Trong cuốn sách Film and Literature, Timothy Corrigan đã đưa ra nhận định: “Lịch sử quan hệ giữa phim ảnh và văn chương là một lịch sử yêu ghét lẫn lộn, đương đầu và phụ thuộc lẫn nhau. Từ thế kỉ XIX cho đến nay, hai cách nhìn thế giới này đã nhiều lần khinh thường nhau, cứu rỗi nhau, và làm méo mó bản ngã tự phong của nhau,… Các cuộc tranh luận về việc điện ảnh đồng nghĩa với văn học hay đi cùng với văn học đang tiếp diễn”. Dù điện ảnh và văn học được sinh ra, diễn biến và phát triển như thế nào thì chúng ta không bao giờ có thể phủ nhận tính văn học trong điện ảnh, tính điện ảnh trong các tác phẩm văn chương. Văn học sử dụng ống kính của điện ảnh để ghi lại cuộc đời, và ống kính ấy lại dựa vào văn học để tạo dựng lại một đời sống động. Chuyển thể tác phẩm văn học - điện ảnh đồng nghĩa phải gánh vác một trách nhiệm nặng nề và lớn lao, phải tham gia thực tế hóa một không gian văn hóa ở dòng thời gian khác trong tác phẩm văn học. Để làm rõ điều này, hãy cùng WeStudy bóc tách mối liên kết của điện ảnh và văn học, cũng như những yêu cầu cần thiết để có thể làm chủ ống kính máy quay nhé!!

Văn học và điện ảnh, hai thành tố nghệ thuật nuôi dưỡng lẫn nhau

Văn là vẻ đẹp, văn học là đi tìm những cái đẹp đẽ, trong sáng và sâu xa đằng sau những con chữ. Người nghệ sĩ khi sáng tạo ra một tác phẩm văn chương không đơn thuần là viết chữ lên trang giấy mà đó phải là những con chữ động đậy, mang trong mình một cuộc đời, một thế hệ, những gì đang khuất đi và những gì đang diễn ra trong đời sống thường nhật này. Tác phẩm văn học sẽ chết nếu nó chỉ phản ánh đơn thuần mà không sáng tạo, không tư duy qua ánh nhìn chủ quan của người nghệ sĩ trước thế giới khách quan. Điện ảnh ra đời với tư cách là môn nghệ thuật thứ bảy. Nó tựa như một nốt ngân lên trong thế giới nghệ thuật, mở ra một con đường mới, sẽ không quá khi nói điện ảnh tựa như một sân chơi dành riêng cho những hình thái nghệ thuật khác. Ở nó, người ta sẽ bắt gặp được những lời ca tiếng hát, những nét họa trong sơn dầu, những nốt son lịch sử và cả dáng hình văn học. Mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh là mối quan hệ tương hỗ, càng ngày, chúng càng tham gia vào trong quá trình sáng tác của nhau. 

Chụp ảnh miễn phí cận cảnh một cuốn sách đang mở và một bát bỏng ngô trên bàn với một ngọn nến thắp sáng và một tách cà phê

Điện ảnh là nghệ thuật, văn học cũng là nghệ thuật, nhưng chúng không tách rời như một cá thể độc lập. Từ văn học đến điện ảnh là một con đường sâu sắc, sống động. Nó giống như con đường phục hình cho chữ nghĩa, những con chữ không còn nằm im trên trang giấy, những hình ảnh không chỉ hiện ra từ tưởng tượng và hình dung nữa mà trở nên phong phú qua từng nét mặt, cử chỉ, ánh nhìn. 

Một tác phẩm điện ảnh xuất sắc cần tới một kịch bản văn học, để ở đó dựng nên cốt truyện, nhân vật và cả những tâm tư tình cảm, những đắng cay đau đớn hay niềm vui ước mơ của mỗi con người. Ngược lại, các nhà văn đã dùng con mắt điện ảnh vào trong mỗi tác phẩm, biến cái sự miêu tả thành thước phim hiển hiện dưới dạng con chữ. 

Chuyển thể tác phẩm từ văn học là con đường đã xuất hiện từ lâu trước đây. Việc đưa các tác phẩm văn học trở thành phim dưới dạng phim điện ảnh hay phim truyền hình luôn thu hút được nhiều khán giả. Bởi lẽ bản thân tác phẩm ban đầu đã có tiếng vang và chỗ đứng, người ta xem để đánh giá, người ta xem bởi một cái ham muốn mong chờ tác phẩm mình yêu thích được hiện hình rõ nét, sống động hơn, tác động mãnh liệt vào thị giác và cũng có người xem vì xuất phát điểm của bộ phim ấy là văn học. Khán giả hi vọng vào sự sâu sắc mà văn học đã tạo ra, hi vọng điện ảnh đem đến luồng gió mới mẻ nhưng không hời hợt. Đó có thể là tác phẩm lịch sử, đó có thể là câu chuyện tình yêu, cũng có thể là một điều gì đó đến từ cuộc đời mà họ chưa thấy. 

Tâm lý chung của khán giả là muốn nhìn thấy, nhìn rõ những xấu xa tốt đẹp đang pha trộn lẫn nhau, muốn biết về phải trái trắng đen và việc giải quyết những mâu thuẫn ấy đem tới bài học cho họ. Không có đôi mắt nào tinh tường bằng đôi mắt của khán giả, không có nền phát triển nào rộng rãi bằng sự yêu mến từ khán giả. Vì thế mới có sự thành công của những tác phẩm lớn kinh điển trên thế giới như Hamlet, Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Cuốn theo chiều gió, Kiêu hãnh và định kiến, Bố già, Không gia đình… ở châu Âu, và Trung Quốc thì có hàng loạt những tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết của Quỳnh Dao, Kim Dung, những bộ phim gắn liền với tuổi thơ các thế hệ 8x, 9x, 10x như Tân dòng sông ly biệt, Thiên long bát bộ, Thần điêu đại hiệp,… hay từ những bộ tiểu thuyết lịch sử Tam quốc diễn nghĩa, Thủy Hử,…. 

Phim ảnh chuyển thể từ sách, concept rạp chiếu phim với tấm gỗ nhỏ và sách

Ở nước ngoài, người ta tích cực xây dựng những kịch bản có tính văn học cao và tiến bộ, càng chú trọng vào những tác phẩm kinh điển, tính chất của các bộ phim thường là đồ sộ viễn tưởng như Chạng Vạng - Trăng non - Nhật thực, Harry Potter,… hoặc lãng mạn, khai thác sâu vào nội tâm nhân vật qua những cảnh quay biểu cảm gương mặt, lời thoại và đặc biệt là những lời tự sự từ bên trong nhân vật chính, không dài dòng mà là chất giọng bộc lộ trần trụi, không ẩn ý, thường xuất hiện ở những thước phim lẻ, một tập dài. Một số tiểu thuyết được chuyển dưới dạng này như Lolita, L’Amant, The Reader, Me before you,…

Điện ảnh - Kỳ vọng phục hình của tác phẩm văn học

Tại sao chúng ta lại gọi điện ảnh là một sự phục hình đầy kỳ vọng của tác phẩm văn học? Bởi lẽ, trong lĩnh vực chuyển thể, khán giả, độc giả, và cả nhà làm phim đều mong muốn được thấy những điều tinh hoa nhất của tác phẩm hiện lên màn ảnh, có thể là nhân vật, có thể là tình tiết, bất cứ điều gì khiến khán giả nhớ mãi. Cũng cần xác định chuyển thể và cải biên là hai loại hình phái sinh khác nhau. Chuyển thể yêu cầu về sự chính xác cao hơn, gần như là tuyệt đối, giữ nguyên bản gốc, chỉ điều chỉnh sang dạng kịch bản để đáp ứng hoạt động quay phim. Chính vì thế, chuyển thể tác phẩm văn học là một công tác yêu cầu cao về sự tỉ mỉ, tinh tế và mức độ hiểu tác phẩm của biên kịch, đạo diễn, làm sao để trong vòng 2-3 tiếng đồng hồ có thể khiến khán giả nhớ mãi về bộ phim và tác phẩm gốc. Chính điều này đã đặt ra cho điện ảnh chuyển thể những yêu cầu sau: 

Không sửa đổi nhiều về mặt nguyên tác

Hay có thể nói là gần như không sửa đổi nguyên tác, bởi vì theo định nghĩa pháp lý, tác phẩm chuyển thể chỉ là sự chuyển đổi loại hình thể hiện, tác giả vẫn là người đứng tên trên tác phẩm gốc. Cũng chính yêu cầu cơ bản đầu tiên này đã tạo ra những yêu cầu nối tiếp phía sau. 

Diễn giải tác phẩm

Những đạo diễn, biên kịch, diễn viên có đạo đức nghề nghiệp là những người biết nghiên cứu tác phẩm ngay trước cả khi khởi máy. Đặc tính của các tác phẩm văn học là sử dụng đa dạng các hình tượng, ẩn dụ nghệ thuật. 

Ví dụ, trong tác phẩm The Reader, bản thân nhân vật đã chính là một ẩn dụ nghệ thuật, đại diện cho quá khứ - hiện tại - tương lai xoay quanh cuộc tàn sát chủng tộc người Do Thái của Phát xít Đức trong Thế chiến II. Đối diện với Hanna - người phụ nữ cách biệt về tuổi tác mà mình từng yêu, Michael đã lựa chọn im lặng, bất lực. Làm cách nào để chấp nhận một kẻ thuộc phe sát nhân trong cuộc tàn sát dân tộc mình năm ấy? Đó là câu hỏi mà tác giả đặt ra, đó là vấn đề mà tác phẩm khiến người đọc day dứt, vì nỗi đau do phát xít Đức tạo ra đã thành một lỗ hổng tổn thương trong lòng những người từng được biết đến.

Phim hay cuối tuần: "The Reader" - Mối tình lệch tuổi đầy day dứt | Báo Dân  trí

Một cảnh trong phim The Reader

Hiển nhiên, đạo diễn đã quay thành công tác phẩm này, cái không khí từ yên bình dị biệt đến cái im lặng đau đớn của hai nhân vật, tất cả đều được lột tả rõ ràng qua cảnh quay, trạng thái diễn viên. Thử hỏi nếu không có sự phân tích, nghiên cứu tác phẩm, liệu đạo diễn có thể phục dựng những khung cảnh như vậy không?

Chất lượng kỹ thuật

Văn học đã sử dụng ống kính điện ảnh để câu chuyện của cuộc đời. Thông qua ống kính điện ảnh, đời đã được đưa đến một cấp độ nghệ thuật, nó không tách rời thực tế nhưng nó được mô tả một cách tuyệt đối, rằng nỗi đau thì quằn quại, niềm vui thì lan tỏa ra không gian, và nỗi mơ hồ xúc động thì mọi thứ lại ảm đạm. 

Điện ảnh không chỉ dựng máy lên và quay, kỹ thuật quay phim linh hoạt và sự cẩn thận, tỉ mỉ của đạo diễn với từng cảnh quay sẽ quyết định thành công của một tác phẩm chuyển thể. Ví dụ, có những cảnh quay đã thành kinh điển như ảnh Rose và Jack đứng trên boong tàu Titanic, máy quay cận cảnh để lột tả sự tự do đúng lúc của Rose và cảnh đại để bao quát một vùng biển rộng lớn dập dờn dưới con tàu thế kỷ. 

Phục dựng không gian và thời gian

Đa số các tác phẩm văn học đã ra đời từ rất lâu trước đó, có khi là cách đến vài thế kỷ hoặc có những không gian văn học mang tính chất hư cấu. Vì thế, yêu cầu về không gian và thời gian là một trong những khó khăn mà nhà làm phim cần phải đối mặt. Ví dụ, bộ phim Không gia đình ra đời vào năm 2018 được chuyển thể từ tác phẩm Sans Famille của tác giả người Pháp Hector Malot. Chỉ chưa đến 50 năm, nước Pháp đã có những đổi thay vô cùng đáng kể, trở nên hiện đại hơn và khác biệt về trang phục. Để quay được tác phẩm này, chắc chắn đạo diễn phải lựa chọn cẩn thận bối cảnh, tiến hành chỉnh trang ngoại cảnh, đảm bảo không gian thành thị và miền quê nước Pháp những năm 1878, nhờ tham vấn thời trang để lựa chọn trang phục của các nhân vật trong tác phẩm cho phù hợp gia cảnh của họ. 

Hoặc như tác phẩm chuyển thể Harry Potter. Với trí tưởng tượng phong phú của mình, tác giả đã tạo ra bối cảnh trường pháp thuật với những không gian dịch chuyển ấn tượng, sử dụng thần chú cùng đũa phép,... Để bám sát tác phẩm, đội phụ trách bối cảnh, mỹ thuật hiện trường, hậu cần, hậu kỳ,... sẽ phải cùng phối hợp để có được những cảnh quay chân thực và mãn nhãn.

Những lưu ý về kỹ thuật điện ảnh chuyển thể

Điện ảnh được phát triển từ kỹ thuật chụp ảnh theo hướng Cinematic, ngoài những yếu tố quan trọng của kỹ thuật quay phim, việc phát triển cảm hứng và lựa chọn góc độ cũng tương tự với Cinematic Photography. 

Để biết về cách khơi gợi cảm hứng này, các bạn có thể đọc thêm bài viết Phát tích "Cinematic": Sự thăng hoa của nhiếp ảnh nằm ở đâu?

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn một số kỹ thuật quay phim cơ bản, khi bạn nắm bắt được nó, bạn cũng sẽ có thể phát triển kỹ năng nhiếp ảnh. 

Lựa chọn cỡ cảnh phù hợp

Tác phẩm văn học hiện hình dưới những con chữ, khung cảnh hay bất cứ hành động, biểu cảm nào của nhân vật cũng đều được mô tả thông qua những động tính từ, danh từ phù hợp. Điều mà người làm phim cần làm sau khi diễn giải tác phẩm, là xác định cỡ cảnh cho những cảnh quay đã được phân loại. 

Trong quay phim, có các loại cỡ cảnh chủ yếu là viễn - toàn - trung - cận- đặc tả. Mỗi loại hình cảnh khi gắn với tác phẩm văn học, sẽ chứa đựng một thông điệp riêng. 

- Viễn cảnh: Cảnh quay không gian rộng, con người có thể có hoặc không, đóng vai trò bao quát bối cảnh. Ví dụ, cảnh quay này có thể xuất hiện ở những đoạn cuối của phim, tiếp nối cảnh quay con người đang ra đi về miền viễn phương, bóng dáng trở nên nhỏ bé và mờ nhòa dần, cảnh được mở rộng để thấy cái mênh mông, hoang hoải của một mảnh đất vắng bóng người thân quen. 

- Toàn cảnh: Cỡ cảnh này xuất hiện thường xuyên, thể hiện mối quan hệ của con người với bối cảnh, con người thường được lấy toàn thân. Ví dụ, sau đêm Jack kéo lại Rose trên con tàu Titanic, sáng hôm sau, cảnh quay Rose và Jack gặp nhau được bắt đầu từ vị trí toàn cảnh để thấy được trang phục của hai nhân vật và bối cảnh dọc boong tàu.

Nomadland: Journey of a Modern-Day Nomad across the Landscape of the  American West | ArchDaily

Một cảnh toàn trong phim Nomadland

- Trung cảnh: Con người thường xuất hiện từ phần thắt lưng trở lên, chiếm tỉ lệ lớn hơn so với bối cảnh. Các hình ảnh trung cảnh thường được sử dụng theo bố cục trung tâm hoặc bố cục ⅓ nhằm đặc tả hành động, cảm xúc nhân vật được tốt nhất. Những cỡ cảnh này vô cùng phổ biến trong các tác phẩm điện ảnh chuyển thể nói riêng và trong các tác phẩm điện ảnh khác. 

- Cận cảnh: Đừng nên nhầm lẫn cận cảnh và đặc tả. Cận cảnh là kéo lùi khoảng cách của trung cảnh, lấy hình ảnh nhân vật từ ngực trở lên, nếu là trong thiên nhiên là lấy ở khoảng cách gần hơn vào những sự vật chính. Cận cảnh lấy nét rõ ràng hơn của nhân vật chính giống với kiểu portrait trong nhiếp ảnh. Ở khoảng cảnh này, các cảm xúc, rung động nhỏ nhất của nhân vật đều hiện ra rõ ràng, phù hợp với những mô tả nội tâm trong tác phẩm văn học. 

- Đặc tả: Các cảnh đặc tả chủ yếu tập trung vào những chi tiết cụ thể nhất định của con người hoặc đồ vật. Ví dụ, trong cảnh quay thiên nhiên, máy quay có thể di chuyển từ trung cảnh đến đặc tả vào một chiếc lá, một nhành hoa. 

Góc máy phù hợp

Góc máy là một yếu tố quan trọng, phối hợp cùng cỡ cảnh để góp phần hình thành nên ngôn ngữ điện ảnh của các tác phẩm chuyển thể.

Một số góc máy thường được khai thác trong khi quay phim như:

- Góc quay cao giúp nhìn toàn thể sự việc đang xảy ra. Ví dụ các cảnh quay về con tàu Titanic thường được lấy từ góc máy cao nhằm lột tả sự khổng lồ, tốc độ và sự đông đúc của những con người đã lên chuyến tàu đó.

- Góc quay thấp đối diện với góc quay cao, cũng có ý nghĩa để nhấn mạnh vào đặc điểm của chủ thể. Ví dụ trong các bộ phim siêu anh hùng, khi các anh hùng xuất hiện hoặc sau khi chiến đấu, góc quay thấp giúp hình ảnh anh hùng trở nên vĩ mãnh hơn, và sự sụp đổ của khung cảnh xung quanh để nhấn mạnh vào sự khốc liệt của cuộc chiến. 

- Góc quay trên không, phù hợp với cỡ cảnh viễn hoặc toàn, lột tả được rõ nhất bối cảnh xung quanh, mang lại những ấn tượng cần thiết. Ví dụ, góc máy trên không của một làng quê yên bình càng làm lột tả vẻ đẹp của nó, ngược lại, quay cao và rộng cho một cánh đồng cỏ cháy càng làm rõ cái tiêu điều, cô đơn, trống trải. Đó chính là cảm giác nghệ thuật mà nếu quay cận thì không thể nào tìm thấy được. 

Ngôn ngữ điện ảnh chuyển thể là ngôn ngữ của tác phẩm văn học, vì thế, yêu cầu đặt ra cho các nhà làm phim là phải tái hiện cái nghệ thuật ẩn giấu đấy vào từng khung cảnh. Nó phải là cái đẹp động đậy mà nhìn vào đó người ta thấy cái trầm lặng ngàn năm rừng già như Lặng yên dưới vực sâu, cái mênh mông lan tràn mùa nước lũ trong Mùa len trâu, cái thanh thuần từ một nhánh hoa vàng hiện ra khi Thiều thức tỉnh trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Vậy nên, yêu nghề thôi là chưa đủ, còn cần đến cả tài năng nữa. Không phải bạn muốn viết là sẽ viết được một tác phẩm giá trị, không phải bạn muốn quay là sẽ quay được một bộ phim hay, nó đòi hỏi kĩ thuật, sự tỉ mỉ và thấu hiểu. 

Hãy bắt đầu từ những gì cơ bản nhất, hãy học về những kỹ thuật của nhiếp ảnh, hãy tạo ra những bức ảnh giá trị, để từ đó bạn sẽ có tham vọng chiếm lĩnh đời sống bằng những khung ảnh động đậy và phát ra thanh âm. Để tiếp cận nhiếp ảnh chuyên nghiệp, bạn có thể tham khảo lớp học Thủ pháp thị giác trong nhiếp ảnh cùng nhiếp ảnh gia Việt Thanh để nắm bắt kỹ thuật chụp, xác định bối cảnh góc máy, nhận diện chủ thể và phân tích chủ thể để khai thác hình ảnh một cách tốt nhất.