĩa đen, đây là một động từ có nghĩa uốn cong, thay đổi linh hoạt. Hiểu theo nghĩa bóng, đây là một sự thể hiện tự hào, gần như tự mãn về bản thân theo kiểu khoe khoang khiến người khác khó chịu. 

Free vector organic flat design feedback concept

Flex không phải một hành vi mạng xã hội mới. Trước đó, nó đã xuất hiện thông qua Falling Stars - ngã và khoe đồ, hoặc quay video Tiktok Outfit of the day - đọc tên các thương hiệu quần áo, trang sức bản thân mang trên người. Chính “Thúy Liễu” Minh Tú đã từng phá trend đọc đồ hiệu đó khi quay một video mặc toàn đồ mua ngoài chợ và Shopee. Trong lần quay trở lại này, Flex giữ nguyên bản chất tên gọi của nó và tạo ra một làn sóng nhiệt khiến Phở Bò và giới truyền thông xôn xao. 

Pressing và Thoát Pressing: Đây là từ khóa quan trọng tiếp theo của bộ môn Flexing. Nếu như bạn đã quên, chúng ta sẽ cùng nhắc lại câu chuyện Cơ Thiếu Hoàng năm đó. 

Năm 2019, trên fanpage Đơn vị tác chiến điện tử có đăng một trạng thái “Phàm mấy đứa chống cộng không ngu cũng bại não”, và dưới phần bình luận đã nổ ra một cuộc tranh luận về vấn đề: Chương trình Đường lên đỉnh Olympia đã phần nào gây ra chảy máu chất xám tại Việt Nam. Tức là, các thí sinh tham gia chương trình, sau khi nhận được phần thưởng du học tại Úc, học xong không trở về Việt Nam đã giúp ích cho nước nhà nữa. 

Trong cuộc tranh luận, tài khoản Nguyễn Hữu Quang Nhật đã nói đại ý, 144 thí sinh tham gia thì chỉ có thí sinh giỏi nhất đi Úc. Tiếp theo đó, một tài khoản khác là Cơ Thiếu Hoàng đã mau chóng phản ứng mãnh liệt - pressing lên Nguyễn Hữu Quang Nhật. Sau khi Cơ Thiếu Hoàng đáp lại theo kiểu nếu bạn đủ giỏi để đứng trên đó (lỗ hổng phòng thủ) thì ngay lập tức Nguyễn Hữu Quang Nhật đã có một pha ghi bàn đẹp mắt với đường link báo điện tử VTV News

Check VAR: Giai đoạn kiểm định tính chính xác của các phản biện trong cuộc đua Flex và Thoát Pressing. 

Neil Swarbrick answers your questions on VAR - News - Crystal Palace F.C.

Như đã đề cập ở trên, Flex là một hành vi không được coi là tốt đẹp trong từ điển. Tuy nhiên, trong khuôn khổ cuộc chơi Flexing tại thời điểm này, nó đã gần như thoát ly hoàn toàn khỏi ý niệm xấu đó, là một cách gọi để con người xác nhận vị trí của mình, nhìn lại những thành tựu của bản thân và thậm chí là của dân tộc. 

Vậy, Flex đến từ đâu…

Trong bóng đá, Pressing là một lối chơi tấn công ép sát, nếu đối phương sử dụng chiến thuật để thoát khỏi sự tấn công này thì gọi là Thoát Pressing. Những từ ngữ khác như Check VAR, phòng thủ, kiến tạo,... cũng được dùng khá phổ biến. Tất cả những từ ngữ này là ẩn dụ cho cuộc chơi Flexing trên mạng xã hội, và Flex chính là cơ sở tạo ra Pressing. 

Nguồn gốc sâu xa nhất của Flexing có thể nhắc đến các phát ngôn của bình luận viên Trương Anh Ngọc (còn gọi là Trông Anh Ngược - TAN). Các phát ngôn trên mạng xã hội của TAN gây cười bởi câu nào anh cũng khéo khoe mình mới mua món đồ này, mình từng sống ở đất nước nọ, mình mua xe bao nhiêu tiền, điện thoại mình Iphone mới nhất... Đương nhiên, thay vì lớn tiếng chê bai, cộng đồng mạng tìm cách “Thoát Pressing” bằng những pha tấn công hài hước. Một trong những người tấn công niềm vui Flexing của TAN nhiều nhất chính là Giáo sư Cù Trọng Xoay. 

BLV Anh Ngọc (Trương Anh Ngọc) là ai? Những Meme hay nhất về BLV Anh Ngọc

Bắt đầu từ việc gây cười, những bình luận của TAN trở thành một “mẫu thức” của những người dùng xã hội. Giống như sự việc của Cậu Ba Kenji với những màn khoe khoang phụ nữ rất yêu, khi mẫu thức đạt đến độ nhất định, những người làm truyền thông nhanh nhạy sẽ kịp thời nắm bắt nó, tạo ra một lực bẩy vừa đủ để nó trở thành xu hướng. Cú nâng đầu tiên là sự xuất hiện của Group. Cú nâng tiếp theo là lôi kéo nó thành một đề tài hấp dẫn, nhân văn - thông qua một số bài đăng “nhử”. Và không cần nâng tiếp, đòn bẩy quyết định sẽ do người dùng mạng xã hội tự thực hiện. 

Flex một chút thì vui, Flex nhiều chút thì sao?

Với cuộc chơi Flexing, người ta có thể khoe tất cả mọi thứ. Từ ngôi trường họ học, từ thành tựu của họ, cho đến khoe người thân, khoe người yêu. Vì mục đích của group là Flex nếu bạn có thể, nên các cư dân mạng có thể tự do ghi bàn theo cách của mình. 

Tuy nhiên, khi không có gì để Flex thì sao? Đây chính là một góc khuất mà chúng ta đang ít quan tâm, và có quan tâm nhưng không thực sự coi trọng nó. Khi Flexing trở thành một nhiệt hướng của Phở Bò, những người bạn biết cho đến những người bạn chưa biết xuất hiện trên đó vô cùng tỏa sáng. Vậy, sẽ có một vài trường hợp không được hay lắm xảy ra: 

Gia tăng các loại áp lực

Áp lực đồng trang lứa, áp lực 1/4 cuộc đời (độ tuổi 20-25) là hai áp lực phổ biến gây ra lo âu cho những người trẻ và số ít người ở độ tuổi trung niên. 

Xem thêm: Cuộc khủng hoảng lo âu ở độ tuổi 22

Chắc chắn, áp lực cuộc sống là không thể tránh khỏi. Khi còn đi học, chúng ta áp lực vì không làm được bài, sợ tụt hạng, sợ cha mẹ mắng. Khi đi làm, chúng ta sợ không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình, sợ không hoàn thành trách nhiệm hôn nhân,... Tất cả đều bắt nguồn từ kỳ vọng và việc không bằng “con nhà người ta”. 

Flexing cho chúng ta thấy những tấm gương, cho chúng ta thấy những người tài giỏi. Nhưng việc nó xuất hiện một cách ồ ạt và đột ngột cũng là nguyên nhân thúc đẩy sự gia tăng nỗi lo trong lòng những người trẻ. Những câu nói “Mình như ở đáy xã hội”, “Lõi trái đất cũng không có chỗ cho mình”,... thoạt nghe là những lời nói đùa, nhưng nó cũng là một thực tế khắc nghiệt mà những người “không có gì để khoe” phải đối mặt. 

Xã hội luôn luôn tồn tại khoảng cách người giỏi và người ít giỏi hơn, người tài và người ít tài hơn. Đương nhiên, chúng ta không cần thiết phải khoe cho bằng người khác, chúng ta hoàn toàn có thể thỏa mãn với cuộc sống của mình. Nhưng, không phải người nào cũng nghĩ được thông suốt như vậy. Khi những người xung quanh và bản thân họ tự đặt ra quá nhiều kỳ vọng vượt tầm khả năng, người ta sẽ khó tìm thấy sự hài lòng trong cuộc sống. Nhất là trong môi trường có quá nhiều người giỏi, họ lại càng giãy dụa với nỗi đau của mình. 

Cơ hội để những kẻ lợi dụng làm truyền thông “bẩn”

Truyền thông “bẩn” là để chỉ những mánh khóe truyền thông thiếu nhân văn, lợi dụng xu hướng để câu khách. Điển hình cho truyền thông bẩn chính là tạo các Group “ăn liền”. 

Ví dụ, khi có một diễn viên, ca sĩ vướng vào lùm xùm, ngay lập tức các đối tượng làm truyền thông bẩn sẽ tạo Group anti theo xu hướng dư luận và Spam đường dẫn truy cập Group ở khắp mọi nơi. 

Tương tự như vậy, khi Flexing trở thành nhiệt, có một bộ phận không nhỏ không biết phải khoe gì. Thế là, chỉ vài giây, các bình luận Spam đường dẫn đến Group dành cho những người không có gì để Flex xuất hiện nhan nhản. 

Chỉ cần câu được vài trăm nghìn người, cùng lượng tương tác vừa vừa, thì khi cuộc chơi Flexing chìm vào quên lãng, các Group lập ra với mục đích thương mại sẽ được chuyển đổi quyền sử dụng cho những người bán hàng. 

Điểm mạnh nhất của truyền thông “bẩn” là kích vào cái nỗi lòng chủ yếu của người sử dụng mạng xã hội. Khi người ta đang hoang mang cần một không gian mạng phù hợp với bản thân, họ sẽ ngay lập tức tìm thấy nó từ các đường dẫn spam. 

Gợi ý: Những chiếc hộp giao tiếp giúp bạn thoải mái trên mạng xã hội

Flexing là một cuộc chơi khẳng định bản thân, thể hiện những giá trị nhân văn tốt đẹp - ít nhất là đến thời điểm này ý nghĩa của nó chưa bị biến dạng. Thế nhưng, vì bản chất là một cuộc “khoe” những gì bản thân sở hữu, vô hình trung nó mang lại cảm giác thiếu an toàn, lo âu, áp lực cho những người đang hoang mang trong hành trình đánh giá giá trị cá nhân. Vì thế, nếu bạn muốn tham gia vào cuộc chơi này, hãy Flex một cách nhân văn. 

Trong phần tiếp theo, chúng mình sẽ khai thác kỹ hơn vào các kiểu Flexing cũng như nguyên nhân chính dẫn đến hành vi Flex. Cùng đón chờ nhé!!

Phần II: Flex Đến Hơi Thở Cuối Cùng: Tại Sao Phải "Khoe"?