Khủng hoảng lo âu từ văn hóa đối thoại trên không gian mạng
Bất cứ tiêu cực nào cũng để lại một hậu quả đến cuộc sống. Sự suy tàn của văn hóa đối thoại đã kéo theo rất nhiều hệ lụy:
- Ảnh hưởng đến phong cách sống, lối sống, tư duy, tư tưởng của thanh thiếu niên và những người chưa thành thạo với mạng xã hội.
Tại sao lại có ảnh hưởng này? Những bình luận khiếm nhã, những tư tưởng định kiến cổ hủ có khả năng lan truyền nhanh. Người này chia sẻ cho người kia, và người kia lại chuyển đến ai đó hoặc vận dụng nó vào trong các bình luận của bản thân.
- Người sử dụng cảm thấy thiếu an toàn và thế là họ trầm lặng hơn. Họ cũng khao khát bày tỏ ý kiến, nhưng đồng thời họ lại luôn thấy sợ hãi, ngại ngần trước môi trường đối thoại trên không gian mạng.
- Lợi dụng sự nặc danh, sự thiếu thực thể vật chất của không gian văn hóa để phục vụ mục đích tự do ngôn luận. Nhưng cái tự do ngôn luận ở đây lại không phải đối thoại với ngôn từ đúng nghĩa, mà chỉ đơn thuần mô tả, thực hiện những hành vi, lời nói họ đã kìm nén trong cuộc đời thực. Khi một đám đông cùng có cách sống như thế, thì những cá nhân khác cũng sẽ cảm thấy điều này là hiển nhiên.
- Không có Socrates nào trong những cuộc đối thoại. Nghệ thuật đối thoại của Socrates mong muốn chúng ta “lấy lùi làm tiến”, nhường không gian cho người khác thể hiện bản thân đến khi họ không thể giải quyết vấn đề, chúng ta mới đưa ra kết luận. Một lý tưởng về thế giới giao tiếp, nhưng nó không vận động trơn tru trong không gian mạng. Đặc chất của không gian mạng không khác gì xã hội, vẫn tồn tại những mặt tối. Nhưng vì nó không đánh giá hành vi trực tiếp như ngoài xã hội nên con người đã sống bằng một thái độ khác họ hiếm khi đắp lên con người xã hội của mình.
Mạng xã hội tạo ra một lưới liên kết để truyền tin và thực hiện những cuộc đối thoại không trực tiếp đối mặt. Ưu điểm của nó là nhanh về mặt thông tin, kết nối những cá nhân, cộng đồng chung sở thích. Nhược điểm của nó là người ta dần hủy hoại không khí văn minh của đối thoại, bị cám nhiễm bởi những thái độ đối thoại hời hợt, vô lý, nói cho sướng miệng, không kiểm soát được tư duy nhận thức và tư duy cảm xúc. Nhược điểm này càng này càng trở nên to gan hơn, ngông cuồng hơn, vì họ vin vào cái lý của tự do ngôn luận, vin vào sự tương đồng của toàn bộ những người đang đối thoại xung quanh họ. Đó là lý do dẫn đến sự suy tàn trong văn hóa đối thoại trên không gian mạng hiện nay.
Văn hóa đối thoại trên không gian mạng - người khéo đẩy đưa sự suy tàn
Giao tiếp tốt không phải là nói nhiều. Thật sai lầm khi người ta nhầm tưởng rằng một người có khả năng giao tiếp tốt là một người hướng ngoại, một người thích nói,... Các luận điểm này chắc chắn không sai nhưng vô cùng phiến diện. Giao tiếp là sự thông thái trong tư duy nhận thức và tư duy cảm xúc. Bạn xuất hiện thường xuyên trên mạng xã hội, tham gia đối thoại ở vô số các bài viết khác nhau, nhưng số lượng ấy không quyết định bạn có phải là một người có văn hóa đối thoại hay không.
Tham khảo: Tuyệt chiêu giao tiếp "vô thanh": Chữ “Tâm” bên trong chữ “Thính”
Tiêu chí đánh giá văn hóa đối thoại trên không gian mạng
Đối thoại trên không gian mạng có một bất lợi là không sử dụng giọng nói và các cử chỉ hình thể. Tuy nhiên, bản chất của nó không nằm ngoài các nguyên tắc giao tiếp. Cơ sở văn hóa của đối thoại trên không gian mạng có thể tiếp cận từ các góc độ sau:
- Tư duy nhận thức: Yếu tố quyết định nội dung văn hóa cho bình luận của bạn. Nếu bạn quan tâm đến một vấn đề và có kiến thức đầy đủ về lĩnh vực đó, tư duy trong đồng thuận và phản biện vấn đề của bạn sẽ tốt hơn.
- Tư duy cảm xúc: Nghệ thuật giao tiếp không có chỗ cho những người mất bình tĩnh. Khi bạn mất bình tĩnh, không chỉ cơ thể bạn phản hồi bằng những trạng thái tim đập nhanh, tay chân run,... Về mặt tâm trí, tinh thần, bạn chỉ còn quan tâm làm sao để trút giận chứ không quan tâm đến mục đích ban đầu: làm sao để đối thoại giải quyết vấn đề?
Hơn hết, việc điều chỉnh cảm xúc sẽ giúp bạn điều chỉnh được những ngôn từ và lập luận bản thân sử dụng. Điểm yếu của một người trong đối thoại chính là để lộ những khuyết điểm khiến cho người ở bên đối diện có cơ hội công kích. Một số kiểu công kích không tập trung vào chủ đề đối thoại như công kích giọng điệu, công kích hình ảnh cá nhân, công kích bóc tách từ ngữ,...
Tư duy cảm xúc quan trọng, nó giúp bạn nắm quyền chủ động về cảm xúc trong tình huống cần thiết, như một người giữ tay nắm cửa của vực thẳm tâm thức vậy.
- Sắp xếp ngôn từ: Khi đã biết bản thân sẽ diễn giải vấn đề từ góc độ nào, bạn đến giai đoạn chọn từ ngữ. Bạn không nhất thiết phải dùng những từ hoa mỹ, chỉ là từ ngữ quen thuộc hằng ngày, nhưng phải đảm bảo các tính chất lịch sự - tôn trọng - rõ ràng.
Những kiểu người tham gia đối thoại trên không gian mạng
Khi Tlinh ra mắt những sản phẩm âm nhạc mới, bạn thấy gì ở những đối thoại trên không gian mạng?
Nhóm thứ nhất là nhóm ưa công kích.
Không vừa mắt là họ công kích.
Không hợp sở thích là họ công kích.
Vượt quá tư duy, tư tưởng là họ công kích.
Âm nhạc của Tlinh mang đến một tính nữ nồng nàn cho âm nhạc Việt. Tính nữ của Tlinh không phải một cái tôi tủi hờn và trốn tránh một cuộc tình thất bại, không phải một cô gái dịu ngoan. Nó là một sự thừa nhận bản sắc riêng, khao khát thể hiện và chứng minh bản thân.
Nhưng không phải ai cũng nhìn nhận bằng cách mở rộng đuôi mắt. Thứ người ta quan tâm là được nói thỏa lòng với những lời chỉ trích cay đắng hoặc những miệt thị ngoại hình, xúc phạm giới.
Bày tỏ quan điểm cá nhân không sai, cái sai là họ mượn quyền tự do ngôn luận để tấn công người khác.
Nhóm thứ hai là nhóm đối thoại vô nghĩa.
Đây đúng nghĩa là nhóm người thích bình luận dạo. Những bình luận của họ đôi khi vô nghĩa, đôi khi nửa chừng chẳng đứng về phía nào của một quan điểm. Thậm chí, họ sẽ bâng quơ một vài câu đùa mà họ nghĩ là hài hước. Nhóm này không nhằm thỏa mãn cảm xúc ích kỷ của bản thân mà để chứng minh sự hoạt động của một tài khoản mạng xã hội.
Điều này khiến khung bình luận của một số fanpage hiện ra con số bình luận rất cao, nhưng bình luận chất lượng rất ít. Tuy nói ra sẽ hơi thô nhưng thực tế, đó là nhóm người hóng hớt. Họ không cần biết cuộc giao tiếp có diễn ra hay không, họ chỉ khao khát mình không phải là người bỏ lỡ một sự kiện nào đó có khả năng “hot”.
Nhóm này khiến bầu không khí văn hóa đối thoại trở nên ủ dột hơn, không mang đến thông tin giá trị.
Nhóm thứ ba là nhóm đối thoại thông thái.
Nhóm này có khả năng cứu vớt tốt nhất sự suy tàn của văn hóa đối thoại, vì họ là nhóm có kiến thức, kỹ năng giao tiếp chỉn chu, quan điểm sống rõ ràng.
Khi đưa ra ý kiến, họ cũng vô cùng lịch sự và tôn trọng lẫn nhau. Bạn có thể dễ dàng thấy điều này khi lạc vào bài đăng của một bài toán khó, một nguyên lý nào đó, hay một phân tích thời trang.
Một số không gian mạng có văn hóa đối thoại như VOGE, Tầm chương trích cú, hoặc những group thuộc hệ sinh thái Maybe you missed (...), Những kẻ làm phim nghiệp dư, Nhã Nam Reading Book Club.
Tuy nhiên, nhóm này không quá ổn định. Do bận rộn, do có những mối quan tâm khác, hoặc đơn thuần là họ ngại bày tỏ quan điểm và tranh luận. Nỗi lo này hoàn toàn là chính đáng bởi mạng xã hội không phải một nơi thực sự an toàn với người sử dụng, nhất là trong những vấn đề nhạy cảm giới, chính trị, lịch sử.
Xem thêm: Những chiếc hộp giao tiếp giúp bạn cảm thấy thoải mái trên mạng xã hội